Cuối cùng tôi đã tìm được mẹ – Câu chuyện xúc động ý nhĩa sâu sắc

Thú thật, tôi vừa viết câu chuyện của đời mình vừa khóc. Nước mắt của một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi là lệ đắng, chảy ngược vào tim…
……………
Kính thưa quý báo.
Sau khi đọc câu chuyện thứ 71, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Hoàn cảnh gia đình của tôi cũng hệt như cậu sinh viên có cha là một người lính đi chiến trường không biết mặt. Nhưng cậu ấy hạnh phúc hơn vạn lần tôi bởi cậu có một người mẹ vĩ đại, một người mẹ dũng cảm và không ích kỷ để cho đứa con rơi vãi của mình được sống trong một tình mẫu tử lớn lao.

Còn tôi, phải trải qua biết bao gian truân thử thách tôi mới tìm lại được tình mẫu tử ấy.Thú thật, tôi vừa viết câu chuyện của đời mình vừa khóc. Nước mắt của một người đàn ông đã ngoài 40 tuổi là lệ đắng, chảy ngược vào tim. Mẹ tôi nguyên là nữ thanh niên xung phong quê ở Thanh Hóa. Theo như lời của bà ngoại tôi kể thì mẹ tôi bị đuổi khỏi đơn vị thanh niên xung phong vì tội hủ hóa gây hậu quả là không chồng mà chửa.

Mẹ tôi trở về nhà với một cái bụng vượt mặt. Bà con làng xóm ai cũng dè bỉu, chê cười. Không một ai thông cảm cho mẹ, hay đến bên cạnh động viên mẹ vượt qua kỳ sinh nở. Thế rồi, bà ngoại cắn răng nuôi mẹ tôi sinh nở trong sự kỳ thị và lời đàm tiếu râm ran của làng trên xóm dưới. Sinh tôi được tròn tháng, mẹ tôi bỏ nhà ra đi, không biết đi đâu. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của ông bà ngoại.

Đến các cô dì, chú bác hồi đó cũng xem mẹ tôi là một nỗi nhục của gia đình, nên dù trong lòng có xót thương tôi đi chăng nữa thì không ai dám bày tỏ công khai tình cảm đối với tôi. Ký ức tuổi thơ hờn tủi và cô độc của tôi là những buổi tối nhập nhoạng, các dì, các thím sang nhà dúi cho tôi khi thì phong kẹo, tấm bánh rồi đi về nhà như chạy. Phàm những đứa trẻ sớm bị đau khổ và thiếu thốn tình mẫu tử lại thường rất dễ nhạy cảm và hay mủi lòng.

Những ngày nhỏ, dấm dúi nhận quà của các dì, các thím, tôi thường không ăn nổi, miếng bánh cứ nghẹn đắng trong miệng. Có những phần quà, tôi đưa lại cho ngoại, ngoại tôi chảy nước mắt vì thương tôi. Cả nhà tôi không có ai ý thức đi tìm mẹ tôi ngoài ông bà ngoại. Nhưng ông bà đã già, thương con gái mà lực bất tòng tâm. Mẹ tôi bóng chim tăm cá tận phương trời nào, làm sao ông bà có thể đi tìm được.

Ông bà tôi dồn tất cả tình yêu thương để nuôi tôi khôn lớn trưởng thành. Tôi không có khái niệm về cha mẹ, chỉ biết mẹ qua tấm ảnh mẹ chụp hồi ở đơn vị thanh niên xung phong. Mặc dù không có khái niệm về cha mẹ đẻ nhưng tôi vẫn giữ tấm ảnh của mẹ, coi như đó là gốc gác của mình.

Giữ từ bé đến lớn như một phản xạ tự nhiên. Khi học xong cấp 2, tôi quyết định bỏ học và đi tìm mẹ. Tôi nói với ông bà ngoại, lúc đó đã yếu lắm rồi, rằng tôi muốn đi tìm cha và tìm mẹ đẻ của mình. Lúc đó không phải vì tôi, mà tôi thương ông bà, vì bà tôi đã già lắm rồi, đã gần đất xa trời rồi, mỗi lần hai bà cháu ngồi với nhau, bà thường ôm tôi, nước mắt rỉ ra, bà nói với tôi một câu thôi, mà tôi thấy đau quặn ruột:

“Lúc nào cháu lớn, cháu đi tìm mẹ nhé. Bà chết không nhắm mắt được vì không biết mẹ cháu sống chết ra sao”.
Tôi thương bà mà đi tìm mẹ. Tất nhiên trong đó cả thương tôi nữa, khao khát được biết người đã sinh ra mình giúp tôi gạt tất cả để lên đường.

