Ở hiền gặp lành – Câu chuyện ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Mẹ chồng tôi có ba người con.
Yasha, chồng tôi là con lớn. Trong gia đình, Yasha luôn bị cô lập, lý do rất đơn giản: mẹ chồng tôi sinh chồng tôi khi còn “con gái”. Em gái và em trai chồng mới là con sinh ra trong hôn nhân hợp pháp.
Mẹ chồng đã khéo léo dấu diếm đứa con ba tuổi để trói chân người đàn ông khá tự lập là bố dượng sau này của chồng tôi.
Trong những năm 1980, ông là một trong những người đầu tiên thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Công ty của ông đã thuận lợi vượt qua những năm 1990 khó khăn, không bị phá sản trong những năm 2000.
Cha dượng Yakov không bao giờ phân biệt đối xử giữa con đẻ với con riêng của vợ. Ông mua quần áo, đồ chơi đều cho tất cả và sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc vì các con. Còn mẹ chồng phân biệt đối xử ra mặt.
– Sao tao lại đẻ ra mày làm gì cơ chứ, – bà thường mắng con riêng – mày thật là làm gia đình tao mất mặt. Tất cả chúng tao đều trắng, chỉ có mỗi mày là giống hệt thằng cha mày. Đen méo gì mà đen như bồ hóng!
Yasha không xin xỏ mẹ đẻ mình giúp đỡ khi bắt đầu cuộc sống tự lập, vậy thì anh có lỗi gì – tôi không hiểu được. Hơn nữa, anh cũng không làm phiền gì đến việc mẹ thu vén cho cuộc sống của mẹ với cha dượng và các em. Cha dượng lúc nào cũng rủng rỉnh tiền nên nhà có thêm một miệng ăn cũng không thành vấn đề.
Các em cùng mẹ với Yasha cũng học theo cách của mẹ đối xử với anh trai. Khi còn nhỏ, mỗi khi cãi nhau chúng tuôn ra hàng tràng những lời, kiểu như: “anh chẳng là ai cả”, “anh không phải là anh ruột của chúng tôi”, “cha tôi cho anh ăn cho anh uống”.
– Em biết không?
Chồng tôi tâm sự trong thời gian đầu sau khi cưới, – anh luôn có cảm giác là cha dượng là người thân duy nhất của anh trong cái gia đình này. Tôi cũng gần như chẳng mấy khi nói chuyện với mẹ chồng, vì bà cũng chẳng quan tâm gì đến vợ của đứa con mà mình chả quý hóa gì. Khi đưa tôi về giới thiệu với gia đình, bà chỉ nhìn tôi tỏ vẻ khinh thường và lầm bầm:
– Còn chờ mong gì ở nó nữa? Chúng mày thích thì sống với nhau, ở đâu thì ở.
Và chúng tôi lấy nhau, thuê một căn hộ riêng, chẳng phụ thuộc vào ai cả.
Một năm sau khi chúng tôi cưới thì cha dượng chồng tôi mất.
Ông mất đột ngột. Đột ngột đối với cả gia đình là ở chỗ, dường như cha chồng tôi đã cảm thấy có gì không ổn nên ông đã thu xếp mọi chuyện giấy tờ đâu vào đấy từ trước.
Ngôi nhà đang ở được thừa kế cho mẹ chồng, mỗi người con, kể cả con riêng, được thừa kế một căn hộ hai phòng. Tất cả nhà cửa đều đã được cha chồng hợp thức hóa là quà tặng.
Còn di chúc chính liên quan đến công ty, cha dượng của chồng tôi quy định sẽ được công bố sau nửa năm nữa.
– Vì sao mà nó cũng được chia phần nhỉ? – cô em Marina tức giận chỉ tay về phía chồng tôi, – nó có máu mủ ruột thịt gì với cha?
Mẹ chồng tôi cũng tỏ ra không vừa lòng, cho rằng chồng tôi không xứng đáng được hưởng thừa kế. Dù ít hay nhiều, chúng tôi cũng là người đồng sở hữu nhà cửa đất đai. Chúng tôi sống bình yên trong căn hộ mới được hai tháng thì mẹ chồng tôi triệu tập về họp gia đình.
– Là thế này, – mẹ chồng tôi tuyên bố, – con sẽ mang bà già về nuôi.
– Bà già nào? – Vợ chồng tôi ngơ ngác.
– Còn bà già nào nữa, là mẹ chồng của tao, – mẹ chồng tuyên bố, – tại sao lại chừa bà ấy cho tao, tao đã không thể chịu đựng bà ấy cả đời, mà bây giờ lại chừa cho tao? Để tao thay bỉm cho bà ấy à?
Dường như, cả em gái lẫn em trai của Yasha đều không muốn bà sống cùng với họ, còn bà thì không thể sống một mình mà không có ai chăm sóc: sau khi bị đột quỵ, bà không thể đi lại được.
– Cha đã để cho anh căn hộ, – thằng em trai Artem nói thẳng tưng, – vậy thì anh phải gánh bà ấy.
Hai vợ chồng tôi trao đổi với nhau một chút và quyết định đưa bà Irina Egorovna về nhà mình. Bà là người rất hài hước, vui vẻ và không bao giờ than vãn. Dĩ nhiên là bà cũng giận vì cháu ruột đối xử với bà như vậy. Những ngày đầu tiên khi về với chúng tôi, bà nói:
– Mẹ cháu, tức con dâu của bà, đã quá nuông chiều chúng, còn cháu, Iasha ạ, con trai bà lúc nào cũng yêu thương và khen ngợi cháu. Ông ấy luôn coi cháu như con đẻ của mình, còn bây giờ đối với bà, cháu còn hơn cả ruột thịt.
Marina và Artem cho rằng không cần thiết phải chăm nom bà nội nữa. Từ đó trở đi, chúng không bao giờ gọi điện hay đến thăm mẹ đẻ của cha mình.
Việc chăm sóc bà nội gần như không có gì vất vả, bà điều khiển xe lăn thành thạo và thậm chí còn giúp vợ chồng tôi nấu ăn.
Bốn tháng sau, di chúc của cha dượng chồng tôi liên quan đến tài sản của công ty được tuyên bố. Ông để lại quyền thừa kế công ty cho mẹ mình. Thật không khó tưởng tượng vẻ mặt của mẹ chồng tôi và các em khác cha của chồng tôi trông như thế nào.
– Em đưa bà về nuôi, – Marina đi đến chỗ vợ chồng tôi và nói.
– Không phải chị, để em, – Artem hét lên.
– Ai bảo các cháu là bà sẽ chuyển đi chỗ khác? – bà nội Irina Egorovna hỏi hai đứa cháu ruột tham lam, – bà ở nhà Yasha rất thoải mái và sẽ không đi đâu hết.
Vậy là bà vẫn ở với vợ chồng chúng tôi, ngay sau đó bà tặng lại cho chồng tôi toàn bộ những gì được thừa kế theo di chúc của người bố dượng “quá cố” của Yasha.
Mẹ chồng, em gái và em trai chồng tôi tìm mọi cách đòi lại, thậm chí kiện ra tòa nhưng tòa xử họ thua kiện.
Họ cũng được thừa kế rất nhiều nhưng không biết giữ, để tiền bạc đội nón ra đi. Artem dính líu vào một phi vụ làm ăn mờ ám nào đó, phải bán nhà để trả nợ, sau đó về nhà mẹ sống. Marina lấy chồng nhưng cũng sớm ly hôn, mang con về cho mẹ chồng tôi nuôi còn bản thân thì đi lấy chồng khác.
Bà nội chồng tôi Irina Egorovna mất cách đây không lâu. Khi thu dọn đồ đạc của bà, vợ chồng tôi tìm thấy một tờ giấy gấp cẩn thận, trong đó cha dượng Yakov viết: “Mẹ ơi, nếu có chuyện gì xảy đến với con, mẹ hãy đến ở với Yasha. Theo con nghĩ, trong tất cả những đứa con của con, nó là người xứng đáng nhất, mặc dù nó chẳng có máu mủ ruột thịt gì với nhà ta. Mẹ hãy tha thứ cho con vì con không thể dạy dỗ hai đứa con ruột Marina và Artem thành người như nó…”
Ở HIỀN GẶP LÀNH
Người dịch: Dương Nguyên Khải
Bài sưu tầm
Ảnh st.Internet minh họa cho bài