Đồng bệnh tương lân – Câu chuyện ý nghĩa nhân văn sâu sắc

10 giờ đêm rồi, mà chuông điện thoại vẫn réo inh ỏi. Nhìn số máy lạ, chị thở dài ngao ngán “Lại đất nền, chứng khoán hay bảo hiểm đây” Chị ấn nút tắt, thì ngay lập tức một tin nhắn hiện ra “Chào chị, có phải chị là chủ mới của con Mao (tên của con mèo chị mới mua) không? Chị cho tôi gọi điện thoại hỏi chuyện một chút nhé”.

Sau khi đọc được từ “OK” của chị, là điện thoại gọi tới liền.

Một giọng nam trầm rất dễ nghe. Anh kể, con Mao mà chị mua hôm nay rất giống với con Bi của anh. Nó đã đi mất hai năm trước, lúc anh từ bệnh viện trở về sau khi bị nhiễm Covid. Anh nhớ nó, anh đã đi tìm khắp nơi mà không thấy. Hôm qua tình cờ đến cửa hàng thú cưng, thấy con Mao giống nó quá, ngay lập tức anh quyết định mua, nhưng nhân viên nói chị đã đặt cọc rồi, hẹn hôm nay quay lại lấy. Anh chỉ xin phép chị, khi nào chị rảnh, có thể cho nó đến quán cà phê nào gần nhà chị, anh sẽ đến ngay mời chị cà phê và chơi với nó.

Chị hứa với anh, khi nào sắp xếp được mọi việc ổn thỏa, chị sẽ gọi cho anh.

* * *
Chị cũng vừa mới đến thành phố này được hai tuần. Không bạn bè, không gia đình, không người thân, không họ hàng. Chỉ đơn giản là để buông bỏ mọi thứ xuống sau khi ly hôn. Nhìn dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt rất có duyên của chị, không ai biết được rằng chị đã 30 tuổi, ai cũng đoán chỉ 26-27 là cùng. Học đại học Y 6 năm, vừa ra trường ba mẹ đã năn nỉ chị, lấy chồng sớm cho ba mẹ có cháu bế. Thế rồi qua người này, người kia giới thiệu chị quen anh. 25 tuổi lên xe hoa, vậy mà đến 29 tuổi cũng chưa thấy tin vui. Ba chồng tế nhị không nói, chứ mẹ chồng thì ngày nào cũng than thân trách phận, sợ không có người nối dõi. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám, thì bác sĩ nói cả hai đều bình thường. Chị bác sĩ phụ sản trầm tư một lúc mới nói:

– Trường hợp của em rất hiếm gặp. Có người quen của chị cũng như em vậy. Ở mãi với nhau không có con, nhưng khi chia tay nhau rồi, cả hai có gia đình mới, thì ai cũng có mấy đứa.

Thấy nhiều người, nuôi con nuôi xong lại có bầu, chị bàn với chồng nhận con nuôi, nhưng anh gạt phắt đi không đồng ý, anh bắt đầu nhậu nhẹt, thường xuyên đi sớm về khuya, ở nhà thì kiếm cớ gây sự với chị. Giờ đây tan làm chị không muốn về nhà nữa. Ở cơ quan ai cũng quý mến chị, tính chị rất xởi lởi, hay giúp đỡ mọi người, nhưng về nhà thì bị chồng hằn học, chê bai, mắng nhiếc. Cứ nghĩ là vì áp lực có con nên anh đổi tính.

Nhưng cách đây 2 tháng, anh về nhà đưa tờ phiếu siêu âm, và tuyên bố, bồ của anh có thai 4 tháng, là con trai, đề nghị chị ly hôn để con anh ra đời có bố hợp pháp.

Chị chết lặng dọn đồ về nhà ba mẹ đẻ ngay trong đêm. Ba mẹ khóc ròng thương đứa con gái duy nhất bất hạnh.

Vì tiếng Anh chị rất giỏi, chị nộp hồ sơ xin vào bệnh viện quốc tế trong Sài Gòn và được nhận ngay. Gần đến ngày đi, chị mới báo cho ba mẹ. Nhìn mẹ khóc, chị cố gắng cười động viên:

– Ba mẹ để con đi cho khuây khỏa. Con hy vọng ở môi trường mới con sẽ sống thoải mái hơn.

Vào Sài gòn, sau khi thuê nhà, việc đầu tiên chị muốn làm nhất là tìm mua một con mèo. Từ nhỏ chị đã rất yêu quý chó mèo, nhưng mẹ chị bị hen không nuôi thú cưng được. Về nhà chồng thì mẹ chồng và chồng rất ghét chó, mèo, nhìn thấy là đuổi.

Chị đi một vòng, trong cửa hàng bán thú cưng gần nhà, nhìn thấy bé nào cũng sạch sẽ đáng yêu, bé nào cũng khao khát tìm được chủ mới, nên rất chịu khó tương tác với mọi người bằng ánh mắt, bằng điệu bộ. Chỉ duy nhất có một bé mèo ở lồng trong cùng là nằm im, buồn bã nhìn mọi người đi qua đi lại hết sức thờ ơ. Bé là mèo lai rất xinh, cũng lớn tuổi rồi. Chị nhìn mãi vào đôi mắt chán chường của bé và hỏi cô nhân viên bán hàng:

– Bé này sao buồn thế ?

– Ôi chị ơi bé này tội nghiệp lắm. Nó bị trầm cảm nặng đấy chị. Ngày xưa nó có chủ là hai ông bà già. Hai ông bà thương nó như con, chăm sóc kĩ lắm. Tới khi dịch Covid vừa bùng phát, con trai ông bà lái xe hơi vào, chở ông bà ra Hà Nội gấp. Lúc đi lính quýnh thế nào mà nó chạy ra ngõ, bị chó dí chạy mất tăm, không tìm được, thế là họ đành bỏ nó lại, khóa cổng đi.

Nó nhập bọn với lũ mèo hoang trong xóm, nhưng hay bị đánh lắm. Ngày nào nó cũng tìm về, đứng trước cửa nhà kêu meo meo rồi lại đi. Chị hàng xóm thương nó, cho nó ăn, có lần chị ấy gọi điện thoại bằng loa ngoài với chủ nó. Nghe tiếng chủ kêu, nó khóc kêu meo meo, nước mắt chèm nhẹp. Chồng chị ấy ghét mèo nên chị ấy không nuôi được.

Bớt dịch là chị ấy mang nó tới nhờ bọn em tìm chủ cho nó. Vì nó nhớ chủ, nên lúc nào nó cũng chán đời vậy đó. Bọn em cũng thương nó lắm, không ai mua thì giữ nó lại cũng được.

Chị hỏi tên nó là gì, rồi cẩn thận thò tay vào lồng vừa gọi Mao Mao, vừa vuốt ve nó. Chị nghĩ tao cũng buồn não ruột ra đây. Tao đưa mày về rồi chúng mình cùng an ủi lẫn nhau.

Hôm sau còn phải đi làm, nên chị đưa tiền cọc, rồi hẹn 2 hôm nữa dọn dẹp phòng trọ xong, sẽ đến đưa nó về.

Ngay buổi tối đầu tiên nó đã cảm nhận được sự dịu dàng, trìu mến của chị. Sau khi vuốt ve chơi với nó một lúc, chị đặt nó lên miếng đệm đặt dưới sàn, rồi dặn dò nó ngủ ở đó. Nửa đêm nó nghe từ chỗ chị nằm, những tiếng ú ớ, nức nở, trong giấc mơ của chị “Đừng bỏ em! Xin anh đừng bỏ em!…”

Nó nhảy lên giường, thấy chị vẫn đang ngủ, nhưng từ khóe mắt chị, chảy ra những giọt nước. Nó lặng lẽ nằm xuống bên cạnh, dùng những tiếng gru.u.. của mèo để an ủi, nâng đỡ chị. Và khi chị đã tỉnh giấc, nó dùng hai chân trước mát xa nhẹ nhàng trên vai, trên lưng của chị.

