Câu chuyện về Lòng tốt – Thứ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy

Đầu buổi sáng, hai bệnh nhân chuyển phòng. Họ đã ở đây gần một tháng. Để làm các xét nghiệm phục vụ ghép thận. Hôm nay, họ được chuyển đến phòng “trước ghép thận”, để làm các xét nghiệm quan trọng cuối cùng.

Căn phòng trở nên rộng, thoáng. Cùng “đi” với 2 người chuyển phòng, là “bạn ghép”- người hiến thận, người chăm nuôi, người thăm hỏi.
Gần trưa, một bệnh nhân mới nhập phòng. Ông trạc ngoài 65 tuổi.

Cao to, nước da trăng, nét mặt tươi tỉnh. Nếu gặp ông ở nơi khác, chắc ít người đoán ông có bệnh. Bộ quần áo bệnh viện rộng thùng thình với nhiều người, ông mặc vừa vặn, thấy cả nếp là. Tay ông xách chiếc túi da nhỉnh như túi du lịch nhỏ, như xắc tay của phụ nữ. Người chăm nuôi đi trước ông, cũng đứng tuổi, thấp nhỏ và đen, lưng hơi còng.

 

 

– Thày nằm nghỉ đi ạ!- người này nói sau khi sắp đặt khăn gối, ga trải giường.

“Thày”- tiếng vùng miền có nơi gọi bố là “thày”. Vậy người này là con rể của ông.

Những người ghép tạng rất thương nhau. Người khổ thường nhiều bao dung. Cuộc sống bình thường của người khác, đối với họ là điều mơ ước, xa xỉ! Sự sống của họ nhờ vào tình yêu thương, đùm bọc của những người thân thích. Những người này cùng với họ không ngừng hy vọng một ca ghép tạng đưa họ trở về cuộc sống bình thường.

Lúc sau, mọi người trong phòng đã biết rõ về bệnh nhân mới. Ông người tỉnh Nam định. Hai vợ chồng đều là giáo viên về hưu. Ông nhiều năm nay nằm viện chạy thận nhân tạo. Vừa chuyển từ bệnh viện đa khoa Nam định đến đây với chỉ định ghép thận.

– Lúc nào chị ấy đến với ông?- người phụ nữ nằm giường bên hỏi ông.

– Tôi quen nằm viện một mình…- ông giáo trả lời.- Nhà tôi cũng không được khỏe. Phải trông nom nhà cửa, vườn tược các cụ để lại. Chúng tôi không có con…
Căn phòng như có tiếng thở dài nén lại.

– Bác ơi!…- thanh niên có chỉ định ghép thận nằm giường cuối phòng kêu lên. Giọng anh đầy vẻ bi quan, ái ngại.

Người phụ nữ nằm giường bên như nói một mình:

– Ghép thận tốn kém, vất vả lắm… ông ạ!

Ông giáo nói:

– Chúng tôi đã tìm hiểu. Riêng chúng tôi, không kham nổi.- ông xác nhận.- Nhưng chúng tôi có nhiều học trò. Nhiều năm nay họ động viên chúng tôi: Họ sẽ lo tất cả!
Từ cuối phòng ai đó buông ra một tiếng thở dài.

Ông giáo nói tiếp:

– Người cùng đi với tôi đến đây là học trò của nhà tôi.

Vừa lúc “học trò của nhà tôi” vào phòng. Ông xách theo cơ man là hành trang của người nằm viện: Cạp lồng cơm, chai nước lọc, túi quýt, khăn màn. Người bán hàng ở ngoài phố bê giúp ông 2 chiếc chậu nhựa và đồ dùng cá nhân.

Người học trò từ tốn xếp các thứ vào tủ ở đầu giường.

– Thày ạ, tối nay thày chạy thận ca cuối cùng. Từ 7 giờ đến 10 giờ 30 – người học trò nói.- Cậu Hưng sắp đến thày ạ!

– Hưng nào?

– Dạ Hưng “khỉ”.

– Cậu ấy đi công tác thành phố Hồ chí Minh cơ mà?

– Nó ra tối qua thầy ạ. Cậu ấy vừa gặp Giám đốc bệnh viện…

Ông giáo cảm phiền:

– Anh nói với anh em: Đừng thông tin tôi ở đây. Tôi nằm viện quanh năm. Mọi người đều bận bịu cả…!

– Thày yên tâm. Đến với thày là những người đã nên ông nên bà cả rồi!

Ông giáo im lặng. Mọi người trong phòng cảm giác nhẹ nhõm. Ai nấy nhìn ông giáo bớt vẻ xót xa, ái ngại. Họ từng chứng kiến, từng trải qua hoặc đang theo đuổi một ca ghép thận.

Nên biết rõ công việc này vô cùng vất vả, tốn kém, thất vọng rình rập như thế nào! Những lúc tận tâm, tận lực theo đuổi mục đích là chỉ dám trông chờ vài phần trăm may mắn và phúc khí gia đinh!

Câu nói chân tinh của người học trò có vẻ người khắc khổ chỉ kém thày dăm tuổi, cho người ta thấy một nghĩa tình sắt son!

Hưng “khỉ” vào phòng. Ông trạc 60 tuổi, mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm. Ông chào mọi người trong phòng, rồi đến ngồi bên ông giáo.

– Cô có khỏe không thầy?- ông hỏi thăm.

– Nhà tôi khỏe.

– Hơn một năm em chưa gặp cô!

– Vậy là anh đến dịp tháng 4 năm ngoái…?

– Dạ vâng.

– Dịp đó bà giáo mừng lắm: vườn nhà có nhiều hoa trái…

– Vâng ạ!… Mọi người còn tấm tắc món canh chua của cô nữa!

Người học trò có vẻ ngoài khắc khổ phụ họa:

– Tớ thích nhất được phụ xắp lễ với cô… Những chiếc đĩa cổ bích đồng tuyệt đẹp!

Mặt ông giáo tươi rói:

– Đồ thờ gia bảo các cụ truyền lại.

Hưng “khỉ” cầm tay thầy:

– Có kết quả khám bệnh sáng nay rồi thầy ạ!…Thầy bị nhiễm viêm gan A.

Mặt ông giáo biến sắc. Im lặng một lát.

– Mới bị thôi…- ông giáo trầm ngâm.- Chắc lây qua chạy thận.

Hưng động viên:

– Thầy yên tâm. Điều trị tích cực trong một tháng. Nghiêm ngặt vệ sinh quy trình lọc máu. Sẽ luôn luôn có người ở bên thầy!

Người học trò thấp nhỏ có điện thoại. Ông xin phép ra ngoài: Có khách đến thăm thầy giáo “ngoài giờ thăm nuôi”, yêu cầu ông “thế chỗ”!

Khách là 2 bà cháu. Cháu gái khoảng 5 tuổi, giống bà như lột. Em mặc áo váy trắng, 2 bím tóc thắt nơ đỏ. Người bà quá trẻ, tóc ngắn khum vào cổ. Bà mặc áo dài ngắn tay, nền vải màu ngà lấm tấm những bông hoa cải xẫm màu.

Tay bà xách túi lưới xanh bao ngoài một túi giấy. Bà nhìn lướt khắp phòng, mỉm cười chào mọi người. Ông giáo ngồi thẳng người trên giường.
– Em chào thầy ạ!… Đây là cháu ngoại của em – bà nói, tay chạm vào vai cháu.

Cháu bé tươi tỉnh, dạn dĩ vươn 2 tay và 2 ông cháu ôm lấy nhau. Bà trẻ nhắc: “Con chào cụ nữa chứ!”

Cháu bé cất giọng thánh thót:
– Con chúc cụ chóng khỏe ạ!

Mọi người bật cười trước sự dạn dĩ, hóm hĩnh của cháu bé. Sau mái tóc thắt nơ đỏ, mắt ông giáo chớp chớp, ngấn nước.

– Cô có khỏe không thầy?- bà trẻ lên tiếng.

– Tôi vừa nói với mọi người: Bà giáo bây giờ đang “vào mùa”. Mít, na, chanh… đều rộ quả.

Người mua tự ra vườn hái. Bà ấy cũng bận bịu cả ngày!- ông giáo cười.

Bà trẻ chân tình:

– Em cứ thích được nhìn cô sắp lễ, hay là cô cầm phất trần lau sửa gì đó trước bàn thờ. Một tâm thái kỳ diệu!… Những chiếc đĩa men trong vắt như bầu trời! Đặt trên các đài son. Chông chênh như Trái đất trong vũ trụ!…Những đĩa hoa tỏa hương quý phái- lần đó là hoa móng rồng và hoa ngọc lan – Hoa và đĩa như sắp tan vào nhau…!

Hưng “khỉ” cười:

– Bà trẻ học thuyết trình cổ sử từ bao giờ?

– Kỳ diệu!…- bà trẻ nhắc lại.

Có tiếng động ở cửa ra vào. Người học trò khắc khổ mở cửa vào phòng. Ông đi lại chỗ Hưng “khỉ” như muốn trao đổi điều gì. Bà trẻ nói, giọng sắp đặt:

– Hai bạn thu xếp đi ăn đi!…Bữa trưa của thầy và hai bà cháu tôi chuẩn bị rồi.

Quay sang thầy, bà nói:

– Em nghỉ hưu rồi thầy ạ! Nhà em ở gần đây…Thầy trò mình có dịp gặp nhau…!

Sưu tầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *