Chị gái chồng P3

Phần cuối

Tác giả: Nguyễn Hạnh/THCS Lập Thạch

6h chiều:

– Mẹ, mẹ ơi bác Hồng đến này.

Bé Giang nhún nhảy khi nhìn thấy bác tới, bởi lần nào bác cũng có quà cho nó, túi to túi nhỏ.

– Sao chị lại rảnh rang đi chơi giờ này thế này?

Đưa túi hoa quả cho con bé, véo hai cái má phúng phính của nó, rồi Hồng quay qua cậu em trai:
– Cậu quên chị cậu độc thân à? Tôi tự do thì giờ giấc có quan trọng gì? Mà mợ ấy đâu?
– Nhà em trong bếp, đang chuẩn bị nấu bữa tối.

Vân tất tả từ trong bếp đi ra:
– Chị ở đây ăn cơm nhé. Lát em đón bọn trẻ qua đây rồi ăn uống luôn một thể, lâu rồi mình cũng chưa tụ tập.
– Thôi, nay chị muốn nhờ mợ tí việc đây. Có anh Phong bạn học cũ, vừa là đối tác làm ăn, nay anh đến chơi nhưng chị không muốn bày vẽ nấu nướng nên chị mời ra quán. Mợ đi tiếp khách cùng chị tí được không?
– Để em đưa hai chị em đi.
– Cậu ở nhà đi, còn cho con Giang nó ăn uống tắm giặt. Tôi mượn mợ ấy một hôm thôi. Mợ cứ để đấy lát bố nó nấu, lên thay đồ đi.

Vân vô tư đi lên gác thay quần áo, không để ý đến thái độ khó chịu của Tuấn. Thực ra anh biết cái người tên Phong kia, đẹp trai, phong độ, giàu có, đã li hôn, nhưng điều khó chịu là mấy lần gặp nhau ở nhà chị gái, anh ta lại cứ luôn miệng khen chị Hồng có cô em dâu vừa đảm đang, xinh đẹp lại có tri thức. Mà thực tế, anh ta đã gặp Vân bao giờ đâu, những gì anh ta biết được, chỉ là nghe chị gái anh kể lại.

Con giang bắt đầu nhõng nhẽo:
– Cho con đi với bác nữa nhé. Con không thích ở nhà một mình đâu.
– Con ở nhà với bố cơ mà. Nay phải thật ngoan, tự ăn cho hết bát cơm rồi chủ nhật bác qua đón đi siêu thị mua búp bê nhé.
Con bé thấy bác nói tới đồ chơi là mắt nó sáng lên, miệng cười toe toét.
– Ôi, mợ thay bộ đồ khác đi. Ai lại đi tiếp khách mà sơ mi cổ đức với váy công sở thế kia. Mặc cái váy nào sát nách mà ngăn ngắn thôi cho nó điệu điệu tí, rồi tô son đậm lên chút. Trông mợ như sắp lên lớp giảng bài ấy.

– Em thấy vợ em mặc thế đẹp rồi mà.
– Cậu đừng có ích kỉ. Làm đẹp là nhu cầu của phụ nữ. Mà cậu ấy mọi ngày cứ mở miệng ra là chê vợ ăn mặc quê mùa, cũ kĩ, nên nay mợ mặc thật đẹp vào cho cậu ấy mở mày mở mặt tí. Thôi mợ nhanh chân lên tí kẻo anh ấy đợi lâu.
Tuấn thấy tưng tức trong lòng, nhưng đúng là anh hay chê vợ ăn mặc không hợp thời, thế nên anh cứng họng, không phản ứng được gì. Rồi khi thấy vợ bước xuống trong cái đầm hoa trắng thướt tha, vừa ngắn tới gối, vừa ôm sát cơ thể, thì bỗng dưng anh cảm thấy máu chạy dồn hết lên mặt thì phải, khiến nó nóng bừng bừng. Rõ ràng cô ấy rất đẹp, không còn quê mùa, vậy mà sao anh lại không vui?!

Trên xe, Hồng hỏi em dâu:
– Giờ mợ thích ăn gì để tìm quán?
– Ăn gì cũng được chị, miễn là tiện cho bạn chị đến thôi.
– Làm gì có bạn nào?
– Thế sao chị bảo em đi tiếp khách cho chị?
– Hi. Chị đùa thằng Tuấn thôi, chứ tiếp khách công ty thiếu gì nhân viên mà phải lôi mợ đi. Chị muốn thử phản ứng của nó ấy mà, xem ra đã có tí tác dụng khi thấy mợ ăn diện thật đẹp rồi đi chơi.

– Lẽ ra chị nên là chị gái của em mới phải- Vân cười thật tươi.
– Nếu chị là chị gái em, thì lại không thể đưa em đi thế này được, vì nó sẽ nghĩ chị em hùn nhau nói xấu nó. Chị hiểu tính nó, mợ đừng lo.
Hai chị em cười nói vui vẻ, rồi tạt vào một quán BBQ ăn đồ nướng. Cũng lâu rồi Hồng mới có thời gian đi ăn uống thảnh thơi như này.
– Thế nào, sau hai tuần rồi cậu ấy có tí tiến bộ nào không?

– Cũng thay đổi chị ạ. Anh ấy không còn bù khú bạn bè nữa, thi thoảng cũng trông con cho em dọn nhà. Rồi cũng chủ động bảo em thu xếp thời gian để cả nhà về bên ngoại chơi, vì lâu quá anh không thăm bố mẹ em…Nhưng sao chị lại cười ạ?
– Tất cả những ông chồng, thời gian đầu khi mới làm lành đều thể hiện rất chi là hợp tác. Chỉ là thời gian đầu thôi nhé, vì em với nó, mọi xích mích bị tích tụ từ những điều vặt vãnh trong cuộc sống mà thành ra như vậy. Nếu em không cứng rắn, thì chỉ một hai tháng nữa thôi lại trở về như cũ.

– Thay đổi một con người cũng khó chị nhỉ?
– Khó chứ. Thay đổi chính mình còn khó nói chi đến người khác.
– Sao anh ấy chẳng được một phần của bố

– Em đừng so sánh, vì không ai giống ai cả. Bố cũng là bù đắp cho mẹ thôi. Ngày xưa mẹ cũng khổ sở lắm mới sinh được ra nó. Bà nội thì cơ cầu, ghét cháu gái, bố lại đi công tác xa nhà. Năm chị 15 tuồi thì mẹ sinh nó. Người mừng nhất là chị dù chị biết nếu có nó thì mọi người sẽ dồn hết tình cảm cho nó mà quên chị, nhưng thà như thế còn hơn đêm đêm nghe mẹ khóc, rồi bà nội chửi mẹ bất tài, mẹ lại trút giận lên chị. Nó ốm đau quặt quẹo, mẹ đi cúng hết đền chùa miếu mạo. Chị còn không được phép động vào nó, chơi với nó. Bà nội cấm chị tới gần nó, vì sợ mỗi lần nó khóc lại tím tái hết mặt mày rồi lăn ra ngất. Mẹ chỉ còn thời gian cho nó, nên cũng không để ý gì đến chị, chị dậy thì, người dạy chị cách tự vệ sinh cho mình những ngày đèn đỏ lại là cô giáo của chị chứ không phải mẹ.

– Chị thật là khổ. Em mà như thế em không chịu đựng được.
– Nhưng bố thương chị, nên cứ cuối tuần bố về thì ngang với tết rồi.
– Bảo sao anh ấy cứ tính khí trẻ con, muốn gì phải cho bằng được.

– Ừ. Chính vì thế nên khi bọn em cưới nhau, chị mới kịch liệt phản đối việc vợ chồng em sống chung với bố mẹ. May mà bố hiểu tính mẹ nên bố mới dứt khoát cho bọn em ra ở riêng đấy. Chứ cứ ở chung thì người thiệt thòi chính là em. …Thôi thôi, mợ đừng có khóc. Ai làm gì mợ đâu chứ. Nào ăn đi..

– Em cũng không biết mình cố gắng được nữa không, nếu anh ấy lại trở về như cũ thì chắc em không tiếp tục được.
– Chị hiểu. Nên chị muốn em cũng phải thay đổi bản thân mình. Vị tha là điều quý giá, nhưng đừng nhu nhược. Đừng để nó quen cái thói được nuông chiều nữa.

– Nhưng mà anh ấy không tự giác giúp em gì cả.
– Là tại vì em mạnh mẽ và tự lập quá, em cứ gồng mình lên làm hết mọi việc nên nó mới chả bận tâm gì. Đàn bà, đừng nên ôm việc trong khi mình có thể san sẻ với chồng. Nó chỉ vô tâm, không biết việc chứ không phải nó không thương em. Nếu muốn thay đổi nó, em cần phải thỏa hiệp. Thi thoảng hãy để nó đón con, tắm cho con, dạy chúng học. Em vừa nhàn hơn, vừa để bố con nó gần gũi nhau hơn. Chuyện cơ quan, nếu có giao lưu hay liên hoan gì, em hãy báo trước cho nó chủ động đón bọn trẻ, còn em ở lại chung vui với mọi người. Đừng có hết lần này tới lần khác bỏ về, chỉ vì lí do về nhà cơm nước. Sống cũng cần có bạn bè đồng nghiệp em ạ.

– Em sợ anh ấy cứ hậm hực nếu em về muộn.
– Chính vì em sợ nên nó mới được đà lấn tới. Con cái lớn cả rồi, đừng có chăm chăm don dẹp nhà như ô sin mà bỏ qua hết các mối quan hệ xã hội. Rảnh thì đi cafe với bạn cho thư thái đầu óc. Nếu như em có bạn bè thân, nhiều khúc mắc vợ chồng họ cũng cho em được lời khuyên đáng để học hỏi đấy.
Còn cuối tuần về nhà ông bà nội, em hãy chủ động đi chợ cùng mẹ, chứ đừng để nó đưa mẹ đi. Mẹ thì chiều nó nên hơi một tí là xuýt xoa, em đưa mẹ đi chợ vừa là cho người ta nhìn thấy mẹ chồng con dâu hòa hợp, vừa để nó ở nhà nói chuyện với bố, để bố dạy bảo cho nó thêm về trách nhiệm đàn ông trong gia đình. Mẹ thích thể diện mà, mất gì đâu em.

– Sao chị đầy những ưu điểm như vậy, mà anh chị lại mỗi người một nẻo. Em xin lỗi, chị đừng hiểu sai ý em.
– Vợ chồng đúng là duyên số. Nếu anh ấy chỉ trẻ con ích kỉ như thằng Tuấn, mà không phải lí do ngoại tình, thì chị đã cố gắng tới cùng. Ngẫm từ cuộc hôn nhân thất bại của mình, chị mới nhận ra rằng mình đã hi sinh bản thân một cách mu muội. Cứ tha thứ, cứ bỏ qua, cứ chịu đựng…để rồi dùng dằng một cuộc sống bế tắc, cuối cùng cũng đổ vỡ. Như bây giờ, chị thấy quyết định của mình hoàn toàn sáng suất.

– Em không biết rồi bọn em có thể sống với nhau được nữa không.
– Em phải nghĩ cho tích cực chứ. Tính nó như trẻ con vậy thôi chứ không phải đứa chơi bời trác táng. Làm vợ thì làm vợ, đừng làm thay mẹ em ạ. Chuyện mua sắm lớn nhỏ trong nhà em hãy bàn với nó, để nó thấy nó có vai trò quyết định trong gia đình, chứ em cứ bỏ tiền túi ra sắm, nó không nhìn thấy được cái công sức của em đâu. Làm thêm được bao nhiêu thì cóp cảnh lại phòng thân. Đừng có moi hết ruột gan mình ra rồi đến lúc bố mẹ mình ốm đau cũng phải chạy vạy chỗ này chỗ khác. Nó, ngoài mẹ ra thì có mấy khi nó quan tâm tới cảm nhận của người khác, nên nếu có không hài lòng gì thì em cứ thẳng thắn trao đổi cho nó biết, đừng ấm ức hậm hực một mình trong lòng mà nó thì cứ nhởn nhơ vô tình vì nó biết gì đâu.

– Em hiểu rồi chị. Em sẽ cố gắng làm theo chị nói.
– Ừ. Chị chỉ mong hai đứa cùng thay đổi để sống cho an vui. Có điều này chị muốn nhắc em, nếu cố gắng để sống hài hòa với nhau vì trong lòng vẫn còn yêu thì hãy cố, còn- một khi đã cạn kiệt yêu thương, đừng lấy lí do vì con mà phải tự đày đọa đời mình, sống trong dằn vặt đau khổ. Trẻ con sống trong một gia đình bố mẹ ngày ngày chửi mắng nhau, tự nó sẽ dẫn đến tiêu cực cho đời nó sau này; thay vì cố cho con có một mái nhà có bố có mẹ trên danh nghĩa, hãy chọn cách để con sống ở một nơi có tình yêu thương, tôn trọng, bởi chỉ có yêu thương mới nuôi dưỡng sự chân thành trong chúng thôi em ạ.

– Em cảm ơn chị. Dẫu có chuyện gì xảy ra, em sẽ không bao giờ quên ơn chị…
– Ơ kìa, ơn huệ gì ở đây. Chị nghĩ cho mợ, thực chất nghĩ cho bố mẹ, thằng Tuấn và bọn trẻ đấy chứ. Tính toán cả rồi mà… Lau nước mắt đi, chị ghét nhất nhìn phụ nữ khóc đấy. Ăn nhanh rồi còn đi cafe tí, 10h hãy về để bố con nó có thời gian chơi với nhau.

Hai chị em ngồi ăn uống, rồi loanh quanh ngó nghiêng qua các shop quần áo. Đúng 10h, Hồng đưa em về. Đứng ngoài cửa, Hồng thấy bé Giang đang ngồi trên lưng bố, còn em trai cô, đang làm con ngựa chở cô con gái trên lưng bò khắp nhà. Tí tí, cậu ta lại nghiêng người khiến con bé loạng choạng. Nó thích thú, cười nắc nẻ. Nụ cười con trẻ giòn tan và trong veo như những giọt sương đọng trên lá mỗi sớm mai. Hồng nhìn em dâu, mắt cô ấy lấp lánh những giọt nước, những giọt nước mắt hạnh phúc, bởi đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy Tuấn dành thời gian chơi với con vui vẻ. Cô thấy rồi, chính vì cô ôm đồn quá, tự tin quá khi nghĩ mình có thể tự lo được cho cả nhà, mà vô tình đã tạo ra khoảng trống trong hạnh phúc gia đình. Cô ngắm nhìn hai bố con, và cô biết, mình cần thay đổi để lấp đi cái khoảng trống vô hình kia.

Hết

Bài viết khác

Tôi lặng người trước câu nói hồn nhiên của cháu trai khi các con lên thăm ốm – Ngẫm đời

Tôi ốm nên các con đến thăm, ngờ đâu cháu nội ngâγ ngô nói một câu khiến tôi điếng người còn con trai lúng túng xấu hổ. Tôi c.Һ.ế.t lặng trước câu nói hồn nhiên của cháu trai . Chắc hẳn thằng bé đã nghe được bố mẹ nói chuγện với nhau. Tôi năm naγ […]

Đừng là người võ đoán – Xúc động câu chuyện ý nghĩα nhân sâu sắc

Tôi có một thói quen. Nếu không tháρ tùng sếρ đi tiếρ đối tác, thì tɾưα nào cũng chọn quán cơm bụi ngαy góc đường để tìm cái bỏ bụng. Quán nhỏ, đúng nghĩα cơm bình dân. Họ tận dụng căn tɾọ đầu hồi củα cả dãy để mở kinh doαnh. Xe cơm là loại […]

Phong cách người sang – Câu chuyện cảm động đầy sý nghĩa nhân văn sâu sắc

Khoảng 20 năm trước, thầy tui (1 doanh nhân Hongkong mà tui kính phục kính yêu tuyệt đối) sang Việt Nam thăm sau khi hướng dẫn cho tui cách làm ăn, sẵn coi 1 số cơ hội để đầu tư. Có lần tui dẫn thầy vô quán, thầy gọi ly sinh tố mãng cầu xiêm, […]