Nghỉ hưu sớm chăm mẹ già – Câu chuyện nhân văn

NGHỈ HƯU SỚM ĐỂ CHĂM MẸ GIÀ

Khi biết anh có ý định nghỉ hưu trước tuổi, vợ con anh phản đối. Với vị trí hiện tại, chỉ sang năm thôi anh sẽ được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Yên ổn ở đó cho đến tuổi về hưu chính thức là điều nhiều người mơ ước. Nhưng anh vẫn nhất quyết nghỉ, bởi nỗi trăn trở bấy lâu trong lòng cứ nặng trĩu dần lên.

Một buổi chiều, anh trở về nhà sau một chuyến đi công tác, thấy mẹ ngồi tha thẩn ở hiên nhà trong bóng chiều chập choạng. Mẹ nhìn anh bằng ánh mắt lơ đễnh: “Chú hỏi ai, nhà đi vắng hết rồi”.

Chỉ mới 10 ngày xa mẹ mà bà đã quên đứa con trai út, lúc ấy anh đã trào nước mắt.

Cách đây hơn một năm, sau nhiều tranh cãi với vợ, anh quyết định đưa mẹ lên sống cùng ở thành phố để tiện chăm sóc. Vợ anh bàn lui vì ở quê còn có bác cả, vợ chồng con cái anh ai cũng bận đi làm thì chăm mẹ kiểu gì! Mẹ anh tự ăn uống và đi lại được, nhưng bà mắc bệnh sa sút trí tuệ nên ngày càng lẫn.

Trong số 5 đứa con, mẹ chỉ nhớ mình anh, gọi đúng tên và mong muốn được sống cùng. Lần nào về quê, mẹ cũng nói như van xin: “Con đưa mẹ theo với, đừng để mẹ ở đây, họ không cho mẹ ăn uống, mẹ đói lắm”. Anh biết mẹ bị bệnh mới nói thế, chứ vợ chồng anh trai vẫn chăm sóc mẹ chu đáo, dù vậy lòng anh vẫn canh cánh.

Bác sĩ dặn, đối với bệnh tình của mẹ, thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ, cần nhất là sự chăm sóc của người thân mới hạn chế sự tiến triển nặng. Anh thừa sức mua thuốc đắt tiền, đồ ăn bổ dưỡng cho mẹ nhưng cái mẹ cần anh lại không làm được. Vậy là anh đưa mẹ lên thành phố sống cùng, dành tối đa thời gian có thể cho mẹ.

Càng ở bên mẹ, anh càng thương mẹ nhiều hơn. Mẹ quên bữa sáng vừa ăn gì, tối đã tắm chưa, nhưng lại nhớ rất rõ những ngày thơ bé của anh. Mẹ kể chuyện lúc anh mới mọc răng anh sốt mấy ngày, lần tập đi xe đạp đầu tiên anh suýt tông vào con trâu giữa đường làng, anh chậm nói làm mẹ lo lắng ra sao, từ nhỏ anh chỉ thích ăn cá… Tối nào anh và mẹ cũng nói chuyện đến tận khuya, mẹ vui lắm.

Có những lần anh phải xin nghỉ họp, hoãn chuyến đi công tác chỉ vì mẹ muốn anh ở nhà. Vợ anh không vui, chị muốn thuê người chăm sóc mẹ chồng để anh chuyên tâm cho công việc. Nhưng anh không đồng ý, anh muốn tự mình chăm sóc cho mẹ. Tuy nhiên anh không thể làm tốt 2 việc cùng một lúc nên ý định nghỉ hưu sớm bắt đầu nhen nhóm.

Khi thông báo với vợ con, anh đã suy nghĩ đắn đo cẩn thận: 2 con đã trưởng thành, có việc làm ổn định, kinh tế của gia đình anh ở mức khá giả đảm bảo cuộc sống. Coi như nghĩa vụ với vợ con anh đã hoàn thành, giờ là lúc anh báo hiếu mẹ. Thời gian của mẹ bên anh không còn nhiều nữa, anh không muốn sau này mẹ ra đi lại mang theo nỗi buồn trong lòng vì không được con kề cạnh.

Khi nghỉ hưu rồi anh sẽ có thời gian chăm sóc mẹ chu đáo hơn, thực hiện những mong muốn của bà. Vợ anh biết không thay đổi được ý định của chồng mới đề xuất phương án chị sẽ xin nghỉ chăm mẹ để chồng tiếp tục công tác. Anh liền phân tích, chuyện ăn uống tắm rửa của mẹ hoàn toàn có thể thuê người giúp việc, nhưng người trò chuyện cùng bà thì không ai thay thế anh.

Ngày chia tay anh em trong cơ quan, nhiều người thấy tiếc cho anh. Có người anh vừa nghỉ hưu nửa năm gọi điện cảnh báo: “Chú suy nghĩ cho cẩn thận chứ về hưu sớm quanh quẩn ở nhà buồn lắm”, anh chỉ mỉm cười vì trong lòng đã có dự định riêng.

Tháng đầu tiên sau nghỉ hưu, anh mua đất và thùng xốp về để cùng mẹ trồng rau. Mẹ thích ăn cơm cháy nồi gang, anh lùng sục khắp các chợ nội thành để mua bếp củi và nồi gang. Mẹ con hì hục nấu trên sân thượng, ăn cùng kho quẹt. Bữa cơm đó mẹ kể chuyện ngày xưa con đông, mẹ thường ăn phần cháy để dành cơm ngon cho con no bụng, mùi vị găm chặt trong kí ức làm anh thấy bồi hồi.

Mẹ muốn về thăm quê nhưng nhất định phải đi xe máy để dễ thở. 2 mẹ con xuất phát từ sáng sớm khi trời còn mờ sương, đi về trên con đường làng thơm ngào ngạt mùi lúa trổ đồng, anh thấy cực kỳ dễ chịu. Anh nhớ những buổi sáng sớm lúc còn nhỏ, mẹ chở anh trên chiếc xe đạp cọc cạch băng qua ruộng lúa để đến trường.

Anh vừa chạy xe vừa hỏi mẹ có mệt không, cũng giống ngày xưa mẹ đạp xe thỉnh thoảng ngoái lại xem anh ngồi có chắc chắn chưa, nhắc anh đừng bỏ chân vào vành xe.

2 tháng sau khi anh về hưu, sức khỏe mẹ tiến triển rất tốt, bà ăn ngủ điều độ hơn. Hàng ngày anh đưa mẹ ra công viên tập dưỡng sinh cùng các cụ rồi cùng đi chợ mua đồ ăn sáng. Một tuần 3 lần anh đưa mẹ đến câu lạc bộ của những người bị sa sút trí tuệ để thực hành bài tập hỗ trợ trí nhớ. Nhìn mẹ vui vẻ từng ngày, anh biết mình đã quyết định đúng khi xin nghỉ hưu sớm.

✍ Bảo An (Báo Phụ nữ)
Ảnh minh họa: internet

Bài viết khác

Qua tuổi 40, có 4 mất mát dễ đẩγ con người xuống đáγ vực, học cách thản nhiên đối diện mới là khôn ngoan

Ai trong đời cũng sẽ có lúc mất cái nàγ, cái kia. Nhưng sau tuổi 40, khi đã bước sang tuổi trung niên, có những mất mát thực sự khiến con người ta suγ sụρ.   Từ nhỏ đến lớn, chúng ta sẽ luôn ρhải đối diện với những mất mát khác nhau. Lúc nhỏ […]

Đời người vô thường – Câu chuyện đờn giản nhưng đầy ý nghĩα nhân văn sâu sắc

Mấy bữα nαy lão lạ lắm, lúc nào lão cũng khoác cái áo khoác đen. Trời Sài Gòn lúc này пóпg hầm hậρ, vì sắρ vào mùα mưα, cộng với hiệu ứng bê tông đô thị. Nhìn lên trời muốn hoα cả mắt mà người tα quen gọi là trời đổ hào quαng, vậy mà […]

‘Nội ơi!’ – Câu chuyện ý nghĩα nhân văn sâu sắc là bài học cho những người làm con

– Ối giời ơi, đã bảo bà đừng ɾα ρhòng khách nữα cơ mà, khổ tôi không cơ chứ ! Oαnh vừα lαu sofα vừα lα ầm ĩ. Bà Năng lủi thủi vào ρhòng, lặng lẽ lấy chiếc áo cũ ɾα lαu chỗ mình vừα ngồi. – Thôi, bà không ρhải lαu, để đấy đi, […]