Ranh giới mong manh – Câu chuyện xúc động về một tình yêu không biên giới

Đấy là câu chuyện của mười mấy năm về trước, đó là một chiều mùa hè trời oi bức đến không chịu nổi. Tôi ngồi ở một quán trên phố Triệu Việt Vương nhâm nhi cốc cà phê.

Chiếc quạt đã chạy hết tốc độ mà mồ hôi tôi vẫn cứ rịn ra. Bất chợt một tiếng hát của một người hát dạo hát vọng tới . Tôi chú ý đến tiếng hát vì đó là một giọng hát của một cô bé nhỏ tuổi nhưng rất trong.

Tôi nhìn ra đường. Hai bố con người hát dạo đang đi dọc vỉa hè. Người bố , tôi đoán chỉ hơn tôi một vài tuổi, cầm một cái nón dơ về phía những người đi đường và những ông khách đang ngồi uống cà phê như tôi trong những quán dọc theo phố.

 

 

Không một đồng nào được ném vào trong chiếc nón . Tôi đọc được nỗi thất vọng trong đôi mắt người bố. Không cầm lòng được, tôi đứng dậy, vẫy hai bố con. Họ đi đến tôi, cô bé, người hát, chắc đã mệt lắm.

Chiếc áo nó đang mặc đẫm mồ hôi, dính chặt vào người. Cô bé chắc rất đói. Mắt nó dán vào chiếc bánh tôi đang ăn dở đặt trên bàn. Trong tôi dâng lên một cảm xúc khó tả

-Hai bố con ngồi xuống đi, cháu đói lắm phải không?-Tôi hỏi con bé rồi quay sang bảo chủ quán-Chị cho tôi mấy cái bánh và hai cốc trà đá
Hai bố con ăn ngấu nghiến.

Chắc họ quá đói và khát. Sống mũi tôi bỗng thấy cay cay. Họ ăn xong, tôi cho hai bố con năm nghìn đồng. Năm nghìn cách đây mười mấy năm to lắm chứ không như bây giờ

Tối hôm ấy, tôi cùng với vợ và mấy thằng bạn học với nhau từ hồi học đại học đi chơi Hồ tây. Lúc về, đột nhiên thằng Hưng bảo

-Ra phố Gầm cầu đi chúng mày. Tao biết ở đấy có một hàng bánh rán cao lâu rất ngon

-Bây giờ Hà nội làm chó gì còn loại bánh rán ấy nữa. Mày chỉ bốc phét

Ngày xưa , khi người tàu chưa bỏ đi, loại bánh rán ấy ở đâu cũng có. Chiếc bánh rán vỏ mỏng tang, viên nhân đỗ tròn xoe. Cầm cái bánh lắc còn nghe thấy tiếng viên nhân lăn lục cục.

Bánh ăn nóng, thơm, ngon một cách kì lạ. Từ sau năm bẩy chín, khi người Tầu chạy khỏi Việt nam, loại bánh ấy cũng biến mất khỏi Hà Nội
-Bốc phét là thế nào. Tuần trước tao vừa được mời . Đi

Chúng tôi kéo nhau đến phố Gầm cầu . Một con phố tối tăm, bẩn thỉu. Nơi mà hồi ấy những người ăn xin, hát dạo, bọn du thủ du thực, trộm cắp tối tối lại họp nhau về ngủ qua đêm. Chúng tôi chui vào một hàng bánh rán cao lâu ăn một bữa thỏa thích cho bõ nhớ. Lúc đứng dậy ra về, vợ tôi còn bảo

-Anh Hưng, anh lấy cho em một chụ cái mang về cho cho anh Duy. Thế nào từ giờ đến tối anh ấy cũng phải ăn mấy lần nữa. Người đâu mà thích ăn vặt thế không biết
-Vợ bọn anh mà cũng chiều chồng như em thì tốt quá –Thằng Hưng cười nói – Nhất mày đấy

Chúng tôi kéo nhau về. Đi qua một ô của gầm cầu,đột nhiên tôi lại nhìn thấy hai bố con người hát dạo buổi chiều. Hình như họ đang nấu ăn. Con bé đang ngồi tư lự bên cạnh bếp lửa được làm bằng ba hòn gạch chụm lại.

Ngọn lửa bập bùng hắt lên khuôn mặt võ vàng già trước tuổi của nó. Không biết nó đang nghĩ gì?.Tôi dừng lại.Vợ tôi nhìn theo hướng nhìn của tôi rồi hỏi nhỏ

-Có phải hai bố con mà anh nói với em không?

-Ừ

Biết tính tôi, vợ tôi dúi vào tay tôi gói bánh rán rồi bảo

-Anh đến với họ đi, em với các anh ấy về trước.

Tôi ngần ngừ

-Em không giận đấy chứ?

-Không, !Anh đi đi không có tối nay anh mất ngủ thì lại khổ em

Nàng ẩn vai tôi về phía hai cha con rồi kéo những bạn tôi đi .Vợ chồng tôi rất hợp nhau. Nàng biết rất rõ những cá tính của tôi và chưa bao giờ tôi thấy nàng khó chịu với những cá tính ấy , kể cả việc thỉnh thoảng tôi vẫn hay vác tiền nhà đi giúp một ai đó

Tôi đi về phía hai cha con người hát dạo . Họ nhận ngay ra tôi. Tôi vớ lấy một hòn gạch làm ghế ngồi xuống cạnh con bé. Đưa cho nó túi bánh rán và bảo
-Hai bố con ăn đi

Con bé lí nhí cám ơn rồi mở túi bánh đưa cho bố. Hai bố con ăn một cách ngon lành. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao ngày nào tôi cũng gặp bao nhiêu người nghèo khổ mà sao tôi lại đặc biệt chú ý đến hai bố con nhà này.

Tại vì con bé xinh xắn? Tại vì giọng hát của nó quá trong? Hay tại số phận? Chịu! Tôi không lí giải được. Chỉ biết rằng từ trong sâu thẳm tiềm thức có một tiếng nói buộc tôi phải làm một điều gì đó cho họ

-Chị nhà đâu anh?

Đang ăn, nghe hỏi về vợ, người cha đột nhiên đờ ra, mồm anh ta méo sệch, hai hàng nước mắt tuôn dài trên má.Nhìn một người đàn bà khóc vì đau khổ đã là một cực hình với tôi.

Đằng này nhìn một người đàn ông khóc, tôi thật không sao chịu nổi.Tối hôm đó, người cha đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của mình

Rất muộn tôi mới về nhà. Vợ tôi ra mở cửa, nhìn nét mặt tôi nàng im lặng không nói gì. Nàng biết tôi đang xúc động. Nàng lẳng lặng cắm chiếc đèn bàn trên bàn làm việc, mở ngăn kéo lấy quyển sổ tôi vẫn ghi chép, bơm mực vào bút cho tôi (Thời ấy bút bi hiếm lắm) rồi trở về phòng ngủ.

Lúc nàng đi ngang qua tôi, tôi im lặng ôm lấy nàng nói nhỏ

-Cám ơn em

Nàng gỡ tay tôi ra, mỉm cười

-Anh đừng có thức suốt đêm đấy

Tôi ngồi trước bàn làm việc mà không viết được gì. Trước mắt tôi cứ hiện ra một căn nhà vách đất đầy những mảng tường bị mưa gíó làm đổ nát và một người đàn bà nằm chết trên nền nhà. Khuôn mặt con bé đẫm nước mắt cứ chập chờn trong tôi.

Tôi cứ ngồi im như thế không biết bao lâu. Đột nhiên nghe cạch một tiếng, tôi giật mình nhìn lên. Vợ tôi đặt bát mì trước mặt tôi, liếc nhìn cuốn sổ vẫn trống trơn trên bàn

vợ tôi bảo

-Anh đi ngủ đi. Đêm nay anh chẳng viết gì được đâu. Anh hãy để cho xúc động lắng xuống. Ngày mai anh mới có thể sắp xếp được những suy nghĩ của mình

-Không phải thế. – Tôi nói. – Anh muốn làm một việc gì đấy thiết thực cho họ chứ còn viết về họ thì có ích gì đâu

Vợ tôi kéo một chiếc ghế khác ngồi uống bên cạnh.

-Thì anh định làm gì thì cứ làm đi. Em có ngăn anh đâu. Nhưng em nghĩ cho tiền họ không giải quyết được vấn đề. À!Mà sao anh không nhờ anh Tâm? Anh ấy là tỉnh ủy viên phụ trách nội chính làm gì mà anh ấy không thu xếp được cho họ một việc gì đó

-Đúng rồi! – Tôi reo lên. – Em giỏi thật đấy

Tâm cũng là bạn học với tôi từ hồi đại học. Hiện nó là tỉnh ủy viên tỉnh Sơn la. Lần nào về Hà nội họp nó cũng vào nhà tôi chơi.

Ngay hôm sau tôi đi Sơn La. Tối hôm đó chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau rất khuya. Tôi kể với nó về hai cha con người hát dạo. Nó nhìn tôi một lúc rồi lắc đầu
-Mày vẫn y như ngày xưa chẳng thay đổi gì. Thảo nào hơn hai mươi năm rồi mà mày vẫn cứ đứng ỳ ra một chỗ. Rồi! Bây giờ mày muốn tao làm gì?

-Mày có thể bố trí cho người bố một chân gì đó, bảo vệ chẳng hạn, và tìm cách đưa con bé vào trong trường nội trú của tỉnh. Tao nghĩ hai việc đó với cương vị hiện nay của mày thực hiện không khó.

– Rồi! Rồi –Nó thở dài đánh thượt một cái. – Tao chẳng thấy mày nhờ gì cho mày cả, toàn đi ôm việc thiên hạ. Mà mày toàn đi làm phúc thế mà sao vợ chồng mày vẫn cứ tịt nhỉ. Hay là lên đây tao hỏi cho một cô vợ bé

– Có các cả đàn bà thiên hạ đổi lấy vợ tao, tao cũng không đổi. Nhìn chúng mày một lũ một lĩ mà tao vãi cả linh hồn

Mấy hôm sau, tôi đưa hai bố con lên Sơn la, mọi việc đều êm thấm. Thằng Tâm đã đưa được ông bố vào làm bảo vệ một cơ quan ở tỉnh còn con bé được đưa vào trường nội trú.

Thời gian cứ thế trôi đi, thỉnh thoảng chúng tôi chỉ liên hệ qua những bức thư. Thư ngày một thưa, rồi cuối cùng ngừng hẳn. Lâu rồi tôi cũng quên bẵng mất chuyện đó. Cho đến cách đây bốn năm, đột nhiên mọi việc đều thay đổi

Tôi còn nhớ đó là hôm chủ nhật, có tiếng gõ cửa, tôi mở cửa. Một cô gái lạ hoắc đứng ở ngoài, thấy tôi cô ta reo lên

-Chú Duy

Tôi ngạc nhìn cô bé, cố nhớ xem cô ta là ai. Chịu, không thể nào nhận ra trong lúc con bé cứ nhìn tôi cười ngặt nghẽo

-Chú không nhận ra cháu phải không? Cháu là Hà, con bé hát dạo

Con bé Hà ư? Trời đất. Tôi làm sao có thể nhận ra được . Nó đã trở thành một thiếu nữ, xinh đẹp. Chẳng còn một chút gì của con bé hát dạo ngày xưa trong nó. Tôi quay vào trong nhà rối rít gọi vợ

-Em ơi ra đây mau – Vợ tôi chạy ra, tôi chỉ vào con bé hỏi vợ. – Đố em biết ai đây?

Vợ tôi nhìn kĩ con bé một lúc rồi dè dặt hỏi

-Có phải là Hà không?

-Ôi! Cô

Con bé kêu lên rồi lao đến ôm chầm lấy vợ tôi, nước mắt nó giàn dụa. Chúng tôi vào trong nhà, vợ tôi pha cho nó một cốc nước chanh rồi hỏi

-Nào, bây giờ cháu kể chuyện nhà cho cô chú nghe nào. Bố cháu vẫn khỏe chứ? Cháu về Hà Nội làm gì?

-Cháu cám ơn cô chú. Bố cháu vẫn khỏe.Nhà cháu bây giờ đỡ nhiều rồi. Cháu được tỉnh cho về học thanh nhạc ở trường văn hóa nghệ thuật quân đội

-Tốt quá! – Tôi kêu lên – Cháu phải cố gắng lên, giọng hát của cháu hay lắm. Ngày trước chính vì giọng hát của cháu làm chú chú ý đến bố con cháu đấy
Con bé bùi ngùi. Chắc nó nhớ lại những ngày cơ cực của sáu năm về trước

-Cháu rất biết ơn cô chú. Nếu không có cô chú, đời cháu chẳng biết sẽ đi đến đâu

Con bé ở lại nhà tôi hai ngày, sáng hôm thứ ba, cả hai vợ chồng tôi đưa con bé nhập trường. Lúc về vợ tôi căn dặn nó

-Cháu phải chăm học, chủ nhật phải về nhà cô chú, thiếu cái gì thì cứ nói với cô. Rõ chưa?

Chúng tôi rất yêu quý con bé, chủ nhật nào con bé cũng về nhà chúng tôi. Không ai nói ra, nhưng ai cũng cảm thấy con bé là một thành viên của gia đình. Tôi chắc con bé cũng có cảm nhận ấy.

Khi con bé học đến năm thứ ba thì vợ tôi bị ốm nặng. Nàng bị ung thư . Bệnh tình biến chuyển rất nhanh. Con bé phải nghỉ học để vào bệnh viện chăm sóc nàng .Đối với tôi đó là một thời kì khủng khiếp.

Tối nào tôi cũng ở trong bệnh viện với vợ ai đuổi về cũng không về. Tôi biết, tôi với vợ tôi chẳng còn được bao nhiêu ngày nữa . Một hôm vợ tôi bảo

-Anh, hôm nay cả nhà ta đi chơi một buổi đi. Nằm đây nhiều em thấy tù túng quá

Hôm ấy cả ba chúng tôi đi chơi khắp nơi. Cả ba đều cười nói vui vẻ. Cả ba đều thỉnh thoảng tìm một cớ gì đó tách riêng ra trong vòng một vài phút để lau vội hàng nước mắt, để cắn chặt môi lấy lại dũng khí mà còn tiếp tục nói, cười.

Chúng tôi chụp một loạt ảnh. Nàng đòi chụp mấy kiểu ảnh một mình. Nước mắt tôi trào ra. Tôi hiểu. Con bé kéo tay tôi nói nhỏ

-Chú, lau nước mắt đi, cô ra kia kìa. Nhanh lên

Tối hôm đó cả nhà tôi,ba người ngồi bên nhau. Nàng bảo tôi giọng trầm xuống

-Anh! Khi em đi rồi anh đừng quá đau buồn. Anh phải chú ý giữ sức khỏe. Một năm sau anh nên lấy vợ. Đừng để lâu anh cũng nhiều tuổi rồi. – Tôi bật khóc. Lần đầu trên trên đời tôi khóc.

Nàng ôm lấy tôi, dịu dàng lấy khăn lau nước mắt cho tôi. – Anh hãy nhìn em đi. – Tôi ngước lên nhìn vào mắt nàng .Ôi !một bầu trời bình yên. Tâm bão. –Anh hãy hứa với em đi

-Anh thề với em, cả cuộc đời anh sẽ…Tôi mới nói đến đấy thì nàng đã vội vàng lấy tay bịt mồm tôi lại

-Anh! Đấy không phải là điều em muốn nghe. Em sẽ không nhắm được mắt nếu anh cứ như vậy.Nào ,hãy nhìn thẳng vào mắt em. Thế, thế. Bây giờ thì anh hứa đi

-Anh hứa

Nàng quay sang con bé

-Còn cháu , khi cô đi rồi cháu cố gắng an ủi chú. Cháu đừng ở kí túc xá nữa. hãy dọn về ở với chú .Chú là người nhậy cảm, cố gắng chăm sóc chú hộ cho cô. Khi nào tốt nghiệp hãy đến mộ cô và hát cho cô nghe bài hát mà cháu hát trong lễ tốt nghiệp nghe chưa

Đấy là buổi tối cuối cùng nàng còn tỉnh táo. Một tuần sau nàng ra đi

Sau đám tang, nhà tôi như một cái nhà mồ. Hoang vắng và lạnh lẽo. Tôi suốt ngày ngồi thẫn thờ trước bàn viết ngắm nhìn ảnh vợ. Con bé cứ thầm lặng chăm sóc tôi. Không nói một lời, nó biết nỗi đau của tôi quá lớn không thể dùng lời nói mà xoa dịu được.

