Làm việc tốt sẽ được đền đáp – Câu chuyện ý nghĩa nhân văn
Tg: (không thấy ghi tựa đề và tên tác giả)
Dịch từ tiếng Nga và đặt tựa đề:
Chu Thị Hồng Hạnh.
Khi đi ngang qua nhà xác, Kostya nghe thấy tiếng khóc vọng ra từ phía sau cánh cửa đóng kín. Anh gọi điện báo cảnh sát, nơi đó họ cười nhạo anh, nhưng sau đó họ đã không còn thấy chuyện đó buồn cười nữa…
Tối hôm đó, khi bị sa thải khỏi công việc, Kostya dành thời gian trong quán bar. Phía trước anh là những ngày buồn tẻ, phải thu thập giấy tờ, đăng ký thất nghiệp ở Trung tâm giới thiệu việc làm, rồi chen chúc trong hàng dài những người thất nghiệp giống như mình, đến mỗi hai tuần để điểm danh.
Kostya vẫn còn rất trẻ và không bao giờ nghĩ rằng số phận của mình lại rẽ sang hướng này. Từng có thời anh học rất giỏi ở trường, đến lớp 11 còn được trao danh hiệu “Học sinh giỏi của năm”. Anh quyết định thi vào khoa Vật lý của trường đại học, bởi anh mơ ước được làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Kostya trở thành sinh viên mà không gặp khó khăn gì, và suốt những năm tháng học đại học, anh luôn nhận học bổng xuất sắc. Nhưng khi tốt nghiệp, không có vị trí nào ở viện nghiên cứu dành cho anh.
Có lẽ nếu Kostya kiên trì và chủ động hơn… Nhưng khi đó, anh chàng trông như một “mọt sách” điển hình. Gầy gò, đeo cặp kính gọng sừng nặng nề, lại rất nhút nhát và rụt rè trong mọi chuyện, trừ những vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học.
Trong khi đó, việc đi làm với Kostya là điều cần thiết. Anh chỉ biết về cha mình qua những câu chuyện kể lại, ông đã qua đời từ lâu. Mẹ anh tái hôn, và trong gia đình mới, bà đang nuôi các con nhỏ, không thể hỗ trợ anh về tài chính. Thực tế, Kostya chỉ còn người bà nội. Anh sống với bà, tiền lương hưu của bà và học bổng của anh, hai bà cháu lo liệu mua thực phẩm và những thứ thiết yếu.
Cuối cùng, Kostya cũng tìm được việc làm giáo viên vật lý ở trường cấp ba. Ban đầu, hiệu trưởng rất vui mừng, vì giáo viên nam là điều hiếm thấy, mà môn vật lý lại đang thiếu người dạy nghiêm trọng. Một chuyên gia trẻ, tốt nghiệp đại học với bằng xuất sắc như Kostya là một niềm hy vọng. Nhưng rồi sự thất vọng nhanh chóng ập đến. Kostya rõ ràng không kiểm soát được lớp học. Trong giờ của anh, học sinh đánh nhau, đi lại khắp lớp, làm bài tập của các môn khác, thậm chí còn chạy ra quầy gần đó để mua kem. Không ai thèm nghe lời giải thích của thầy giáo trẻ.
Lúc này, phụ huynh của các học sinh cuối cấp, những người sắp phải thi tốt nghiệp môn vật lý, đã lên tiếng. Họ kéo đến gặp hiệu trưởng, yêu cầu thay Kostya bằng một giáo viên giàu kinh nghiệm hơn. Hiệu trưởng gọi Kostya đến, đề nghị anh viết đơn xin nghỉ việc.
Kostya không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi làm ở công trường xây dựng. Nhưng công việc đó cũng chẳng suôn sẻ. Nếu có thời gian để quen dần, có lẽ anh sẽ trụ được, nhưng các công nhân ở đó không hề ưu ái cho chàng “sinh viên”. Anh bị giao những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu nhất. Kostya cố gắng, bởi lẽ lương ở công trường cao hơn ở trường học, và anh cùng bà rất cần tiền.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu, bệnh tật kéo đến. Khi thì anh bị cảm nặng vì làm việc ngoài trời lạnh, khi thì bị đau lưng. Cuối cùng, quản đốc nói thẳng rằng một người yếu đuối như anh không phù hợp với công việc, không có gì cá nhân cả. Chính lúc ấy, Kostya rất buồn và quyết định đi uống rượu. Ở đại học, anh thậm chí không động đến bia, nhưng khi làm ở công trường, anh bắt đầu uống chút ít. Đôi khi, sau một ngày làm việc ngoài trời lạnh cóng, cách duy nhất để anh cảm thấy ấm lên là uống vài ly vodka sau giờ làm.
Lần này, anh quyết định uống say để quên đi tất cả, để không bị dằn vặt bởi ý nghĩ rằng mình là một kẻ vô dụng, chẳng cần thiết cho ai, ngoài bà của mình. Tuy nhiên, Kostya vẫn ý thức được rằng mình cần tự bước chân về nhà. Vì vậy, gần đến nửa đêm, khi người pha chế đề nghị rót thêm một ly, anh đã từ chối. Anh trả tiền, kéo cao cổ áo khoác bông và bước ra ngoài trời đêm lạnh giá.
Đó là vùng ngoại ô của thành phố. Xung quanh là rừng cây, mà đúng hơn là một công viên, vì nơi này có các con đường mòn và vào ban ngày người dân thường đến dạo chơi. Có vài biệt thự giàu có sau những hàng rào cao và một khu bệnh viện. Các tòa nhà bệnh viện nằm cách đó không xa, nhưng ngay cạnh con đường là một tòa nhà nhỏ của nhà xác.
Kostya chưa bao giờ tin vào mê tín, nhưng vẫn thoáng nghĩ: đây hẳn là nơi cuối cùng anh muốn làm việc. Không phải vì ở đó có người chết, mà là vì những nỗi đau khổ của con người mà anh chắc chắn sẽ phải đối mặt. Mỗi người đã khuất đều là người thân yêu, quý giá của ai đó. Chính Kostya đôi khi cũng sợ hãi khi nghĩ đến ngày anh phải tiễn biệt bà mình, và tự hỏi mình sẽ vượt qua điều đó ra sao.
Khi đi ngang qua nhà xác, Kostya bất ngờ nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ sơ sinh. Ban đầu anh nghĩ mình nghe nhầm. Có lẽ chỉ là ảo giác thính giác. Nhưng anh vẫn tiến lại gần tòa nhà một tầng u ám. Cánh cửa bị khóa, và qua những ô cửa sổ bẩn, bị chấn song che khuất, anh không nhìn thấy gì bên trong.
Nhưng rồi tiếng khóc lại vang lên, lần này còn rõ hơn. Kostya áp tai vào cánh cửa. Không còn nghi ngờ gì nữa, bên trong có tiếng khóc của một đứa trẻ. Anh đã nghĩ rằng có thể một nhân viên nhà xác, có lẽ là một phụ nữ, không có ai trông con nên đã mang đứa bé theo. Nhưng chiếc khóa trên cửa…
Sau đó, anh dường như nghe thấy một tiếng thều thào yếu ớt: “Cứu tôi!”.
Không chần chừ thêm, Kostya lấy điện thoại ra và gọi cảnh sát. Một giọng nói máy móc cảnh báo rằng cuộc gọi sẽ được ghi âm. Sau đó, một giọng trẻ trung trả lời. Kostya có cảm giác rằng người trực ban đang ngủ gật và bị anh làm gián đoạn.
— Ở đâu? Trong nhà xác có tiếng trẻ con khóc? Anh có chắc không?
— Đúng vậy… Cánh cửa bị khóa, nhưng bên trong chắc chắn có ai đó, tôi tin chắc mà, Kostya khẳng định.
