Tôi không xứng làm một người mẹ kỳ 2
*** ( Chuyện khó tin nhưng có thật) – Kỳ cuối***
Kính thưa quý tòa soạn!
Tôi đã tưởng rằng, tôi sẽ quên ngay câu chuyện ấy và thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy khung cảnh cả hai gia đình sản phụ đang quây quần bên đứa bé mới sinh với những gương mặt hân hoan ngập tràn niềm hạnh phúc mãn nguyện của những kẻ “cầu được ước thấy”.
Tôi đã tưởng rằng, khung cảnh đó sẽ làm yên lòng tôi, sẽ không mang lại cho tôi những cú giật mình thảng thốt lúc nửa đêm, hay những lần gặp ác mộng toát mồ hôi lạnh tôi phải bật ngồi dậy giữa đêm hôm khuya khoắt…. Tôi bắt đầu thấy sợ, thấy ăn năn hối lỗi.
Thế rồi, một thời gian sau đó, tôi lén tìm về nơi ở của sản phụ kia, và lần theo cuộc sống của họ để biết được cháu ruột của mình có một cuộc sống như thế nào. Nhưng vì bất cẩn, tôi đã đánh mất hoặc không nhớ địa chỉ cụ thể của người sản phụ kia nữa.
Tôi trở về lục lại hồ sơ sản phụ, lần theo địa chỉ khai trong hồ sơ đẻ và cố đi tìm bằng được gia đình của sản phụ. Tôi muốn mình tận mắt nhìn thấy cháu đang được chăm sóc và nuôi dưỡng trong hoàn cảnh nào. Tôi cầu mong cháu cũng sẽ có một số phận tốt như bé trai tôi tráo cho chị gái tôi để tôi đỡ ân hận.
Nhưng, ông trời nào có chiều lòng người. Điều làm cho tôi buồn hơn hết là gia cảnh của sản phụ bị tôi đánh tráo mất đứa con trai lại khá nghèo, vất vả. Cả hai vợ chồng đều là người ít học, làm thuê lam lũ đầu tắt mặt tối. Khi tôi tìm đến đúng địa chỉ ghi trong hồ sơ đẻ của gia đình sản phụ ấy thì hàng xóm bảo với tôi, vợ chồng họ đã bán nhà chuyển đi ra nơi khác sinh sống, nghe nói là ở phía bãi bồi ven sông.
Tôi tìm đến khu nhà lao động mới. Phần lớn dân ở đây tứ xứ đổ về, họ làm nhà trên những mảnh đất nhảy dù chưa có giấy tờ, gọi là đất xen kẹt. Người liều mạng thì cứ làm nhà lên đất xen kẹt ấy để chiếm dụng được mảnh đất rộng rãi hơn, mà theo hy vọng của họ thì thể nào rồi Nhà nước cũng cho làm giấy tờ.
Tôi hỏi hàng xóm về nhà của sản phụ mà tôi đã đánh tráo con. Họ lắc đầu bảo chắc là ở trong khu này cả thôi mà họ không rõ cụ thể vị trí nhà. Họ chỉ tay cho tôi một bé gái trong đám trẻ con lố nhố đứng chơi một mình bảo rằng, đứa con gái của nhà ấy đấy. Hai thằng anh đi học, bố mẹ đi làm thuê, nó chơi một mình tha thẩn với đám bạn trong xóm. Trẻ con chưa đến tuổi đi học trong khu này tụ tập chơi ở đấy tất, dắt nhau, tự trông nhau, lay lắt quanh xóm chờ mẹ về.
Tôi hoa cả mắt, chóng cả mặt, cố nhìn xem trong đám trẻ con lít nhít, tóc vàng khẹt xác xơ vì bêu nắng, bụng thì to thô lố đầy giun, mặt lem nhem, mũi dãi thò lò, đang nhìn tôi chăm chắm đâu là cháu gái ruột của tôi, đã vì tôi mà lạc bước đến nơi này. Tôi nhìn những bé gái không mặc quần, bụng tròn căng đứng mút ngón tay ngơ ngác nhìn người lạ mà hoang mang tột độ. Tôi không đủ bình tĩnh và can đảm để lại gần cháu gái tôi nữa. Tôi vội vã ra về và đi như chạy trốn.
Cháu gái tôi lớn lên trong một gia cảnh như thế này thú thật tôi chẳng cầm lòng. Trong tôi quặn lên nỗi ân hận xót xa… Cháu tôi sẽ lớn lên ra sao, sẽ có một cuộc đời như thế nào trong một gia đình thành phần như thế kia. Thực sự tôi rất sốc… Tôi đã cố xua đuổi hình ảnh về bé gái cởi truồng giương mắt nhìn tôi với đầy vẻ oán trách.
Cuộc sống của chị tôi đã thay đổi và ổn hơn rất nhiều kể từ ngày có đứa con trai. Cả nhà quây quần cưng chiều đứa bé vô cùng, cứ như thể ông con trai là ông hoàng trong gia tộc vậy. Chị tôi cũng dần khỏe lại, tinh thần được giải tỏa, mọi căng thẳng đều tan biến hết.
Với 5 đứa trẻ, chị gần như ngoài việc dạy học ở trường, hết giờ là về nhà chăm sóc cho lũ trẻ, dành hết thời gian cho chúng mà không tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào. Ông bà nội cũng phụ chị tôi chăm các cháu. Ông làm nhiệm vụ đưa đón các cháu lớn đi học, còn bà thì cả ngày ôm lấy thằng cu con chăm sóc, cưng nựng, chiều chuộng như cục vàng. Chồng chị gái tôi cũng vui vẻ hơn nhiều sau khi chị sinh được con trai.
Cả nhà không một ai hay biết rằng, đứa cháu trai mà cả nhà đang cưng như một hoàng tử đó không phải là giọt máu cùng huyết thống của họ. Tôi đã đau đớn, đã sợ hãi, đã hoảng loạn khi càng ngày càng nhận ra sai lầm kinh khủng của mình.
Mọi chuyện rồi cũng trôi đi theo thời gian. Tôi lấy chồng, sinh con…. và mang theo nỗi ám ảnh với sai lầm trong quá khứ. Tôi cố gắng để quên đi, cố gắng không nghĩ ngợi, cố gắng để bình tâm lại và học cách chấp nhận mọi chuyện như một sự đã rồi, mà không còn nguy cơ cứu vãn…
Nhưng khi tôi có con, tôi nhìn vào gương mặt trong veo của con tôi, tôi đã khóc vì quá sợ hãi chính bản thân mình. Nếu con tôi vì một lí do nào đó, lạc khỏi mẹ, bơ vơ ở đâu đó, nổi trôi ở đâu đó trong cuộc sống này, thì tôi sẽ ra sao…
Tôi không dám nghĩ thêm nhiều… Tôi cũng ít tới thăm chị tôi. Tôi rơi vào trầm cảm. Tôi không thể thoát ra khỏi chính bản thân mình được. Tôi luôn nhớ về việc tôi đã đánh tráo hai đứa trẻ. Tôi nhớ đến cảnh cháu gái tôi lê la ở xóm liều của thành phố… Tôi thấy đau rát cả ngực.
Thế rồi, phải đến chục năm sau, tôi lại quay về chỗ cũ nơi xóm liều để tìm cháu gái tôi bởi không chịu nổi những dằn vặt. Giá như cháu gái ruột của tôi khi bị tráo đổi số phận, cháu cũng gặp được may mắn, lớn lên trong một gia đình trí thức khá giả thì tôi đỡ đau khổ. Đằng này…
Cố gắng bằng mọi cách, tôi đã trở lại xóm liều và tìm được đến đúng địa chỉ tôi cần. Thật đúng là tan nát khi tôi bước vào ngôi nhà của sản phụ năm xưa. Trong căn nhà lụp xụp tối om, người phụ nữ nằm trên giường bệnh thều thào. Căn bệnh tai biến mạch máu não ở người huyết áp cao đã quật ngã chị, lao động chính trong nhà.
Tôi giới thiệu tôi là cán bộ y tế phường xuống đây công tác tuyên truyền người dân đưa trẻ con đi tiêm phòng, phun thuốc muỗi vì chuẩn bị vào mùa dịch sốt xuất huyết. Trong căn nhà ẩm mốc đó, tôi rớt nước mắt khi chứng kiến một hoàn cảnh có thể nói không còn gì bi đát hơn.
Chị kể với tôi, tưởng rằng đẻ thêm được đứa con thứ 3 là con gái thì gia đình sẽ tốt đẹp hơn để kẻo mang họa tam nam bất phú. Nhưng cuối cùng, hai đứa con trai theo bạn bè lôi kéo nghiện ngập rồi kiêm cả việc đi bán ma túy lẻ nên bị công an hốt cả hai vào trại cải tạo lao động rồi. Chồng chị cũng dính tù tội vì tham gia buôn bán ma túy.
Chị nhỏ nước mắt ân hận vì đã bán ngôi nhà chật chội vài chục mét vuông trên phố để ra đây tìm mua đất nhảy dù rộng rãi, rẻ hơn cứ tưởng là đổi đời. Ai ngờ trong môi trường thế này, chồng con hư hỏng hết. Chị ân hận lắm. Chị thở dài não nuột, nước mắt lăn trên gò má xám bệch.
Chị chỉ vào đứa con gái khoảng 13 tuổi, gầy gò xanh xao như một cây sậy héo. Chị nói với tôi, tội nghiệp, con bé út nhà chị mới 13 tuổi đã phải bỏ học đi làm thuê để nuôi mẹ nằm một chỗ. Cha và hai anh đi tù hết rồi, mẹ thì đau yếu, con gái đành phải làm trụ cột chính trong gia đình.
Tôi nhìn đứa bé 13 tuổi, tóc cháy khét xác xơ, người gầy trơ như một khung xương di động, ánh mắt nhìn tôi lạnh lẽo vô cảm. Cái lạnh lẽo vô cảm của một đứa trẻ sớm phải chứng kiến quá nhiều những bi kịch của cuộc đời, chứng kiến quá nhiều những hiện thực đen tối khiến cho gương mặt và tinh thần đứa trẻ mệt mỏi một vẻ chai sạn, trơ lì….
Sau cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã không dám trở lại đó thêm một lần nào nữa. Tôi vẫn hằng ngày đi làm ở trạm y tế, vẫn nuôi các con, vẫn chăm sóc gia đình nhưng tâm hồn tôi thì dường như đã bỏ tôi mà đi. Tôi hay lên chùa tụng kinh niệm Phật và sám hối tội lỗi của mình. Tôi đã quá đau khổ vì ân hận…
Còn cháu trai chị tôi nuôi nấng, cháu đã được học hành tử tế, chắc chắn rồi đây, cháu sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Chỉ thương cháu gái ruột thịt của tôi, rồi đây, cuộc đời của cháu sẽ ra sao trong giông bão của số phận.
Chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi lại không cầm lòng được. Nhiều khi tôi đã nghĩ, thôi thì mình làm thế để cứu vãn được hạnh phúc cho chị gái, giờ đây gia đình chị bình yên hạnh phúc, vậy là cũng an ủi phần nào. Nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt vô hồn, lạnh lẽo của đứa cháu gái lưu lạc trong căn nhà của những kẻ buôn ma túy nhìn tôi đầy oán trách… tôi lại sợ.
Rồi không chịu nổi những dằn vặt đau đớn, tôi đã tìm lên chùa, tôi đã bạch với sư trụ trì một ngôi chùa nổi tiếng ở phía Bắc. Tôi đã kể hết câu chuyện của tôi để xin sư trụ trì một lời khuyên… Nhưng sư trụ trì chỉ lắng nghe câu chuyện của tôi rồi nhắm mắt niệm Phật. Sư trụ trì chỉ nói mỗi một câu: “Vạn sự tùy duyên”….