Mãi mấy tháng sau, một hôm tôi đi lang thang vô định. Khoảng hơn hai giờ sáng, tôi trở về nhà. Cửa vẫn mở hé, tôi mở cửa bước vào. Con bé đang ngồi đọc một cuốn sách trong phòng . Tôi hỏi nó

-Sao cháu không đi ngủ đi. Đợi chú làm gì. Chú có chìa khóa mà

Nói xong, không đợi con bé trả lời, tôi ngồi ngay vào bàn viết. Trên bàn, quyển sổ ghi chép của tôi đã đặt sẵn, cái bút đã bơm đầy mực. Lọ hoa nhỏ trên bàn cắm ba bông hồng nhung tươi thắm. Tất cả vẫn y nguyên như lúc vợ tôi còn sống.

Đêm hôm đó, lần đầu tiên từ khi vợ mất , tôi làm được một bài thơ. Bài “Khóc vợ”. Sáng hôm sau, tôi đưa bài thơ cho con bé đọc. Nước mắt con bé chảy quanh. Hai chú cháu tôi ôm nhau khóc

Sau lần ấy, tôi bắt đầu bình tâm trở lại. Con người dù nỗi đau có lớn đến đâu thì cuối cùng vẫn cứ phải tiếp tục sống. Dần dần, thời gian, công việc và nghĩa vụ làm người sẽ giúp vết thương kín miệng

Một buổi tối, con bé mang về nhà một bài thơ và bảo tôi

-Cháu đọc thấy một bài thơ cổ nhưng không hiểu , chú dịch cho cháu – Rồi nó đọc-

Quân sinh thiếp vị sinh

Thiếp sinh quân đã lão

Quân hận thiếp sinh trì

Thiếp hận quân sinh tảo

Tôi biết bài thơ này. Nó là một bài thơ rất ít người biết. Không biết làm sao con bé lại lần được bài thơ này. Tôi giải thích từng từ cho con bé. Nó im lặng một lúc rồi đột ngột hỏi

-Ngày xưa bao nhiêu tuổi thì lên lão chú nhỉ?

-Khoảng năm mươi .Cháu không thấy trong “ Nhật kí trong tù” cụ Hồ viết “Tuổi ngoại năm mươi thường thán lão” là gì

-Tức là chàng trai và cô gái hơn nhau năm mươi tuổi cơ à?

Con bé hỏi mà mắt nó mơ màng nhìn đi tận đâu. Tôi vô tình nói

-Chắc không đến thế đâu. Ngày xưa tuổi thọ thấp, chỉ gần bốn mươi là người ta đã cảm thấy mình già lắm rồi

Đột nhiên con bé quay sang nhìn thẳng vào tôi và nói

-Một mối tình đẹp có phải không chú?

Tôi giật mình. Linh cảm mách bảo tôi có một cái gì đó không ổn ở đây.Tôi cười khỏa lấp

-Cháu đừng tin vào thơ văn. Mà dạo này cháu cũng đọc thơ kia à.Có anh chàng nào rồi phải không?

-Không! làm gì có. Nếu có cháu phải mang về báo cáo với chú chứ

Con bé nói với tôi với một giọng nói rất mạnh mẽ , khẳng định. Hình như nó cố làm cho tôi hiểu rằng nó chưa yêu ai .Tối hôm đó , lần đầu tiên tôi nhận ra một điều : Con bé đã cố gắng chăm sóc tôi giống y như lúc vợ tôi còn sống.

