Chuyện ông giáo – Câu chuyện nhẹ nhàng ý nghĩa nhân văn
TG : Cao Nguyen
Đang ngồi uống trà một mình , thấy ông Hùng hàng xóm đi ngang qua , ông giáo gọi to :
– Vào đây làm chén trà nóng ông Hùng ơi .
Ông Hùng lững thững đi vào , cất tiếng :
-Hôm nay mới được thảnh thơi đấy nhỉ ông giáo . Mấy hôm rồi nhà ông tấp nập người ra vào .
-Vâng . Ông uống nước đi . Chè này là của cậu học sinh cũ biếu thầy đấy .
– Làm thầy giáo như ông sướng nhất rồi còn gì . Trà ngon quá .
-Vâng . Ông giáo như tôi thì không giàu về tiền bạc nhưng giàu về tình cảm ông à .
Rồi ông giáo nhẩn nha kể chuyện :
– Như cái cậu học trò biếu chè này . Nó thi thoảng vẫn qua lại thăm thầy luôn . Ông biết không , khi xưa bố nó dắt nó đến xin học bố nó bảo :”Trăm sự em nhờ thầy kèm cặp giúp con em nên người . Thằng con nhà em suốt ngày đàn đúm bạn bè , đánh nhau tùm lum . Vợ chồng em bó tay với nó rồi ” . Quả thật những ngày đầu dạy nó thật vất vả . Tôi to nhỏ tỉ tê với nó điều hay lẽ phải . Rồi thầy trò đánh vật với nhau những bài toán vì nó mất gốc hết rồi .
Tôi kiên trì bắt cu cậu ôn lại kiến thức cũ , cũng may thằng bé thông minh , sau một năm thì cơ bản nó đã đuổi kịp các bạn . Nhưng cái quan trọng nhất là nó đã say mê học tập , không còn chơi bời đàn đúm . Rồi nó vươn lên là học sinh tốp đầu của lớp . Nó đỗ vào đại học Kinh Tế Quốc Dân . Bây giờ là giám đốc công ty tư nhân do nó thành lập , nghe nói cũng phát triển lắm .

-Học trò của ông giáo đứa nào cũng trưởng thành và thành đạt nhỉ .
Ông giáo mỉm cười :
-Hì hì . Trưởng thành thì đúng nhưng không phải đứa nào cũng thành đạt . Năm ngoái tôi đi ăn cưới con thằng bạn ở xa . Lúc về xuống bến xe trời đã tối . Tôi gọi đại một chiếc xe ôm cạnh đó , vừa đi vừa nói chuyện hóa ra cậu xe ôm lại là học trò cũ của tôi . Tôi mời nó vào nhà , nó ngập ngừng rồi cũng vào . Trước kia nó học giỏi , học xong đại học ra trường xin vào làm việc ở một cơ quan hành chính trong thành phố.
Nó bảo lương thấp , vợ con đau yếu nên nó phải tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm tiền . Tôi bảo nó :” Thế sao em không tìm việc gì làm thêm đỡ vất vả không ” . Nó bảo :” Cái nghề của em khó kiếm việc làm thêm lắm , em đành phải chạy xe ômvậy ”
Tôi bảo nếu thu nhập thấp thì tiêu ít cho đỡ vất vả . Nó bảo. ” Em cũng nghĩ thế nhưng bây giờ vào mùa cưới tốn kém lắm . Nhiều khi tiền lương không đủ tiền mừng cưới . Rồi tiền học thêm của con , bao thứ phải chi tiêu . Vất vả lắm thầy ạ ” . Rồi nó thanh minh:”Nhiều khi cũng muốn đến thăm thầy nhưng em mặc cảm lại không dám đến ” .
Rồi ông giáo trầm ngâm :
-Mỗi người đều có một số phận rồi ông Hùng à . Tôi học Bách khoa , ra trường đúng lúc chuyển đổi cơ chế , làm mấy cơ quan, cuối cùng làm ông giáo tự do , dạy thêm cho các em học sinh có nhu cầu . Một mình vừa là hiệu trưởng vừa là giáo viên kiêm bảo vệ. Hì hì hì .
Ông Hùng cười theo :
-Cứ như ông lại hay . Không bị áp lực , không bị trên đe dưới búa .
Ông giáo ngậm ngùi :
-Cũng bị áp lực nhiều lắm ông à . Ngày xưa cơ bản học trò chịu khó , đỡ áp lực hơn . Còn bây giờ thời đại internet, nhiều thứ tác động đến, làm cho học sinh không còn chăm học như xưa . Học trò học tốt kết quả tốt thì thầy trò và phụ huynh đều vui . Nếu trò học không tốt , kết quả không như ý thì thầy buồn , phụ huynh buồn .
Ông Hùng thông cảm :
-Ừ . Đúng vậy . Nghề nào cũng có áp lực riêng của nó . Mà tôi thấy mấy hôm nay chỉ có học sinh cũ và phụ huynh đến thăm ông thì phải .
Ông giáo ngậm ngùi :
-Đúng vậy . Ngày xưa , những ngày này tôi chuẩn bị nhiều bánh kẹo lắm . Học trò từng tốp đến chơi với thầy , hát hò rồi ăn bánh kẹo . Phụ huynh cũng có nhưng hãn hữu. Còn bây giờ xe pháo nhiều , đi lại không an toàn nên tôi không cho trò đến chơi . Tôi cũng đề nghị phụ huynh không đến thăm tôi. Nhưng họ cứ đến . Họ bảo : “Đến thăm thầy vì tình cảm với thầy, thầy không dạy con em ở trường ở lớp nhưng nhờ thầy con em không chỉ học hành tốt hơn mà còn biết quan tâm, thương yêu bố mẹ hơn , biết làm việc nhà nhiều hơn ” . Tôi cũng chẳng biết nói gì .
Ông Hùng đồng cảm :
-Ừ . Cứ đam mê công việc như ông là nhất đấy .
Ông giáo mỉm cười :
-Được tiếp xúc với lũ trẻ , tôi thấy như mình cũng trẻ ra , lắm lúc còn không nghĩ mình đã già . Hì hì hì .