Quan trọng nhất là yêu thương – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Tôi và vợ tôi, cả hai đều không thích đeo nhẫn, ngày cưới, tôi đã một lần làm rơi chiếc nhẫn khi chưa kịp trao nó cho cô dâu là vợ tôi bây giờ. Đó là vì trước ngày cưới, trót tiếp rượu mấy đứa bạn quá nhiệt tình, rồi say và để rơi không biết.

Sáng ngày đón dâu, tìm mãi không thấy nhẫn, đành lẳng lặng đi mua cái khác. Sau tuần trăng mật, vợ tôi dọn dẹp giường chiếu và tìm thấy cái nhẫn thất lạc… Vợ tôi dò hỏi và lúc đó mới biết chuyện tôi đánh rơi nhẫn trong ngày cưới mà không nói cho ai biết.

Tôi bảo:

– Đã lỡ làm mất thì thôi, mua cái khác chứ có sao đâu…

Vợ tôi thủ thỉ:

– Anh sợ em giận nên giấu đúng không. Em sẽ không giận anh đâu!

 

 

– Vì sao em không giận?

– Khi em còn nhỏ, nếu lỡ làm rơi cái bát, thường hay bị bố mắng “Đầu óc để ở đâu mà để rơi vỡ bát như vậy, rồi mai lấy cái gì mà ăn”. Em hiểu được cái cảm giác bị mắng khi lỡ làm mất, làm hỏng một đồ vật nào đó!

Tôi chợt nhớ, khi còn nhỏ, mỗi lần tôi lỡ làm hỏng, làm mất một thứ gì đó, tôi chưa từng thấy bố mẹ tôi mắng mỏ, trách móc bao giờ.

Hồi học cấp 2, tôi đá bóng làm vỡ cửa kính nhà hàng xóm, bố mẹ tôi sang xin lỗi rồi cho người sửa, nhưng không hề mắng mỏ tôi lời nào.

Mẹ tôi rán mỡ, để mỡ nóng bắn vào, lỡ tay làm rơi cái bát tô đẹp nhất, cát bát vỡ tan, thức ăn tung tóe khắp nhà. Bố tôi thấy vậy, chạy vội đi lấy lá cây thuốc bỏng nhai đắp vết thương cho mẹ mà không trách móc mẹ nửa lời.

Sau này, trong gia đình nhỏ của tôi cũng vậy. Mỗi lần con làm vỡ cái bát, cái ly, vợ chồng tôi thường nhẹ nhàng nhắc con cẩn thận với những mảnh vỡ kẻo đứt tay, rồi cùng dọn dẹp và nhắc con lần sau cẩn thận hơn.

Hình như, kỹ năng giải quyết những khúc mắc, lòng trắc ẩn và yêu thương trong gia đình sẽ được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau qua chính sự tương tác của ông bà, bố mẹ, con cái hàng ngày.

Nó tốt hay xấu cũng xuất phát từ tấm gương phản chiếu của những người lớp trước để con cháu soi vào rồi khắc ghi trong lòng. Đó cũng là cách để hòa hợp mối quan hệ với bạn đời và với con cái trong gia đình.

Vợ chồng thương yêu, tôn trọng nhau thì sẽ truyền cho con cái biết yêu thương, sau này khi lấy vợ lấy chồng, chúng cũng sẽ bao dung lỗi lầm cho nhau, sẽ ân cần quan tâm chăm sóc nhau.

Vợ chồng tính toán chi li, cãi vã nhau sẽ khiến những đứa con lây lan tính cáu kỉnh, có khi là trầm cảm, tổn thương ảnh hưởng tới việc học tập và tính cách của chúng trong tương lai sau này. Và cái vòng tuần hoàn luân hồi sẽ cứ thế tiếp diễn từ đời này sang đời khác…

Một cái bát lỡ tay bị vỡ, một màn hình điện thoại bị rơi hỏng, một chiếc nhẫn bị rơi mất… vẫn có thể mua lại, sửa chữa lại được, cớ gì mà phải mắng mỏ, dằn vặt, làm tổn thương nhau!

Nhưng sẽ mất bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian để sửa chữa một mối quan hệ đã bị rạn nứt và những vết thương lòng ấm ảnh trong nhau???

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *