Người cũ – Câu chuyện thú vị ý nghĩa sâu sắc

Tôi trang điểm xong và sửa soạn thay váy áo chỉnh tề mà lòng vừa rộn ràng vừa hồi hộp.
Chốc nữa ra mắt cố nhân sau 50 năm bặt tin xa vắng. Anh có nhận ra cô gái xinh xinh tuổi hai mươi ngày xưa anh từng tương tư và thề nguyền sẽ cưới làm vợ không nhỉ?

Còn anh ấy, tôi không quên mái tóc bồng bềnh của chàng sĩ quan Hải quân mỗi lần anh về phép thăm tôi và tôi từng mơ là thi sĩ để dệt những vần thơ trên tóc anh.

Bây giờ tôi đã 70 và anh 75 tuổi đời rồi.

Tôi và Nguyện yêu nhau được một năm, vào lúc cuộc chiến khốc liệt mùa hè đỏ lửa 1972 anh bỏ dở học hành vào đời lính biển. Tình yêu càng xa cách càng nhiều nhớ thương chất ngất, tôi và Nguyện luôn khao khát chờ mong một ngày nào đó hai đứa sẽ nên duyên chồng vợ.

Nhưng biến cố năm 1975 chúng tôi chia lìa nhau, mất nhau không một tin tức nào của nhau cả.

Bao nhiêu năm qua chuyện tình xưa và hình ảnh Nguyện chỉ còn là kỷ niệm đẹp, rất đẹp để đôi lần có dịp nghĩ lại tôi thấy thương nhớ và nuối tiếc bâng khuâng.
Bỗng tuần trước tình cờ trên Facebook Nguyện liên lạc với tôi.

Thế là kỷ niệm sống dậy cứ như tôi vẫn là cô gái tuổi hai mươi ngày ấy.
Cả hai cùng vui mừng thăm hỏi nhau. Nguyện sau cuộc hôn nhân dài đổ vỡ hiện sống một mình, còn tôi cũng một mình vì chồng tôi đã qua đời vài năm nay.

Hai chúng tôi ở cùng tiểu bang, ở hai thành phố lân cận nhau, cách 2 giờ lái xe.
Nguyện đã mời tôi một buổi tái ngộ để anh được trực tiếp giải bày xin lỗi và hàn huyên thăm hỏi nhau nhiều hơn.
Để thuận tiện cho tôi điểm hẹn sẽ là một nhà hàng trong thành phố của tôi và anh sẽ lái xe đến. Anh chọn nhà hàng Tao Ngộ vừa có ý nghĩa vừa nổi tiếng thức ăn ngon.

Tôi sẽ đến trước giờ hẹn nửa tiếng vì háo hức và tò mò muốn trộm nhìn anh xem dung nhan ấy bây giờ ra sao (như trong một bài hát) và tôi sẽ có thì giờ sửa soạn điệu đàng vào gặp anh sau. Thật là thú vị.

Đến khu parking nhà hàng Tao Ngộ tôi lượn xe chầm chậm tìm chỗ đậu vì chiều cuối tuần nhà hàng đông khách đông xe.
Tuổi về già từ lâu tôi đã biết điều luôn tìm chỗ đậu xa, vắng vẻ để dễ vào lane khỏi đụng chạm đến ai. May quá có một chỗ trống tôi cố lái xe len vào thế mà vẫn xuýt đụng xe bên cạnh may mà tôi thắng kịp. Tức thì một ông đầu hói từ trong xe hung hăng bước ra thô lỗ quát to:
– Này, này… Không có mắt à? Mắt mũi để trên trời à?!

Nói xong ông đóng cửa xe cái “rầm” bày tỏ sự tức giận và vội vã bước đi, tôi ngượng ngùng vì chưa kịp nói lời xin lỗi chỉ biết nhìn theo bóng dáng to kềnh của ông với chiếc áo khoác màu da bò đang hối hả bước vào nhà hàng.

Tôi bước ra khỏi xe nhìn lại chỗ đậu của mình thấy rõ ràng xe đậu lệch méo mó lấn sang lane xe bên cạnh, thật đáng đời nghe ông kia quát mắng, may mà chưa đụng làm trầy da tróc vẩy chiếc xe, chắc ông sẽ nắm áo đòi bồi thường, vừa phiền phức vừa mất thì giờ.

Tôi đi vào nhà hàng, hi vọng đừng đụng mặt ông ta lần nữa, mất hứng cho giây phút hẹn hò của tôi với cố nhân.
Tôi thong thả từng bước vào nhà hàng và kín đáo tìm chỗ khuất để Nguyện khó có thể nhận ra tôi.

Theo ước hẹn của nhau là Nguyện và tôi đều mặc áo màu trắng, màu áo lính Hải quân của chàng và màu áo học trò của tôi để cả hai cùng nhớ về một thời tình yêu trong trắng.
Nguyện sẽ đến nhà hàng trước đặt bàn và ngồi chờ tôi trên bàn có sẵn một bình hoa hồng đỏ.

Tôi đứng nép một góc cửa phía xa nhìn vào trong nhà hàng và sững sờ khi thấy người đàn ông áo trắng đầu hói đeo kính đen bệ vệ ngồi một mình bên cạnh bình hoa hồng đỏ.
Hoa hồng thì đẹp và nên thơ nhưng chàng thì như một tay xã hội đen đang ngồi… rình mồi để trả thù ân oán giang hồ chứ không phải kẻ đang đợi người tình xưa.

Nếu ông to béo màu mỡ này là Nguyện.
Chàng Hải quân vóc dáng chuẩn hào hùng thanh nhã ngày xưa của tôi đâu?

Ngày xưa mỗi lần chúng tôi sánh vai dạo phố thế nào mấy cô thiếu nữ cũng có kẻ phải quay đầu lại để suýt soa chàng Hải quân đẹp trai quyến rũ làm cho tôi tự hào biết bao.
Và mái tóc bồng bềnh nếm bao nhiêu mùi vị biển mặn nắng gió phương xa của chàng Hải quân lãng tử đâu?

Tôi an ủi mình cũng già đi, cũng thay đổi, toàn đồ giả trên người thì đòi hỏi chi nữa, nên lại hân hoan và khoan thai bước vào nhà hàng, đứng trước mặt người đàn ông áo trắng đeo kính đen tôi nhỏ nhẹ cất tiếng:
– Có phải là anh Nguyện không?

Ông ta nhìn tôi hồi lâu mới từ từ… tháo kính đen ra. Chắc đôi mắt láo liên của chàng sau màn kính đã tha hồ săm soi lướt nhìn tôi từ đầu đến chân để đánh giá tôi rồi, chàng có phát hiện ra mái tóc giả của tôi không?
Phấn son che giấu những vết nhăn vết nám trên gương mặt tôi không?
Chiếc ví xách tay hàng hiệu đẹp sang cũng là hàng giả hàng nhái chàng có biết không?

Ôi trời ôi, còn tôi đã nhận ra ngay bản mặt của lão hói đầu lúc nãy mắng tôi sa sả chỗ bãi đậu xe, không lầm lẫn vào đâu được vì tôi đã thấy chiếc áo khoác màu da bò lão ta vắt trên thành ghế bên cạnh.
– Xin lỗi, chắc… tôi lầm.

Tôi lắp bắp nói xong định quay đi thì chàng gọi lại:
– Anh là Nguyện đây mà.

Tôi thẫn thờ ngồi xuống ghế vì đã qua cơn choáng, đã tỉnh trí ra, Nguyện chứ còn ai vào đây, dấu hiệu mặc áo trắng, bàn có bình hoa hồng rành rành ra kìa. Chỉ tại chàng đeo thêm đôi kính đen mà thôi. Bồi bàn đến, chúng tôi gọi món ăn và bắt đầu nói chuyện.

Bây giờ đối diện tôi nhìn Nguyện kỹ hơn, nét đẹp trai hiền lành tao nhã ngày xưa đã thay thế bằng nét cau có đăm đăm của một ông già khó tính.

Có nhà nhân chủng học nào, nhà tâm lý nào nghiên cứu giùm tôi tại sao thời gian lại có tài biến đổi lạ lùng đến thế không!

Chàng không hề nhận ra tôi mụ đàn bà vô duyên xớn xác đậu xe không nên thân vì lúc ấy tôi còn ngồi trong xe.

Biến cố 1975 chàng đã lên tàu ra khơi và sau đó không thể liên lạc được với tôi nữa.
Đường đời chúng tôi hai ngã rẽ. Tôi không trách móc gì chàng, bao số phận con người đã chìm trong bể dâu cuộc đời nào chỉ hai chúng tôi.

Nguyện kể công:
– Anh đã đến sớm nửa tiếng trước giờ hẹn để chọn bàn chọn chỗ ngồi cho buổi tái ngộ này. Tất cả chỉ vì em.

Tôi cảm động quá, chàng cũng như tôi đều đến sớm vì nao nức chờ mong và tôi tha thứ cho chàng tội thô lỗ “mắng” tôi lúc nãy, chàng không biết đó là tôi và vì chàng đang vội vào nhà hàng.
Ăn uống và chuyện trò xong gần 2 tiếng đồng hồ, bồi bàn mang đồ tráng miệng ra cùng một cái dĩa có tờ bill tính tiền. Chàng cầm lên xem và bất mãn kêu lên:
– Trời! Chỉ có hai người mà những 160 đồng kể cả tiền tip. Nhà hàng này chém ngọt thật.

– Chắc họ tính tiền cả bình hoa hồng nữa anh ạ.

Chàng xót xa lẩm bẩm:
– Chúng ta có ăn bình hoa hồng này đâu, chưng bày xong lát nữa họ lại cất vào mà.

Tôi ái ngại giùm chàng, chẳng lẽ tôi móc bóp trả tiền làm mất mặt chàng quá nên đành im lặng để cho chàng thể hiện sự ga lăng như trước kia chàng đã từng ga lăng mỗi lần về phép là mỗi lần tôi đều có quà tặng hậu hĩ.
Nhưng chàng đã tiếp làm tôi giật cả mình:
– Anh và em chia hai, mỗi người trả một nửa 80 đồng.

Tôi còn đang bàng hoàng chàng thản nhiên giải thích:
– Anh đến Mỹ 1975 sống quen kiểu Mỹ từ lâu rồi.
Mời đi ăn chung nhưng phần ai nấy trả.

Tôi lấy lại bình tĩnh:
– Em cũng đến Mỹ 1975 em hiểu mà.
Tôi mở bóp lấy ra 80 đồng để trên bàn cạnh 80 đồng của chàng: Thôi tạm biệt anh. Cám ơn anh một buổi chiều tái ngộ.
Tôi đứng lên và bước ra khỏi nhà hàng, chàng cũng vội bước theo tôi, tôi bước nhanh chàng tuy to béo cũng cố bước nhanh và hụt hơi gọi vì thấm mệt:
– Này, em… này… em…

Tôi khựng bước lại, hay là chàng hối hận đã bắt tôi hùn trả tiền ăn và muốn nói điều tình cảm gì đó trước khi chia tay cho tôi đẹp lòng?
Chàng đã bắt kịp tôi vừa thở vừa nói:
– Này em, nãy giờ mình nói chuyện đủ thứ mà anh quên chưa hỏi em một điều quan trọng…

Tôi chờ đợi:
– Vâng, anh cứ hỏi.

Chàng khẩn khoản:
– Anh muốn biết tiền hưu trí mỗi tháng em lãnh bao nhiêu có tương đương với anh không?
Để khi chúng ta quyết định nối lại tình xưa về sống chung bên nhau không ai phải thiệt thòi. Thế thôi.

Tôi nhìn thẳng vào cố nhân, người đã từng làm tôi thổn thức tiếc thương và trả lời dứt khoát không còn thương tiếc gì nữa:
– Chúng ta tái ngộ tâm sự chuyện 50 năm qua chứ em chưa hứa hẹn sẽ về sống chung với anh và sẽ không bao giờ đâu. Anh khỏi phải tính toán trước cho mất công.

Nguyện thất vọng, mặt trở nên lạnh tanh và ngạc nhiên thấy tôi vẫn đi cùng hướng, ra tới chỗ đậu xe chàng mới hiểu khi tôi mở cửa xe chui vào. Tôi nói:
– Em “de” xe nếu đụng xe anh, anh đừng nổi cáu mắng em đồ không có mắt nhé.
Trong khi tôi đang toát mồ hôi nhích từng chút một, quẹo tới quẹo lui cho cái đuôi xe méo lệch ra khỏi lane tôi còn nghe giọng anh ta thô lỗ vang lên y như lúc nãy:
– Thế mà làm người ta mất thì giờ đến đây, lái xe cả đi lẫn về 4 tiếng đồng hồ và tốn hết nửa bình xăng!

NGƯỜI CŨ
Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Dương
Tháng 8-2022

Bài & ảnh sưu tầm

Bài viết khác

Có ρhúc có ρhần, hãγ cứ chăm sóc chα mẹ chu đάo tất sẽ được hưởng ρhúc ρhần về sαu

Bà cụ nhà mình đã một trăm linh Ьα tuổi. Từ năm 2012 đến giờ, Ьà cụ đαu ốm triền miên. Mình ρhải ngủ cùng để trông nom cụ gần mười năm nαγ. Nhiều khi mình đùα ông xã: “Em đi lấγ mẹ chồng chứ không ρhải đi lấγ chồng αnh nhỉ”. Hi hi Ảnh […]

“Mối tình không tuổi tác, không Ьiên giới” ᵭã lấy ᵭi nước mắt củα Ьαo người – Câu chuyện nhân văn

Hơn một năm tɾước, “mối tình không tuổi tác – không Ьiên giới” củα nàng Lê Mαi Dạ Thảo; người ρhụ nữ nghèo ở Eα H’Leo, Đăk Lăk nổi sóng dư luận với chuyện tình ᵭầy sóng gió cùng Dαvid John RoЬeɾt, một công chức người Cαnαdα nghỉ hưu ở Nhα Tɾαng. Họ quen nhαu […]

Hãγ sống có giá trị với cuộc đời ! Còn nếu không thể để ai đó dựa vào được thì hãγ để họ tìm bờ vai xứng đáng…

Phần quan trọng nhất của cơ thể ! Lúc tôi còn nhỏ, Ba tôi đã ra một câu đố: “Con γêu, ρhần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?” Khi đó, tôi Ьắt đầu học vẽ, tôi đã nói với Ba rằng, đôi mắt giúρ con người nhìn ra mầu sắc cuộc […]