Già hơn chồng – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Hè vừa rồi, anh đột nhiên rủ mấy mẹ con đi nghỉ vài ngày cùng cơ quan anh. Anh bảo, cứ vô tư mà đi, anh bao trọn gói. Đây đúng là một “sự kiện” đối với mẹ con chị, vì chị cũng không còn nhớ nổi lần cuối cả nhà đi chơi chung là khi nào. Thường thì chỉ có ba mẹ con đi với nhau cùng cơ quan chị…

Chuyện này làm chị tự dưng suy nghĩ nhiều. Các con đã lớn, chắc chẳng bao lâu nữa sẽ không còn muốn đi chung với cha mẹ mà chỉ thích đi với bạn bè, nên cần phải tranh thủ.

Chị cũng muốn cả nhà có dịp quây quần bên nhau, để mọi người xích lại gần nhau hơn. Lâu nay, hình như sự gắn kết giữa vợ chồng con cái đã trở nên rời rạc. Chẳng biết anh có nghĩ như chị không mà có đề nghị bất ngờ này.

 

 

Nhưng, đi với cơ quan anh, chị cũng thấy áp lực lắm. Ngày xưa còn trẻ trung, xinh đẹp thì vướng bận con cái, tiền bạc cũng chẳng rủng rỉnh nên cứ phải đắn đo. Giờ tuổi này, tuy đã có thể “hưởng thụ” đôi chút, nhưng nhìn lại, thấy mình xuống cấp nhiều quá, mà chồng thì phơi phới thế kia, đi chung tự nhiên thấy mất tự tin.

Nhiều lúc chị tự hỏi, không biết có ai như mình, cứ lăn tăn sợ bị… già hơn chồng? Trước đây, chị nào mảy may nghĩ chuyện sẽ có một ngày mình lại khốn khổ vì ý nghĩ này.

Anh chị bằng tuổi nhau nhưng trông anh “cứng” hơn nhiều, chắc là do sớm phải bươn chải. Cuộc sống của chị êm ả hơn, chỉ việc đi học rồi đi làm, lại trắng trẻo, xinh xắn nên trông chị trẻ hơn tuổi rất nhiều. Đến nỗi, từng có chàng nhỏ hơn đến vài tuổi cứ đòi… yêu chị. Vậy mà giờ “cục diện” đã đảo ngược mất rồi!

Chị than thở với cô bạn thân, bạn còn bức xúc hơn: “Em còn “oan ức” hơn chị nhiều. Chồng em lớn hơn cả sáu bảy tuổi mà có người hỏi em bộ lớn tuổi hơn chồng hay sao mà nhìn “cứng” vậy?”. Rồi cô ấy trấn an chị, vợ chồng bằng tuổi, được như chị là quý lắm rồi. Mà trông chị cũng có già hơn chồng đâu.

Nhiều người còn khen chị gọn gàng, duyên dáng, có “gu” ăn mặc trẻ trung, phù hợp. Chỉ là chị ít ra ngoài, ít giao tiếp nên hay ngại ngùng. Chị cứ đi cho thoải mái.

Đi mà xem lâu nay chồng mình “sống” thế nào… Chị thấy bạn nói cũng có lý, cứ ru rú ở nhà thì dễ bị chồng “qua mặt” lắm. Thế là chị quyết định và chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo, chẳng khác con dâu lần đầu ra mắt mẹ chồng.

Chuyến đi cũng chẳng đến nỗi căng thẳng như chị nghĩ. Lâu lắm rồi chị mới có dịp thư thả cùng chồng con tắm biển, cùng đi dạo ngắm phố xá, chọn mua những món đồ kỷ niệm xinh xinh.

Sáng sớm, cả nhà cùng thức dậy chạy bộ trên cát mịn, hít đầy lồng ngực không khí trong lành, mặn mà của gió biển. Chị thấy thật dễ chịu, tinh thần sảng khoái, không uổng công đã vượt qua bao đắn đo để tham gia chuyến đi này.