Khi nhận ra điều này, cảm giác bất an trỗi dậy trong tôi. Từ hôm đó ,tôi cố gắng tránh xa con bé. Nhưng kể cũng lạ, tôi càng cố tránh xa con bé thì cảm giác bất an càng lớn dần lên trong tôi. Càng cố xua đuổi cảm giác ấy, một cảm giác khó tả, không hình ,không bóng, thì nó càng lớn và lớn ngày một nhanh

Một buổi chiều, tôi ra nghĩa trang thăm mộ vợ. Từ đằng xa, tôi đã thấy con bé đang đứng trước mộ vợ tôi. Giật mình, tôi rón rén đi sát lại gần, nấp sau một ngôi mộ mới xây to tướng, tôi thấy con bé đang khấn.

Không phải khấn! vì nó nói rất to như không phải chỉ nói với người nằm trong mộ mà còn muốn nói với cả chính mình

-Cô ơi, cô hãy tha thứ cho cháu. Cháu không biết cháu làm thế này có đúng không. Cô đã bảo cháu phải chăm sóc chú. Nhưng cô ơi, cháu chỉ có thể chăm sóc chú khi cô cho phép cháu gọi cô bằng chị. Cô! Cô cho cháu gọi cô bằng chị cô nhé

Tôi sững người khi nghe con bé nói. Hóa ra cảm giác bất an trong tôi là đúng. Tôi bước ra khỏi chỗ nấp, đi lại phía con bé, nghiêm mặt

-Cháu nói gì vậy? Hà! Cháu đừng lẫn lộn giữa tình yêu và lòng biết ơn. Cháu rõ chưa.? Chú đáng tuổi bố cháu

Con bé lúng túng trong một thoáng, song nó lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Nó nhìn thẳng vào mắt tôi với một ánh mắt đanh lại

-Không! Cháu không lẫn lộn

Nói xong nó bật khóc và bỏ chạy. Còn lại một mình, tôi lặng lẽ châm hương cắm lên mộ. Ngước lên nhìn ảnh vợ, tôi thấy hoang mang. Tôi nhắm mắt ,định thần, cố gắng đè nỗi hoang mang ấy xuống. Không được! Tôi sợ hãi chính mình.

Em! Tôi thầm nói trong đầu. Anh không thể quên em. Em hãy giúp anh. Tôi mở mắt, chăm chăm nhìn vào ảnh vợ. Trong làn khói hương mờ mờ đang lan tỏa quanh bức ảnh, tôi thấy nàng như đang cười

-Anh ! đã một năm rồi, anh đã hứa với em điều gì?

Có tiếng thì thầm đâu đó. Tôi ôm mặt

-Không!

Tôi thốt kêu lên thành tiếng. Nhìn lên bức ảnh, nụ cười của nàng biến mất.Bức ảnh nhìn tôi như trách móc. Không, em ơi. Anh xin lỗi! Anh không thể. Sương chiều buông tím. Nghĩa trang không một bóng người. Một tiếng chim thê lương vang lên trong bóng tối nhạt nhòa trùm lên những ngôi mộ

Rất muộn, tôi mới trở về nhà.Con bé đã bỏ đi. Trên bàn, mâm cơm phần tôi đậy lồng bàn. Trên bàn viết, cuốn sổ ghi chép để sẵn. Chiếc bút bơm đầy mực. Một lọ hoa hồng với ba bông hồng đỏ thắm. Không một mảnh giấy để lại. Mười một giờ đêm , tôi bắt đầu lo lắng. Tôi lấy xe phóng vào trường con bé

Tôi đi dọc theo hành lang, nhìn nhanh vào các phòng. Không thấy con bé. Cứ thế, tôi đi khắp các phòng. Đến phòng hội trường ở cuối hành lang tầng ba, thoáng nhìn thấy một bóng người. Tôi dừng lại , nhìn vào.

Đúng con bé rồi. Tự nhiên tôi cảm thấy con tim mình giật lên một cái.Tôi định chạy lại nhưng tôi đã kìm lại. Hội trường không bật đèn.Trong ánh sáng mờ mờ từ những ngọn đèn ngoài sân hắt vào, con bé ngồi tư lự.

Không biết nó đang nghĩ gì? Trong đầu tôi lại thoáng hiện lên hình ảnh con bé ngồi bên bếp ở gầm cầu của mười mấy năm về trước.Tôi cứ đứng chôn chân ngoài cửa không biết bao lâu lặng lẽ nhìn con bé.

Tôi thấy nó lấy tay quệt ngang qua mắt. Lòng tôi chợt nhói lên. Có lẽ con bé khóc.Tôi cứ đứng như thế cho đến lúc con bé đứng dậy .Núp sang một bên , để cho con bé đi qua, tôi lặng lẽ đi sau con bé cho đến lúc biết chắc nó đã về ở trong khu kí túc xá của trường tôi mới yên tâm trở về nhà

Đêm đó, tôi thấy ngôi nhà mình trống trải một cách lạ thường. Ngôi nhà như rộng ra. Tôi đi nằm mà không sao ngủ được. Tôi ngồi dậy đến bàn viết. và tôi không thể tin được, lần đầu tiên kể từ khi vợ mất, tôi không nhìn ảnh vợ mà nhìn lọ hồng nhung tươi thắm mà con bé để trên bàn viết.

Đầu óc tôi quay cuồng với bao nhiêu ý nghĩ mà không một ý nghĩ nào rõ nét đang đảo lộn trong đầu. Tôi thiếp đi trên bàn viết. Hôm sau , tôi đi làm từ sáng sớm. Chiều về mở cửa vào nhà, Nhà cửa đã gọn gàng, Một mâm cơm đậy lồng bàn trên bàn ăn.

Trên bàn viết, cuốn sổ để sẵn, bút bơm đầy mực, một lọ hoa với ba bông hồng nhung tươi thắm. Cứ như có một cô Tấm từ trong quả thị chui ra. Suốt mấy tháng ròng, chỉ trừ chủ nhật, ngày tôi nghỉ, còn hôm nào con bé cũng về nhà thầm lặng chăm sóc tôi.

Một buổi tối tôi đang ngồi uống nước thì có tiếng gõ cửa, tôi ra mở cửa. Bên ngoài là một cô gái. Cô ta lễ phép chào tôi

-Cháu chào chú! Chú có phải là chú Duy không ạ?

-Đúng rồi, có việc gì đấy cháu? Cháu vào nhà đi

Cô gái nhìn tôi rất lâu, vừa nhìn vừa tủm tỉm cười, phải một hai phút sau nó mới nói

-Cháu! À quên. Em là bạn của Hà. Sáng mai trường em tổ chức biểu diễn báo cáo tốt nghiệp. Hà gửi biếu anh một tấm vé mời anh đi dự buổi biểu diễn của nó. – Nói đến đây, đột nhiên con bé không cười nữa, nó nhìn thẳng vào mắt tôi và nói với giọng rất trang nghiêm.

– Em rất mong anh đến dự. Anh đừng làm cho Hà thất vọng

Tối hôm ấy tôi suy nghĩ rất lung. Liệu mình có nên đi không? Nếu đi thì mình phải xử sự sao đây? Từ hôm con bé bỏ đi, tôi đã vào trường tìm con bé mấy lần nhưng lần nào con bé cũng tìm cách lánh mặt.

Thực tình, tuy tôi đến tìm con bé nhưng tôi nửa muốn gặp, nửa muốn không. Tôi sợ! Ôi, cái ranh giới chú cháu của chúng tôi sao mà mong manh thế

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, tắm rửa, cạo râu, lấy bộ com lê mà đã hơn một năm nay tôi không động đến mặc vào. Lúc đứng trước gương chải đầu, bất chợt tôi nhìn thấy mấy sợi tóc bạc trên mái tóc.Tôi đứng thừ người trước gương rồi lẳng lặng cởi áo khoác lên thành ghế.

Đi! Không đi! Đi! Không đi. Hai ý nghĩ ấy cứ vật lộn trong đầu. Không quyết định được, tôi vớ lấy xe phóng đi . Vô định, hoang mang. Tôi cứ thế phóng xe đi. Đi đâu? Tôi không biết. Tôi cứ đi lòng vòng và đột nhiên, tôi nhận thấy mình đang ở trước cổng trường con bé.

Liếc nhìn đồng hồ, muộn quá rồi. Tôi hốt hoảng tạt vào vệ đường mua một bó hoa hồng và một tờ bưu ảnh. Tôi nắn nót ghi dòng chữ : Chúc mừng .

Viết đến đây ngòi bút tôi dừng lại ngẫm nghĩ mãi mà không biết nên viết chữ em hay chữ cháu đằng sau chữ chúc mừng. Cuối cùng tôi quyết định bỏ lửng. Tôi viết: Chúc mừng nhân ngày tốt nghiệp rồi kí tên

Hội trường đông nghẹt người, tôi cố gắng tìm đến chỗ ngồi của mình. May quá vừa vặn đến tiết mục của con bé. Đứng trên sân khấu,con bé nhìn thấy tôi len lên. Nó cứ đứng im trên sân khấu, đợi cho tôi ngồi vào chỗ của mình rồi mới cúi đầu chào khán giả và cất tiếng hát. Bài hát con bé chọn là bài “Đợi”

Em đứng bên cầu đợi anh .Tiếng hát cất lên da diết .Tôi cảm nhận được con bé hát bằng chính nỗi lòng mình. Trong lúc hát, con bé không nhìn vào khán giả mà cứ nhìn xoáy vào tôi với ánh mắt vừa mạnh bạo, vừa quyết liệt.

Người tôi nhẹ bẫng bay lên theo tiếng hát. Đến khi tiếng vỗ tay vang lên tôi mới sực tỉnh. Mọi người đứng cả dậy. tiếng vỗ tay rầm trời. Một đám năm sáu người chạy lên tặng hoa .

tôi cầm bó hoa của mình muốn chạy lên nhưng không hiểu sao đôi chân của mình lại nặng chịch không nhấc lên nổi. Tôi đưa bó hoa cho cô gái ngồi bên cạnh

-Cô bé. – Tôi bảo cô gái – cháu cầm bó hoa này lên tặng người hát hộ chú

Cô gái nhìn tôi một thoáng. Chắc là nó ngạc nhiên lắm nhưng không nói gì cầm bó hoa đi lên sân khấu. Tôi bỏ ra về

Chiều, tôi ra thăm mộ vợ. Trên mộ, tôi thấy bó hoa tôi tặng con bé ban sáng đặt trên mộ. Trên bó hoa, ngoài tờ bưu thiếp chúc mừng của tôi còn cài một mảnh giấy nữa. Tôi mở tờ giấy ra đọc. Con bé viết

“Chị ơi, hôm nay em vừa làm lễ tốt nghiệp. Chúng em đến đây để hát cho chị nghe như chị đã dặn. Bài hát em hát hôm nay là bài đợi chị ạ. Chị ơi em sẽ đợi . Chị tha thứ cho em chị nhé

Em của chị

Sưu tầm.

Bài viết khác

Bố ơi con đã hiểu rồi – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩα nhân văn sâu sắc

Mình không thích nói về cái nghèo, nhưng ρhải công nhận là khi còn nghèo đói, hầu như con cái nhà nào cũng ngoαn ngoãn, biết nhường nhịn, đùm bọc lẫn nhαu. Rất lạ.   Hình minh hoạ sưu tầm Trẻ con bây giờ được ăn ngon, mặc đẹρ. Vậy nhưng xem rα chúng rất […]

Một người đàn bà đáng nể – Câu chuyện cảm động về người phụ nữ có nhân cách tuyệt vời

Một người ăn màγ đến trước một trang viên, gặρ nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn màγ nàγ rất tộι nghiệρ, cάпh taγ bị cụt, taγ áo trống trải đung đưa, người nào trông thấγ cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuγ nhiên, vị chủ nhân nàγ lại không hề khách khí, […]

Ngoại tình – Câu chuyện sâu sắc về người vợ có một tấm lòng vị tha cao cả

Đàn ông đừng có ai tuyên bố là tôi ko ngoại tình nhá chỉ là chưa có cơ hội hoặc chưa đến thời điểm thôi.Đàn ông mà,ông nào chả thích của lạ, của lạ bằng tạ mỳ chính, l … lạ cá tươi,đấy là các cụ vẫn bẩu thế. Ông ta cũng chẳng ngoại lệ, […]