Thoáng xưa chương 5
Mấy ngày sau đó, không thấy Thụy trở lại, cậu Hạnh đã chở mẹ đến nhà ông bà nội. Cậu Hạnh mặc đồ thường phục trông cũng rất sang trọng. Còn mẹ, Thụy ngây người ra khi thấy bụng mẹ nhô lên sau chiếc áo bầu. Mẹ sắp có em bé rồi à. Thụy chạy lại sờ bụng mẹ, mỉm cười vui thích.
Nhưng ông bà nội và các cô của Thụy thì không vui vì chuyến viếng thăm này. Khi mẹ đề nghị đưa Thụy về kẻo bỏ lỡ việc học thì cả nhà kiên quyết phản đối. Mẹ đã năn nỉ, đã van xin và cả khóc nữa, nhưng vẫn không lay chuyển quyết tâm của ông bà. Ông nội nói ba chỉ có mình Thụy, hôm trước ông cũng định cho Thụy đi, nhưng ông nằm mơ thấy ba Thụy về nhờ ông nuôi Thụy. Mẹ phải chăm sóc bốn đứa trẻ rồi, bây giờ chuẩn bị thêm đứa nữa, có thời gian đâu mà lo cho Thụy.
Đến lúc đó, Thụy vẫn không hiểu vì sao ông bà nội và các cô của Thụy vẫn không muốn chấp nhận người chồng sau của mẹ. Lúc trước, ông bà nội lúc nào cũng khuyến khích mẹ lấy chồng cơ mà. Có lẽ có một lý do nào đó, nhưng thôi, Thụy không muốn tìm hiểu thêm làm gì.
Nhìn mẹ khóc, nghe mẹ dỗ dành, hứa hẹn, Thụy biết mẹ vẫn thương Thụy nhiều lắm, vẫn muốn sống bên Thụy, Thụy cũng xót xa lắm. Nhưng khi mẹ kéo tay Thụy ra một góc rồi hỏi:
-Bây giờ mẹ cho con lựa chọn, con muốn sống với mẹ hay với ông bà nội? Con suy nghĩ rồi nói cho mẹ biết, mẹ sẽ làm theo ý con.
Thụy không ngần ngại trả lời ngay:
-Con sống với ông bà nội!
Nước mắt mẹ tuôn ra:
-Thụy, con không thương mẹ nữa à? Tại sao con không muốn sống với mẹ?
Thụy cũng khóc:
-Con thương mẹ lắm, nhưng con cũng thương ba. Ở với ông bà nội, con thấy được gần ba hơn!
Thụy nhìn lên ảnh ba đang được đặt trang trọng tгêภ bàn thờ, bên cạnh ảnh của bác Thụy cũng đã mất. Mẹ không biết nói sao nữa, buồn bã lau nước mắt và theo cậu Hạnh trở về.
Trong trí óc non nớt của một đứa trẻ tám tuổi, Thụy vẫn chưa thể chấp nhận sự có mặt của cậu Hạnh trong cuộc đời mẹ. Lúc cậu mới quen mẹ, Thụy đã quý cậu biết bao nhiêu thì bây giờ Thụy càng muốn xa lánh cậu bấy nhiêu. Cậu là người đã làm xáo trộn cuộc đời Thụy. Từ ngày có cậu, mẹ như đã quên ba, hoặc đã cất giấu ba vào một góc khuất nào đó không lộ diện. Ở nơi xa ấy nơi thiên đường, không biết ba có buồn không? Hay là ba mừng vì mẹ đã có hạnh phúc mới, có người yêu thương, mẹ không còn phải khóc thầm hàng đêm nữa. Ở nhà cậu Hạnh có thờ ảnh người vợ đã mất của cậu nhưng không thờ ảnh ba.
Có phải chăng đó là sự thua thiệt của người phụ nữ khi tái hôn so với người đàn ông không? Mẹ không có quyền nhớ đến ba, một người đã ૮.ɦ.ế.ƭ? Chỉ có Thụy là vẫn nhớ thương ba, dù không có bất kỳ ký ức nào về ba. Hôm trước, giở cuốn album của mẹ ra xem, Thụy thấy có mấy bức hình ba chụp riêng, một bức hình có cả nhà, Thụy đã gỡ ra cho vào cặp sách. Không biết mẹ có biết không mà không thấy nói gì. Hôm cùng bà nội và cô Hiên trở về, Thụy đã lấy thêm mấy tấm ảnh của mẹ và mang theo. Lúc đó, Thụy cũng không biết vì sao mình làm như vậy.
Từ đó, Thụy ở hẵn với ông bà nội, thêm một người anh con bác cũng có hoàn cảnh như Thụy. Lúc đầu, cứ mỗi hai tuần, bà nội đưa Thụy về thăm mẹ một lần, sau đó là mỗi tháng, rồi mỗi hai tháng.
Mấy tháng sau khi Thụy về ở với ông bà nội, mẹ đã sinh được một em trai bụ bẫm, nhưng sức khỏe nó không được tốt lắm. Hai năm sau, mẹ sinh thêm một em gáι rồi cùng cả nhà lại chuyển vào Sài Gòn ở do cậu Hạnh chuyển công tác. Vào Sài Gòn, mẹ còn sinh thêm một em trai nữa nhưng Thụy chưa được gặp. Kể từ đó, Thụy chỉ còn liên lạc với mẹ qua thư từ, mà cũng hiếm hoi lắm. Đến ngày giải phóng, Thụy mất liên lạc với mẹ trong suốt năm năm dài. Thụy không biết mình có phải đã thành đứa trẻ mồ côi không.
Thế là đời Thụy đã bước sang trang mới, một trang mới u buồn ảm đạm. Mặc dù bên cạnh Thụy vẫn có ông bà nội và các cô của Thụy rất yêu thương Thụy, nhưng Thụy vẫn cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Nhìn những người bạn trạc tuổi với mình được cha mẹ âu yếm chiều chuộng, Thụy thấy đau lòng lắm.
Những lúc đó, Thụy thường trốn vào một góc và khóc một mình. Có lần anh của Thụy bắt gặp, hỏi vì sao em khóc, Thụy nói dối anh là Thụy bị cô giáo la vì không nộp cây lan đất trong giờ thực tập. Sáng hôm sau, dù trời mưa, anh cũng hì hục đi đào cho Thụy một bụi lan đất. Thụy nhìn anh, ngỡ ngàng và cảm động. Anh cũng có hoàn cảnh như Thụy, không biết anh có buồn như Thụy không.
Lúc học lớp nhất, thầy dạy đã khen Thụy có năng khiếu về văn chương. Có một lần có bài tập làm văn của Thụy bị bạn tố là chép trong sách mẫu, Thụy nghẹn ngào khóc, không biện minh một lời nào. Những bài văn viết về gia đình, về mẹ, bao giờ Thụy cũng được điểm cao. Nếu có ai hỏi Thụy tгêภ đời này, Thụy thương yêu ai nhất, thì Thụy sẽ trả lời ngay là Thụy yêu thương mẹ nhất, tình yêu ấy không ai thay thế và bù đắp được. Càng xa rồi càng thấy quyến luyến nhiều hơn.
Xa rồi tuổi thơ và những kỷ niệm đẹp ngày được sống bên mẹ. Bây giờ Thụy đã thích nghi được với cuộc sống mới và đã nhận biết không có mẹ thì thiệt thòi làm sao. Ngày có nguyệt kỳ đầu tiên, Thụy đã lo lắng và khϊếp sợ đến dường nào. Lúc ấy xảy ra trong giờ học, thầy chủ nhiệm, có con gáι đang học lớp Thụy, bảo cô ấy giúp Thụy. Về nhà, Thụy đã khóc rất nhiều. Thụy nhớ mẹ, nhớ vô cùng. Có lúc Thụy cũng không biết quyết định ở lại với ông bà là đúng hay sai nữa. Nhưng bây giờ thì đúng hay sai còn có nghĩa lý gì. Thụy đã mất ba, và mẹ cũng đã xa rồi!
Hơn ba mươi năm đã qua kể từ ngày đó. Nhớ những ngày bôn ba tìm lại mẹ, nghe tin mẹ và cả nhà vẫn khỏe mẹnh, Thụy mừng rớt nước mắt. Rồi Thụy và anh Thụy vào Sài gòn, gặp lại mẹ và hai đứa em, mới biết cậu Hạnh đã đi học tập cải tạo chưa về. Mẹ phải một mình gánh gồng để nuôi dạy cả đàn con. Thương mẹ, không còn trách mẹ, và cũng ʇ⚡︎ự thương mình. Rồi cậu Hạnh cũng về, nhưng cậu cũng ra đi mấy năm sau đó vì Ьệпh υпg Ϯhư phổi. Mẹ lại trở thành góa phụ lần thứ hai.
Bây giờ Thụy cũng đã hơn bốn mươi tuổi rồi. Cô bé Thụy với đôi mắt buồn và khuôn mặt già trước tuổi đã trở thành một phụ nữ vui vẻ, hồn hậu. Thoáng xưa đã khép lại với những hồi ức u buồn, đau đớn. Thụy muốn quên tất cả những gì không vui đã xảy ra trong thời thơ ấu.
Thụy cũng muốn quên cả những vết sẹo do vết thương lòng để lại. Bây giờ, Thụy đã có một gia đình hạnh phúc. Thụy có một người chồng yêu vợ và ba đứa con ngoan. Cuộc đời đã bù đắp cho Thụy những gì buồn đau trong quá khứ. Nghĩ về chuyện xưa, với cái nhìn của một người đã yêu, đã làm vợ và làm mẹ, Thụy hiểu và thông cảm với mẹ hơn. Chỉ có điều là …
Nhưng thôi, tất cả đã thuộc về dĩ vãng. Dĩ vãng có làm cho ta buồn, có làm cho ta đau nhưng không thể nhấn chìm ta xuống mãi được. Có một giọt nước mắt nào vừa rơi xuống, nhưng Thụy sẽ không buồn nữa. Thụy nghĩ đến chồng, đến các con và tương lai phía trước. Hạnh phúc là đây, cái đang hiện hữu và trong tầm tay. Thụy không ao ước gì hơn, cũng không nghĩ ngợi gì hơn. Thoáng xưa, thoáng xưa giờ đã xa rồi./.
Kết thúc
Phạm Thị Xuân