Số phận run rủi – Câu chuyện xúc động ý nghĩa sâu sắc

Tác giả: Sofia Koralova
Dịch từ tiếng Nga: Chu Thị Hồng Hạnh

Tanya rời khỏi phòng sinh cùng với con trai. Không có điều kỳ diệu nào xảy ra. Bố mẹ cô không đến đón. Ánh nắng xuân tỏa rực, cô vội vã khoác lên mình chiếc áo khoác, nhặt lấy gói đồ đạc và giấy tờ bằng một tay, và bằng tay kia bế đứa con cho tiện, rồi bước đi. Cô không biết nên đi đâu. Bố mẹ cô kiên quyết không cho cô đem con về nhà, mẹ cô còn đòi cô viết đơn từ chối.

Nhưng Tanya vốn lớn lên trong trại trẻ mồ côi, mẹ cô đã từ chối cô, và cô tự hứa rằng sẽ không bao giờ đối xử như vậy với con của mình, dù cái giá có thể đắt đỏ đến đâu. Cô đã lớn lên trong một gia đình nhận nuôi, bố mẹ nuôi cô đối xử rất tốt, như chính con ruột của họ. Họ thậm chí còn nuông chiều cô một chút, nhưng lại không dạy cô cách tự lập. Họ không có cuộc sống giàu có và cũng hay bị bệnh.

Tất nhiên, cô nhận ra rằng chính mình có lỗi khi con trai cô không có cha. Hắn dường như nghiêm túc, hứa sẽ giới thiệu cô với bố mẹ hắn, nhưng khi Tanya thông báo về việc mang thai, hắn nói rằng hiện tại không sẵn sàng cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Hắn đứng dậy và rời đi, cô điện thoại hắn không trả lời, có lẽ đã chặn số của cô.

Tanya thở dài: “Không ai sẵn sàng, cả cha của con lẫn bố mẹ mình. Nhưng mình thì sẵn sàng nhận trách nhiệm với con trai.” Cô ngồi trên chiếc băng ghế, để mặt hướng về ánh nắng. Cô phải đi đâu đây? Người ta nói rằng có những trung tâm dành cho những người mẹ như cô, nhưng Tanya ngại ngùng hỏi địa chỉ của chúng, hy vọng rằng bố mẹ sẽ hiểu và đến đón cô. Nhưng họ… không đến.

Tanya quyết định sẽ làm theo kế hoạch của mình, đi đến một làng nào đó, tìm một bà lão, người sẽ cho cô chỗ ở, và cô sẽ giúp bà làm vườn trong khi nhận trợ cấp trẻ em, sau đó tìm một công việc. Chắc chắn cô sẽ gặp may mắn, và cô sẽ làm như thế; chỉ cần xem trên điện thoại bây giờ, từ đâu xuất phát các xe buýt đi ra làng. Vì những bà lão thường rất hiền hậu và cô sẽ may mắn.

Cô sắp xếp lại đứa con trai đang ngủ, rút chiếc điện thoại thông minh cũ ra từ túi và suýt nữa va chạm với một chiếc xe khi băng qua đường. Một người tài xế, một người đàn ông lớn tuổi với mái tóc bạc, nhảy ra khỏi xe và bắt đầu la mắng Tanya rằng cô không để ý đến nơi mình đi, sẽ khiến cả cô và đứa trẻ chết, và rằng ông sẽ phải ngồi tù đến chết. Tanya sợ hãi, nước mắt lấp ló trên mắt, điều đó cảm nhận được bởi đứa trẻ thức dậy và khóc. Người đàn ông nhìn hai mẹ con và hỏi: “Cháu đi đâu với đứa bé?”

Tanya nức nở trả lời rằng cô cũng chưa biết sẽ đi đâu. Người đàn ông nói:

— Thôi nào, lên xe đi. Về nhà ông đã, bình tĩnh lại rồi cùng quyết định xem phải làm gì. Mau lên, đừng đứng đó nữa, con cháu khóc đến lả người rồi. À mà, ông là Konstantin Grigorievich, còn cháu tên gì?

— Cháu là Tanya.

— Lên xe đi, Tanya, để ông giúp cháu.

Ông đưa bà mẹ trẻ cùng đứa bé về căn hộ của mình. Khi đến nơi, ông dành cho cô một căn phòng để có thể cho con bú. Căn hộ của ông khá rộng, có ba phòng. Nhưng cô không có đồ để thay tã cho con. Tanya nhờ Konstantin Grigorievich mua bỉm và đưa cho ông chiếc ví nhỏ với số tiền ít ỏi còn lại. Nhưng ông kiên quyết từ chối nhận tiền của cô, nói rằng ông cũng chẳng có ai để tiêu tiền.

Sau đó, ông vội chạy lên gặp người hàng xóm – một bác sĩ – với hy vọng bà ấy đang ở nhà. May mắn là hôm đó bà được nghỉ. Sau khi gọi điện bàn bạc đâu đó, bà lập một danh sách dài những thứ cần thiết và đưa cho Konstantin Grigorievich.

Khi ông quay về với túi đồ mua sắm, ông thấy Tanya đã ngủ thiếp đi ngay trên giường, đầu gục xuống gối, còn đứa bé thì đã đạp tung chăn và vẫn thức. Ông rửa tay rồi bế đứa bé lên để cho Tanya ngủ thêm chút nữa.

Vừa lúc ông khép cửa lại, Tanya giật mình tỉnh dậy, không thấy con liền hoảng hốt hét lên:

— Con tôi đâu?!

Konstantin Grigorievich bước vào với nụ cười:

— Cháu làm gì mà cuống lên thế? Ông chỉ muốn cháu được nghỉ một lát thôi.

Ông đưa cho Tanya xem những thứ đã mua cho cô và em bé, rồi đề nghị giúp cô thay tã cho con. Ông cũng nói rằng lát nữa người hàng xóm là bác sĩ, sẽ sang hướng dẫn Tanya cách chăm sóc bé và sẽ gọi bác sĩ nhi khoa đến khám vào ngày mai.

Sau đó, ông trò chuyện với cô:

— Cháu không cần tìm đến làng hay bà lão nào hết. Cứ ở lại đây, chỗ này rộng rãi đủ cho tất cả. Ông là người góa vợ, không có con cháu gì cả. Ông có lương hưu và vẫn đi làm. Căn nhà trống trải làm ông thấy cô đơn lắm, ông sẽ rất vui nếu có thêm người ở cùng.

— Ông từng có con không?

— Có, Tanya ạ, ông từng có một người con trai. Ông làm việc ở miền Bắc theo dạng công tác luân phiên, nửa năm ở đó, nửa năm về nhà. Con trai ông học đại học, có bạn gái. Đến năm cuối, hai đứa quyết định kết hôn vì cô gái đã mang thai. Chúng chờ ông về để tổ chức đám cưới. Nhưng con ông rất mê xe mô tô, không may mất lái và gặp tai nạn. Nó qua đời ngay trước khi ông kịp về, thế là ông về thẳng dự tang lễ. Sau khi mất con, vợ ông đổ bệnh nặng…rồi qua đời..

Trong tất cả những chuyện này, ông đã mất dấu con dâu tương lai của mình, dù vẫn giữ ảnh cô ấy và biết rằng cô ấy đang mang thai con của con trai ông. Ông đã cố tìm kiếm, nhưng không thể nào tìm thấy. Vì vậy, Tanya, ông xin cháu hãy ở lại với ông. Ít ra, đến cuối đời ông cũng có thể cảm nhận được ý nghĩa của một gia đình.

— Nhân tiện, cháu đặt tên cho thằng bé là gì?

— Cháu cũng không biết nữa, nhưng tự nhiên cháu muốn đặt tên bé là Saveliy. Cháu thích cái tên này, dù nó không phổ biến lắm.

— Saveliy???? Tanya, đó chính là tên con trai ông! Ông chưa từng nói cho cháu biết tên nó, vậy mà cháu lại đoán trúng. Cháu đã làm ông già này vui lắm đấy. Vậy cháu sẽ ở lại chứ?

— Cháu rất sẵn lòng. Cháu vốn là trẻ mồ côi, sau đó được nhận nuôi, nhưng bố mẹ nuôi lại không chấp nhận con trai của cháu. Vì vậy, họ không đến đón cháu từ bệnh viện, và cháu cũng không còn nơi nào để đi. Dù sao đi nữa, nếu không có họ, cháu cũng không biết cuộc đời cháu sẽ ra sao. Nhờ họ, cháu đã học xong cao đẳng, có một cuộc sống đủ đầy. Nhưng nếu ở lại trại trẻ, có lẽ cháu đã được cấp một căn hộ. Mẹ ruột cháu đã bỏ cháu trước cổng trại trẻ, chỉ để lại một sợi dây chuyền với mặt dây trên tấm chăn của cháu.

— Thôi nào, cháu đi thay đồ đi. Ta cũng đã mua quần áo cho cháu rồi, sau đó ta sẽ cùng lo cho đứa bé và việc trong nhà. Đây, chậu tắm cần phải rửa sạch, hàng xóm ta sẽ hướng dẫn cháu cách tắm cho bé. Mà cháu cũng phải ăn uống đầy đủ, để có sữa cho con bú.

Khi Tanya thay đồ xong và bước ra gặp Konstantin Grigorievich, ông để ý thấy sợi dây chuyền trên cổ cô và hỏi:

— Đó có phải là sợi dây mà mẹ ruột cháu để lại không?
Tanya gật đầu, rồi lấy mặt dây ra.

Ngay khoảnh khắc đó, Konstantin Grigorievich cảm thấy đất dưới chân như sụp xuống. Nếu không có Tanya, có lẽ ông đã ngã quỵ.

Khi trấn tĩnh lại, ông yêu cầu được xem mặt dây chuyền. Cầm nó trong tay, ông hỏi:

— Cháu đã bao giờ mở nó ra chưa?
Tanya lắc đầu:
— Nó không có khóa mở.
Konstantin Grigorievich nói rằng chính ông là người đã đặt làm chiếc mặt dây chuyền này cho con trai mình. Nó có một cơ chế đặc biệt để mở. Ông thao tác và mặt dây mở ra thành hai nửa.

Bên trong là một lọn tóc nhỏ.

— Đây là tóc của con trai ta. Chính tay ta đã đặt vào đó.

Ông nhìn Tanya với đôi mắt rưng rưng:

— Vậy có nghĩa là… cháu chính là cháu gái của ông? Số phận đã đưa chúng ta đến với nhau không phải là vô tình!
Tanya xúc động, nhưng vẫn cẩn thận nói:

— Vậy chúng ta làm thêm xét nghiệm ADN đi, để ông không còn chút nghi ngờ nào nữa rằng ông chính là ông nội của con.

Nhưng Konstantin Grigorievich kiên quyết:

— Không cần! Con chính là cháu gái của ta, và đây là chắt trai của ta. Chúng ta sẽ không nhắc lại chuyện này nữa. Ta đã thấy có gì đó quen thuộc trong gương mặt con. Giờ ta mới hiểu vì sao. Ta còn giữ ảnh mẹ con. Để ta cho con xem mặt cha mẹ ruột của con!
C.T.H.H
——–
Ảnh ST. minh họa

Bài viết khác

Cô ơi ! Em muốn ᵭi học – Xúc ᵭộng một câu chuyện nhân văn thẫm ᵭẫm tình người

CÔ ƠI EM MUỐN ĐI HỌC Xin dùng truyện ngắn này thay cho một nén hương thắp lên Để tưởng nhớ một linh hồn của một thiên thần : Cháu Thủy Các học sinh đứng dậy chào khi tôi bước vào lớp. Tôi chào lại rồi cho các em ngồi xuống và hỏi em lớp […]

Mẹ chồng chờ tôi về mới ngủ – Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

CAY MẮT. Tôi và chồng làm chung một công ty, nhưng khác bộ phận và hai đứa tiến đến hôn nhân sau gần một năm hẹn hò. Vì chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với gia đình anh trước khi cưới nên khi về sống chung với bố mẹ chồng, tôi rất bỡ ngỡ […]

700 1 1
Người có thể tha thứ, cứu cả kẻ thù của mình thì tâm đủ rộng để gánh vác việc lớn

Tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho bản thân mình. Tha thứ sẽ xóa đi những niềm caγ đắng, ρhẫn uất trong quá khứ để hướng đến một tương lai tốt đẹρ hơn, người có thể “lấγ đức báo oán” mới là bậc quân Ϯử. Jonathan Lockwood Huie, một tác giả được […]