— Thế còn anh, tại sao anh lại ở đó? Đã gần một giờ sáng rồi…
— Hiểu không? tôi vừa từ quán bar về…
Đầu dây bên kia ngắt máy. Kostya tự mắng mình thành tiếng. Sao lại phải nói về quán bar cơ chứ! Y như trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” của Mikhail Bulgakov.
“Cảnh sát? Đồng chí trực ban, xin điều động ngay năm xe mô tô gắn súng máy để bắt giữ tên cố vấn nước ngoài. Gì cơ? Đón tôi luôn, tôi sẽ đi cùng các anh… Đây là nhà thơ Bezdomny từ bệnh viện tâm thần…”
Kostya nhớ trích đoạn đó như in trong đầu.
Trong khi đó, tiếng khóc của đứa trẻ ngày càng yếu dần, và chính điều này đã khiến Kostya gọi lại lần thứ hai. Lần này, người trực ban ở đầu dây bên kia không còn lịch sự nữa. Anh ta không ngại ngần nói thẳng rằng Kostya đã “thấy ảo giác do rượu”, khuyên anh nên về nhà ngủ một giấc rồi sau đó tìm cách cai rượu.
Kostya nhận ra rằng không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của cảnh sát. Anh bật đèn pin trên điện thoại, bắt đầu cuống cuồng tìm kiếm thứ gì đó để tự mình mở cánh cửa bị khóa. Cuối cùng, trong bụi cây, anh thấy một thanh sắt giống như xà beng.
Những kỹ năng lao động ít ỏi anh học được ở công trường lần này thực sự phát huy tác dụng! Kostya bắt đầu phá khóa. Có lúc anh rơi vào tuyệt vọng, chắc chắn rằng mình không thể làm được, nhưng rồi tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ lại khiến anh cảm thấy có thêm sức mạnh, và anh tiếp tục dồn lực vào thanh sắt.
Cuối cùng, với nỗ lực to lớn, cánh cửa cũng chịu mở ra và kêu cọt kẹt. Kostya lao vào trong. Ánh sáng từ đèn pin quét khắp căn phòng tối tăm, trống rỗng.
Gần cánh cửa, trên sàn, anh thấy một người phụ nữ trẻ trong chiếc áo sơ mi đẫm máu. Khuôn mặt cô trắng bệch, mái tóc dài xõa xuống. Dưới những lọn tóc ấy, có gì đó đang cử động… Một bàn tay bé xíu lóe lên. Kostya nhận ra rằng người phụ nữ đã quấn đứa trẻ sơ sinh trong mái tóc của mình và ôm chặt vào người, cố gắng giữ ấm cho nó.
Kostya kéo khóa áo khoác, cởi chiếc áo len qua đầu. Anh quấn đứa bé vào áo len, còn chiếc áo khoác thì choàng lên vai người phụ nữ. Sau đó, anh hỏi:
— Chuyện gì đã xảy ra?
Anh sợ nhất là có một tội ác nào đó đã xảy ra.
Người phụ nữ khó nhọc trả lời. Cô quá lạnh và kiệt sức vì mất máu.
— Chúng tôi phải vào bệnh viện, cô thì thầm yếu ớt.
— Tất nhiên… tất nhiên… Tôi sẽ đưa cô đi ngay. Nhưng để tôi báo rằng cô đang ở đây, nếu không họ sẽ lại không tin tôi rằng trong nhà xác có người sống. Họ sẽ lại nghĩ tôi say rượu. Cô tên là gì?
— Oksana, đôi môi tái nhợt của cô khẽ thốt lên.
Kostya đỡ Oksana đứng dậy, giúp cô ngồi xuống chiếc ghế dài gần đó. Cô ôm chặt đứa bé vào lòng.
— Cô ngồi đây nhé, Kostya nói, — Tôi sẽ đến bệnh viện ngay bây giờ.
Ban đầu, Kostya định gọi xe cấp cứu, nhưng sau đó anh nhận ra rằng bệnh viện ở ngay gần đó. Chạy tới sẽ nhanh hơn so với việc mất thời gian nói chuyện qua điện thoại.
Kostya lao mình về phía khu bệnh viện. Lúc đầu, anh định tìm khu nhà của khoa sản, nhưng ngay gần đó là trạm xe cấp cứu. Anh liền chạy thẳng tới đó.
Mở tung cánh cửa, Kostya thở hổn hển:
— Giúp tôi với! Ở ngay gần đây, có một người phụ nữ… Cô ấy vừa sinh con xong, đang bị lạnh cóng cùng với đứa trẻ. Chỉ mất vài giây đi xe thôi! Cần có cáng. Tôi sẽ giúp các anh…
Thật không may, việc xuất phát ngay lập tức cũng không thể thực hiện được. Đầu tiên, họ hỏi Kostya một số câu hỏi, rồi thêm vài phút nữa để chờ đội ngũ gần nhất trở về sau ca cấp cứu.
Kostya không thể chịu nổi nữa:
— Đưa cho tôi cái gì đó ấm, một chiếc chăn nào đấy. Tôi sẽ quay lại đó. Các anh cứ lái xe đến nhà xác… đến cửa vào…
Chẳng bao lâu sau, Oksana đã nằm trên cáng, được quấn trong một chiếc chăn, trong khi nữ nhân viên y tế gọi điện cho cảnh sát. Tại khoa sản, khi nhìn thấy người phụ nữ, mọi người đều sững sờ. Cảnh sát đến ngay sau đó. Kostya không được về nhà ngay mà phải ở lại để cung cấp lời khai.
Dần dần, toàn bộ câu chuyện được làm sáng tỏ. Oksana sinh non, sớm hơn dự kiến. Ban đầu, cô dự định sinh con ở khu dịch vụ cao cấp, có sự hiện diện của chồng. Theo kế hoạch, cô sẽ sinh sau khoảng hai tuần nữa.
Tuy nhiên, trong thành phố, giống như mọi nơi khác, dịch bệnh theo mùa khiến số lượng nhân viên y tế và xe cấp cứu thiếu hụt nghiêm trọng. Kết quả là, xe cấp cứu chỉ đến sau vài giờ. Khi đó, Oksana đã bị xuất huyết nghiêm trọng và nghĩ rằng mình sắp chết. Khi cô được đưa đến khoa sản, cô đã bất tỉnh, mạch đập yếu ớt. Một nữ bác sĩ trẻ thậm chí còn không đo được mạch của cô và cũng không nghe thấy nhịp tim của đứa trẻ.
Cô bác sĩ kết luận rằng Oksana đã tử vong, cố gắng thực hiện một vài biện pháp hồi sức cơ bản nhưng không thành công. Sau đó, cô tuyên bố người phụ nữ đã chết và đưa “thi thể” đến nhà xác, nơi giờ làm việc gần như đã kết thúc, và quyết định sẽ xử lý người phụ nữ này vào ngày hôm sau, để cô nằm trên chiếc giường ở hành lang.
Nhưng tự nhiên đã thắng thế. Trong bức tường của “ngôi nhà của cái chết”, Oksana tỉnh lại. Cô sinh con, và vì không biết cách giữ ấm cho đứa trẻ, cô quấn bé trong những lọn tóc dài của mình. Cô cố gọi người đến giúp, nhưng sức lực quá yếu. Cô liên tục rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Nếu không có tiếng khóc to và dai dẳng của đứa trẻ, nếu Kostya không tình cờ đi ngang qua vào lúc đó…
— Đúng là… một cảnh sát trẻ nói, — Rõ ràng lần này Rômanov sẽ gặp rắc rối lớn… Ý tôi là người trực hôm nay. Các cuộc trò chuyện đều được ghi âm lại mà. Nếu cậu nghe theo lời anh ta, quay về nhà, chắc chắn người phụ nữ đã không qua khỏi.
Nhưng người hoảng loạn hơn cả chính là nữ bác sĩ trẻ, người vài giờ trước đó đã tuyên bố Oksana tử vong. Cô bật khóc nức nở, và không loại thuốc an thần nào có thể khiến cô ngừng khóc.
Chuyện được tiếp tục xử lý bởi một bà đỡ có kinh nghiệm:
— Điều đầu tiên cần làm là gọi cho cha của đứa bé. Anh ấy đã được báo ngay sau khi… Hy vọng tim anh ấy đủ khỏe, vì phải chịu đựng quá nhiều tin tức như vậy trong một đêm.
— Mà, đứa bé là trai hay gái? bỗng Kostya hỏi. — Lúc đó tôi không nghĩ đến, nhưng bây giờ thì tò mò. Bé gái hay bé trai?
— Bé trai, bà đỡ trả lời vọng ra từ cuối hành lang.
Kostya chỉ trở về nhà khi trời hửng sáng. Bà nội của anh không đi ngủ, vẫn thức chờ anh. Bà đã đun nước sôi, và cả hai ngồi lại rất lâu để bàn luận về câu chuyện vừa xảy ra.
Sau một đêm không ngủ, Kostya chỉ muốn nghỉ ngơi thật lâu và nghĩ rằng sẽ không ai làm phiền mình. Nhưng đến giữa trưa, chuông cửa vang lên. Bà nội ra mở cửa, rồi vài phút sau bà nghiêng người về phía cháu trai:
— Kostya, có người muốn gặp cháu…
— Gì thế? Ai vậy? — chàng trai uể oải hỏi, không hề muốn bị gián đoạn giấc ngủ ngọt ngào.
— Ra ngoài đi, bà nói nghiêm khắc. — Là việc quan trọng đấy!
Trong hành lang, một người đàn ông lạ mặt bước tới ôm chặt Kostya, siết anh vào lòng.
— Cảm ơn, người đàn ông khẽ nói, — Vì vợ con tôi, vì Ksyusha của tôi… Tôi nợ cậu suốt đời này.
Người đàn ông không ở lại lâu, anh ta vội trở lại bệnh viện để chăm sóc vợ. Sau đó, Kostya và bà nội phát hiện một túi lớn đặt trước cửa nhà, bên trong có sâm-panh và nhiều món ngon.
Kostya và bà nội nghĩ rằng chuyện đã kết thúc ở đó. Nhưng một tuần sau, Kostya nhận được cuộc gọi từ một số lạ.
— Tôi là Sergey, người gọi tự giới thiệu, — Chồng của Oksana. Xin lỗi vì tôi đã tự ý hành động. Tôi tìm hiểu và có được số của cậu… Kostya, tôi muốn đề nghị một công việc. Cậu nghĩ sao về việc làm Giám đốc Trạm Kỹ thuật dành cho Thanh thiếu niên? Ở đó có nhiều câu lạc bộ, chủ yếu là về kỹ thuật. Các học sinh rất nghiêm túc, trong số đó có nhiều tài năng, những “ngôi sao” cần được nuôi dưỡng. Trước đây, giám đốc là một người lớn tuổi, nhưng bà ấy đã nghỉ hưu. Anh trai tôi là người đứng đầu Phòng Giáo dục và tôi đã đề nghị ông ấy về cậu. Ông ấy đang chờ… Mức lương…
Sergey đưa ra con số khiến Kostya ngồi phịch xuống ghế.
— Và còn nữa, Sergey tiếp tục, — Mùa xuân này, khi chúng tôi làm lễ rửa tội cho Dimka, tôi và Oksana muốn mời cậu làm cha đỡ đầu. Cậu sẽ không từ chối chứ?
Kostya chỉ biết gật đầu. Sau đó, anh nhận ra Sergey không thể nhìn thấy mình, liền nhỏ nhẹ trả lời:
— Tôi sẽ không từ chối.
C.T.H.H