Ngày chị ly hôn chồng, con gái mới tròn ba tuổi – Suy ngẫm
Không mang theo một chút nuối tiếc hay dằn vặt nào, ngay khi có quyết định của toà án, chị thu dọn đồ đạc rồi thuê một chiếc taxi đưa mình ra chỗ bắt xe khách để lên thành phố.
Dân làng họ đều bảo, chắc chị có đàn ông khác ở trên thành phố rồi. Chứ không sao lại phủi mông đi nhanh như thế được. Chưa kể nhà chồng đối với chị không những chỉ có tình, mà còn có nghĩa.
Bởi vì năm xưa, mẹ chị bỏ chị đi khi vừa mới lọt lòng, bà ngoại từng phải bồng chị sang nhà hàng xóm, cũng tức là nhà mẹ chồng của chị bây giờ, xin từng miếng sữa một. Nếu không xin ở nhà hàng xóm, thì bà lại bồng đi khắp nơi trong làng, hoặc nghe tin làng bên có gái nào mới đẻ là bà tất tả bế chị sang ngay.
Sau này bà ngoại mất, cô hàng xóm từng cho chị sữa nhận chị nhận chị về nuôi, yêu thương như con cháu trong nhà, rồi chị cũng sớm bén duyên với anh con trai cả nhà cô.
Sau này, hôm đám cưới, mẹ chồng chị còn trêu, hồi đó chỉ cho đi có vài giọt sữa mà lời được hẳn cô con dâu. Mọi người ai nấy đều vui mừng trong ngày vui của chị, người ta kháo nhau ấy chị và anh dường như chính là duyên trời sắp đặt.
Thế mà ai có ngờ đâu, duyên trời được vài năm thì đứt ngang đường.
Nguyên nhân cũng chẳng phải ai phản bội ai, chỉ vì chị muốn lên thành phố tìm được làm ăn, nhưng anh thì muốn ở lại quê nhà. Chị muốn tương lai giàu có, còn anh thì muốn cuộc sống bình đạm. Cứ mâu thuẫn qua lại như thế, cuối cùng cũng không chịu nổi nhau nữa.
Ngày đi, chị tự thề: “Tôi sẽ tự lo cho con tôi ăn học đàng hoàng, không những thành người, còn phải thành danh. Rồi đây nó sẽ có được một đời phú quý, giàu sang.”
Sống đời phú quý, giàu sang chính là ước mơ cả đời của chị. Nhưng số phận cay nghiệt, khiến chị lỡ làng, bây giờ chỉ còn biết trông chờ vào đứa con, mong sao cho nó được ăn học thành tài.
May mắn thay, vì đã quen với bà chủ mối quần áo từ trước, sau khi chị ôm con lên thành phố thì có chỗ để làm ngay. Bà chủ còn cho chị mượn tạm cái nhà kho nhỏ để ngủ, đỡ mất tiền thuê ngoài. Còm cõm tích cóp ba năm, con vừa vào lớp một là chị cũng dư ra được một khoản để tự mở cửa hàng quần áo riêng.
Chắc vì được bà ngoại quá cố phù hộ độ trì, nên việc làm ăn vô cùng suôn sẻ. Chị càng kiếm được nhiều tiền thì càng đầu tư cho con gái nhiều.
Con bé mới chớm vào lớp một, chị đã cho nó đi học thêm lớp tiếng anh, bên cạnh việc học vỡ lòng ở trường, để con có nền tảng chắc chắn từ sớm. Để con gái không bị lệch về kiến thức mà thiếu kỹ năng mềm, cứ thêm một tuổi chị lại đăng kí thêm cho con một khoá học kỹ năng. Ban đầu thì học bơi, học bơi xong lại học vẽ, rồi học piano, học múa…
Việc học thì thế, còn việc chăm con ở nhà cũng rất có khuôn khổ. Có gì bổ não là chị mua về nấu cho con gái ăn, thực đơn hàng ngày cũng được chị sắp xếp tỉ mỉ, cân bằng đủ loại dinh dưỡng. Những thứ như nước ngọt có ga, xiên bẩn ngoài lề đường, đừng hòng chị cho con chị động vào.
Đến mùa hè, ngày nào chị cũng tự tay chuẩn bị sẵn nước ép hoa quả tươi cho con mang đi học.
Chắc vì chị chăm kỹ quá, nên con bé vừa lớn lên xinh đẹp, vừa đa tài đa nghệ. Nhưng mọi người xung quanh khi gặp con chị thường hay quở: “Cô bé xinh, nhưng mà có đôi mắt nhìn thật buồn.”
Chị thường ngắm nghía những bức ảnh của con mình rồi tự phủi đi: “Mắt to đẹp giống mẹ thế này, buồn đâu mà buồn.”
Chị yêu quý con gái mình như thế, nhưng không có nghĩa là hai mẹ con không có bất đồng.
Năm mười hai tuổi, con gái vừa dậy thì, hai mẹ con cứ ba hôm lại cãi nhau một trận. Nguyên nhân vì con gái bắt đầu tự ý nghỉ học ở những lớp học thêm mà chị đã đăng kí.
Có hôm căng thẳng nhất, con bé vừa đặt chân vào đến nhà đã tháo cặp sách rồi lăng một phát tới tận chân bàn, nơi chị đang ngồi.
“Mẹ lại đăng ký học thêm toán nâng cao cho con à? Con bảo mẹ rồi mà, con không thích học toán, không thích vào đội tuyển toán. Sao mẹ cứ ép con thế?”
Chị bình tĩnh nhặt cái cặp của con bé lên, phủi phủi nhẹ rồi để lên xô pha. Tưởng con đang tuổi nổi loạn nên ương bướng, chị chỉ điềm nhiên bảo: “Hồi nhỏ con thích toán lắm mà. Con nhớ lại xem ngày xưa con chẳng đi thi được giải học sinh giỏi đấy còn gì.”
Con gái có vẻ ấm ức lắm, mắt nó đỏ hoe lên. Nhưng nó vẫn cố giải thích: “Nhưng giờ con không thích nữa.”
“Chắc dạo này mẹ để con lên mạng nhiều quá nên con xao nhãng việc học, từ mai cứ mười giờ tối là nhà mình cắt mạng. Giờ đấy con cũng phải đi ngủ rồi.”
Nghe chị nói thế, mặt con gái đỏ bừng lên, trong đôi mắt đong đầy sự uất ức, nó đi vào phòng rồi đóng cửa thật mạnh. Ở trong phòng, nó oà khóc nức nở.
Con gái càng lớn, những cuộc cãi vã của hai mẹ con chị càng ngày càng nhiều hơn. Có lần, thì chị mắng con vì thành tích học tập đột ngột rớt xuống tận hai hạng. Có lần, chị mắng con vì dám tự ý huỷ khoá học rồi đòi lại tiền học từ trung tâm tiếng anh, không những không nói với chị một câu, còn đem số tiền ấy đi tiêu hết. Có lần, chị mắng con vì con chơi với mấy đứa trẻ không đàng hoàng, dù chúng cũng sống ngay cùng một khu chung cư này, nhưng đứa nào đứa nấy hết nhuộm tóc lại xỏ khuyên môi, khuyên mũi.
Và cả con bé làm ầm lên khi bắt gặp chị đang đọc nhật ký của nó nữa. Nó cầm cuốn nhật kí hùng hục chạy ra bếp, lấy con d// ao chặt xương bản to ch//ặt như điên.
Vừa chặt nó vừa khóc, chứ chẳng nói năng gì.
Lần đấy chị cũng sợ tái cả mặt, chị có xin lỗi con gái, nhưng nó chỉ ậm ờ tỏ ý đã biết rồi thôi. Cũng từ dạo đó, con bé không nói về việc nó muốn gì với chị nữa. Nó càng ngày càng lầm lũi, khó hiểu và lặng thinh.
Năm chị ba mươi sáu, con gái vừa chớm trăng tròn.
Chị nhớ, hình như ấy cũng là một đêm trăng tròn, con gái quyết định nh//ảy từ tầng năm xuống, sau khi nghe chị chì chiết: “Biết vậy tao thà không sinh ra mày.”
Chị chỉ kịp gào lên một tiếng: “Bảo Ngọc!”
Rồi ôm ghì chiếc áo khoác đồng phục vừa túm được của con trong tay, chị khóc đến ngất lịm.
Bảo Ngọc, tên con như là châu báu. Cái tên đã chứa đựng biết bao ước mơ và sự mong mỏi của chị đặt vào con mình. Cái tên hứa hẹn sẽ mang đến cho con bao may mắn và thành công trong tương lai mà chị vẫn thường nghĩ đến. Cuối cùng, chỉ còn là những nét mực xám ngắt, lạnh lẽo hằn trên di ảnh, sau làn khói hương trầm và cả nước mắt của những người ở lại.
Đưa từ phố về quê để gia đình họ hàng dưới đó được trông thấy con lần cuối, bà nội khóc đến lạc cả giọng. Nhớ lại ngày cháu nội về quê, mới hè này đó thôi, con bé còn muốn quấn lấy bà, khen cà gém bà muối là ngon nhất, chỉ ăn với canh rau muống vắt chanh cũng có thể ăn được ba bát cơm đầy. Thế mà giờ còn đâu, đến hình hài của đứa cháu nhỏ cũng chẳng nguyên vẹn, chứ đừng nói tới việc có thể ôm lấy bà mà nịnh nọt, ríu rít.
Ba của Bảo Ngọc, tức chồng cũ của chị vừa đau lòng, vừa tức giận, nghẹn ngào: “Tôi đã cảnh cáo cô bao nhiêu lần rồi. Cô cứ ép nó đi. Trời ơi là trời!”
Những câu chữ như d//ao sắc cứa xuống từng nhát, chẳng hề quan tâm đến gương mặt đẫm lệ của người đàn bà khốn khổ vừa mới mất đi m/ áu th/ịt trên người mình.
Anh tiếp tục đay nghiến: “Cô có biết, mỗi lần cô đưa nó lên thành phố hết một học kì về đây là nó lại ôm tôi khóc. Cô có biết không? Tôi cứ dỗ cho nó vui được một tí, là cô lại bắt nó về trên thành phố. Cô khinh cái vùng quê nghèo này, cô khinh cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này, cô khinh tôi, cô muốn con cô làm người thành phố.”
Túm lấy cổ áo của chị, anh gầm lên như sấm: “Cô mang một con người nguyên vẹn ra đi, cớ sao giờ lại chỉ còn thân xác lạnh tanh trở về? Cô g//iết con tôi rồi!”
Chị nghe chồng cũ nói, không kìm được mà oà khóc thành tiếng. Bà nội kéo lấy tay , đẩy sang một bên: “Mày bớt vài câu đi! Thôi ngay đi!”
Nhưng chồng chị không chịu, vùng vằng giật ra, kéo lại vai áo và tiếp tục buộc tội chị: “Con phải nói cho cô ta tỉnh ra. Tất cả là lỗi của cô. Con gái nh//ảy lầu cũng là lỗi của cô hết.”
“Người mất đã mất rồi. Chúng mày còn ở đây chì chiết nhau làm gì. Ông giời ơi.”
Hôm ấy, nhà chồng chị lúc nào cũng văng vẳng tiếng khóc nỉ non, bi thương chồng chất bi thương.
Đám tang xong xuôi, chồng chị giữ chặt lấy hũ tro cốt của con gái, định bụng sáng mai sẽ gửi vào chùa, để con bớt khổ đau, oan khuất. Đồng thời, anh lạnh lùng cắt đứt hoàn toàn quan hệ với chị: “Từ giờ cô đừng vác mặt về đây nữa. Đừng để tôi nhìn thấy cô. Giữa chúng ta không còn liên hệ gì nữa rồi.”
Chị không đành lòng, nửa đêm muốn nhân lúc mọi người đi ngủ rồi lấy hũ tro đi, nhưng bị chồng cũ bắt được tận tay. Anh tát cho chị một cái như trời giáng, làm chị mất đà lảo đảo suýt ngã ra đất.
“Cô vẫn còn không chịu buông tha cho con bé à?”
Chị nhìn chồng bằng đôi mắt đỏ au, liên tục lẩm bẩm: “Tôi làm gì? Tôi làm gì mà các người đối xử với tôi như thế? Tôi là mẹ con bé cơ mà, chẳng lẽ tôi lại không yêu nó, lại không muốn những điều tốt đẹp nhất cho nó sao?”
“Loại như cô không xứng làm mẹ! Không có mẹ nào khiến con mình phải nh/df/ảdfy lfdầfdud t.fd ự tdf/ ử vì áp lực cả.”
Trong đôi mắt của chồng như có một ngọn lửa hận thù và phẫn nộ hừng hực bốc lên. Dường như chỉ vài giây nữa thôi, ngọn lửa ấy sẽ cháy bén sang người chị, th//iêu cháy chị ngay lập tức.
Ở trước mặt chị, anh như một vị thẩm phán đang gõ xuống từng nhát búa định tội, mang theo sức nặng áp đảo đến nỗi chị không biết làm thế nào để phản kháng lại.
Có lẽ nào? Chị thực sự đã sai ư?
Chị suy sụp ngồi xuống đất, giống như một cái cây héo rũ trên sa mạc khô cằn. Chồng chị ôm ghì hũ tro cốt vào lòng, giống như cái ôm đầy bảo bọc và yêu thương mà anh vẫn dành cho con gái khi còn sống.
Trở lại thành phố với thân thể bệu bã, như người vừa mới trở về sau hành trình lưu lạc nhiều năm, shop quần áo đóng cửa nhiều ngày vẫn chưa được mở lại, bên ngoài bị người ta dùng sơn phun lên những câu ch//ửi mắng rất nặng nề. Sự việc bé gái nh//ảy l.ầf.u vì bị mẹ gây áp lực học tập ở chung cư A đã tạo nên một làn sóng dư luận đầy phẫn nộ.
“Bà đấy khó tính có tiếng luôn mà.”
“Con bé chẳng cười nói với ai bao giờ, nhìn cứ như bị trầm cảm. Chắc ở nhà mẹ nó áp đặt dữ lắm.”
“Có đợt nghỉ hè, mấy đứa học sinh chúng nó chơi cầu lâu với nhau ở khuôn viên thôi mà bà ấy bắt con bé lên nhà học bài, còn dặn không được chơi với con tôi. Chỉ vì con tôi không nằm trong top 10 học sinh giỏi của lớp. Đáng ghét kinh khủng.”
Hình như, không ai thương xót cho một người mẹ vừa mất đi con gái. Họ chỉ thấy như vậy là đáng đời chị, như vậy là cái giá thích đáng mà chị phải trả.
Chưa đầy một tháng, chị sút liền năm, sáu cân. Người chỉ còn da bọc xương, gương mặt tái nhợt. Ban ngày, không ai trông thấy chị ra ngoài. Chỉ có một hai người đi thể dục đêm là thi thoảng sẽ bắt gặp chị mua gì đó ngoài cửa hàng tiện lợi.
Mãi tới hôm tròn bốn chín ngày của con gái, khi hoàng hôn vừa đủng đỉnh buông mình, người ta thấy bóng chị thấp thoáng ở khuôn viên khu chung cư. Tuy nhìn người gầy gạc và thiếu sinh khí, nhưng chị vẫn ăn vận thật đẹp, còn trang điểm và làm tóc rất tỉ mỉ. Tận khi trời tối hẳn, chị mới xách túi lớn túi nhỏ trở về.
Chị rửa sạch chùm nho mới mua, đặt lên bàn thờ con rồi thắp một nén hương.
“Hồi còn sống, con thích ăn nho nhất. Hôm nay mẹ mua cho con đây.”
Chị lẩm bẩm khấn xong, lại ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh của con gái một hồi lâu. Lòng chị đau như bị trăm ngàn bánh xe cán qua cán lại, nỗi đau dai dẳng và tái tê, cộng với sự ăn năn day dứt đêm nào cũng theo chị vào cả những cơn mê. Từ ngày con mất, giấc ngủ nào của chị cũng chập chờn, bất an. Thế nhưng hôm nay, vừa tròn bốn chín ngày con, chị quyết định sẽ ngủ một giấc thật ngon.
Chị thất thểu đứng lên rồi đi kiểm tra xem cửa đã khoá chặt chưa, đồng thời cũng đóng lại hết cửa sổ. Trước khi kéo rèm, chị ngắm nhìn thành phố một lần cuối. Phố phường hoa lệ, đèn đuốc, cửa hiệu đủ màu sắc, sáng lên trong đêm như một bức tranh.
Ngày con còn bé, được sống trong một căn nhà có view nhìn ra thành phố là ước mơ của chị.
Chị kiếm tiền như điên để có thể cho con gái những thứ mà mình nghĩ là tốt nhất. Nhưng chưa bao giờ quan tâm xem những thứ ấy có thực sự tốt với con trẻ hay không.
Nghèo khổ cả đời, chị chỉ mong con mình học hành thành tài, có được tương lai xán lạn, không phải lao động chân tay lam lũ cực khổ như mình, luồn cúi kiếm từng đồng bạc lẻ, nhưng chị biết đâu mình đã sai lầm thế nào.
Cuối cùng, tất cả lỗi lầm là do chị.
Chị châm lửa đốt năm cái bếp được đặt đầy than hoa, khói trắng lãng đãng như mây, dần dần toả ra khắp căn nhà. Trước khi nằm xuống xô pha, chị uống một liều thuốc an thần, chị đã thức trắng hai đêm nay chỉ để chờ giây phút được chìm vào giấc ngủ này.
Ôm chặt di ảnh của con vào lòng, mắt chị nhoè nước, khẽ lẩm bẩm: “Mẹ sai rồi, con ơi.”
Không biết bóng tối đã bao phủ lấy chị trong bao lâu, thân thể nhẹ bẫng bỗng nhiên nặng dần, nặng dần, nặng trĩu. Tưởng như mình sẽ mãi bị vây hãm trong bóng tối mịt mùng như thế, thì một tia sáng bỗng chiếu đến. Tia sáng gay gắt ấy làm chị vô thức đưa tay lên để che, rồi chị choàng tỉnh giấc.
Thời khắc mở mắt ra, chị thấy mình vẫn đang nằm trên sofa của phòng khách, cái bụng của con thỏ bông chị dùng để kê đầu đã ướt mèm. Chị giống một người người vừa mới mở mắt sau giấc ngủ kéo dài vài năm trời, nhận thức như động cơ bị ch//ết máy, nhưng cõi lòng thì nhộn nhạo vô số cảm xúc, chúng quấn lấy nhau thành một mới bòng bong, rối tinh rối mù, không biết nên tháo nút từ đâu.
Chị vừa cảm thấy mất mát, lại vừa thấy tổn thương. Nhất là một nỗi bi ai không thành lời ngấm đẫm trong từng tế bào, chúng như đang rút cạn sinh lực của chị, khiến chị không cánh nào phản kháng, không thể lấy lại bình tĩnh.
Trong lúc còn chưa kịp hoàn hồn thì chị nghe tiếng con gái bấm mật mã cửa. Nó xông thẳng đến trước mặt chị, lên giọng một cách bất mãn: “Mẹ lại gọi điện cho bạn con để hỏi xem con có tới trung tâm học Toán không à? Con nói rồi, con không muốn đi học thêm Toán, con cũng không thi vào chuyên Toán đâu!”
Con bé gào ầm lên, nhưng rồi khi trông thấy mặt mẹ mình đẫm lệ, nó sững ra: “Sao mẹ khóc?”
Chị đưa tay ra, nắm lấy tay con gái. Trước mắt chị, đứa nhỏ vẫn còn nguyên vẹn hình hài, bằng xương bằng thịt, hoàn toàn khoẻ mạnh. Giờ đây, chị hiểu rằng không còn điều gì quý giá hơn thế này nữa.
Chị ôm lấy choàng lấy con rồi khóc nghẹn: “Con ơi…”
Đứa trẻ không hiểu chuyện gì, nhưng nó thấy mẹ mình khóc thê lương như vậy, thì tự động đặt tay lên lưng mẹ rồi xoa xoa, khe khẽ an ủi: “Mẹ đừng khóc.”
Dừng vài giây, nó lại bảo: “Con chỉ muốn nói cho mẹ biết là con không thích học khối A, không muốn thi chuyên toán thôi mà. Con muốn học vẽ. Chỉ cần học trường bình thường là được rồi.”
Chị cố gắng kìm chế tâm trạng của mình, rồi ngước lên bảo con gái: “Ừ, mẹ hiểu rồi.”
“Dạ?” Con gái chị sửng sốt. Dường như chưa bao giờ nó nghĩ đến việc mẹ mình lại trở nên dễ tính như thế này, cảm giác vô thực xâm chiếm lấy nó, làm nó tưởng như mình đang mơ.
“Dạ? Mẹ đồng ý ạ?”
“Ừ. Con thích học cái gì thì mẹ cho con học cái đó. Mẹ không ép con nữa đâu.”
Nghe chị bảo vậy, con gái reo lên ầm ĩ, nụ cười trên môi thể hiện sự vui sướng khôn cùng. Nó nhảy cẫng lên, xoay người vài vòng rồi bảo: “Tuyệt vời!”
Đợi khi con gái đi vào phòng, nước mắt chị lại chảy ra. Chị đưa tay xoa xoa lồng ngực. Cảm giác tan vỡ trong tim vẫn còn chân thực như thể vừa mới trải qua một kiếp người đầy đau thương.
Điện thoại ở đuôi ghế sofa rung nhẹ, chị gạt nước mắt, cầm lên xem thì thấy con gái gửi tin nhắn cho mình, dù hai mẹ con chỉ cách nhau có vài bước chân, giữa trong phòng và ngoài phòng.
Chị mở lên xem thì thấy con nhắn: “Con cảm ơn mẹ nhé.”
Nước mắt vừa mới lau sạch bây giờ lại trào ra, nối nhau rơi xuống làm gương mặt dần dần ướt đẫm. Chị vùi mặt vào hai lòng bàn tay, một lần nữa khóc đến nghẹn ngào.
Thật may, vì với chị, mọi chuyện xảy ra chỉ là một giấc mơ.
Nhưng thật tiếc, vì không phải bà mẹ nào trên đời cũng may mắn có được một giấc mơ như thế.
Viết bởi Dạ Hi