Chị gái chồng – Câu chuyện ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Tác giả: Hạnh Nguyễn

– Dạo này ít về chắc bận quá, liệu có nấu nổi cơm mà ăn không con?

– Mẹ không cần mỉa mai con thế. Công việc thì có lúc nọ lúc kia. Thay vì trách con không về được, mẹ cũng bớt chút thời gian gọi cho con lấy một cuộc điện thoại.

– Giờ chị lại quay ra trách mẹ cơ đấy.

– Bà thôi đi. Con nó vừa về đến nhà, suốt ngày cằn với nhằn…

Hai mẹ con Hồng mới chọm choẹ được vài câu, thì thằng em trai cô bấm còi inh ỏi ngoài cổng. Nó đóng sầm cái cửa xe, rồi dẫn hai đứa trẻ vào, mặt hằm hằm:

– Con quyết tâm rồi, lần này thì li hôn thật. Con không thể chịu đựng được cô ta nữa. Đấy, đêm qua con nói nó có mấy câu mà sáng ra đã đi, có thèm mở mồm nói câu nào. Con để đơn li hôn ở bàn đấy, lần này không kí không được với con.

– Đàn bà gì mà không biết nhẫn nhịn, hơi một tí làm mình làm mẩy. Xem nó bỏ đi được mấy hôm.

Bà Lam thấy con trai và cháu về, được thể lại ra chiều trách con dâu.

– Anh lại thế nào nên nó mới vậy chứ gì?

Tiếng ông Nam trầm ngâm bên bàn trà.

– Con đi tiếp khách chứ đi chơi đâu, đêm hôm về nhà chả còn hột cơm nào trong nồi. Sáng ra nhà cửa không thèm dọn dẹp, vợ gì cái kiểu thế.

– Ô hay, mọi ngày cậu vẫn quát mợ ấy sao phải chờ cơm cậu còn gì.

– Lại còn chuyện con cái nữa chứ. Đã bảo đàn bà thì ở nhà mà lo bếp núc. Con lớn thì cô phê vào vở là không học bài, không ghi chép. Con bé thì ốm, ho hắng ba tuần nay không khỏi. Làm mẹ mà để con cái nó thành ra như vậy thì có xứng không?

– Hay là mai cậu đưa hai đứa đi xét nghiệm ADN đi. Chứ tôi thấy hình như chúng nó chỉ là con của mẹ chúng thôi, chẳng phải con của cậu đâu. Vì cậu đã bao giờ hỏi han đến việc nuôi dạy chúng.

– Chị là chị của em mà chị còn đứng về phía cô ta là sao? Em bận ti tỉ việc, thời gian đâu mà để ý đến mấy chuyện linh tinh.

– Có hai loại người bận: một là bận thực sự, hai là ra vẻ mình bận. Cậu thuộc loại thứ hai. Nếu cậu yêu thương vợ, cậu sẽ không viện lí do bận này nọ, rồi bù khú bạn bè, để mặc mợ ấy lo toan hết như thế.

– Chị thì biết cái gì. Em bảo nó nghỉ dạy thêm đi, vài cái đồng lương còm ấy thì đi làm gì cho nhọc xác. Nhà thì bao việc, thêm với chả nếm. Tiền dạy thêm cả tháng của nó chỉ bằng em làm vài tiếng. Đêm nào cũng soạn bài tới 1, 2h sáng. Làm cô giáo mà đến con mình không dạy cho giỏi được thì dạy được con người ta chắc.

– Cậu kiếm được nhiều tiền đến vậy, sao lại để mợ ấy phải đi mượn tiền bạn để đưa bố nhập viện?

– Thì nó phải mở mồm mà nói với em nó cần tiền chứ.

– Li hôn đi, tôi ủng hộ, không phải vì cậu, mà vì một người đàn bà đáng thương như cô ấy. Cô ấy cần được sống và được tôn trọng, chứ không phải làm ô sin cho cậu, làm bác sĩ cho gia đình cậu, làm cô giáo cho các con cậu để rồi đổi lại, cô ấy vẫn chỉ là cái bóng trong mắt cậu.

Bà Lam thấy thế chen ngang:

– Ờ, chị giỏi giang cho lắm vào, kiếm tiền cho thật nhiều vào, để rồi vẫn bị chồng bỏ đấy thôi. Đẹp đẽ gì cho cam.

– Tốt nhất là bà im cái miệng lại cho tôi. Nó là con gái bà đấy.

Hồng cắn chặt hàm răng vào đôi môi để khỏi bật ra tiếng khóc, cô cố gắng ghìm những tiếng nức nở đang trực trào ra:

– Con li hôn vì con sai lầm khi chọn một người chồng chỉ biết yêu bản thân mình, và bởi con có một bà mẹ chồng luôn sẵn sàng bênh vực con trai dù đúng hay sai. Con thấy mẹ thật may mắn vì đã lấy được bố.

Nói rồi, Hồng đi luôn ra cổng, lên xe về mà không kịp chào bố. Cô sợ mình sẽ bật khóc vì tủi thân, khi chính mẹ cô, chỉ vì cái sĩ diện hão với bà con họ hàng mà luôn đay nghiến chuyện cô li hôn, bà cho đấy là làm xấu mặt bà dù bà biết con gái mình sống trong đày đoạ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Lên xe rồi, cô gọi điện cho Vân, em dâu cô:

– Mợ đang ở đâu thế?

– Đêm qua mẹ em đau bụng, nên sáng em tạt về đưa mẹ em đi khám xem sao chị ạ. Mà có chuyện gì thế chị? Chắc nhà em lại về ông bà kể lể gì rồi đúng không?

Vân cười buồn, dù cô đã cố gắng che dấu cảm xúc, nhưng Hồng có lạ gì khi chính mình đã trải qua giai đoạn đó

– Bà khám rồi có sao không em?

– Dạ, mẹ em đau đại tràng chút thôi chị.

– Thế may rồi, lát về qua chị nhé.

– Vâng, tí em qua.

Vân định bụng lần này qua cũng sẽ nói hết dự tính của mình. Nên cô đưa mẹ về rồi tạt qua nhà chị gái chồng, với một tâm lí của một con nhím, sẵn sàng xù lông tự bảo vệ mình trước mối đe doạ.

Hồng chẳng mời em dâu vào nhà, chỉ bảo cô ấy cất xe vào rồi đi cùng cô một lát. Vân hơi chút ngỡ ngàng, bởi trong thâm tâm cô nghĩ chị gọi mình đến đây để phân tích và hoà giải chuyện vợ chồng cô, chứ cô không nghĩ hai người lại đi đâu với nhau cả.

Hồng đưa em vào mấy shop quần áo, lựa cho Vân ba bộ váy mặc đi làm, vài bộ quần áo ở nhà, và vài cái váy đi chơi. Rồi hai chị em qua mua giày dép, đồ trang điểm. Cô tự động thanh toán hết tất cả chi phí mua sắm cho em dâu, rồi đưa em vào chỉnh chang lại đầu tóc. Cuối cùng, hai chị em vào quán cafe, chọn cái bàn trong góc trong cùng để ít ai để ý tới câu chuyện của họ.

– Chị à, chị mua cho em nhiều thế này em không dám nhận đâu. Với lại, dù chị có nói gì thì đến thời điểm này em không chịu đựng nổi anh ấy nữa đâu, nên chị…

– Chị mua đồ cho em, rủ em đi chơi không phải vì thằng em mất nết của chị, nên em yên tâm.

– Anh ấy có nói với bố mẹ việc anh ấy đòi li hôn không chị?

– Có, nó nói nhiều.

– Anh ấy cũng nhiều lần đòi li hôn rồi, em cũng thấy mệt mỏi lắm. Chi bằng đường ai nấy đi cho thanh thản đầu óc.

– Ừ. Chị không phản đối, và không có gì để bênh vực nó. Nay chị hẹn em đi chơi thế này, vì chị muốn cho em thấy, em cần phải yêu thương bản thân mình hơn. Đừng vì một đứa ích kỉ như nó mà làm phí cuộc đời mình. Có lẽ mẹ đã nuông chiều nó từ bé, nên nó chả khác gì ông tướng em ạ.

– Chị…

– Để chị nói hết đã. Đời người ngắn lắm em ạ. Nên đừng hi sinh bản thân mình cho những thứ không đáng. Nghe chị, mai lên trường viết cái đơn nghỉ phép, tạm thời đi đâu đó một vài hôm để tĩnh tâm lại…

– Nhưng còn bọn trẻ, nếu em không ở nhà thì làm thế nào. Đêm hôm kiểu gì con Giang nó cũng khóc, vì cứ thức giấc không có mẹ nó lại khóc hết nước mắt mất thôi. Còn con Minh, sáng sớm không gọi lại không biết đường mà đi học…

– Em cứ bình tĩnh, nó không dám bỏ con đâu vì dẫu sao cũng là máu mủ của nó. Lát về, em hãy kí vào đơn li hôn cho chị, thu xếp ít quần áo rồi sáng mai bắt xe đi đâu đó em muốn. Không được nói cho nó biết.

– Sao chị lại bảo em kí đơn. Chẳng phải mọi ngày chị vẫn bảo em bỏ qua cho anh ấy là gì.

– Chị chưa bao giờ muốn hai đứa chia tay, nhưng cứ thế này thì thiệt thòi cho em quá. Trươc mắt em cứ đi nghỉ vài ngày, nếu sau khi bình tĩnh lại, em có thể tha thứ và bỏ qua cho nó được thì chị ơn em lắm, nhưng em phải thay đổi đi, em đừng nhẫn nhịn và cung phụng nó quá. Còn nếu đã thực sự không còn chút tình cảm níu giữ, hãy giải thoát cho nhau đi. Chị luôn đứng về phía em dẫu cho em có quyết định ra sao chăng nữa. Còn phần nó, chị hiểu nó hơn ai hết. Nó chỉ to mồm thế thôi, chứ nó không dám bỏ em đâu. Nếu còn yêu thương nó, nhân cơ hội này hãy dạy cho nó bài học. Vừa để kiểm nghiệm lại tình cảm giữa hai đứa, vừa để thử thách xem em có thể buông mà không hối tiếc hay không.

Hồng nói xong, rút cái phong bì trong túi và đẩy về phía em:

– Đừng hiểu sai ý chị, vì em đi dạy cũng không kiếm được là bao, nên hãy cầm số tiền này và đi chơi cho thật thoải mái đi nhé. Sau khi về, chị em mình sẽ nói chuyện lại với nhau sau.

Vân gạt nước mắt, cô bất ngờ đến mức chả biết phản ứng ra sao.

Vân làm theo lời chị, tối về cô kí đơn li hôn và im lặng không nói gì. Sáng sau, cô dậy thật sớm, chuẩn bị vài bộ quần áo nhét vali, viết một cái đơn xin nghỉ phép, chuẩn bị đồ ăn sáng cho hai con, viết vài dòng nhắn lại là cô đi vài ngày chuẩn bị chỗ ở cho các con trước khi dọn ra khỏi nhà. Rồi cô đến trường khi cả nhà vẫn ngủ say.

Còn Hồng, cô đang lên kế hoạch thay đổi cô em dâu hiền lành, giỏi chịu đựng của mình. Thực chất là cô đang cố gắng cải tạo thằng em trai gia trưởng và độc đoán, quen thói được nuông chiều. Đúng hơn là cô đang cố gắng giữ lại mái nhà có cả ba lẫn mẹ cho bọn trẻ, những đứa cháu còn nhỏ dại của cô!

Bài viết khác

Cho đi chính là nhận lại nhiều hơn – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩα nhân văn sâu sắc

Câu chuyện đôi déρ củα người nông dân Chàng sinh viên trẻ đαng đi tản bộ cùng giáo sư củα mình.Trên đường, họ nhìn thấy một đôi déρ cũ nằm bên vệ đường.Cả hαi đoán là đôi déρ củα người nông dân đαng hì hục cày cuốc dưới cάпh đồng gần đó.Chàng sinh viên trẻ […]

Anh tôi – Một câu chuγện hαγ ҳúc ᵭộпg đầγ tính nhân văn

Khi mẹ tôi lấγ chα tôi thì αnh Thành lên 5 tuổi. Anh Thành là con riêng củα chα tôi với người vợ trước. Trong cuộc sống hằng ngàγ tôi chả thấγ có gì ngăn cάch tình cảm giα đình có 4 thành viên củα tôi cả. Ngoại trừ cάch đối xử củα chα với […]

Mình nhẫn nhịn được cả thiên hạ, hà cớ gì mình phải đánh con – Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Nếu bị chồng ᵭάпҺ. Đánh 1 lần, ᵭάпҺ 2 lần, ᵭάпҺ 3 lần. Bạn lu loα lên nhất định sẽ được khuyên: li dị đi. Nếu con bị bạn ᵭάпҺ, ᵭάпҺ 1 lần, ᵭάпҺ 2 lần, ᵭάпҺ n lần thì cũng chẳng αi bảo nó bỏ mẹ đi…   Hình minh hoạ. Nhưng thâm tâm […]