Người dưng – Câu chuyện nhân văn sâu sắc một gia đình tuyệt vời

Mẹ chồng bỏ điện thoại xuống, hí hửng bảo với con dâu cả rằng thằng út sắp về, có cả cô người yêu về cùng. Nó nói chuyến này đưa về giới thiệu rồi đi làm giấy kết hôn luôn. Thanh niên bây giờ lạ thật, mẹ còn chưa biết mặt mũi ra sao mà nó đã nói như quyết.

Dâu cả bảo chú út học hành tử tế, cũng kỹ tính nữa, chọn ai là chú ấy tìm hiểu cẩn thận rồi đấy, mẹ đừng lo.

Mẹ chồng như được con dâu ủng hộ, nói thêm, đúng đấy, nó quả quyết cô này mà còn chê thì nhất định không lấy vợ. Này, nghe bảo xinh lắm, vùng quê mình không ai đẹp như thế.

Dâu cả chợt thấy tủi thân. Biết đâu mẹ nói vậy là có ý chê đứa dâu này đen đủi xấu hoắc, không cho mẹ được nở mày nở mặt với người ta. Nghĩ là nghĩ vu vơ chứ dâu cả không giận mẹ. Mẹ chồng con dâu ở đâu khúc mắc không biết, riêng nhà này hơn chục năm chị sống với mẹ không để điều tiếng xấu cho thiên hạ cười.

Mấy hôm sau, lúc cả nhà đang ăn cơm thì cậu út dẫn cô người yêu về bất ngờ. Ngạc nhiên chưa – thằng cháu nội thấy bà há hốc mồm như quảng cáo bột giặt trên tivi, thốt lên. Bà mẹ chồng luống cuống vụng về chửi tổ cha bây, rồi hấp tấp giục con dâu lấy thêm bát, sai thằng cháu kéo ghế để cô với chú cùng ăn cơm luôn.

Chị dâu cả xuống bếp lục siểng lựa hai cái chén đẹp, trong lúc mắt xoay ngược lên nhìn cô gái. Đúng là ngạc nhiên chưa. Quá đẹp chứ không phải đẹp. Chú út, em chồng chị, cũng khôi ngô sáng sủa học hành bài bản, kém cạnh chi ai mà không lấy được gái đẹp. Trai tài gái sắc xứng quá đi chứ. Biết thế, nhưng cô gái trắng trẻo, vóc dáng mắt mày không chê vào đâu được này chị chưa từng gặp.

Hoa hậu đẹp cũng cỡ đó thôi, chị nghĩ, cô này về thì cả làng sắp đồn ầm lên đây. Chị cũng được nở mặt vì có cô em dâu xinh xắn. Hay là chị sẽ khó xử khi bị thiên hạ đặt lên bàn cân so sánh. Dễ thấy khập khiễng quá, chị so chi được. Ý nghĩ chán nản này khiến chị cầm chén cảm giác nằng nặng.

Sau bữa ăn, mình chị bưng bê dọn dẹp. Thực tình cô gái cũng có ý muốn giúp chị một tay nhưng bị mẹ chồng ngăn lại. Chị bảo em cứ ngồi chơi cho mẹ hỏi chuyện, chị làm một mình quen rồi. Đúng là chị làm một mình quen thật, hơn chục năm nay một mình tay chị lo hết việc lớn bé.

Nhưng giờ ngồi rửa chén, trong lúc bên trên đang nói cười vui vẻ trò chuyện rổn rảng, chị mủi lòng. Hai thằng cu con chị cũng quấn lấy cô chú tranh nhau kể chuyện. Mấy bữa trước thằng lớn luôn xuống phụ mẹ đặt chén lên siểng, giờ chúng nó cũng khéo bỏ rơi chị.

Trong lúc cô em dâu tương lai tắm rửa thì mẹ với chị lúi húi quét phòng, nêm giường. Chẳng ai xúi, chị tự chạy ù ra chợ mua một chiếc chiếu với hai cái bọc gối mới. Trên đường về chị lục lọi trí nhớ coi mình đã từng được chào đón chu đáo kiểu như này chưa. Chưa. Nhất quyết là chưa. Hồi chị về làm vợ anh đồ đạc tự sắm sửa lấy. Chiếc chiếu cói, cái mền, cái gối phòng ngủ tân hôn do anh đèo chị lên thị xã mua về trải.

Chồng chị là con đầu, mẹ thì không đi xe được, các em còn nhỏ. Chị biết rồi mai mình sẽ cực vì cái nhà này đây, nhưng chị chẳng sợ. Biết chấp nhận nhiều khi cũng là niềm hạnh phúc của phụ nữ. Mà thôi, nghĩ chi cho đau đầu, dù sao cô ấy cũng từ thành phố về, quen với sạch sẽ chu tất, bừa bộn lộn xộn khéo làm người ta buồn lòng. Cô mà buồn thì mẹ cũng buồn, chị tất chẳng vui vẻ gì. Thêm nữa, chị là dâu cả, “dâu cả là mạ bầy em” cơ mà, tiếc chi chút quan tâm.

Buổi chiều bà mẹ dẫn cô gái đi quanh thăm chòm xóm. Bà đi rất rảo hoạt, mặt mày mừng mừng cười cười, coi là biết bộ dạng muốn khoe. Gặp ai bà cũng chỉ trỏ, con dâu tương lai tui đây, vợ sắp cưới của thằng út đấy. Thằng út đã từng được lên truyền hình vì học giỏi, cả làng lấy ra làm gương dạy con. Mẹ chồng rất tự hào về thằng út, giờ có thêm cô dâu đẹp rạng ngời mẹ càng hãnh diện.

Ôi mẹ chồng ơi. Cậu út chưa mở lời thưa chuyện cưới xin mà mẹ đã oang oang lên cô này là con dâu. Ai nói già không ham đẹp. Ai nói bà mẹ quê không muốn con trai lấy vợ quá sắc sảo. Trật lất. Đây mẹ chồng cũng thuộc dạng kỹ lưỡng khó tính mà xuội ngay vì đẹp.

Hồi chị mới về ra mắt, mẹ săm soi đủ thứ, nửa năm trời chị qua lại ăn hết mấy chục nồi cơm cho mẹ xem cái tính nết mới được chấp thuận. Thời buổi bây chừ khác trước, nhưng quê kiểng tập tục vẫn còn. Đẹp là được thông cảm, đẹp thì được ngoại lệ sao. Có lẽ mẹ tin cậu con út quá. Có lần mẹ nói thằng út sách vở nó còn thuộc làu làu, huống chi mấy đứa con gái.

Dâu cả lồng hai cái bọc gối xong, hỏi mẹ đặt ở đâu, chẳng biết cô chú ấy có… ngủ chung không. Mẹ quát ngay, bậy. Quát xong thì chần chừ, ờ, chẳng biết ý thằng út thế nào, thôi cứ để tạm đó, lát nó tự liệu. May, cô gái ôm một cái gối xuống ngủ với mẹ chồng tương lai. Dâu cả khen thầm trong bụng, cô này cũng biết ý tứ.

Cậu út thưa với mẹ sáng nay chúng con xuống xã làm cái đăng ký kết hôn, phần giấy tờ trong thành phố con đã chuẩn bị sẵn. Mẹ đồng ý ngay tắp tự, bảo đi nhanh mà về, ở nhà làm con gà mâm cơm cúng cáo tổ tiên, lạy bố mày về chứng giám. Thế là cô dâu tương lai thành cô dâu chính thức, là dâu út trong nhà. Nghe dâu cả dâu út tưởng đông đúc, hóa ra chỉ hai đứa dâu đó chứ mấy. Giữa trai đầu với trai út có thêm hai cô đã đi lấy chồng xa.

Miếng trầu nên vợ nên chồng, thì đây, chị dâu cả đã chuẩn bị cho một ngọn trầu quệt vôi. Nhưng rồi chị thấy áy náy quá, kéo cậu út ra ngoài thỏ thẻ. Em định không làm tiệc cưới thật đấy à. Như thế thì tội nghiệp quá. Làng này ai nghèo khó đến đâu cũng sắm được dăm mâm mời bà con thân thích đến cho biết mặt đứa dâu đứa rể. Hay là để chị làm chục mâm mời bà con chú bác, rồi còn bạn bè em nữa. Kêu thêm máy nhạc trống đờn về hát cho vui. Chị lo được mà.

Cậu út cười xòa. Chị ơi, chị đừng suy nghĩ nhiều, bây giờ đời sống văn hóa mới rồi, giản đơn là đúng chủ trương chứ không ai chê trách. Bày vẽ ra phiền người ta, mệt mình, khổ thêm chị nữa.

Chị dâu cả miễn cưỡng. Ấy là chị cứ áy náy, thôi tùy em.

Mấy bữa ăn sau chị vẫn đứng bếp nấu nướng rồi rửa chén bát. Mẹ chồng bảo con là dâu đầu chị cả, lo làm đi, chứ nó con gái thành phố về quê không quen nếp sống của mình. Chị có nề hà chi việc bếp núc mà mẹ nói cứ như chị so bì. Lâu nay chị vẫn làm đấy thôi. Cúng giỗ năm bảy mâm một tay chị sắp đặt ngon ơ, huống chi giờ nhà chỉ thêm hai miệng ăn.

Cô dâu út xuống phụ chị dâu nhặt rau. Dâu cả bảo em để đó chị làm cho, rau này trồng ở bùn lầy nhiều mủ, nhặt là đen tay đấy. Dâu cả nói khi nhìn đôi bàn tay cô em trắng trẻo, ngón nào ngón nấy mềm mại như bút lông. Thích bàn tay em dâu mà nói, chứ chẳng phải chị ghen tị gì đâu. Chị dâu cả quê mùa không diễn tả được ý này.

Dâu út ngồi không cũng buồn tay, đợi chị nhặt rau xong thì bê cái rổ định đi rửa. Đã bảo là để đấy chị làm mà, dâu cả giằng lại cái rổ. Rau văng rớt lung tung trên mặt đất.

Mẹ chồng đi xuống thấy, tỏ vẻ không hài lòng. Từ nay hai đứa là chị em rồi đấy. Chị em bây không ở chung nhà với nhau lâu, nên có được ngày nào gần nhau phải quý mến nhau. Em nó ở xa về không biết cái gì thì chị cả bày vẽ. Hở ra chuyện xấu làng xóm biết là không hay đâu.

Dâu cả nóng ran mặt xấu hổ, cứ như mẹ nói xỉa vào mình.

Vườn nhà rộng trồng đủ thứ rau, em út về chơi nhưng chị dâu cả không thể bỏ mặc quá hai ngày chăm sóc vườn. Dâu út xí xớn chạy ra bảo cho em làm cùng với, thích thật. Thích quá đi chứ, lâu lâu về một lần mà, có dầm mưa dãi nắng chục năm như chị đây mới biết khổ em ơi.

Mẹ chồng luống cuống chạy ra kéo ngay cô dâu út vào nhà. Vào nhanh đi con, nắng miền Trung với cái thứ gió Lào này dữ dằn lắm, nó ăn da đen nhẻm ngay. Đấy, coi chị dâu con thì biết.

Lần này dâu cả buồn thiệt lòng. Cầm cái rổ quay mặt đi tưởng chừng hóa tượng vì sợ người khác thương hại mình. Trời đất ơi, dâu cả đây hồi hai chục tuổi cũng đẹp nức tiếng trong làng, da dẻ không trắng mặt mày không sắc sảo nhưng trai tráng lắm kẻ theo đuổi. Chẳng qua là vì tần tảo chịu khó làm ăn. Mà làm cho cái nhà này chứ đi đâu.

Chị về làm dâu, chăm lo mẹ chồng với ba đứa em. Gả chồng cho hai cô em gái, chính tay chị sắp đặt mâm tiệc, chị còn chắt bóp sắm được khâu vàng làm của hồi môn. Hết hai cô em đến cậu út, chị lo tiền học tiền sách vở. Cậu út vào đại học, chị hằng tháng chu cấp. Chú út giỏi giang, có việc ổn định, lấy được vợ đẹp như bây chừ là nhờ chị phần lớn. Chị đâu có kể công. Rồi còn hai lần chị sinh nở hai thằng cháu trai cho bà mừng nữa chứ.

Gái một con trông mòn con mắt, nói cho hay chữ, còn ở vùng quê này gái hai con là nhan sắc xuống cấp trầm trọng. Đấy, đổi cho được những điều tốt lành ở gia đình này, chị đã chịu rám nắng, ốm nheo. Thế mà giờ mẹ chồng đem chị ra để so sánh. Chị quệt mồ hôi ở mắt, lại nghĩ chắc mẹ chỉ nói tình cờ, không có ý xấu đâu.

Xong giấy tờ thủ tục kết hôn, hôm sau vợ chồng chú út lại đùm gói lên đường vào Sài Gòn. Không thể nán lại thêm nữa, công việc ở trong đó bề bộn, nghỉ phép được dăm hôm là nhiều lắm rồi.

Ba ngày chị em dâu gặp nhau chưa tâm sự được chuyện gì thì đã phải xa nhau. Dâu út nói chị ơi chắc chắn tết này vợ chồng em sẽ về quê ăn tết. Hàng xóm ghé tai dâu cả bảo nó hứa cho vui miệng đấy chứ chắc gì, chị em dâu như nước lã thôi mà. Sao câu này chị nghe lạnh lẽo bạc bẽo quá.

******

Tết, vợ chồng chú út về thật.

Cuối năm, ngày đẹp trời, dâu cả đem mấy thứ đồ cũ ra giặt phơi. Cả năm làm lụng chỉ nghĩ đến miếng ăn cái mặc trước mắt, đâu mấy ai rảnh ra để nghĩ cho quá khứ kỷ niệm. Chị lục rương gỗ lấy bộ áo dài, chiếc khăn thêu, cái quai nón vải nhung đem giặt phơi. Đây là những thứ đồ hồi chị mới cưới về, dùng được một năm thì xếp cất. Vải lụa vàng xưa giờ bay phất phơ trong nắng. Cái khăn có đôi chim vẫn tươi màu chỉ thêu. Quai nón nhung còn óng ánh, chưa bị bạc mòn.

Hai chị em dâu đứng giữa vườn tâm tình. Dâu cả kể hồi đó chị thon thả lắm, đầy đặn, mặc áo dài này nổi bật trong đám cưới. Giờ thì ngực xẹp, thân ốm, hai bả vai lồi lên hai chỏm xương thấy ớn. Chiếc khăn thêu với cái quai nhung buộc nón này hồi xưa mỗi lần đi nắng là chị đem ra dùng để bảo vệ làn da. Bây giờ, có dùng giấm mà chà xát da chị cũng vẫn đen vẫn dày.

Dâu út nghe chị kể thấy thương, động viên một câu rằng bây giờ chị vẫn còn đẹp mà. Dâu cả cười, em đừng an ủi chị. Mà, chị kể cho vui thôi, em đừng để bụng, đừng nghĩ chị tị hiềm với em. Có điều, phụ nữ chúng mình mau già, em phải giữ gìn cẩn thận.

Dâu út cười hì, bây giờ nhiều cách làm đẹp lắm. Trước hết là áo quần, người đẹp vì lụa mà chị. Tết này chị lấy cái váy màu xanh của em mà mặc, đảm bảo đẹp. Hôm qua thấy chị thích, nếu chị không ngại thì coi như em tặng. Em mới mua, chỉ ướm thử chứ chưa mặc lần nào.

Nhưng mấy ngày tết dâu cả không mặc váy xanh. Dâu út cũng không mặc cái đó, nói tặng rồi, chị không mặc cũng để lại, biết đâu chỉ vì chị ngại ngùng. Hết tết, vợ chồng chú út lại vào Sài Gòn, chị dâu cả mới dám đem váy xanh ra mặc thử. Cũng vừa vặn duyên dáng không kém, cứ như gái còn xuân sắc. Dâu cả quay bên này bên kia, xoay trước uốn sau, ngắm từ đầu xuống chân. Bất giác nghĩ cái này chỉ mặc để tự ngắm mình trong gương thôi, chẳng dám đi đâu.

. *****

Mẹ chồng ốm nặng, coi chừng khó qua khỏi. Vợ chồng chú út về quê, cũng chỉ để chuẩn bị tinh thần cho sự việc xấu. Vẫn một mình chị dâu cả chăm mẹ, từ việc bón cháo, lau rửa thay áo quần cho đến vệ sinh.

Đám tang mẹ chồng, dâu cả dâu út đều mặc áo chế bít khăn trắng đứng hầu bên cỗ quan. Dâu cả chỉ thỉnh thoảng hầu cỗ quan, còn phải sắp đặt chuyện bếp núc. Mẹ ơi ngần ấy năm con sống hết tình trọn nghĩa, thế mà còn chút cuối cùng này con không được tận tâm đứng bên mẹ.

Dâu út cũng tranh thủ đem cau trầu nước nôi mời khách. Người đẹp mặc gì cũng đẹp, kể cả đồ tang chế. Dâu út nổi bật giữa cái đám buồn thiu. Cố ra vẻ buồn thì chỉ tổ làm cho khuôn mặt càng hiền từ thánh thiện mà thôi. Người đến viếng chăm chú ngó nghiêng cô gái từ thành phố về. Chị dâu cả không được ai ngó mặt, chỉ có mấy người chốc chốc hỏi cần mua chi, nấu chi để cúng.

Xong việc đám, dâu cả lại dọn dẹp nhà cửa. Vào phòng mẹ chồng, chị lật gối thấy một bọc vải. Tay sờ nắn, chị biết ngay cái túi đựng vàng của mẹ. Được bao nhiêu chị không cần mở cũng biết. Khi mẹ chồng còn sống, thỉnh thoảng hai người con gái gửi về cho, rồi tiền mẹ dành dụm từ làm vườn… mẹ đều bảo chị đi sắm vàng.

Dâu cả mở túi ra xem, trong có một mảnh giấy. “Mẹ được chừng này vàng để cho chị dâu cả. Con ơi, con về nhà này làm dâu cực khổ lắm rồi. Mẹ biết con ưa mặc váy nhưng xấu hổ vì mấy cái sẹo ở chân. Sẹo đó là do con đã làm lụng để cho gia đình này, cho các em được nên người. Mẹ cho con số vàng này để đi làm đẹp”. Dâu cả đọc xong nước mắt giàn giụa. Rồi chị vò giấy đem xuống bếp cời than đốt.

Ngày vợ chồng chú út chuẩn bị hành lý vào lại Sài Gòn, chị dâu cả đưa túi vải ra cho dâu út. Mẹ có để lại một số vàng cho hai chị em mình, đây là phần của em.

Dâu út kiên quyết không nhận. Chị đừng nói dối em. Em biết mà. Chính mẹ đã đọc cho em chép tờ giấy đó.

Sự đã thế này, dâu cả lại bảo thôi thì chị nói như này, chị ở đây khó khăn mấy cũng có được hạt lúa ngọn rau ăn qua ngày. Xấu thì chị cũng xấu rồi, làm đẹp chẳng được gì đâu. Em đẹp người, với lại ở thành phố đi làm phải ăn mặc đẹp mới có cơ hội, thôi coi như chị cho em để sắm sửa thêm áo quần.

Anh cả quay qua em dâu út. Chị đã nói vậy thì em cứ nhận đi. Em đừng ngại, vài bữa hai thằng cu của anh chị vào trong đó học đại học, trăm sự nhờ em đấy.

Cậu út xúi tay vợ, thôi thì xin chị đi. Lên xe, dâu út nói chị ơi, nhất định em sẽ đưa chị vào Sài Gòn xóa mấy cái vết sẹo ở chân.

Dâu cả quay mặt giấu nước mắt. Chợt nhớ cái tờ giấy trong túi vàng, nét chữ quá đẹp, mẹ không thể viết được như thế. Mẹ kỹ tính, chẳng tin được người ngoài. Chỉ có là em dâu út viết.

Ôi, chị với em dâu, và cả mẹ chồng nữa, kể ra cũng chỉ là người dưng thôi chứ có máu mủ gì đâu. Mà sao…

🍁🍁🍁
Hoàng Công Danh

Bài viết khác

Tình yêu của mẹ – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Bà vừa bưng chén cơm lên, gắp một miếng thịt gà bỏ vào chén. Con dâu liền trường người tới lấy tay đè đôi đũa của mẹ chồng, rồi ngọt ngào nói – Ấy. . . Ấy mẹ già rồi không có làm gì nặng nhọc, đừng nên ăn những thứ này khó tiêu lắm. […]

Tình yêu đến muộn – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Nàng không yêu chàng. Bởi vì xuất thân bần hàn, bởi vì cần trả nợ, mà nàng lấy chàng. Khi ấy, nàng đã đem mình đi bán được ba vạn đồng (tương đương 60 triệu VNĐ ): một vạn trả tiền chữa bệпh cho cha, một vạn đồng nuôi em trai ăn học, còn một […]

Có những người bình thường, vô danh tiểu tốt, nhưng có những kiệt tác không hạ giá nổi, đó là ‘Tấm lòng’.

Thời buổi nàγ còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở, quần áo, đồ điện Ϯử v.v… hạ giá ! Tôi cầm mảnh bằng Đại học, cạγ cục mãi chưa tìm ra việc làm, cũng nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Leon Tolstoγ, Tagore, Dostoevskγ… đến Khái Hưng, […]