Từ tối đó trở đi, đêm nào chị cũng ôm nó ngủ. Tan làm về nhà, nếu trời không mưa, chị sẽ cho nó vào balo, chở đi chơi loanh quanh, thương nó cả ngày ở nhà một mình.

* * *

Cũng phải cả tháng sau chị mới sắp xếp được buổi hẹn với anh. Chị cho con Mao mặc áo đỏ, đội mũ đỏ và ôm nó đi. Đến nơi đã thấy một người đàn ông cao ráo, hiền lành, cười thân thiện đứng chờ. Họ rất nhanh chóng tìm được bao nhiêu đề tài chung để cùng nhau tâm sự. Chị cũng không ngần ngại kể cho anh về cuộc hôn nhân thất bại của mình.

Còn anh thì buồn bã kể rằng, anh cũng đã từng có vợ, họ yêu nhau từ thời đại học. Chị ấy bị bệnh tim, nên bác sĩ khuyên không nên có con. Hai vợ chồng mua con Bi từ lúc nó còn nhỏ xíu và nuôi được 3 năm rồi. Đến khi dịch Covid bùng phát hai vợ chồng đều làm việc online tại nhà. Anh giữ gìn hết sức cẩn thận cho chị, đi tiêm vắc-xin cũng chỉ mình anh đi.

Mỗi khi chung cư gọi loa yêu cầu cư dân xuống ngoáy mũi, cũng chỉ mình anh xuống, về đến nhà là khử khuẩn kĩ càng. Vậy mà anh vẫn bị nhiễm Covic-19 và lây cho chị.Khi biết họ bị bệnh, y tế phường lập tức đến nhà đưa đi cách ly. Anh vật vã trong bệnh viện dã chiến một tháng mới được về nhà, chị thì không qua khỏi.

Kể đến đây mắt anh đỏ hoe. Trấn tĩnh một lúc anh mới nói tiếp:

– Khi y tế tới đưa vợ chồng anh đi, con Bi nó chạy theo cáng xuống xe rồi nó đi mất. Sau một tháng anh ra viện, về nhà thì đi nhận hũ cốt của vợ mang lên chùa, rồi anh đi khắp các nơi tìm nó, dán hình nó nhiều chỗ, nhưng đã hai năm rồi vẫn không tìm thấy nó.

Bữa đó anh buồn quá, vào cửa hàng thú cưng, thấy con Mao, anh cứ tưởng mình hoa mắt nhìn thấy con Bi. Mặc dù biết rõ rằng con Mao là con cái, con Bi nhà anh là đực, anh vẫn mua ngay, nhưng mấy cô bán hàng nói em đã mua rồi. Chiều em sẽ đến lấy. Thú thật với em, cả tháng nay anh ngóng cuộc điện thoại của em. Em mà không gọi là anh lại sẽ gọi cho em.

Con Mao từ đầu tới cuối, nằm im trên bàn nghe chuyện của hai người, tự nhiên nó nhổm dậy bước tới chỗ anh, và bắt đầu mát-xa tay cho anh. Nó cần mẫn, dẫm nhẹ nhàng lên cánh tay của anh đang đặt ở trên bàn, như xoa dịu những nỗi buồn, và an ủi anh vậy.

P/S. Tôi là con Mao trong truyện. Giờ đây 3 người chúng tôi đã về chung một nhà rồi. Ngày nào tôi cũng rất bận rộn, vì khi ông chủ tôi bóp vai, đấm lưng cho vợ, thì tôi cũng mát-xa chân cho bà chủ. Chỉ còn vài tháng nữa là bà chủ sinh em bé, tận những hai em bé, nên đi lại khó khăn lắm. Ba mẹ bà chủ cũng vào chăm con gái. Suốt ngày nhà chúng tôi rộn rã tiếng cười nói, thơm lừng mùi thức ăn. Hôm họ làm đám cưới ai cũng khen tôi có duyên làm mai mối. Tôi có làm gì đâu. Họ đều là những người rất tốt mà, vậy cho nên họ phải được hưởng hạnh phúc chứ!

ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN
Tác giả : Chu Thị Hồng Hạnh

Bài & ảnh sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *