Con cọp ngủ – Ngẫm cuộc đời, buồn cho hai chữ duyên phận !

CON CỌP NGỦ. ✍️ Ngoc Nguyen

Từ nhỏ, tôi đã quen nghe một danh xưng “má lớn” ! cách gọi người vợ trước của ba tôi, dù mẹ tôi hay tỏ ý khó chịu khi nhắc đến bà ấy nhưng với riêng mấy chị em tôi đều thấy thương quý người đàn bà ấy – má lớn. Má lớn không đẹp như mẹ tôi, không biết ăn mặc sang trọng như mẹ tôi. Má có làn da bánh mật, khuôn mặt dài nhưng đầy đặn, giọng nói to vang, nét đặc trưng của người vùng biển.

Má có bước đi rất nhanh, dáng hay chúi về phía trước, tay vẫy ra phía sau như bao nhiêu người phụ nữ vùng biển quen gánh cá đi trên bãi cát . Hồi còn trẻ má gánh cá bán ở các phiên chợ lớn, đến mùa gió biển động má ở nhà chăm lo mấy cái mái mắm to đùng choáng hết cả chái bếp phía sau. Trước sân nhà má lu vại để đầy khuất cả lối đi .

Hồi còn thơ ấu , tôi chưa hiểu lắm cái phức tạp của người lớn, nhưng chị em tôi đặc biệt thương quý anh hai (con trai lớn của ba tôi và má lớn ) . Còn vì sao có thêm gia đình chị em tôi nữa thì mãi sau này tôi mới rõ do bà nội kể lại : má lớn là người vợ được bà nội mang trầu cau cưới hỏi đàng hoàng, nghe nói đám cưới lớn lắm .

Vì má xuất thân con gái nhà hào phú ở làng chài ấy. Má được cho ăn học hơn những cô gái cùng trang lứa . Thời thiếu nữ cũng tiên phong theo trào lưu tân thời , má cũng từng tham gia phong trào “Nữ thanh niên cộng hòa” do bà Nhu phát động. Má còn lưu lại mấy tấm hình chụp mặc bộ đồ kaki đen, đeo thắt lưng to bản, đội mũ cao bồi trông ngầu lắm.

Hồi nhỏ mỗi lần xuống nhà má thấy mấy cuốn tiểu thuyết của Bà Tùng Long, Hồ Biểu Chánh má gối đầu giường chúng tôi ngưỡng mộ lắm . Tuy má nhan sắc kém hẳn mẹ tôi nhưng ăn nói rất lý lẽ thâm trầm sâu sắc . Điểm này nếu má lớn được mười thì mẹ tôi chỉ có hai ba thôi .

Không hiểu sao má lớn thương tôi nhất trong các đứa con của ba mẹ tôi. Má thường nói nửa đùa nửa thiệt : Tui không có con gái nên má con Qua (Hoa là tên tôi nhưng gọi theo giọng địa phương) cho tui con Qua để tui nuôi cho ! Dĩ nhiên là mẹ tôi đời nào xem đó là nói thật.

Mẹ tôi lại nghĩ là má lớn xỉa xói việc mẹ tôi chỉ đẻ toàn con gái (không biết trong cuộc chiến ngầm đó, ai là kẻ thật lòng). Nhưng có lần nào đó má nói với tôi : đàn bà mà ai chẳng ghen ? Ai mà cam lòng để chồng mình chung sống với người đàn bà khác ! nhưng má nghĩ phận đàn bà như nhau, nếu má tranh giành thì chẳng hay ho gì mà lại có tới hai người đàn bà đau khổ, chẳng lợi lộc gì, mà cũng tan nhà nát cửa …

Đến lúc đó tôi mới biết rõ điều mà trước giờ không ai nói với tôi rằng ba tôi sống nghề lái xe liên tỉnh đi khắp từ SG đến các tỉnh thành miền Trung. Thời đó nghề tài xế có giá lắm mà cũng đào hoa lắm, đi đến đâu có vợ bé đến đó, ba tôi cũng đâu ngoại lệ, và chị em tôi là kết quả do nghề nghiệp hay do thói bạc tình ” thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn ” của người đàn ông đa tình ?

Chắc là mẹ tôi ngày đó đẹp lắm nên ba tôi đã lén xây tổ ấm ở một tỉnh khác rồi về quê đòi ly dị má lớn, dù biết má không có lỗi gì. Nội tôi lúc đó cũng khổ tâm lắm nhưng khi đó chị em tôi đã ra đời rồi. Hơn nữa luật hôn nhân dưới thời bà Nhu là không được phép ly dị , chỉ cho phép ly thân tạm thời thôi.

Rồi không biết có tờ giấy chấp nhận nào không mà ba tôi nghiễm nhiên tạo dựng gia đình riêng và không về quê nữa. Khi làm ăn khá giả ba đã dỗ dành đón nội tôi lên thành phố ở luôn.

Không biết má lớn vì muốn an phận hay má cao thượng (như má nói) mà phải chấp nhận sống lặng lẽ ở cái làng chài ấy, cam chịu điều tiếng đàn bà bị chồng ruồng bỏ.
Khi tôi trưởng thành rồi, tôi càng hiểu má lớn đã sống qua thời gian cay cực đó khó khăn như thế nào ! Dù ba tôi có ”

Ví dầu tình bậu muốn thôi…” không đoái hoài , không muốn nhắc đến má lớn và anh Hai, nhưng bà nội tôi luôn nhắc nhở cho chị em tôi biết về anh Hai nên khi mẹ sinh chị em tôi nội vẫn bắt gọi theo thứ tự kế tiếp: chị Ba, chị Tư, chị Năm …

Mỗi dịp Tết hoặc đầu năm học nội luôn nhắc mẹ tôi mua sắm quần áo mới cho anh Hai nữa . Đối với chị em tôi, mỗi lần anh Hai lên chơi thì vui lắm, cứ bám lấy anh để nghe anh kể về biển cả, về cá voi, cá heo . Rồi khi hè cũng rất thích cùng nội về thăm quê, xuống nhà anh Hai ở vài ngày, cùng chạy thả diều trên bãi biển, đuổi bắt còng và xem người ta dùng nước gạo bắt sá sùng (trùng biển) vui lắm .
Không biết có phải trời bắt tội kẻ bạc tình hay không mà ba mẹ tôi cứ sinh toàn con gái, một loạt 5 đứa con gái liên tiếp.

Có lẽ mẹ tôi cay lắm , mỗi khi nghe nhắc tới tên anh hai con má lớn là mẹ tôi lặng im hoặc nói những lời khó nghe… Nhất là khi nghe tin má lớn vụng trộm với người đàn ông đã có vợ (ông ta đi lính xa nhà đóng quân gần con đường má gánh cá ra chợ). Mối tình vụng trộm ấy cho má thêm đứa con trai nữa, mẹ tôi có cớ thượng phong hay gọi kháy má lớn là “con cọp” do má lớn tuổi Dần.

Từ đó má lớn không bao giờ lên nhà tôi nữa, trong nhà tôi không còn ai nhắc đến má lớn . Bẵng đi thật lâu, tôi nhớ khi ấy là vào mùa đông, thấy má lớn mặc chiếc áo len, đầu choàng chiếc khăn màu tím thẫm, dẫn anh Hai tôi và một đứa em trai cỡ bốn năm tuổi gì đó .

Hôm ấy, má dùng bữa cơm trưa với gia đình tôi. Sau bữa ăn má thưa với bà nội mà không nhìn ba. Má nói : con xin cho cháu (chỉ thằng con nhỏ ngồi sau lưng) cái họ để làm giấy khai sinh sau này đi học . Lâu nay con sống không phiền đến ai, nay con chỉ xin bao nhiêu đó thôi. Thấy tôi cứ đứng xớ rớ hóng chuyện, ba tôi quắt mắt bảo lên lầu học bài !

Sau đó tôi không biết câu chuyện thế nào, nhưng tôi biết Nội sẽ giải quyết đúng đắn và có tình có lý để cho thằng nhỏ mang họ Nguyễn của ba tôi. Âu cũng là một nghĩa cử mà đối với má là phúc phần rất lớn mà Nội và ba tôi dành cho má. ( chắc việc này khiến mẹ tôi cằn nhằn ba ghê lắm, nhưng Nội tôi đã quyết, và ba tôi cũng biết là việc nên làm )
Rồi không biết có phải do ăn ở có đức hay sao mà năm sau đó mẹ tôi sinh được đứa con trai.

Thằng em tôi tuổi Hợi – con heo vàng của mẹ – giải tỏa được ẩn ức không có con trai lâu nay trĩu nặng trong lòng mẹ tôi. Cả nhà cưng nó như vàng. Tôi nhớ lúc thằng em tôi được 3 tuổi , lần đầu tiên Tết năm đó mẹ tôi đề nghị ba chở cả gia đình về quê nội chơi, trên chiếc xe khách 45 chỗ (tài sản lớn của nhà tôi thời đó ) oai lắm ! Mấy chị em tôi xúng xính đồ mới, đứa nào cũng được mẹ đeo cho cọng dây chuyền vàng choé trên cổ. Sau khi ghé vô nhà từ đường cho bà nội thắp hương ông bà xong, cả nhà đi bộ trên con đường làng xuống biển, xuống Xóm Chùa thăm má lớn.

Đặc biệt lần này có thêm một bà bạn thân của mẹ tôi ở Sài Gòn ra ở chơi ăn Tết. Trên đường đi, bao nhiêu ánh mắt của dân làng nhìn trầm trồ và cũng có tiếng xì xầm to nhỏ. Gần tới nhà má lớn những tiếng xì xào càng nhiều hơn … các hàng xốc dĩa hai bên đường làng như ngừng đổ hột, vì ai cũng mãi nhìn theo đoàn người ăn mặc sang trọng đi xuống cái làng chài quê mùa này.

Bước vô nhà má lớn, một không gian tối tăm ngột ngạt, mùi ngai ngái từ những mái muối mắm bốc ra , mùi ẩm mốc của gian nhà thiếu người đàn ông . Trên bàn thờ có chưng vài chiếc bánh cốm, trái cây và lọ hoa tàn úa, lư hương lạnh lẽo, hoàn toàn trái ngược hẳn tủ bàn thờ sáng trưng của nhà tôi trên phố.

Chắc nghe tiếng người, má vén tấm màn nãy giờ khép kín, mùi dầu gió sực nức bay ra. Má ngồi dậy gượng cười, quấn lại búi tóc lòa xòa. Má mặc chiếc áo màu sậm tôi không nhận ra màu gì. Má có vẻ mệt mỏi và lúng túng vì khách đến bất ngờ – mà lại là khách đặc biệt nữa chứ ! Má nói: ”

Ba má con Qua xuống mà tôi không hay, tôi bị nhức đầu hổm giờ chưa bớt” Nói rồi má với ra cửa gọi tên anh Hai tôi về. Kêu vậy thôi chứ má biết hai đứa con trai má đang mải mê trong đám bầu cua rồi hoặc đi chơi với bạn, ( cũng có thể trốn đâu đó khi biết nhà có nhiều khách) .

Má xuống bếp nói để dọn bánh tét và đồ ăn lên cho mọi người, nhưng tôi biết nhà má không chuẩn bị gì nhiều cho cái Tết cả . Hồi nãy tôi đã chạy xuống bếp tìm cái gáo dừa uống nước mát trong cái lu đất rồi, tôi cũng kịp liếc vô cánh cửa lưới cái gac- măng -rê nhà má xem không thấy gì cả . Nội tôi nãy giờ đang ở bên ngoài thăm hỏi mấy người quen biết xung quanh, đã bước vô tự lúc nào.

Nội tinh ý lắm, vội nói từ chối khéo : Cả nhà mới ăn, má thằng Hai đừng bày vẽ ! Tôi nhìn qua mẹ tôi có vẻ không bận tâm, mải cười nói thì thầm với bà bạn với vẻ mặt khó tả vừa cao ngạo vừa đắc thắng lắm . Không khí trong nhà tiếp theo thật ngượng ngùng, ai nói câu gì cũng nghe sáo rỗng…

Tôi chạy ra biển chơi cùng các chị em và cũng cố ngóng tìm anh Hai mà không thấy. Từ lúc đó đến khi ra xe về bà nội và ba tôi không ai nói câu gì, chắc hai người đều có tâm trạng như nhau, bùi ngùi thương cho hoàn cảnh má lớn. Chỉ có mẹ tôi và bà bạn thì được dịp cười nói mỉa mai : ” Tết năm Dần mà xui quá, đi thăm mà thấy “con cọp ngủ “, họ cố tình nhấn giọng “con cọp ngủ” ! .

Không hiểu sao kể từ lúc đó tôi thấy cực ghét bà bạn của mẹ, bà ấy thật là vô duyên cứ cố ý cười cợt lấy lòng mẹ tôi. Hình ảnh đó còn in đậm mãi trong tâm trí tôi như mới hôm qua. Tôi thương má lớn quá ! Nếu má không lấy phải người đàn ông bội bạc thì má đã đường đường là bà chủ một gia đình khá giả, má đâu phải chịu cảnh bẽ bàng như vậy ? và mẹ tôi và bà bạn vô duyên kia đâu có quyền khinh dễ má lớn bằng những lời lẽ khó nghe như thế ?

Tội của ba tôi lớn lắm, vì chạy theo bóng sắc mà để một người đàn bà cuộc đời dở dang, hạnh phúc lỡ làng, cam chịu cô đơn lẻ bóng. Tôi nghĩ việc má lớn ngã vào vòng tay người đàn ông đã có vợ và sinh con, cũng là lẽ tất nhiên, cũng đâu phải lỗi ở má ! Má hiền lành quá mà ! Hiền như ” con cọp ngủ “.

Tôi biết ba tôi khi về già, khi nếm trải đủ những thăng trầm của kiếp người, khi qua hết những đắng cay của nhân tình thế thái, chắc ba tôi cũng xót xa ân hận lắm khi nghĩ về má lớn. Sau ngày giải phóng, khi gia sản không còn gì, ba không còn lái xe khách nữa, ba có thói quen mỗi sáng đạp xe chở thằng em út tôi đi tắm biển.

Có những lúc buồn vì thời thế, buồn vì gia đình sa sút, ba thường về quê, ghé về nhà má lớn ăn bữa cơm trưa với má, nằm trên chiếc võng đong đưa nhắc chuyện ngày xưa … Tôi nghĩ lúc ấy chắc má lớn cũng thấy hạnh phúc lắm. Có lẽ từ lâu má đã tha thứ cho ba tôi rồi nên không hề trách móc điều gì.

Ngày ba tôi mất , má lớn cũng lên đội trên đầu chiếc khăn tang trắng, ngồi lặng lẽ cuối hàng, rồi đi về lúc nào không ai hay …

Ngẫm cuộc đời – Buồn cho hai chữ duyên phận !
“Con cọp ngủ ” kia giờ cũng hóa người thiên cổ rồi !
Vui buồn kiếp người cũng khép lại từ lâu.

✍️ Ngoc Nguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *