Giời đày – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Anh Hoàng lao xe đi như vô thức trên đường. Trong khi đầu óc đang hỗn loạn anh không biết mình sẽ đến đâu. Và cuối cùng xe đã dừng trước cửa nhà của bố mẹ anh.

Nếu đã đánh mất tất cả, cuộc đời anh còn một nơi duy để về, đó là bố mẹ. Người sinh ra và thương yêu anh vô điều kiện. Có lẽ vì thế mà trái tim đã dẫn lối anh về.

Chuyện đổ vỡ của anh đã loan đến cái làng bé nhỏ này, và ông bà Kính là người đau lòng nhất!

Thấy con trai về, bà Kính đi vội ra cửa

— Anh đã sáng con mắt ra chưa? Giờ mới đem cái thân tàn về báo hiếu với bố mẹ anh à? Giời ơi là giời…

 

 

 

Bà vừa khóc nhìn mặt anh cúi gằm lầm lũi bước vào trong nhà.

— Ngày anh đòi bỏ mẹ con cái Liên, tôi đã nói rồi cơ mà! Ngữ đàn bà lẳng lơ mất nết, biết thừa người ta có vợ có con mà còn đâm đầu vào! Loại ấy sớm muộn gì nó cũng cho anh tay trắng thôi!Nhưng anh không chịu nghe! Vườn đất bố mẹ cho cũng bán nốt, giờ hết sạch với nó chửa?

Ông Kính lên cơn ho rũ rượi. Từ ngày nhà xảy ra hết chuyện này đến chuyện khác, ông đau ốm liên tục. Mới đây ông đi khám bác sỹ nói ông bị tắc nghẽn phổi và co thắt mạch vành.

Thấy ông ho nhiều quá bà chợt im lặng. Anh Hoàng vội đỡ bố vào giường nằm. Ông ra hiệu để mình ngồi yên.Ông nói giọng yếu ớt

— Làm gì thì làm, dù nghèo hay giàu sống sao giữ cái đạo đức!…

Anh ngồi không nói được gì! Mà cũng chẳng biết nói gì trong lúc này cả!

Giận con trai nhưng lại thương đến quặn lòng. Bà bảo anh ở lại ăn cơm, đợi vợ chồng em nó về rồi tính. Chứ bây giờ anh định thế nào?

Anh đang ngập ngừng thì có điện thoại của chị họ Nhung— Chú ở dưới bài không? Có việc này chị xuống gặp nhé!

Lại việc gì nữa đây?

Anh chào bố mẹ rồi nổ máy phóng vụt đi!

Về đến nơi anh thấy một chiếc xe máy dựng canh gian nhà. Hai vợ chồng anh chị họ của Nhung đang đi thăm quanh vườn cây

— Chú về rồi à? Lâu anh chị không xuống, cây cối chú chăm lên đẹp quá!

— Chuyện là thế này. Nhà máy gạch họ hỏi mua nguyên khu đất bãi ở đây, trong đó có vườn của anh chị. Họ đã xem và cọc tiền rồi. Khi nào xong thủ tục giấy tờ sẽ hoàn nốt tiền.

Anh chị có nói về công trình mà em đã xây dựng, họ nói chỉ đền bù phần trăm nào đó thôi. Nhưng trong thời gian này chú cứ sử dụng chăn nuôi, họ sẽ báo trước cho mình 1 tháng trước khi thu hồi.

Mà chú với cô Nhung sao rồi? Cô ấy thuộc hệ không vừa đâu nhá! Nhưng được cái rất sòng phẳng với chị. Ăn mấy chục bát phở mới trả tiền, nhưng chưa quỵt bát nào!Thế thôi chị em quen nhau ấy mà, chị cũng chả biết quê cô ở đâu!

Vậy mà Nhung nói là chị họ? Tai anh ù đi không muốn nghe tiếp. Mấy chục bát phở chứ mấy trăm kệ xác nhà các bà!

Nuôi với nấng cái gì, còn tâm trạng đâu mà chăn nuôi? Giờ nuôi cái miệng già chả xong đây!

Đêm im phăng phắc! Trăng sáng vằng vặc vỡ vụn dưới mặt ao. Anh ngồi như đụn rạ suốt từ tối đến nửa đêm. Giờ mới thấy bụng réo ào ào! Anh chợt thèm mùi cơm chín tới với bát canh cà, thèm miếng cá vàng ươm kho nỏ nồi mà trước đây chị Liên vẫn làm cho anh ăn.

Nhưng muộn quá rồi

Anh đã đi quá xa mà không thể trở lại!

Anh giật mình vì có điện thoại, em trai anh báo tin ông Kính vừa mất!

Anh đem cái xác không hồn về chịu tang bố. Hai chân như không bước nổi, anh khuỵu xuống trước cửa nhà.

Nghe các em báo tin, chị Liên vội đóng của hàng chạy ngay vào.

Tuy anh chị đã ly hôn nhưng gia đình vẫn coi chị như người nhà. Những lần ông Kính bị ốm chị luôn tranh thủ vào thăm nom. Bữa nào có món ngon chị lại sai cái Hà mang vào biếu ông bà nội.

Chị cùng các em lo hậu sự cho bố chồng cũ như con cái trong nhà.

Anh Hoàng không dám nhìn mặt chị. Lặng lẽ ngồi như một cái bóng.

Công việc xong xuôi, cu Việt nói chuyện với bố.

— Bây giờ bố sẽ ở đâu?

Anh im lặng.

— Bố thu xếp đi, con đưa bố lên Hà Nội ở cùng vợ chồng con.

— Bố không đi đâu.

Rồi ai về nhà nấy, cu Việt cũng lên Hà nội và mọi người trở lại với cuộc sống hàng ngày của mình. Hai vợ chồng em trai nói anh nên dọn về nhà, đến nước này rồi anh em có gì ăn nấy.
— Anh phải đi đây!

Nói rồi anh chào mẹ, lại quay xe đi mà không biết sẽ đi đâu!

Thời gian vẫn trôi nhanh, ai cũng bộn bề bận rộn nên chẳng mấy người nhắc tới chuyện anh Hoàng nữa.

Cái Hà đỗ đại học, Việt muốn mẹ cùng em gái lên Hà Nội ở nhà mình. Vừa có mẹ có con vừa tiện chăm cháu

Chị Liên nói với Việt, là mẹ sẽ ở lại quê để bán hàng. Có rất nhiều người đang muốn có việc làm. Con xem xét và tìm người đến giúp. Hàng tháng mẹ lên thăm con cháu rồi mang tiền ăn học cho cái Hà, thêm với con tiền trông trẻ nữa.

— Mẹ lo tiền học cho em thôi, còn tất cả con sẽ nuôi!

Chị Liên sống vui vẻ bên cạnh hàng xóm láng giềng. Ngoài giờ bán hàng, chị tham gia câu lạc bộ dân vũ rèn luyện sức khỏe.

Có người nửa đùa nửa thật.— Chị kiếm anh nào hợp cảnh tới ở chung cho vui cửa vui nhà! Chị cười nói

— Thôi! Em biết mình là ai rồi! Cứ sống khỏe mạnh thế này, sau già không tính tiền hàng được nữa chúng nó cho lên thủ đô ngắm ô tô chạy!

Còn Nhung sau khi bỏ về quê được ít ngày, cô để con cho bà ngoại nuôi rồi đi tìm việc làm. Chưa đầy một tháng cô quay về nói là cãi nhau với chủ tiệm.

Cái nết dày ăn mỏng làm thì chỉ thế thôi! Không đâu tồn tại được. Về nhà ôm điện thoại tới bữa thì ăn nên hai mẹ con cắn quẩn nhau.

— Tao nghe thấy mày cầm tiền của thằng Hoàng để mua đất, thế đất không mua thì tiền đâu ? Giờ bỏ ra mà ăn chứ! Thân tao già nuôi mày mãi được à?

— Ở đâu mà có? Làm gì còn xu nào?

— Mày làm gì mà hết từng đấy tiền?

— Trả nợ chứ còn làm gì!

Chả biết hồi ấy cô làm ăn buôn bán gì trên mạng nợ bao nhiêu tiền. Lừa của anh Hoàng được một khoản đem đập vào đấy chứ không chúng nó giết rồi!

— Giời ơi! Hai đứa con gái cùng như mày chắc tao chết sớm!

— Thì ngày ở với con trên thị trấn, bà tiêu gì của tay Hoàng hơn chục ngày hết 5 triệu?

— Cút đi! Ôm con cuốn xéo khỏi nhà tao!

Đi đâu được? Con bà mà bà còn muốn đuổi thì ai chứa đây?

Một buổi chiều người ta thấy có chàng thanh niên ăn mặc lịch sự đi xuống bờ sông khu vực bến đò.

Cậu đến gần cái lều nho nhỏ lợp bằng mấy viên ngói xi măng, xung quanh được ghép bằng những tấm bạt đã bạc màu.

Một đàn vịt khoảng chừng 50 con được quây lưới rộng từ túp lều vòng xuống mép nước.

Anh Hoàng ngẩng lên chào

— Cháu mua trứng vịt à? Nhiều không?

— Bố!

Anh giật mình đứng thẳng người lên. Biết đâu được nó lại mò xuống tận đây cơ chứ!

Đó là Việt!

Mấy lần về nhà có giỗ ông nội, Việt về đều có ý định đón bố lên Hà Nội nhưng anh Hoàng không chịu đi. Cậu lại cho bố ít tiền và dặn bố giữ gìn sức khỏe!

Cậu nhìn tấm lưng bố ngày một còng xuống, mắt nhìn đã kém đi mà cứ lặn lội ở bờ sông mấy năm nay. Lúc nắng thì ở tại lều, lúc mưa lại chạy lên cái điếm canh đê bỏ không gần đấy để nằm.

— Bố về với con đi!

— Bố ở đây còn trông vịt chứ! Ngày nào cũng có người đến lấy trứng. Bố bắt ốc cho nó ăn nên trứng nhiều lòng đỏ lắm. Tý nữa bố cho cháu chục quả…

Mắt Việt nhoà đi. Cậu dúi cho bố ít tiền rồi chào về, con lên Hà Nội luôn mai còn kịp đi làm.

Cái Hà đứng trên đê dõi theo anh và bố! Bao nhiêu năm bố không biết nó sống chết thế nào, nhưng giờ nó nhìn thấy dáng người gầy gò lom khom dưới bờ sông thì ruột gan như thắt lại!
— Bố có về không hả anh?

— Không!

— Hay để em xuống…

Tính bố anh biết rồi, phải khi nào không lội sông được nữa thì mới về. Em xuống gặp bây giờ sẽ làm bố ngại.

Trời nắng chang chang, gió ngoài sông thổi ào ào. Sóng nước vỗ vào bờ oàm oạp. Anh Hoàng vẫn phơi lưng giữa đàn vịt trắng xoá bên bờ sông.

Anh bảo, đất ở bờ sông là của công. Sẽ không có ai dám bán mà cũng chẳng có người hỏi mua! Anh cứ ở tự do không bao giờ sợ ai cướp mất.

Cứ như vậy anh tự đày đọa bản thân mình.

Con người ta khi tuổi còn trẻ thì lăn lộn xông pha. Đến tầm tuổi như anh bây giờ lẽ ra lao động giảm dần và bắt đầu được hưởng thụ. Sáng dậy thể dục hít khí trời, chiều hóng mát cùng mấy ông bạn già chuyện vui bên ấm trà bốc khói.

Trẻ tình yêu già tình thương! Sớm tối có người bầu bạn tâm sự. Cuộc sống yên bình thanh thản biết bao nhiêu!

Nhưng anh đã tự đánh mất đi tất cả, và giờ đây tự mang thân mình ra phơi giữa đất trời nắng gió!

Người ta bảo là anh bị GIỜI ĐÀY!

N. T

Bài viết khác

Phép lạ – Câu chuyện nhân văn, cho đi là còn mãi

PHÉP LẠ… Vào một sáng Chúa nhật, một phụ nữ trông rất quý phái đi bộ xuống phố, cô phát hiện một người ăn xin. Người đàn ông không cạo râu và quần áo mặc ngược. Mọi người qua đường nhìn anh với sự khinh miệt. Nhưng khi người phụ nữ này nhìn thấy anh […]

Ai bảo người điên không có tình người – Câu chuyển cảm động và đầy ý nghĩa nhân văn sắc

Tôi về thăm quê hương, mỗi lần đi quα đây tôi thấy hắn cứ đứng đó, ngửα mặt nhìn lên bầu trời. Hắn chỉ mặc bộ đồ lấm lem, dơ bẩn, chân không mαng déρ, toàn thân dα đen sạm, đầu không nón…   Hình minh hoạ.   Tôi không biết hắn là αi, có […]

Bạn cũ – Câu chuyện ý nghĩa và nhiều cảm xúc

BẠN CŨ Nó học rất giỏi, là cây văn nghệ phong trào của khoa, được nhiều bạn bè thương mến, là crush của nhiều cô gái Đại học Kinh tế K35 năm đó. Đang năm 3, cả lớp bất ngờ khi nó tự tổ chức 1 bữa tiệc ngọt để chia tay bạn bè về […]