Nước mắt chảy xuống – Câu chuyện buồn ý nghĩa sâu sắc
NƯỚC MẮT CHẢY XUỐNG
Ông bà có 3 người con, hai cô con gái đầu và cậu con trai út. Cuộc sống thời bao cấp cơ cực một thì ở miền bán sơn địa mà ông bà sống cơ cực mười.
Thôi thì đủ thứ nghề ông bà đã trải qua để nuôi mình, nuôi con ăn học. Ơn giời, 3 đứa con đứa nào cũng khỏe mạnh, chăm chỉ.
Hai cô con gái ra trường có công việc ổn định rồi lấy chồng, sinh con, một cô làm trên tỉnh, cô thứ 2 theo chồng vào thành phố Vũng Tàu.
Ông bà hy vọng cậu út học xong đại học thì về quê làm việc để ông bà an vui với cháu con lúc tuổi già.
Nhưng ở vùng quê bán sơn địa ấy không hấp dẫn được cậu trai nhiều ước mơ và hoài bão. Cậu út cố tình bám trụ lại Hà Nội và cũng trải qua vài công việc không đâu vào đâu trước khi gặp cô vợ bây giờ.
Ngày ấy, hai người vô tình gặp nhau trong một đám sinh nhật người bạn chung, vẻ rắn rỏi và khá đẹp trai của cậu út có sức hấp dẫn cô nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Biết công việc của cậu hiện giờ cũng không có gì là chắc chắn, cô nàng bắn tiếng để cậu nộp hồ sơ xin việc ở một doanh nghiệp Nhà nước có tiếng tăm, nơi bố cô làm Trưởng ban Tổ chức nhân sự.
Rồi chuyện gì đến sẽ đến, cô cậu thành vợ chồng với một đám cưới không kém phần long trọng.
Ngày đầu gặp cô con dâu tương lai, khi thằng út mai về quê ra mắt bố mẹ, bà nhìn cô gái cứ thấy có điều gì bất ổn.
Gương mặt phải nói là đẹp nhưng vẫn thấy ánh mắt đôi lúc sắc lạnh, đôi lúc vô hồn.
Cô chào hỏi ông bà vài câu cho phải lễ rồi than mệt vì đường xa, ngồi nghỉ để mặc bà dưới bếp tất tả làm mấy món quê đãi dâu…
Khi thằng cháu nội được 5 tuổi thì ông ra đi, bình yên và nhẹ nhàng như cuộc sống của ông. Bà ngơ ngẩn mất mấy tháng gì đấy rồi cũng bình tâm lại.
Cô con gái đón mẹ vào Vũng Tàu đâu được 3 tháng thì bà nằng nặc đòi về, bảo ở đây không quen, về quê còn có làng xóm, còn mộ ông bà và bố mày.
Nói cách nào bà cũng không chịu, cô đành thu xếp chuyện gia đình, công việc để đưa mẹ về quê. Ở quê bà thấy cuộc sống nhẹ nhàng, tình làng nghĩa xóm vẫn như cũ, bây giờ các thanh niên đi làm ăn xa nên ở nhà loanh quanh cũng chỉ mấy ông bà già, chuyện ra chuyện vào với nhau cũng bớt phần quạnh quẽ.
Ngày thằng cháu vào lớp một, bà nhận được lời đề nghị của cậu út khi gọi điện về: “ Mẹ ơi, mẹ lên ở với vợ chồng con nhé, thằng Khôi năm nay vào lớp một rồi, mẹ lên với chúng con, sáng chiều đưa đón nó đi học giúp con, trường cũng gần nhà thôi mẹ.”.
Thế là mấy hôm sau, sau khi thu dọn nhà cửa, gửi hàng xóm, bà khăn gói đợi thàng út về đón lên.
Vợ chồng thằng út ở một chung cư cao cấp, có 3 phòng ngủ nên cũng thỏa mái cho việc sinh hoạt của mọi thành viên gia đình.
Hàng ngày bà cứ xoay vần với những công việc không tên như một Osin không lương chính hiệu, chả ca thán, nặng nhẹ, cứ mong được đến chiều tối nhìn thấy con cháu trở về cùng ngồi bên mâm câm mà cả ngày bà cứ phải cân nhắc xem tối nay nấu món gì.
Thỉnh thoảng tranh thủ được lúc buổi trưa, bà chạy qua nhà bên cạnh, nhà ý có bà hàng xóm cũng lên ở với con, tính tình cũng thuần hậu và chất phát. Hai bà có vẻ hợp nhau.
Nói về cô con dâu, hình như từ ngày bà lên, buổi tối cô ít ăn cơm nhà hơn, đến bữa cô vơ vội vài miếng qua loa rồi đứng dậy đứng dậy xem tivi hoặc ôm cái điện thoại.
Một lần vô tình khi dọn đống đồ thằng cháu ném ra mang đi giặt, bà nghe thấy to tiếng trong phòng con trai: “ Sao em dạo này ăn ít thế, ăn xong cũng nên dọn dẹp cho bà chứ?
Nói thật anh nhé, em ăn ít là vì bà nấu không nuốt được, kiểu nấu ở quê anh chắc chỉ hợp với anh thôi, xế chiều nào em cũng ra ăn mấy quán gần cơ quan rồi mới về nhà…”.
Đợt này tuần hai, ba lần bà lại thấy vợ chồng con cái buổi tối lại bỏ cơm, kéo nhau ra ngoài, cũng không nói bà là đi đâu.
Mãi sau bà mới biết là vợ chồng nó kéo nhau ra ngoài ăn. Bà chỉ biết thở dài và hôm sau lại tỉ tê tâm sự với bà hàng xóm.
Tối hôm qua khi thằng Khôi ăn cơm xong đến chỗ bình nước rót nước uống, ở nhà trong bà nghe cô con dâu la toáng lên: Tý, sao mày lại uống chung cái cốc nước của bà thế, mẹ đã dặn bao nhiêu lần rồi, bây giờ bệnh tật, lây nhiễm nhiều lắm…
Bà nghe mà thấy lòng buồn rượi rượi, hôm sau thì đổ bệnh. Sáng đó, cậu út chở mẹ đi khám rồi mang về cả đống thuốc dặn mẹ vài câu uống như thế nào rồi đi làm.
Hôm rồi bà hàng xóm chạy qua thăm, thấy đống đồ lót của bà bên cạnh máy giặt cô con dâu không giặt và ném vào một góc, bà lụi hụi dọn và mang về giặt hộ.
May có bà hàng xóm động viên, chạy qua lại đỡ đần cùng với sức khỏe của bà cũng khá tốt nên chưa đầy tuần bà đã khỏi hẳn.
Sáng nay thứ 7, bà hàng xóm đang ngồi xem tivi thì thấy bà bấm chuông: “ Tôi qua chào bà rồi về quê đây, bà ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.
Bố mẹ thằng Khôi sáng nay chở con đi chơi xa chắc chiều mới về. “
Thế bà định về làm gì, có lên nữa không?
“ Lên hay không thì chưa biết bà ạ, chắc kiếp trước tôi mắc nợ gì ai đấy nên kiếp này đến tầm tuổi này rồi chưa được thanh thản.
Tôi về chắc xin làm công quả cho chùa làng bà ạ, thôi thì coi như mình trả nợ đời, trả nợ cuộc sống vậy.”
Bà hàng xóm nghe xong cứ thấy nghèn nghẹn, nghĩ mình còn có phúc hơn, dâu rể thì cũng chả cao sang, giàu có gì nhưng còn được cái còn biết quan tâm, lo lắng và chiều mẹ rồi lại lẩm bẩm: nước mắt chảy xuống, ô hầy…
( Đây là câu chuyện có thật tại Khu chung cư HP quận Long Biên, người viết nghe kể lại từ chính người hàng xóm của nhân vật chính trong câu chuyện).
Bài và ảnh Sỹ Tuấn