Muộn – Thế hệ kế tiếp đã không còn những ân oán
Tác giả : Hiền Hoàng
Chiều 29 Tết ông Linh ra mộ cha thắp hương, nhìn nén hương đang cháy dở ông Linh biết em gái ông đã ra thắp trước rồi. Năm nào cũng vậy cứ gần 30 tết ông mới nhớ ông còn có một đứa em gái nhờ những nén hương thắp sớm trên mộ cha. Nó tránh gặp ông nên đến trước.
Ông Linh vừa nhổ cỏ vừa thì thầm: “Cha ạ, con cũng sắp đi theo cha đến nơi rồi, con bệnh nặng không chữa được nữa, nhưng xuống dưới đó không biết con có gặp được cha không, nếu như được gặp cha con muốn được tạ lỗi với cha”. Một giọt nước mắt lăn xuống gò má xanh xao vàng vọt, ông lau vội rồi đứng lên thắp hương các mộ nhà hàng xóm.
Ông Linh có một người anh trai cùng mẹ hơn ông 3 tuổi và một cô em gái khác mẹ kém ông 11 tuổi. Khi ông lên 9 mẹ ông mất, hết giỗ đầu mẹ, bố ông cưới vợ mới rồi sinh em gái.
Phần nhớ mẹ, phần tủi phận mẹ mất sớm, bố có em bé mới ít quan tâm đến hai anh em nên ông đem lòng ghen ghét mẹ kế và em gái. Hai anh em ông Linh đã làm đủ các trò tai quái làm khổ bà mẹ kế. Lại nói đến mẹ kế, bà là một người đàn bà nhà quê, ít nói, mẫu người chịu đựng, bà sợ bố ông, sợ cái tiếng mẹ ghẻ con chồng nên luôn nhẫn nhịn với những trò tai quái nghịch ngợm của hai anh em ông. Quãng thời gian em gái lớn chừng 8, 9 tuổi ông Linh thỉnh thoảng lại lấy cớ tẩn cho em gái một trận, mà cô em gái sợ hai ông anh lộc ngộc như hùm như beo không dám hó hé với bố một tiếng.
Thời điểm này anh trai ông phải nhập ngũ chốt trên biên giới, lúc đó chiến tranh đang lúc ác liệt có khi cả đơn vị đều hy sinh hết, nhà ông chẳng nhận được lá thư nào của anh trai ông cả. Ông đem lòng bực tức với cha vì cha ông không chịu xin cho anh ông ở lại khỏi phải nhập ngũ, ông nghĩ cha vô trách nhiệm với anh trai ông. Tức tối cứ chồng chất qua ngày tháng.
Thế rồi cha ông Linh mất, anh trai ông trở về, hai anh em ông quyết định cho mẹ kế và em gái xuống gian trái nhà kho ở, tuyên bố chỉ cho ở đến năm em gái 18 tuổi là phải đi chỗ khác. Hai anh em ông lần lượt lấy vợ và chia nhau miếng đất của cha mẹ để lại xây nhà. Nhà kho cuối góc vườn được xây ngăn lại chừa một lối đi nhỏ ra cổng. Họ cũng quên bẵng luôn hai người phụ nữ ở trong cái gọi là ngôi nhà đó, nhưng họ lại không quên nhắc nhở em gái đến năm 18 tuổi là phải ra khỏi nhà.
Em gái chưa tròn 18 tuổi thì mẹ kế chết, họ hàng làng xóm chung tay đưa bà ra đồng và bàn bạc giờ để bát hương bà ở đâu? Để ở nhà kho thì thật tội nhưng để trên bàn thờ chung với mẹ của ông Linh thì hai anh em kiên quyết không cho. Nhà trên mọi người còn đang bàn bạc chưa ngã ngũ thì cô em với đôi mắt sưng húp vì khóc bước vào, một tay ôm bát hương của mẹ, một tay xách túi quần áo. Cô đặt túi xách xuống đất, chỉ tay vào mặt anh em ông Linh nói: “Các anh, là những đồ khốn nạn, mẹ tôi, tôi khắc lo không cần nhờ đến cái mặt các anh.
Tôi không thèm bất kỳ cái gì ở cái nhà này. Bao nhiêu năm nay các anh ức hiếp, chèn ép mẹ con tôi, đánh tôi, tôi cũng không nói, nhưng hôm nay các anh đã làm cho mẹ tôi chết cũng không yên. Các anh sẽ phải chịu hậu quả với những việc mình đã làm, hãy nhớ điều đó!”. Thế rồi với khuôn mặt xanh lét tay chân run lẩy bẩy em gái ông cầm túi xách bước ra khỏi nhà. Có lẽ cô phải lấy hết sức bình sinh và dũng cảm để mắng hai thằng anh vì mẹ.
Cho đến khi cô em gái ông Linh đã khuất cổng thì anh em ông Linh cùng với các ông chú bà bác không thốt lên lời nào. Không thể ngờ một đứa con gái yếu ớt, suốt ngày âm thầm không nói lời nào, một đứa chỉ biết chịu đòn lại dám chỉ mặt mắng anh em ông như vậy. Sau một hồi sững sờ các ông chú bà bác thấy việc đã được giải quyết và cũng chả còn lời nào để nói nên ra về hết.
Thời gian sau đó, khi biết chuyện, xóm làng chê trách anh em ông ăn ở bạc, dần xa lánh. Con cái bị bố mẹ cấm không chơi với con cái anh em ông.
Chuyện nhà ông Linh rồi cũng dần bị quên lãng, nhưng trong lòng ông lại dần dần có một nỗi buồn, nỗi day dứt khó nói thành lời. Ông nghĩ công bằng mà xét em ông, mẹ kế cũng không làm gì ông cả, lúc nào cũng chịu đựng, lúc lâm bệnh gần chết cũng không nhờ vả ai giúp đỡ. Em gái ông thật ra cũng cùng cảnh mất mẹ sớm như ông, vậy mà ông nỡ đuổi em ra khỏi nhà với cái bát hương của mẹ trên tay. Chưa đầy 18 tuổi đã phải ra khỏi nhà tự bươn chải.
Càng nghĩ ông càng thấy mình có lỗi, càng thấy mình không thể tha thứ được. Và không hiểu sao, càng ngày khi nghĩ về em gái, ông càng thương nó. Có những đêm phần vì bệnh tật đau đớn, phần vì nghĩ ngợi ông không ngủ được, nước mắt cứ chảy xuống khoé mắt.
Gió nghĩa trang thổi lành lạnh, khói hương nghi ngút, nhìn ánh mắt của cha, ông cảm thấy như cha ông đang trách móc ông. Ông biết cha thương cô con gái út lắm. Giờ ông Linh cũng đã hơn 60, mình mang trọng bệnh, thời gian của ông không còn nhiều nữa, ông đứng dậy gọi con trai đưa về nhà.
Vào một buổi chiều thứ 7 có một cậu trai chạc 24 tuổi hỏi thăm nhà cô Loan ở xóm ven biển. Họ chỉ cho cậu ngôi nhà nhỏ xinh có giàn hoa giấy đang nở bung hoa đỏ thắm ở cuối dãy. Qua cổng, đi hết lối đi nhỏ trồng đầy hoa violet và thược dược hai bên, cậu bước vào ngôi nhà sơn màu trắng hồng.
Khung cảnh tịch mịch, mát mẻ làm cho cậu cảm thấy nhẹ nhõm hẳn so với cái không khí oi nồng ngoài kia. Nam nhìn người phụ nữ trước mặt, khuôn mặt nhỏ nhắn, nước da không còn trắng trẻo như thời con gái nhưng mịn màng, tóc dài búi gọn sau gáy, đặc biệt đôi mắt sáng và hàng lông mày cong đậm giống bố anh quá.
“Cháu hỏi cô phải không?”, Người phụ nữ đang nhặt rau vội ngẩng lên khi có người gọi. Khi nhìn thấy cậu, người phụ nữ chợt sững lại.
– Cô có phải là cô Trần Khánh Loan không? Cô ngồi đi đã.
Cậu trai kịp nhận ra nét sững sờ trên khuôn mặt cô liền đưa tay đỡ cô ngồi xuống ghế. Rồi cậu tiếp: “cháu thật là đường đột làm cho cô ngạc nhiên quá phải không? Cháu là Nam cháu của ông nội Lâm đây ạ, cháu là cháu của cô”. Cô Loan không nói lời nào chỉ trân trân nhìn khuôn mặt cậu, nó giống ông nội quá, từ đôi mắt, cái miệng, cái mũi dọc dừa và dáng đi. Rồi cô nghẹn ngào nói: “Cô nhận ra cháu rồi”. “cháu cũng nhận ra cô ngay, cô rất giống ông nội đấy ạ” – cậu trai nói. Nam không dám nói mình là con của bố, mà chỉ dám nói cháu của ông nội, cậu không biết thái độ của cô Loan thế nào khi gặp cậu, nhưng khi ngắm nhìn người phụ nữ này Nam tin rằng cô sẽ tiếp nhận cậu.
Sau khi hỏi han và nói chuyện đôi điều về cô, các em, uống xong cốc nước cô đưa, rút từ trong túi ra 1 phong thư, Nam đưa vào tay cô Loan: ” đây là thư bố cháu gửi cô, cô có muốn đọc nó không?”. Cô Loan gật đầu rồi giở ra đọc.
“Cô Loan,
Khi cô đọc được lá thư này thì anh đã đi xa rồi. Anh không có mặt mũi nào gặp cô ngay cả lúc anh biết anh sắp chết. Thôi thì anh đành gửi gắm lại nhờ thằng Nam con anh đến gặp để tạ lỗi với cô. Có hai điều anh mong cô cho phép. Một là cho thằng Nam thắp nén hương lạy mẹ hai thay anh một lạy. Hai là anh đã sang tên miếng đất của anh mà cha đã để lại cho cô, xin cô chấp nhận mà nhận lấy, như thế anh mới được thanh thản. Một lời cuối cùng tuy muộn màng nhưng anh xin được xin lỗi cô vì tất cả những điều anh đã làm với cô và mẹ. Mong cô ở lại giữ sức khỏe.
Anh.”
Nam nhìn cô Loan vừa đọc thư vừa chùi nước mắt, có lẽ điều cuối cùng bố anh làm phần nào giải tỏa nỗi uất ức và khổ sở mà bao năm qua cô phải chịu.
Cô Loan gấp phong thư rồi bảo Nam: “cháu vào thắp hương cho bà đi” rồi dẫn Nam vào phòng trong thắp hương. Cô để phong thư vào đĩa trên bàn thờ rồi châm hương cho Nam. Xong xuôi, cô Loan bảo: “cháu ở lại với cô một hôm nhé, chiều nay các em con của cô từ Nha Trang vào, cô muốn anh em cháu gặp nhau, năm nào cô cũng ra Bắc thắp hương cho ông bà trước tết, năm nay cô sẽ ra sớm một chút”
“Dạ, nhất định cháu ở lại chứ cô, cô ra Bắc lúc nào nhắn cháu, cháu sẽ ra đón cô” – Nam cười nói.
Và thế là Nam ở lại với cô một hôm, anh em họ, cô cháu đã gặp nhau. Tuy mọi người chưa hết những ngượng ngùng vì mới nhận nhau nhưng họ đã tìm được tình cảm ấm áp của tình ruột thịt mà không gì có thể đánh đổi được. Về phần cô Loan, cô không nhận phần đất anh trai để lại cho cô mà giao lại cho Nam để làm nơi hương khói ông bà.
Cô năng ra Bắc hơn kể từ đó. Thế hệ kế tiếp đã không còn những ân oán.,…
Bài và ảnh sưu tầm