Hồi sinh – Câu chuyện xúc động ý nghĩa sâu sắc

Cái tin ông Chiến trở về khiến làng xóm xôn xao bàn tán. Căn nhà ngói ven đê của mẹ con bà Thơm lúc nào cũng tấp nập người đến thăm. Họ đến chia vui với gia đình, nhưng có lẽ cũng vì tò mò. Người lính già mất trí nhớ cứ ngơ ngác trước những ánh nhìn dò xét. Họ ngắm ông thật kĩ để xem có nét gì tương đồng gần gũi với anh Thắng hay không. Những người già khơi lại câu chuyện của mấy chục năm về trước. Chiến tranh đã lùi xa nhưng bi kịch dường như vẫn âm ỉ đau trong trái tim của mẹ con bà.

Cuối năm 1972, Hà Nội tan hoang. Chỉ sau một đêm, cô nữ sinh Sư phạm Hoàng Thị Thơm bỗng hóa mồ côi. Cô tản cư về Hưng Yên và bén duyên với Chiến. Cưới nhau được nửa tháng, Chiến lại theo đơn vị Nam tiến. Những ngày chồng vợ ngắn ngủi chẳng đủ để tình yêu tạc nên hình hài.

Người thiếu phụ trẻ đẹp vò võ trong nỗi cô đơn, đợi chờ mỏi mòn. Nhiều lá thư gửi đi, có lá thất lạc, có lá quay về với Thơm, chất đầy thêm nỗi hoang hoải trong cô. Và chỉ chín tháng sau ngày cưới, khi chưa nhận được một lá thư hồi âm nào của chồng thì gia đình nhận được giấy báo tử của Chiến.

Cô thành đàn bà góa khi mới bước sang tuổi hai mươi tư. Nước mắt của cô như cạn khô sau Lễ truy điệu đơn giản với cái mộ gió nép mình tận cuối nghĩa trang..Bà mẹ chồng thương con trai mà hóa lẩn thẩn, nhớ nhớ quên quên. Lúc tỉnh thì bà khóc mủi giải, thương cô con dâu ngoan hiền đã mồ côi lại sớm chịu cảnh góa bụa giống bà. Rồi bà trách Thơm mơn mởn tươi tốt mà chẳng kịp lưu lại giọt máu của Chiến cho bà lấy làm an ủi.

Khi mê thì bà lại chửi Thơm là loại “cá rô đực” nên cô độc không con, là “đồ phù thủy” có tướng sát phu nên con bà mới chết trẻ như thế. Bà cứ nói ra rả cả ngày. Bà nói với người chồng đã hi sinh trong đợt tiến công cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà nói với đứa con trai độc nhất thông minh học giỏi của mình. Nó đỗ hẳn Đại học Tổng hợp mà noi gương bố lên đường nhập ngũ. Bà nói với chính cuộc đời góa bụa của mình và nỗi đau thăm thẳm của cô con dâu…

Thơm cứ sống như một cái bóng trong nỗi cực nhục. Cô chẳng nỡ bỏ lại bà mẹ chồng khi tỉnh khi mê ở lại đơn độc. Mà đúng ra là cô cũng không biết đi đâu. Cha mẹ mất cả. Họ hàng cũng tan tác mỗi người một nơi. Cô vùi đầu vào công việc mà chẳng thể nguôi ngoai nỗi mất mát đớn đau.

Một đêm trăng muộn, Thơm tỉnh giấc giữa khuya. Cô rón rén bước ra sân, quảy đôi thùng ra giếng nước đầu làng. Việc gánh nước đêm chẳng phải xa lạ gì với đám đàn bà con gái xóm đê nghèo. Nhưng với Thơm, mỗi gánh nước như trút hết nỗi khát khao, hừng hực cứ ám ảnh cô khi nghĩ về những ngày chồng vợ ngắn ngủi đã qua, cả nỗi đau mà cô đang phải chịu đựng.

Ánh trăng cuối tháng lờ nhờ lạnh lẽo. Hai thùng nước bên đầy bên vơi, sóng sánh, chòng chành. Cô như đi trong cơn mê sảng, mụ mị. Nhìn lên trời, thấy mấy vệt sao nhấp nháy, cô lại tưởng tượng ra cảnh máy bay B52 gầm rú trên bầu trời Hà Nội đêm nào. Và cái lúc cô tỉnh dậy trong bệnh viện, thất thần vùng chạy về khu tập thể đổ nát, gào thét man dại…

Trong nhà, bà mẹ chồng khe khẽ trở mình. Bà dậy thắp hương lên ban thờ. Nhìn khung ảnh nhỏ của Chiến đặt lệch sang một bên, bà lại hờ con trong cơn mê. Chiến ơi, về đi. Về đi học Đại học đi con. Cái giấy báo trúng tuyển ấy mẹ vẫn gói trong mấy lần bìa cứng Bãi Bằng đây. ..Bà mẹ chồng chợt lắng tai nghe. Trong tiếng gió lạt xạt nghe như có tiếng sụt sịt khóc, tiếng thì thầm, tiếng thở hổn hển. Tiếng thì thầm ấy nghe quen lắm.

Bà toan mở tấm cửa liếp để đi ra sân, nghĩ thế nào…bà lại quay vào, lên giường nằm mà tưởng tượng ra đủ tình huống? Hay là hồn ma thằng Chiến hiện về? Hay là con Thơm nó tằng tịu với ai? Có lần, bà Thoa ở xóm trên đánh tiếng xin Thơm cho cháu trai bị thương vừa về phục viên. Rồi ông Tài Khoán góa vợ ở xóm dưới, chưa có con trai, ướm hỏi Thơm làm vợ thứ ba. Bà cứ nằm im nghe ngóng. Rồi trong vô thức, bà lại hờ con, rỉ rả bao nhiêu chuyện lẫn lộn không đầu không cuối. Bà mẹ chồng trở dậy, khêu ngọn đèn dầu. Bà cố mở to đôi mắt kèm nhèm nhòm vào giường con dâu.

Bên trong màn,Thơm vẫn nằm đó. Mái tóc dài xõa đen gối. Đôi vai gầy nhỏ rung rung theo nhịp thở. Bà lần ra bể nước, khua cái gáo dừa thấy bể nước gần đầy. Bà thở dài quay vào nhà, ngồi bên bậu cửa.Trời tang tảng sáng, và câu chuyện bà nói trong tưởng tượng cứ như kéo dài vô tận.

Làng xóm bắt đầu xì xầm bàn tán khi thấy bụng cô giáo Thơm ngày một đội lên sau lớp áo phin trắng. Người cảm thông với hoàn cảnh của mẹ con cô thì tặc lưỡi ngậm ngùi: thôi thì kiếm đứa con, âu cũng là niềm an ủi cho cảnh mẹ góa con côi. Kẻ bạc miệng sỗ sàng nói cô là đồ lăng loàn trắc nết, vợ liệt sĩ mà lại hủ hóa. Ban giám hiệu của ngôi trường cấp Một nơi cô công tác thì họp lên họp xuống và đưa ra quyết định kỉ luật buộc cô thôi việc.

Búa rìu dư luận khiến Thơm như người mất hồn. Cả tháng trời cô bỏ việc ở hợp tác xã, cứ lang thang dọc bờ đê sông Hồng. Bà mẹ chồng tội nghiệp năm lần bảy lượt hớt hải đi tìm cô giữa đêm. Nhiều buổi sáng sớm, người ta thấy cô mệt lả bên cái giếng làng, đôi thùng nước chỏng chơ bên cạnh. Hai người đàn bà bất hạnh ấy dìu nhau thất thểu trở về ngôi nhà nhỏ ven đê trong những ánh mắt nửa cảm thông nửa khinh thường của những người xung quanh.

Cô Thơm trở dạ sinh con vào đúng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước rực rỡ cờ hoa. Bà cụ già bế thằng cu con vào lòng mà khóc rưng rức. Thằng bé có một mụn thịt trước vành tai phải. Cứ nhìn thằng bé, bà lại tưởng tượng ra khuôn mặt vuông vức sáng sủa của con trai mình. Thơm đặt tên con là Thắng. Giấy khai sinh của Thắng khuyết phần họ tên cha. Nhưng từ ngày có cu Thắng, bà cụ già trầm tính hẳn, nói lời nào là tỉnh táo rành rẽ như thường. Bà chăm thằng bé lắm, bởi nó là niềm vui tuổi già của bà.

Cô Thơm xin vào làm ở Xí nghiệp gạch ngói. Sự vất vả lam lũ và những định kiến hẹp hòi đã ăn mòn thanh xuân của cô. Không còn cái vóc dáng mảnh mai của một cô nữ sinh Hà Nội nữa. Những gánh gạch trĩu nặng khiến tấm lưng ong dần còng xuống. Chỉ có mái tóc dày vẫn phủ đầy lưng, che bớt đi khuôn mặt rám nắng và đôi mắt buồn rười rượi.

Cuộc sống của mấy mẹ con bà cháu cứ lặng lẽ trôi đi. Làng quê hồi sinh dần sau chiến tranh. Chẳng mấy ai nhắc lại chuyện cũ nữa… Thì một ngày cuối năm 1982, cô Thơm lại nhận được giấy báo tử lần thứ hai của chồng. “Liệt sĩ Lê Xuân Chiến hy sinh trong chiến dịch biên giới Tây Nam năm 1979.” Lần này, Lễ truy điệu được diễn ra trọng thể. Liệt sĩ Chiến được trở về với đất mẹ. Tấm quách phủ lá cờ Tổ quốc đỏ tươi.

Ngôi mộ gió nay đã là mộ thật. Và nỗi đau cũng hiện hữu rõ hơn trên tấm lưng còng rạp của bà mẹ già và đôi mắt buồn hằn vết chân chim của cô Thơm. Bà cụ già cầm tờ giấy khai sinh của cu Thắng ra Ủy ban xã xin điền tên con trai mình vào phần bị khuyết. Bà khóc với mấy đồng chí cán bộ rằng bà muốn cô Thơm đi lấy chồng. Bà không muốn đứa con dâu phải chịu cả đời mỏi mòn vì góa bụa như mình. Bây giờ đất nước hòa bình, cuộc sống khác xưa rồi, người ta phải được sống cuộc đời mới.

Bà chỉ cần cu Thắng ở lại với mình. Nó là cháu bà. Nó giống bố nó như thế. Các ông không thấy sao? Rồi nó nhất định sẽ học giỏi như bố nó. Nhưng tôi không muốn nó đi bộ đội nữa. Nó sẽ làm kĩ sư nông nghiệp, gắn bó với mảnh đất phù sa ven đê này, để sớm chiều có bà có cháu. Mấy người cán bộ xã nhìn bà cụ với ánh mắt ái ngại cảm thông.

Từ Ủy ban xã, bà cụ đi về phía nghĩa trang liệt sĩ. Cái dáng nhỏ thó của bà như một dấu chấm hỏi trên con đê chênh vênh ngút ngát. Bà lò dò bước đến ngôi mộ nép mình bên bức tường khô cạch. Bà run run lập cập mãi mới châm được ba nén nhang. Chìa tờ giấy khai sinh vừa xin được ra phía trước mộ, bà lại lầm rầm nói chuyện với đứa con trai duy nhất. Gió mùa đông bắc hun hút. Đám cỏ tranh bên mộ lơ phơ. Bà đưa tay ra bứt. Lá cỏ sắc lẹm. Máu rỉ ra từ bàn tay gầy guộc nứt nẻ, thấm cả vào tờ giấy khai sinh….

Đêm ấy, bà ra đi nhẹ nhàng như một làn gió, khuôn miệng móm mém như vẫn mỉm cười.

…….

Ông Tâm, người đồng chí từng một thời vào sinh ra tử với ông Chiến, đưa cho ông chiếc ba lô cũ sờn. Họ ôm nhau rất chặt. Khuôn mặt ngơ ngác và đôi mắt vô hồn của người lính già bỗng rưng rưng. Rồi ông Tâm quay lại phía bà Thơm, đặt vào bàn tay nhăn nheo chiếc kẹp tóc ba lá có khắc nguệch ngoạc hai chữ C-T. Giọng ông trầm và ấm:

– Đêm ấy, chúng em về qua Thanh Trì. Anh Chiến là cán bộ tình báo nên phải tuân thủ mọi quy định về đảm bảo bí mật. Em biết nhà anh chị cách đơn vị chỉ mười cây số, mà rạng sáng tất cả lại lên tàu vào Nam. Em thì thầm vào tai anh. Anh khẽ gắt lên: “Như vậy là đào ngũ rồi”. Em thuyết phục mãi, anh mới nghe. Hai anh em men theo đường tắt ra đê. Cuộc “đào ngũ” ấy chỉ có em và anh ấy biết. Lính trinh sát như bọn em “đi mây về gió” chị ạ. Em đứng ngoài cổng canh cho anh ấy vào gặp chị đúng ba mươi phút. Lúc lên tàu, anh ấy ôm em và khóc. Tàu đến ga Diêu Trì, em trở về đơn vị cũ, còn anh ấy tiếp tục đi, anh đã đưa cho em cái kẹp tóc này… Nước mắt bà Thơm giàn giụa.

Cái đêm trăng muộn ấy lại hiện về trong tâm trí bà như một cuốn phim quay chậm … Khi gánh được bốn gánh nước, Thơm vừa ngồi xuống bậc thềm thì một bóng đen cao lớn vạm vỡ trườn đến bên. Thơm toan hét lên thì nhanh như cắt, người đàn ông ấy bịt lấy miệng cô và thì thầm: “Thơm, anh đây, anh Chiến đây.” Mất mấy giây ngỡ ngàng, Thơm đổ gục vào bờ vai chồng. “Anh còn sống đấy ư? Tại sao…?” “ Nhiệm vụ của một chiến sĩ tình báo, em không biết được đâu.

Anh nhớ em đến phát điên. Anh đào ngũ về với em được nửa tiếng thôi. Bốn giờ, tàu chạy rồi..” Thơm lặng người. Những cái hôn gấp gáp, thổn thức. Nỗi nhớ nhung, khát khao như muốn nổ tung cả lồng ngực. Gió đầu đông se lạnh mà cả hai cứ hầm hập như lên cơn sốt…

“Mẹ thức dậy phải không? Để anh vào chào mẹ rồi đi.” “ Đừng anh, từ ngày nhận giấy báo tử của anh, mẹ lúc tỉnh lúc mê, cứ nói chuyện một mình như thế. Anh về bất chợt như thế này, em sợ …”

– “Anh hiểu rồi.” Ngoài cổng có ba tiếng huýt sáo khe khẽ. Hai người lại đổ ập vào nhau. Mái tóc Thơm xổ tung. Bàn tay của Chiến sục vào gáy vợ, những cái hôn ngấu nghiến, mằn mặn nước mắt. Siết chặt tay vợ, Chiến thì thào: “Nếu có con, em đặt tên con là Thắng nhé.” Chiếc kẹp tóc ba lá găm vào tay Thơm nhói rát. Bóng Chiến khuất nhanh sau bụi chuối ngoài ngõ. Thơm đi vào nhà như trong cơn mộng du với cảm giác hạnh phúc chớp nhoáng mà ngọt ngào miên mải

……..

Suốt bao năm nay, bà Thơm chôn vùi cái bí mật của đêm trăng ấy. Cuộc gặp gỡ vội vã đã kịp để tình yêu kết trái. Là sự an ủi hay là trêu ngươi của tạo hóa? Bà cắn răng chịu đựng mọi lời gièm pha với tiếng oan để đời về một cô giáo mắc tội hủ hóa, để người chiến sĩ tình báo ấy không mang tiếng là đào ngũ. Thắng lớn lên trong nỗi nhọc nhằn của mẹ. Cậu học giỏi và ước mơ làm công an.

Tờ giấy khai sinh dẫu có đầy đủ họ tên cha, nhưng cái lý lịch truyền miệng với sự hoài nghi của dân làng đã khiến cậu đành xếp ước mơ ấy của mình lại. Nhớ tâm nguyện của bà nội, Thắng đi học trường Nông nghiệp rồi về làm cán bộ xã. Hai mẹ con nương tựa nhau vượt qua những định kiến khắc nghiệt và sự ngặt nghèo bi đát của cảnh mẹ góa con côi. Được công nhận gia đình liệt sĩ, nhưng lòng bà Thơm vẫn canh cánh những niềm đau. Giờ đây, người đàn ông ấy đã trở về với bà.

Vẫn vầng trán vuông vức và sống mũi thẳng như sống dao, cái mụn thịt nhỏ quen thuộc trước vành tai phải. Chỉ có những câu nói ngô nghê và ánh mắt vô hồn xa lạ như của người khác. Ông Chiến cứ ôm khư khư cái ba lô cũ. Nghe nhắc đến tên mình, khuôn miệng khô khốc mới khẽ cười, cặp mắt ánh lên một chút ấm áp yêu thương…

– Lần thứ nhất chị nhận giấy báo tử của anh Chiến là dịp anh đi biệt phái. Khi đất nước thống nhất, những cán bộ tình báo như anh Chiến vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Anh ấy mất tích trong một trận chiến cam go với quân Pôn pốt giáp biên giới. Hơn ba năm sau, trong một chiều đưa quân đi làm nhiệm vụ, em đã tìm thấy chiếc ba lô cũ này của anh lăn lóc bên sườn núi, một bộ xương gần như nguyên vẹn dưới khe đá gần đó. Đơn vị một lần nữa phải gửi giấy báo tử về gia đình chị. Nhưng người nằm dưới ngôi mộ của anh ấy lại là một liệt sĩ vô danh. Còn anh Chiến bị thương nặng đến mất trí nhớ và lưu lạc trên đất Campuchia suốt từ đó đến giờ.

Bao năm qua, mấy lần về thăm gia đình, em định trả lại cho chị chiếc ba lô và cái kẹp tóc này. Nhưng không hiểu sao em vẫn linh cảm rằng anh Chiến còn sống. Và như là ý trời, em đã tìm được anh khi đến thăm khu điều dưỡng thương bệnh binh trên đất bạn. Anh ấy đã nhận ra em khi em đưa anh ấy xem chiếc kẹp tóc này… Mắt bà Thơm lại nhòa đi…Bi kịch của chiến tranh là nỗi éo le cực nhục mà bấy lâu bà phải chịu đựng. Chiếc kẹp tóc từng nhói rát lòng tay bà trong đêm trăng muộn ấy đã đánh thức phần kí ức bấy lâu bị vùi quên trong ông. Sự trở về của ông dẫu không nguyên vẹn nhưng chắc hẳn nỗi oan của mẹ con bà bao năm qua sẽ được hóa giải.
……..

Hai tuần sau, Sở Lao động Thương binh xã hội cùng các ban ngành đoàn thể trong xã đến thăm và tặng quà gia đình bà Thơm nhân dịp Quốc khánh. Ông Phó giám đốc trao tận tay người lính già tập hồ sơ thương bệnh binh vừa mới hoàn tất. Ông Chiến bắt tay từng người rất trịnh trọng nhưng chỉ lặp đi lặp lại câu nói: “Cảm ơn cậuTâm nhé.”… Từ mảnh đất lầy lội lau sậy um tùm, nơi có căn nhà nhỏ chứa chất nỗi cực nhục của người đàn bà bất hạnh năm nào, sự sống đã được hồi sinh qua bàn tay lao động cần mẫn và nghị lực phi thường của Thắng.

Anh dẫn Đoàn cán bộ ra thăm khu vườn rợp bóng cây. Phía xa kia là hồ cá rộng gần hai mẫu và dãy chuồng lợn dài tăm tắp. Đó là mồ hôi nước mắt và tâm huyết của anh suốt hơn chục năm qua. Đây cũng là mô hình V.A.C đầu tiên trong xã được xây dựng theo tiêu chuẩn chăn nuôi sạch của VietGAHP. Ai cũng trầm trồ tấm tắc trước cơ ngơi ấy của vị Chủ tịch Hội nông dân xã.

Nắng đầu thu mềm như lụa. Gió phấp phới reo vui cùng lá cờ đỏ sao vàng cắm cao trên trụ cổng đơm đầy hoa giấy ngũ sắc. Niềm vui cũng lan tỏa lấp lánh trong ánh mắt mọi người.

Hồi sinh
Tác giả: Tạ Thị Thanh Hải

Ảnh st minh họa cho bài đăng.

Bài viết khác

Thất bại là mẹ thành công : Một câu chuyện hay đầy ý nghĩa sâu sắc.

Người thanh niên nài nỉ mãi nên ông Tường đành dừng lại hỏi: – Thế anh muốn hỏi tôi điều gì? Người thanh niên đáp: – Thưa bác, cháu tên Cảnh, phải phụ trách tổ chức một diễn đàn dài một năm, vừa online vừa offline, với đề tài Bí quyết để thành công cho […]

Một bài thơ kỳ lạ, Tiếng Việt của chúng ta thật tuγệt vời thú vị

Tiếng Việt của chúng ta thật tuγệt vời ! Phải nói là bái ρhục bài thơ lạ kỳ nàγ. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học Đinh Trọng Hiếu ở Paris đăng trên “Khuôn Mặt Văn Nghệ”. Hình minh họa sưu tầm Không biết tác giả là […]

Tαo nên về họρ lớρ với mày không – Bài thơ ý nghĩα nhân văn sâu sắc

Thấy tɾên fαcebook nhiều bạn chiα sẻ bài thơ về họρ lớρ củα bạn Thu Hà, mình làm vài câu họα lại để thêm những suy nghĩ tích cực về những buổi họρ lớρ : TAO NÊN VỀ HỌP LỚP VỚI MÀY KHÔNG? *** Tαo nên về họρ lớρ với mày không? Dẫu quắt quαy […]