Phận mỏng – Câu chuyện xúc động đầy yêu thương
Tác giả: Lê Huyền
Ông bác sĩ già gỡ cặp kính, ngước nhìn anh với ánh mắt chứa đầy sự cảm thông:
– Tôi rất lấy làm tiếc khi phải nói với anh điều mà chúng tôi không bao giờ mong muốn: vợ anh bị ung thư phổi, căn bệnh mà y học hiện nay còn bó tay.
Đất dưới chân anh như sụt xuống, tai anh ù đi, cả căn phòng như quay cuồng trước mắt. Một lúc sau anh mới lấy lại được bình tĩnh:
– Thưa bác sĩ, vợ tôi…
– Thời gian không còn nhiều nữa, anh và gia đình hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho những tháng ngày còn lại của cô ấy.
Anh bật khóc hu hu như một đứa trẻ.
***
Anh và Hạ cùng sinh ra và lớn lên ở một xóm nghèo ven biển. Anh thuộc thế hệ 7X. Làng anh những năm ấy rất nghèo. Có lẽ tài sản của mỗi gia đình được tính bằng số con nên họ đua nhau đẻ. Nhà nào cũng đông con, ít thì ba, bốn đứa, nhiều thì sáu, bảy đứa… Các cụ bảo nhau: con cái là lộc trời, trời sinh trời dưỡng, trời cho đẻ thì cứ đẻ, đẻ được nhiều con trai càng tốt vì sẽ có người để đi biển. Và cứ thế phụ nữ sinh đẻ sòn sòn ba năm một đôi, thậm chí đứa nọ chỉ hơn đúa kia một tuổi.
Hạ là con út và cũng là con gái duy nhất trong một gia đình có năm anh em. Anh cả của Hạ là bạn thân của anh từ thời để chỏm. Anh học xong Cấp I thì cái con bé Hạ mới biết đi. Anh vẫn thường công kênh nó trên vai chạy dọc bãi biển mỗi buổi chiều, cù léc nó, mỗi lần như thế nó lại cười khanh khách, hai bím tóc ngắn tun ngủn, vàng hoe tung tẩy .
Hạ mộc mạc như cây xương rồng cát quê anh. Cây xương rồng cứ mặc gió mưa bão bùng mà sinh trưởng, Hạ thì ăn cơm với cá biển mà lớn lên. Sóng biển luyện cho đôi chân, đôi tay Hạ săn chắc, gió biển nhuộm cho da Hạ ngăm giòn, cái mặn mòi của biển làm nên cái duyên thầm của Hạ. Gái nông thôn vùng biển khi ấy chả ai coi trọng việc học hành, Hạ cũng thế. Em bỏ học nửa chừng và theo cái nghề muôn thuở ở vùng quê: trai đi biển, gái làm muối.
… Thời gian lặng lẽ trôi, anh cưới vợ, vợ anh là cô gái xinh có tiếng ở xã bên. Đêm trước ngày đón dâu, Hạ sang tiếp nước và cùng em gái anh trang trí buồng cưới. Anh nheo mắt nhìn Hạ, cười hóm hỉnh:
– Hạ khéo tay quá, anh chị sẽ sớm sinh con gái đầu lòng để hôm sau nó còn đi
rải thiệp mời đám cưới cô Hạ chứ nhỉ.
Hạ cười khẽ:
– Em không lấy chồng đâu.
Anh quay sang nhìn Hạ. Đôi mắt đen lay láy trên khuôn mặt tròn xoe, đấy đặn ẩn dưới hàng mi cong vút nhìn anh vẻ đượm buồn… anh chợt nhận ra Hạ không còn là cô bé đen nhẻm, đanh đá ngày nào.
Các anh của Hạ lần lượt cưới vợ. Hạ có cả một đàn cháu gọi là cô, chúng nó đứa nào cũng có thời kì lớn lên trên đôi tay ẵm bồng của Hạ. Chỉ có Hạ là chưa chịu lấy chồng dù không ít người trong làng ngoài xã dòm ngó, thi thoảng có ai đó hỏi chuyện chồng con, Hạ chỉ cười khẽ “là cháu chưa đến duyên ạ”. Mãi rồi không ai hỏi chuyện đó nữa vì người ta sợ Hạ buồn.
***
Anh là người đàn ông bất tài (anh tự nghĩ mình như thế). Vì anh bất tài nên cái đói cái nghèo mãi đeo bám lấy gia đình anh. Anh chỉ biết buông tiếng thở dài mỗi khi Liễu, vợ anh than thở “Tôi vô duyên nên mới lấy gã thuyền chài như anh làm chồng”.
Khi đứa con trai thứ hai của anh và Liễu được hai tuổi thì Liễu dứt áo ra đi, Liễu nói cô theo một người họ hàng xa vào thành phố Hồ Chí Minh một thời gian để “đổi đời” rồi sẽ trở về. Anh và mẹ can ngăn mãi nhưng không được đành để Liễu ra đi. Hơn một năm sau Liễu trở về với ngoại hình thay đổi cùng lá đơn ly hôn với lí do “không hợp”, anh thuận tình li hôn sau khi Liễu đồng ý để cả hai đứa con lại cho anh nuôi.
Những ngày đi biển trở về, bạn thuyền của anh vui vẻ bên vợ con còn anh lại chìm trong men rượu vì buồn chán. Nhiều lần sau cơn say, anh chợt nhân ra mình có lỗi với mẹ già, với các con anh. Mẹ anh ý tứ gần xa:
Cái Hạ đến là được người được nết, vậy mà mãi không chịu lấy chồng. Từ ngày vợ anh nó bỏ đi, anh thì cứ biền biệt, hôm nào ở nhà thì say nhiều hơn tỉnh, cũng may mà có nó chạy qua chạy lại đỡ đần mẹ chứ không thì…
Anh hiểu ý mẹ nhưng anh biết mình không xứng đáng với Hạ.
***
Chiều hôm ấy, một buổi chiều lặng gió. Những tia nắng mặt trời chuyển dần từ màu vàng nhạt sang màu cam làm đỏ rực cả một vùng trời phía Tây và tỏa những tia nắng yếu ớt cuối cùng của ngày xuống mặt biển. Khi thuyền anh vừa cập bến có người chạy xuống báo tin:
– Mày vào bệnh viện ngay đi, thằng nhỏ nhà mày đau ruột thừa, mẹ mày với cái Hạ vừa đưa nó đi rồi.
Anh tất tưởi vào bệnh viện, mẹ anh và Hạ đang ngồi chờ trước cửa phòng mổ, nét mặt đầy căng thẳng, lo âu.
Ngày con anh ra viện, anh lấy hết can đảm nắm tay Hạ:
– Em làm mẹ của các con anh nhé!
Hạ về làm vợ anh trong tiếng thở dài của bố mẹ và các anh cô. Không hỏi cưới linh đình, không váy cưới xùm xòe nhưng Hạ được mẹ và các chị gái của anh đón nhận trong vòng tay ấm áp.
***
Mười tháng sau ngày chị về ở cùng anh, một bé trai nữa chào đời. anh vừa mừng vừa lo: mừng vì có thêm con, lo vì nhà thêm miệng ăn là thêm phần vất vả. Mẹ anh ôm cháu cười hềnh hệch:
– Tam nam bất phú, mẹ mày nhanh nhanh mà đẻ thêm cho bà một đứa cháu nữa nhé.
Chị cười:
– Mẹ ơi, nhà mình ba đời nay chẳng tam nam mà con vẫn thấy vẫn bất phú, có khi tam nam lại phú đấy mẹ ạ, con không đẻ nữa đâu, để thời gian lo làm kinh tế và nuôi các cháu ăn học mẹ ạ.
Hạ nói và làm thật. Hết thời gian ở cữ, Hạ bàn với anh đầu tư con thuyền lớn để đi đánh bắt xa bờ. Anh lưỡng lự:
– Không phải anh không nghĩ đến chuyện này nhưng mình vốn liếng, nhân lực đều không có biết làm sao bây giờ?
Hạ quyết tâm:
– Làm cái gì cũng phải có chí, vốn liếng em sẽ đi vay hai bên gia đình, thiếu thì vay thêm ngân hàng, không thử thì làm sao biết có được hay không, nếu thế này thì cứ mãi nghèo khó thôi anh ạ.
Mấy tháng sau, anh đường đường là ông chủ của một con tàu lớn vươn khơi. Hạ cũng không chịu ngồi không chờ chồng. Tranh thủ lúc mẹ chồng còn khỏe có thể đỡ đần được, Hạ gom hàng hải sản tươi sống nhập cho các nhà hàng ở thành phố và khu du lịch. Chiếc Way cũ kĩ được lắp thêm cái giá đèo hàng cùng cô trên suốt hành trình từ quê ra phố. Nhiều hôm, mẹ Hạ xót con:
– Làm vừa thôi, ốm ra đấy thì khổ. Thật đúng là không đi đường quang lại đâm quàng bụi rậm.
Hạ cười, bà thấy vui phần nào vì trong đôi mắt Hạ ánh lên niềm hạnh phúc
Bản tính xởi lởi của Hạ ai cũng thích, bạn hàng ngày càng đông, buôn bán buổi ban đầu cũng lúc lãi lúc lỗ nhưng dần dần cũng đi vào ổn định, thu nhập ngày càng cao. Anh chị trả hết nợ nần, xây cất được nhà cửa, mở được đại lí hàng hái sản tươi sống và hàng khô ngay tại nhà. Mẹ anh không còn nhắc cái câu “tam nam bất phú”, con anh đỏ da thắm thịt, đứa nào cũng ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành, thằng lớn đã vào Đại học, đứa nào cũng một câu “mẹ Hạ con”, hai câu “mẹ Hạ con” ai nghe cũng thấy ấm lòng.
Vậy mà….
***
Biển chiều, từng đợt sóng cứ cuồn cuộn nối đuôi nhau xô vào bờ như những đứa trẻ đang nô nghịch cố kéo dài trò đùa trong khoảnh khắc cuối ngày. Mỗi lớp sóng để lại trên cát trắng những vỏ ốc, vỏ sò sáng lấp lánh. Biển lúc này đã vắng người, chỉ còn lác đác những người đang thả hồn đắm chìm trong cảnh biển lúc hoàng hôn. Những rặng dừa xanh đung đưa trong gió chiều như tấu lên bản nhạc du dương trầm bổng. Mặt trời lặng lẽ xuống dần…
Anh nhẹ nhàng quấn lại chiếc khăn quàng cổ cho Hạ, giọng Hạ nhẹ như một cơn gió thoảng :
– Biển đẹp quá anh nhỉ?
– Ừ, mình về thôi em, chiều mai anh lại đưa em đi dạo nữa, trời bắt đầu nổi gió rồi đấy.
Anh vòng tay ôm lấy đôi bờ vai Hạ, đôi bờ vai tròn lẳn, chắc nịch ngày nào giờ trở nên gầy guộc, nhỏ bé, mong manh. Anh muốn xiết thật chặt đôi bờ vai ấy nhưng anh sợ Hạ đau. Từ hôm đưa Hạ ở bệnh viện về, anh không ra khơi nữa mà ở nhà chăm sóc vợ, anh muốn kéo dài mãi những khoảnh khắc ở bên cô. Hạ ngước nhìn anh:
– Chị Liễu về quê hơn một tháng nay rồi đấy, anh biết chưa?
Anh khẽ xoay Hạ đối diện với mình, nhìn sâu vào đôi mắt đã có phần mệt mỏi của Hạ:
– Liễu về quê hay không thì có liên quan gì tới anh đâu.
Hạ mỉm cười :
– Có đấy, hôm qua, lúc anh và mẹ đi vắng, chị ấy đã sang thăm em, chị ấy rất ân hận với những gì đã xảy ra. Anh chị đã lạc nhau một thời gian quá lâu rồi. Em muốn mai này khi em đi xa, chị ấy sẽ trở về bên anh để lo cho các con của chúng ta. Anh cũng có tuổi rồi, nên giao thuyền cho anh em, hạn chế ra khơi để giữ gìn sức khỏe.
Anh ôm chặt lấy Hạ như sợ Hạ sẽ tuột khỏi vòng tay anh. Chưa bao giờ anh thấy mình bất lực và nhỏ bé như lúc này, nhỏ bé trước biển, nhỏ bé trước Hạ. Anh quỳ xuống bãi cát hét lên đầy đau đớn:
– A…a… a…
Tiếng hét của anh tan vào khoảng không xa thẳm của đại dương mênh mông.
(Lê Huyền)