*** Kính thư: Nguyễn Thị Hải Âu***
LỜI BAN BIÊN TẬP:
Kính thưa độc giả, trên đây là toàn bộ câu chuyện tâm sự của một người phụ nữ. Bà đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để làm một công việc tày trời, khó có thể tha thứ là đánh tráo hai đứa trẻ sơ sinh, làm đảo lộn hai số phận của hai đứa bé vô tội.
*Thưa độc giả, *ở phần 1 của câu chuyện trong số báo trước, chúng tôi có tiết lộ thêm thông tin, rằng người chắp bút viết câu chuyện này ký tên là Nguyễn Thị Hải Âu không phải là bà nữ hộ sinh trong câu chuyện kia. Bà Nguyễn Thị Hải Âu (Cũng có thể xưng hô là chị vì bà Hải Âu năm nay cũng khoảng cỡ tuổi 40) chính là con gái đầu lòng của chị gái bà nữ hộ sinh ấy. Chị Nguyễn Thị Hải Âu có đến tòa soạn tìm chúng tôi để chia sẻ câu chuyện này.
Chị có kể cho chúng tôi biết, vì quá dày vò, suy nghĩ nhiều, ân hận nhiều nên dì của chị (chính là nhân vật người nữ hộ sinh trong câu chuyện) sau khi nghỉ hưu đã đau ốm liên miên rồi vừa mất. Trước khi lâm chung, bà ấy đã gọi cháu gái đến và trăng trối lại câu chuyện bí mật này. Bà có nói với chị Hải Âu rằng, hơn 40 năm qua, bà giữ chặt ở trong lòng, bà không dám nói ra.
Nói ra bây giờ cũng chỉ làm đảo lộn tất cả cuộc sống của mọi người, điều tốt chưa chắc đến mà điều xấu thì nhỡn tiền. Gia đình bên nội ngoại của chị gái bà sẽ quỵ ngã mất nếu biết đứa con trai của họ, đứa cháu đích tôn mà họ một mực quý trọng tôn thờ lại là không phải là giọt máu của vợ chồng anh chị, của gia đình, mà chỉ là một đứa con bị đánh tráo.
Nói ra sự thật này là một điều khủng khiếp và không thể. Bà dì đã chọn đứa cháu gái đầu lòng để trao gửi câu chuyện, như một trăng trối trước khi mất. Có lẽ, bà cũng muốn cởi bỏ được tâm lý tội lỗi lâu nay bà chịu đựng để thanh thản mà ra đi. Bà còn nhắc đi nhắc lại với cháu gái rằng bà là một người tội lỗi, không xứng đáng để được làm mẹ. Bà nhìn các con của bà và lúc nào bà cũng đau đớn với ý nghĩ mình không xứng đáng để được làm một người mẹ.
Đón nhận bí mật từ trăng trối của bà dì, chị Nguyễn Thị Hải Âu lại đang đứng trước một nỗi khổ, một sự dằn vặt không hề nhỏ là phải làm gì với bí mật của bà dì trước giờ phút lâm chung này. Phải ứng xử như thế nào với những người còn lại, với những người trong cuộc.
Khi chia sẻ với chúng tôi, chị Hải Âu đã khóc rất nhiều, chị vô cùng bối rối và đau khổ vì chị không thể xóa bỏ đi tất cả, tước đoạt đi cuộc sống hiện tại của bố mẹ chị, các em của chị… Nhưng chị cũng không đành lòng nhắm mắt làm ngơ về giọt máu của bố mẹ mình giờ đang vạ vật lang thang ở đâu đó rất gần trong thành phố nơi gia đình chị đang sống? Điều đó thật quá khó đối với chị Nguyễn Thị Hải Âu và tất nhiên với cả tòa soạn chúng tôi vì chúng tôi không biết nên khuyên chị Âu điều gì cho phải với lương tâm. (ANTG)
Kính thư: Nguyễn Thị Hải Âu