Có đi chị mới biết, chồng chị ra ngoài không hề kiệm lời, cũng chẳng cau có khó chịu như ở nhà. Anh thành một người vui nhộn, hơn hớn như trai độc thân chẳng vướng bận gì, trông trẻ trung lạ.

Chả thế mà có một cô làm chung cơ quan anh nhìn chị, hỏi: “Cô nhà anh đây hả?”. Anh ừ hử qua quýt rằng bà xã đấy, chị khó chịu nhưng cũng ráng lịch sự cười nhẹ, thầm trách người đâu mà vô duyên!

Chị quan sát, thấy các ông chồng khác cũng vui như… tết. Các bà tuy cũng cười nói nhưng đều có vẻ như chẳng thể toàn tâm toàn ý cho cuộc vui. Có lẽ, trong lòng người nào cũng có những bận tâm khác xen vào. Các bà vừa ăn, vừa xoay xở với những đứa con lớn bé.

Ngay như chị, con lớn đùng cũng phải nhìn ngó, dặn dò, nhắc nhở. Nhắc thằng nhỏ cái tật không ăn rau. La con gái lớn sợ mập không dám ăn, lại thiếu chất thì khổ…

Chưa hết, chị em còn phải canh me, rồi kín đáo nhắc chừng các ông chồng, sợ mấy chả ham vui uống nhiều mà hại sức khỏe. Chả nói đâu xa, trước mắt nếu quá chén, chắc chắn các đấng trượng phu lại lăn đùng ra “khò”, làm sao đưa vợ con thăm thú đó đây?

Trên đường về, ghé mấy điểm bán đồ đặc sản, trong khi các ông thảnh thơi ngồi cà phê, thuốc lá, tán dóc thì các bà xúm xít coi hàng, đắn đo suy tính xem nên mua gì, mua bao nhiêu mới đủ.

Đi đâu về cũng phải có chút quà cho người ở nhà. Lúc này, trên gương mặt chị em lại hằn lên nét ưu tư cố hữu. Đang chọn đồ, vô tình chị nghe được cuộc đối thoại của một cặp vợ chồng không còn trẻ:

– Cái anh gầy gầy, hát hay đó… Sao không đưa vợ đi mà lại đi với mẹ?

– Mẹ nào, vợ ổng đó chứ mẹ nào! Mắt bà sao vậy? – người chồng nói, rồi bỏ ra chỗ mấy ông chồng khác đang ngồi uống nước đợi vợ mua đồ. Cô con gái tuổi mới lớn của họ chợt lên tiếng:
– Mẹ cứ nói quá… Mẹ sợ người ta chê già hơn ba mà lại nói người khác như vậy.

– Ơ… Cái con này, thì thấy sao nói vậy chớ!

Chị tủm tỉm một mình. Hóa ra sợ già hơn chồng là nỗi lo không của riêng ai. Mà… cũng chính là do các bà cứ tự “săm soi” mình chứ ai vào đây? Sao không hiểu cho mình, hiểu cho người mà bớt đi những xét nét, cho nhau thanh thản hơn. Chỉ riêng chuyện sinh con cho chồng, các bà vợ đã hao mòn bao nhiêu sức khỏe.

Làm mẹ đã quá vất vả cực nhọc, còn phải cố gắng để làm một người vợ “đa năng”. Nào là vợ cũng như người bạn, người tình, rồi người em, người chị, người mẹ… của chồng, thì thật khó đủ sức mà làm tròn nhiều vai như thế. Nhưng, chị cũng như nhiều người phụ nữ khác đã phải gồng mình lên mà cố.

Áp lực nặng nề như thế, bảo sao không già hơn chồng. Chị thầm nhủ, sao mình không sớt bớt “gánh lo” sang vai chồng mà vui cho hết mình, mà cười cho roi rói, không vướng víu chút ưu tư nào như mấy ổng?

Lỡ trông có già hơn chồng đôi chút cũng đâu có gì phải lăn tăn cho… già thêm, bởi “vợ còn là một người chị, người mẹ” thì già hơn cũng… đúng thôi mà!

Tác giả : Hoài Thu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *