Hai ngọn nến – Câu chuyện ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Ba tôi qua đời khi mẹ tôi còn rất trẻ. Năm đó mẹ chỉ mới vừa 28 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của mỗi người đàn bà, và cái tuổi ấy lại cần được yêu thương. Nhưng giữa lúc nồng ấm của tình yêu thì số phận đã bức lìa ba ra khỏi mẹ, hạnh phúc của hai người cũng chỉ trọn vẹn có ba năm.
Ngày ba qua đời, tôi chỉ mới vừa hai tuổi nên gần như không biết chuyện gì xảy ra. Chỉ nghe mẹ kể lại là tôi đã khóc thét lên vì mùi nhang đèn xông vào nhà quá nhiều. Tôi cũng chẳng nhớ ngày hôm ấy trời có mưa vùi không? Vì thường khi con người ta đau khổ tột độ, khiến cho đất trời đồng lòng, thường trút những cơn mưa lớn.
Sau này nghe kể lại – tôi biết lúc ấy mẹ tôi đã tuyệt vọng đến dường nào, nếu không có tôi, đứa con khờ dại cần phải có mẹ mới có thể lớn khôn, thì chắc mẹ không còn thiết tha sống trên trần gian này làm gì nữa.
Ba là một người đàn ông giỏi giang, vì thế dẫu rằng ba mất ở tuổi 35, nhưng ba đã kịp để lại cho mẹ một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con có chỗ tá túc, một số vốn liếng cho mẹ làm kế sinh nhai.
Bởi – mẹ tôi là một cô bé mồ côi, được đưa vào trại mồ côi nuôi dưõng, rồi sau khi mẹ ra khỏi trại, đã tự bươn chải trong cuộc sống để vươn lên. Ba và mẹ gặp nhau khi ba đã là một người thành đạt, còn mẹ thì đang tấp tễnh vào đời. Mẹ đang làm việc ở một quầy bưu điện khu vực, với thời gian làm việc theo ca kíp. Một buổi trưa chủ nhật, tại quầy bưu điện đó, khi ba tới để chuyến thư nhanh, tình cờ gặp mẹ.
Cuộc sống không thể lý giải là tại sao hai con người ở hai phương trời xa lạ, chỉ trong giây phút gặp nhau là sau đó đã nặng nợ vợ chồng. Người xưa vẫn thường gọi đó là duyên số. Duyên số đã cho ba và mẹ gặp nhau, vì thế tôi mới có mặt trên trần gian này.
Ba mất, một mình mẹ nuôi tôi. Tôi lớn lên trong tình yêu của mẹ. Và những lúc rảnh rỗi, mẹ lại kể về ba. Kỷ niệm tình yêu của mẹ và ba dường như lúc nào cũng đầy ắp trong lồng ngực mẹ. Mẹ kể cho tôi nghe mỗi khi mẹ buồn, mỗi khi gió giông tạt về thành phố. Lúc đó mẹ luôn ôm chăt lấy tôi vào lòng, sau khi đóng tất cả các cánh cửa của ngôi nhà, bật tất cả các công tắc điện lên. Mẹ sợ gió giông. Và gió giông nhắc cho mẹ nhớ ba. Mẹ luôn nói : “ Ba con ở đâu đó với bạn bè, mưa gió là vội về, vì ba biết mẹ sợ mưa bão.” Hạnh phúc của mẹ và ba tràn đầy, không có một bóng thứ ba nào chen vào, nhưng đó lại là một hạnh phúc ngắn ngủi.
***
Đó là buổi sáng như thường lệ, ba chở mẹ đi làm. Ba rất thích đưa đón mẹ đi làm mỗi ngày. Ba nói đùa với mẹ ; “Không chở em anh sợ em quên lối về.” Mẹ cười hồn nhiên với ba như thể ba và mẹ đang ở tuổi mới lớn.
Hôm đó, khi ba chở mẹ vừa đi qua một con đường đang sửa chữa, có một chiếc xe đạp đi ngược chiều chen tới, ba vội lách thì từ phía sau có một chiếc ô tô chèn qua. Xe ngã, ba chỉ kịp ôm mẹ đẩy ra ngoài, còn ba thì bị đập vào chiếc ô tô. Đưa tới bệnh viện mấy tiếng sau thì ba mất.
Ba giành cái chết để nhường cho mẹ sự sống.
Mẹ tôi là một người đàn bà không đẹp, nhưng mẹ rất có sức hút với đàn ông.Vì thế mà những người đàn ông gặp mẹ đều thích buông lời trêu chọc. Nhất là từ ngày họ biết rằng mẹ đã trở thành goá phụ, một mình nuôi con nhỏ. Nhiều người đàn ông đều muốn giành cho mình một cơ hội, nhưng họ đều thất bại.
Ngay cả bà nội tôi cũng khuyên bảo mẹ nên kiếm một người đàn ông nào đó để nương dựa. Nội nói: “ Má biết con rất thương thằng Bích, nhưng nó vắn số, nó cũng chẳng trách gì con đâu. Riêng con Hòa con giao mẹ nuôi cũng được. Mà dẫu con có lấy chồng khác thì mẹ vẫn yêu thương con, vẫn coi con là dâu của mẹ.
” Lúc đó là mẹ ôm chặt tôi, như thể sợ bà nội tôi bức lìa tôi ra khỏi mẹ, rồi mẹ khóc”
Nội cũng bảo mẹ dắt tôi về nhà nội ở cho đỡ buồn, nhưng mẹ từ chối. Nội sợ rằng khi chỉ ở trong căn nhà tràn ngập bóng hình ba, mẹ sẽ luôn nhớ về ba, nội cũng muốn cho mẹ gặp một người đàn ông khác, và sống hạnh phúc.
Nhưng – mẹ vẫn muốn ở lại trong căn nhà mà mẹ đã từng hạnh phúc với ba, căn nhà từng có bước chân của ba, tiếng ho của ba….
Trong ngăn kéo của mẹ có hai cây nến màu trắng. Hai cây nến chỉ mới cháy tàn ngọn, được mẹ gói kỹ càng trong một tấm vải màu vàng.
Đó là hai cây nến đốt trên quan tài của ba khi đưa ba ra nghĩa trang. Sau khi chiếc quan tài đưa xuống huyệt, mẹ đã giữ lại hai cây nến đó, hai cây nến là một lời hứa với người đã mất. Đó là nếu mẹ lấy người đàn ông khác, mẹ phải thắp hai cây nến ấy trước bàn thờ ba, cho đến khi hai cây nến cháy hết. Lời hứa với người đã khuất vô cùng thiêng liêng.
Nhưng tôi chưa hề thấy mẹ đem hai cây nến ra thắp. Dẫu có bao nhiêu lần có bao nhiêu người đàn ông tới nhà. Dẫu có bao nhiêu lần có những bức thư tình gởi đến nhà.
***
Mười lăm năm trôi qua, tôi bắt đầu xa nhà, đi học. Mẹ ở lại một mình trong căn nhà. Tôi biết mẹ rất buồn. Cái buồn của tuổi 28 và tuổi 43 không biết có khác nhau chưa? Nhưng rồi mẹ viết thư cho tôi. Mẹ nói là mẹ không còn sợ gió giông nữa. Mẹ nhắc đến tên một người- đó là chú Thuấn.
“Chú Thuấn mới mua căn nhà sát nhà mình, chú cũng sống một mình. Có chú làm hàng xóm, mẹ đỡ lo. Chú gởi lời thăm con.”.
Cách để cho chú Thuấn gần tôi của mẹ thật khéo với câu nói : “Chú gởi lời thăm con”. Hoặc thỉnh thoảng khi mẹ vào thăm tôi, mẹ lại đưa cho tôi những món quà và bảo : “Chú Thuấn gởi cho con đó.” Tôi biết lòng mẹ đã gió giông.
Tôi đâu còn nhỏ để không đoán ra rằng trái tim mẹ đã bị lay động. Bởi đó là lần đầu tiên mẹ nhắc đến tên một người đàn ông khác. Cho đến khi hè về, tôi mới thực sự gặp được chú Thuấn.
Lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ vui. Bữa cơm có ba người dường như ngon hơn bữa cơm có hai người. Tôi quan sát người đàn ông mà tôi gọi là chú Thuấn đó. Một người đàn ông mạnh mẽ, có tiếng cười giòn tan, có đôi mắt sáng. Chỉ lần đầu tiên gặp, tôi đã thầm mừng cho mẹ. Tôi cám ơn trời đất dun dủi để có một người đàn ông ngoài ba tôi làm cho mẹ tôi vui.
Khi chú Thuấn ra về, tôi chui vào giường ngủ chung với mẹ : “ Mẹ à, con thấy chú Thuấn cũng được. Hay là mẹ lấy chú ấy đi.” Mẹ ôm chặt tôi vào lòng, nói chuyện khác: “Trời ơi, hôm nào ôm nó có tí xíu, bây giờ lớn ơi là lớn. Rồi nó lấy chồng nó bỏ mẹ nó một mình”. Tôi vùi trong lòng mẹ: “Con không lấy chồng đâu nếu mẹ không lấy chồng.” Mẹ ậm ừ: “Ngủ đi”. Tôi thầm thì: “Mẹ lấy chú Thuấn đi. Con không có ngăn cản đâu. “ Mẹ lay tôi nhẹ, như lay giấc ngủ bé thơ ; “Con ngoan, ngủ đi, con ngoan.”
***
Rồi một ngày – mẹ đem hai cây nến ra thắp, hai cây nến nằm trong tấm vải bọc kín đã mười mấy năm trời vẫn như còn mới. Mẹ cắm hai cây nến lên bàn thờ, khơi lại tim. Mẹ bật quẹt, đốt cho hai cây nến cháy. Tôi chăm chú nhìn mẹ đốt nến.
Mẹ đang cầu khấn điều gì trước ba, tôi nghe không rõ.
Hai cây nến cháy trong đêm thật huy hoàng. Nó reo rộn rã. Tôi và mẹ cùng nhìn ngọn nến cháy với hai tâm trạng khác nhau…
Nến cháy cạn đời nến là mẹ sẽ thành vợ chú Thuấn. Nhưng kỳ lạ chưa, mẹ bước tới bàn thờ, chụm miệng thổi tắt hai cây nến đang reo lửa, Mẹ kéo tôi: “Đi ngủ thôi con.”
Buổi sáng tôi dậy trễ, không có mẹ ở bên,bước ra khỏi phòng thì thấy mẹ đang đứng trước bàn thờ ba. Rất hiếm khi mẹ lại đứng trước bàn thờ ba lâu đến thế. Tôi chăm chú đứng sau lưng mẹ, nhìn….
Tôi bỗng giật mình khi nhìn lên bàn thờ, hai cây nến mẹ thổi tắt từ đêm qua đã tan hết tận cùng, bên dưới là một vùng nhựa sáp. Hai cây nến đã cháy cạn đời mình cho một nỗi buồn dai dẳng và cho hạnh phúc của mẹ.
Dường như ba tôi đã hiển linh đốt tiếp hai ngọn nến dùm cho mẹ, ba cố tình để hai cây nến kỷ niệm, gợi nhớ ấy cháy đến tận cùng, để cho người đàn bà mà ba thương yêu thong dong với cuộc sống mới. Ba không muốn mẹ cứ sống mãi mãi một mình – sống một mình với tuổi xuân đang tràn đầy là sự bất công với một người đàn bà.
Và … tôi cũng vậy, tôi cũng muốn mẹ phải được sống hạnh phúc như bao nhiêu người đàn bà khác. Tôi muốn mẹ có một người đàn ông yêu thương mẹ, người đàn ông lo cho mẹ khi trái gió trở trời. Tôi muốn mẹ không đơn lẻ trong cuộc đời này. Bởi mai sau này tôi sẽ lớn, tôi đâu thể ở mãi bên mẹ. Chắc chắn mẹ sẽ buồn khi ngày qua, mẹ phải sống một mình. Mà tuổi xuân của mẹ đã trôi qua, trôi qua…
Mẹ xoay lại nhìn tôi trong buổi sáng hôm ấy. Tôi thấy trên đôi mắt mẹ có những giọt lệ. Tôi tin chắc rằng hai ngọn nến khi đã cháy đến giây cuối cùng, chắc chắn chúng cũng reo vui – vì hạnh phúc.
HAI NGỌN NẾN
Tác giả : Khuê Việt Trường
Bài & ảnh sưu tầm