Đầu tiên tôi lần mò tìm địa chỉ của những người trong bức ảnh chụp cùng với mẹ tôi. Khó khăn lắm tôi cũng lần ra được họ. Dường như ông trời phù hộ. Đơn vị thanh niên xung phong của mẹ tôi năm xưa giờ chỉ còn lại mấy người. Họ đã kể cho tôi nghe tường tận câu chuyện của mẹ tôi. Rằng mẹ đã yêu một người lính lái xe trên đường vào mặt trận phía Nam có nghỉ lại ở nơi đơn vị mẹ tôi đóng quân một tuần để nhận hàng lương thực, súng đạn trước khi đi. Đó là một người lính ở miền Bắc, giọng nói Hà Nội phát âm rất chuẩn.

Mẹ là người kín đáo, nên mọi người chỉ biết có vậy. Sau đó, đoàn xe vận chuyển vào Nam, bụng mẹ tôi ngày một lớn dần lên. Khi đơn vị phát hiện ra, kiểm điểm mẹ và yêu cầu mẹ khai ai là cha của đứa bé trong bụng, mẹ nhất quyết không nói. Mẹ đã lặng lẽ nhận án kỷ luật nghiêm khắc. Mẹ bị đuổi khỏi đơn vị thanh niên xung phong và trở về quê. Linh cảm của tôi, cộng với những phân tích phán đoán của những người từng ở trong đội thanh niên xung phong với mẹ, rằng mẹ đã bỏ nhà đi tìm người lính ấy, đi tìm cha của con trai mình. Tôi đã lên đường đi tìm mẹ từ những chút manh mối vu vơ ấy.

Thế rồi trên đường đi tìm mẹ, tôi đã đến bờ sông Bến Hải và nghe những người dân ở đây kể rằng họ có biết một người phụ nữ rất trẻ, ở bên bờ sông này. Mỗi lần có chuyến xe chở hàng nào vào chiến trường miền Nam, cô ấy đều hỏi địa chỉ của một người lính. Cô ấy còn nhờ chuyển một bức thư đến một người lính mà cô ấy tìm kiếm. Cô ấy đã ở bờ sông Bến Hải này gần một năm, cho đến khi chiến tranh kết thúc thì không ai còn thấy người phụ nữ ấy nữa. Hình như cô ấy đã vào miền Nam để tìm kiếm người lính của cô ấy.

Lần theo những manh mối mong manh, tôi lên đường vào Nam. Tôi đã lang thang khắp nơi giữa Sài Gòn xa lạ để tìm mẹ. Đến đâu tôi cũng đưa ảnh mẹ ra để xem có ai biết một phụ nữ nói giọng Thanh Hóa, tóc dài, có một cái bớt đỏ ở trán. Mệt mỏi vì những ngày lang thang, tôi đã kiệt lực, không còn tiền, không có gì để ăn. Tôi đành quay trở về nhà.

Về đến Huế, do đói quá, tôi tìm đến một ngôi chùa nhỏ bên đường để xin nhà chùa cơm chay. Hôm ấy tôi bị sốt cao, gần như lả đi trước cửa chùa. May mà có một nhà sư đang quét chùa ở ngoài sân, nhìn thấy tôi khuỵu xuống nên đã gọi người bế tôi vào. Tôi ốm mất một tuần, luôn miệng gọi mẹ. Các nhà sư đã chăm sóc tôi chu đáo. Tôi dần dần vợi sốt, khỏe lên nhiều.

Tôi đã kể cho sư Diệu Huyền, người đã cứu tôi thoát chết ngay trước cửa chùa nghe chuyện hơn 1 năm nay tôi đi tìm mẹ ra sao. Sư Diệu Huyền nghe tôi kể vậy bà chợt nhớ ra chuyện gì đó, rồi bà bảo tôi, ngày mai sửa soạn quần áo đi theo bà. Tôi khấp khởi mừng thầm. Suốt đêm không ngủ. Sáng ra sư Diệu Huyền bảo tôi, ta có biết một sư nữ, giống người mà con đang tìm. Ta không chắc đấy có phải là mẹ của con không. Sư nữ ấy ngày xưa vào chùa của ta xin xuống tóc đi tu. Sau khi ở chùa của ta một thời gian, sư ấy xin lên núi tu ở một ngôi chùa nhỏ.

Tôi và sư Diệu Huyền đi bộ non một ngày đường lên núi. Đến nơi, sư Diệu Huyền dắt tay tôi đến gặp một sư nữ tên là Thiệu Huy. Ngay khi gặp bà, tôi đã choáng váng bởi bà trông rất giống bà ngoại và các dì của tôi ở quê. Bà có một cái bớt đỏ ở trán.

Tôi đã chực vỡ òa lên khóc vì tôi đinh ninh đó là mẹ tôi, người mà bấy lâu tôi cất công kiếm tìm. Thế nhưng vị sư nữ kia không nhìn tôi bằng ánh mắt chào đón. Bà lãnh đạm sau khi nghe câu chuyện của tôi, bà nói rằng bà không biết một ai trong gia đình tôi, không liên quan đến tôi.

Tôi hẫng hụt, chới với và chạy khỏi ngôi chùa đó trong nước mắt. Tôi biết chắc chắn bà là mẹ tôi, vì bà giống các dì tôi, giống bà ngoại tôi và bà có một cái bớt đỏ trên trán như bà ngoại tôi đã dặn.

Sau cuộc gặp đó, tôi quyết định trở về nhà và nói cho ông bà biết mẹ tôi giờ đã thành nhà sư và đang tu tại ngôi chùa trên núi ở Huế. Tôi đã khóc rất nhiều vì đau khổ và thất vọng vì sao mẹ lại chối từ tôi. Tôi quyết định gạch mẹ ra khỏi đầu tôi, khỏi trí nhớ của tôi và tiếp tục đi học. Nhưng, hình ảnh của mẹ ngày càng trở về sâu đậm trong trí óc tôi. Tại sao mẹ tôi lại phải xa lánh cuộc sống trần tục để xuống tóc đi tu. Tại sao gặp lại đứa con dứt ruột đẻ ra mà mẹ tôi lại nỡ từ chối.

Mùa hè năm đó, bà ngoại tôi ốm nặng. Bà khắc khoải vì tôi chưa tìm được mẹ tôi. Thương bà ngoại, một lần nữa tôi trở lại ngôi chùa ấy để tìm mẹ. Lần gặp thứ hai này, sư Thiệu Huy trông suy sụp một cách thảm hại. Bà ốm không dậy được, cơ thể gầy còm, đôi mắt trũng sâu trên gương mặt hốc hác. Những vị sư trong ngôi chùa ấy kể cho tôi biết rằng kể từ sau lần gặp tôi, sư Thiệu Huy ốm nặng. Bà không ngủ được, thường hay khóc một mình. Tôi ở lại chùa đúng 1 tuần. Tự tay tôi chăm sóc cho sư Thiệu Huy, người mà tôi chắc chắn đó là mẹ.

Trái với sự lãnh đạm thờ ơ trong lần gặp đầu tiên, lần này sư Thiệu Huy đã ôm lấy tôi và khóc. Bà đã khóc rất nhiều khi nghe tôi kể chuyện bà ngoại ốm nặng, suốt bao nhiêu năm nay bà ngoại chỉ mong tìm được mẹ cho tôi, và mẹ tôi trở về nhà một lần để bà an lòng nhắm mắt. Rồi điều kỳ diệu mà tôi mong đợi bấy lâu cũng đã xảy ra. Ông trời đã thương tình cho tôi được gặp mẹ, nhận lại mẹ sau muôn trùng cách biệt. Sư Thiệu Huy đã ôm tôi và bà run run gọi tôi bằng con.

Bà nói, chính ta là mẹ đẻ của con đây. Mẹ con tôi đã ôm nhau khóc, nước mắt trùng phùng sau bao năm ly biệt. Mẹ tôi xin phép trở về quê thăm gia đình. Bà đã kể cho tôi nghe đoạn đời cay cực khi mang thai tôi, rồi bị ruồng rẫy, bị khinh rẻ ra sao. Chuyện bà đã cất công đi tìm cha tôi ra sao. Không tìm được người yêu, thất vọng với cuộc đời, bà đã xin vào chùa xuống tóc đi tu. Bà muốn cắt sợi dây trần thế để gửi mình vào kiếp tu hành. Bà không muốn liên hệ với ai ngoài đời nữa. Cái tên Thiệu Huy chính là tên của người lính ấy, tên của cha tôi. Hôm sư Diệu Huyền đưa tôi lên gặp bà, bà đã nhận ngay ra tôi chính là đứa con ruột thịt của bà. Nhưng bà đã cố gắng không để tôi nhận ra bà đang xúc động mạnh. Bà đã tìm mọi cách để từ chối tôi, không nhận lại quá khứ của mình.

Thưa các anh, các chị trong tòa báo! Cuối cùng thì hạnh phúc cũng trở về với tôi, dù phải trải qua bao đau khổ. Tìm lại được mẹ đẻ, đưa mẹ trở về thăm gia đình họ hàng sau mười mấy năm xa cách, đó là một kỳ tích lớn của thằng bé 16 tuổi lúc ấy là tôi. Khỏi phải nói ông bà ngoại tôi đã vui như thế nào. Mẹ tôi trở về nhà ít lâu thì ông bà ngoại tôi đều lần lượt nhắm mắt xuôi tay. Tôi nghĩ, ông bà đã chờ mẹ tôi lâu quá, đã cố níu lại trong cuộc đời để chờ nhúm ruột của mình tìm về. Nay mọi chuyện đã toại nguyện, hai ông bà rủ nhau lần lượt ra đi. Làm ma chay cho ông bà xong thì mẹ tôi quyết định trở về chùa. Mẹ nói với tôi:

“Con ơi, từ nay mẹ con mình đã có nhau, nhưng mẹ không thể ở bên con được. Mẹ đã gieo quá nhiều đau khổ cho con, quá nhiều nghiệp chướng. Cuộc đời mẹ đã thề nguyền trọn kiếp tu hành. Con hãy để cho mẹ tu thành chính quả. Con trai đã lớn, đã dám một mình đi tìm mẹ, mẹ không lo con không đủ cứng cáp trong cuộc đời. Khi nào con cần tìm mẹ, hãy đến chùa. Nhà của mẹ giờ đã là chốn đó. Xin con đừng trách mẹ”.

Tôi đã khóc khi biết rằng tôi không bao giờ có được mẹ theo nghĩa thông thường nhất. Đó là số phận của tôi. Nhưng tôi không thể mất mẹ thêm lần nữa. Tôi tiếp tục học rồi thi vào Đại học Sư phạm Huế để được gần mẹ. Giờ đây tôi đã có gia đình, có vợ con, và vào ngày rằm, mồng một, tôi vẫn cùng với vợ con đi lên ngôi chùa nơi mẹ tôi tu hành để lễ phật và gặp mẹ. Cuộc sống của tôi đã phần nào đầy lên niềm hạnh phúc bình dị.

Tôi cũng không muốn đi tìm lại bố đẻ của tôi. Cầu mong ông còn sống và hạnh phúc. Ông không cần phải biết rằng ở một nơi nào đó trên trái đất này, ông còn một nhúm ruột đánh rơi là tôi và một người đàn bà đã vì ông mà đoạn tuyệt với cuộc sống phàm trần. Ông không cần phải biết thêm làm gì. Chiến tranh mà! Không ai có lỗi ngoài chiến tranh cả.

CUỐI CÙNG TÔI ĐÃ TÌM ĐƯỢC MẸ
Sưu tầm từ fb: Diệu Hạnh
(không rỏ tác giả)

Bài & ảnh sưu tầm

Bài viết khác

Lương tâm không ρhụ thuộc lương tháng, mong những người maγ mắn, biết chia sẻ cho những đồng bào kém maγ mắn hơn…

1) 11 giờ khuγa, cάпh cổng sắt nhà tôi bị nhiều người ᵭậρ rầm rầm, rung rinh dữ dội, kèm theo những tiếng kêu to: ” bác sĩ H ơi!”. Tôi không dám xuống, đứng trên tầng 1 hỏi vọng: ” Có chuγện gì vậγ?”. Một ông lão tóc bạc trắng, nói vọng lên: ” […]

“Thực tế” và “Thực dụng” – Câu chuyện đầy ý nghĩa và nhân văn về cuộc sống hiện nay

Có một lần, một người bạn Mỹ dạy học chung với tôi bảo với tôi rằng: -“Người Việt Nam bọn mày lúc nào cũng bảo người Mỹ bọn tao sống thực dụng. Bọn tao không sống thực dụng mà sống thực tế. Tao ở Việt Nam hơn chục năm nay thấy người Việt Nam mới […]

Trần Tiến quα góc nhìn củα Đạo diễn Lê Hoàng : Võ sĩ giác ᵭấu, nông dân, tài tử xi nê, thầy bói

Nhìn bề ngoài, Tɾần Tiến chả có chút gì giống nhạc sĩ. Ngoại hình củα αnh ρhα tɾộn giữα võ sĩ giác ᵭấu, nông dân và tài tử xi nê, thậm chí còn ρhα một chút thầy bói. Nhạc sĩ Trần Tiến (Ảnh: BẠCH HOÀNG DƯƠNG) Tôi biết Tɾần Tiến từ hồi còn bé xíu. […]