Mẹ Cũng Cần Hạnh Phúc – Câu chuyện nhân văn sâu sắc

Mẹ Cũng Cần Hạnh Phúc

(Truyện ngắn – tác giả: Lê Thị Xuyên)

​- Bà Tím ơi! Giọng ông Đua chậm rãi gọi ngoài sân.

​- Tôi đây! Nãy giờ tôi bận cột cái giàn đậu đũa ở ngoài vườn.​

– Cái chân của bà đang đau, đi lại nhiều sẽ lại đau thêm đấy! Đây. Có mấy củ khoai luộc, con gái lớn của tôi nó đem tới. Ngon lắm. Bà ăn đi!

​- Con cái nó cho, ông để lại mà ăn. Cái gì cũng đem sang cho. Tôi thấy ngại lắm!

​- Sao bà lại nói thế… Bà cầm lấy đi. Để tôi giúp bà làm cho xong cái giàn đậu. Ông Đua đặt vội vào tay bà Tím mấy củ khoai bọc trong miếng lá chuối xanh. Rồi ông rảo bước ra đằng sau vườn, nơi bà Tím đang loay hoay làm dở. Khuôn mặt bà Tím có vẻ bối rối. Bà nhìn vội quanh nhà rồi lại nhìn ra ngõ xem có ai để ý gì không. Bà sợ người làng có ai trông thấy lại dị nghị điều ra tiếng vào. Rồi lại lỡ con cái ở trên phố về thấy, lại nói bà thế này thế khác. Ở cái tuổi ngoài 60, đã đề huề con cháu nhưng lại sống một mình, bà Tím vẫn mang trong mình nhiều nỗi suy tư, trăn trở khó nói thành lời.

​- Mẹ ơi, mẹ!

​- Bà ngoại ơi, cháu về rồi! Giọng chị Vân, con gái bà Tím và con bé Vy, cháu gái của bà rổn rảng từ đầu ngõ. Trong khi con bé Vy chạy khắp trong nhà ngoài vườn tìm bà ngoại thì chị Vân đi vào nhà cất bao nhiêu là đồ đạc lỉnh kỉnh.

​- Cháu chào ngoại. Cháu chào ông ạ! Cái Vy lễ phép chào bà ngoại và không quên chào ông Đua. Chị Vân cũng bước ra vườn. Cô miễn cưỡng chào lấy lệ rồi im lặng đi vào nhà. Ông Đua nhận ra thái độ của con gái bà Tím không mấy thiện cảm với mình. Ông cũng nhận ra sự không vui hiện trên khuôn mặt đang tươi cười của bà Tím. Con bé Vy thì nhanh nhảu:

​- Bà ơi, mẹ cháu mua về cho bà bao nhiêu là quà trên phố. Con bé rất thương bà. Nó cũng rất thích ông Đua. Biết bà ở dưới quê một mình sẽ buồn lắm. Thế nên, nó lon ton lại gần, nắm lấy vạt áo ông Đua, giọng vui vẻ:

​- Ông ơi, ông thường xuyên sang chơi với ngoại của con cho ngoại đỡ buồn nghe ông! Chị Vân nghe con gái nói vậy liền gằn giọng:

​- Vy, con không được nói thế! Đi vào nhà nhanh! Biết ý con gái bà Tím, ông Đua gượng cười chào ra về làm bà Tím cũng thấy khó xử. Vừa vào nhà, bà Tím đã nghe chị Vân buông lời trách móc:

​- Mẹ, con nói với mẹ bao nhiêu lần rồi. Sao mẹ cứ để bác Đua bác ấy sang nhà mình làm gì! Bà Tím mặt buồn xo:

​- Mẹ biết rồi. Chả là mẹ làm cái giàn đậu, bác ấy sang giúp mẹ một chút thôi.

​- Anh em con năn nỉ mẹ lên phố ở thì mẹ không lên. Bây giờ đâu khó khổ như ngày xưa nữa đâu mà mẹ cứ phải bắt tội mình làm lụng. Rau cỏ, trái cây ngoài chợ đầy, mấy bước chân là có thể mua về cả gánh. Mẹ có tuổi rồi, cứ thích đụng chân đụng tay làm gì cho mệt…

​- Mẹ…! Bà Tím mắt rơm rớm. Bà hiểu con gái cũng vì muốn tốt cho bà, nhưng con cái làm sao hiểu hết được suy nghĩ của một người mẹ đã dành cả đời sống cho chồng, cho con. Chị Vân biết mình đã nói hơi nặng lời khiến mẹ buồn. Chị bước lại ngồi bên bà Tím, nắm lấy đôi bàn tay thô ráp, chai sần của bà rồi lảng sang mấy chuyện vui. Chị hồ hởi lấy từ trong túi ra nào thuốc thang, nào bánh trái, nói là mua về cho mẹ tẩm bổ. Gì chứ, mua những thức quà cho mẹ, dù đắt một chút, chị Vân cũng không tiếc tiền.

​Bà Tím hồi trẻ có tiếng đẹp người lại đẹp nết nhất làng Thiên Hòa. Trai làng tối tối lại đến ngồi chật cả hai chiếc ghế băng dài giữa nhà. Người nào cũng mong lấy được Tím về làm vợ. Người ta thủ thỉ với nhau:

– Cái Tím là giáo viên. Làng mình hiếm có ai được như thế.

Gia đình ông giáo Tòng (bố của Tím) lại có tiếng nề nếp gia phong. Khắp làng trên xóm dưới, nhà nào có con trai đến tuổi trưởng thành cũng mong được kết thông gia với nhà ông giáo Tòng. Nhưng tình yêu của con trẻ, nào ai dễ dàng sắp đặt được. Lỡ sau này không được yên ấm, nó lại quay lại trách móc tại cha mẹ sắp đặt, ép gả nên giờ con mới khổ! Ông giáo Tòng từng nói với vợ như thế. Vợ chồng ông dù nề nếp gia phong nhưng lại thoáng chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái. Con yêu ai, lấy ai, không cứ phải học cao, lắm tiền hay này nọ, miễn sao con nhà lành, biết chăm chỉ làm ăn, biết yêu thương, vun vén cho hạnh phúc gia đình là được. Và cũng bởi thế, Tím chẳng ngần ngại khi chọn anh Khang, người làm nghề mổ heo. Tím thấy anh thật thà, hiền lành, chất phác nên thương. Đám cưới được tổ chức. Người chúc phúc nhiều; người xì xầm, lo lắng cũng không ít. Nhưng hạnh phúc là của mình chứ của ai. Thiên hạ chín người mười ý. Tím chặc lưỡi mặc kệ.

Vợ chồng Tím sống rất thuận hòa. Hạnh phúc hơn khi họ có hai đứa con, một trai một gái, cách nhau 3 tuổi, khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Người ta ngưỡng mộ gia đình cô giáo Tím. Ai cũng nghĩ chắc như đinh đóng cột rằng cái tổ ấm nhỏ bé ấy sẽ bình yên cả đời. Có ai ngờ, chồng Tím đột ngột bỏ mẹ con Tím ra đi chóng vánh như vó ngựa qua đường. Người ta kể với nhau, hôm chồng Tím bị tai nạn là hôm anh đi đám cưới người họ hàng ở xã bên. Hôm ấy, thấy mọi người chúc tụng dữ quá, anh lại cũng ham vui chén tạc chén thù. Thế rồi trên đường về chẳng may gặp tai nạn, không thể qua khỏi. Chị Tím cùng hai đứa con thơ khóc cạn nước mắt. Vợ chồng ông giáo Tòng thì lặng người đau đớn. Còn người làng thì thì thầm, tin vào mệnh trời hồng nhan bạc phận. 30 tuổi, chị Tím đã phải một mình vừa dạy học vừa nuôi con. Mãn tang chồng, có nhiều đám đến xin gá nghĩa nhưng nghĩ đến con cái, chị chẳng buồn đoái hoài đến.

​Hơn 30 năm, bà Tím tảo tần chăm con, lo cho con học hành, đỗ đạt, có công việc rồi thì gia đình vẹn toàn. Hết chăm con lại đến chăm cháu cho đến khi chúng đủ tuổi đến trường, bà Tím vẫn không một lời oán than hay trách móc. Con cái nài níu bà lên thành phố sống để chúng tiện đường chăm sóc, phụng dưỡng, bà từ chối vì không thể bỏ hương hỏa gia tiên. Bà sống một mình, ngày ngày bầu bạn với giàn bầu, bụi mướp, luống rau. Nữa thì mấy con gà, nuôi lấy thức ăn, đãi con cháu mỗi khi chúng về quê chơi. Bạn của bà có đám trẻ trong xóm, thi thoảng vẫn đến nhà bà chơi, nghe bà kể chuyện cổ tích. Rồi thì có ông Đua, cách nhà bà chỉ 5, 6 cái cổng ngõ.

​Ông Đua cũng góa vợ khi hai đứa con gái của ông mới lên 9, lên 10 tuổi. Một thân ông cũng gà trống nuôi con. Ông làm đủ nghề kiếm sống, miễn là lương thiện, miễn là có tiền. Hai cô con gái của ông học hết cấp ba, xin đi làm, rồi cũng đã lấy chồng, yên bề gia thất. Đứa có chồng ở làng bên, đứa theo chồng vào Nam sinh sống. Mãi lo cho con, ngoảnh lại, tóc trên đầu ông cũng đã ngả màu muối tiêu. Ở cái tuổi ngoài lục tuần, ông Đua lại một mình thui thủi. Con cháu thấy ông buồn, chúng tâm lý, bảo ông nên kiếm một người bạn già về chung sống, không gì cũng có người cơm nước, chuyện trò. Mỗi lần như thế, ông lại chặc lưỡi mắng yêu chúng, kỳ thực trong lòng cũng băn khoăn lắm.

Ông Đua với bà Tím chẳng xa lạ gì. Họ quen nhau từ bé, lại cùng xóm, cùng làng. Hai người cũng hiểu rõ hoàn cảnh của nhau. Một bên thân cò cô quạnh, một bên gà trống nuôi con. Từ ngày tham gia sinh hoạt chung trong hội người cao tuổi của làng, ông Đua càng thêm quý bà Tím. Người ta nói năng đến thì năng thân. Nhiều lần, ông Đua sang nhà bà Tím, khi thì cho củ khoai, cái bánh; khi giúp bà nhổ cỏ, trồng rau,… Hai ông bà hợp tính nhau lắm, hễ cứ gặp là chuyện nói cả ngày không hết. Mỗi khi ở bên cạnh nhau, họ đều cảm thấy rất vui. Có lần, ông Đua mạnh dạn đưa ra lời đề nghị:

– Hay là tôi với bà về ở chung một nhà cho vui, bà nhỉ?

– Tôi… sao có thể làm như thế được. Còn con, còn cháu, chúng nó sẽ nói cho. Trong lòng bà Tím nghĩ thế nào, ông Đua đã biết thừa. Ông biết bà cũng quý ông chẳng khác gì ông quý bà. Ông thì chẳng sao. Chỉ ngại con cái bà Tím, nhất là cái Vân, nó cứ nhất định phản đối.

– Anh, em không thích bác Đua lúc nào cũng sang chơi nhà mình. Bác ấy một thân, mẹ thì một mình… lỡ…

Hiểu ý em gái đang định nói gì, anh Tình, con trai đầu của bà Tím mỉm cười, thành thật:

– Em này, thế thì càng tốt chứ sao! Mẹ được vui, được san sẻ tuổi già, mẹ càng sống lâu, anh em mình sẽ càng có thời gian rảnh rang nhiều hơn.

– Anh nói thế là sao?

– Em à… Ai mà chẳng mong được hạnh phúc. Huống hồ cả đời mẹ đã chẳng nghĩ đến bản thân mà lo lắng cho gia đình. Giờ mẹ đã già, còn gì quý hơn khi có thêm người bầu bạn.

Rồi Tình gợi lại những năm tháng vất vả của bà Tím, về tình yêu thương, lòng bao dung mà bà đã dành cho anh em Tình suốt bao năm. Tình lại nói với Vân:

– Lẽ ra, anh em mình nên động viên mẹ đi bước nữa từ lâu rồi mới phải. Cũng vì nghĩ cho các con các cháu, sợ người làng dị nghị nên mẹ cứ mãi ở vậy. Kỳ thực, những lần thấy mẹ ngồi buồn, thui thủi một mình, anh thấy thương mẹ lắm!

– Em… vậy mà… bấy lâu nay, em vô tâm và ích kỷ quá. Em cứ nghĩ mua về bao nhiêu thứ là có thể khiến mẹ vui.

– Vẫn chưa muộn mà! Em thấy thế nào nếu anh em mình…

– Em hiểu rồi.

Tuần trước, Vân lại về thăm mẹ. Gặp ông Đua ở đầu xóm, Vân niềm nở:

– Cháu chào bác Đua! Bác ơi, trưa nay, cháu mời bác sang dùng cơm với mẹ con cháu nhé!

– Bác… Ông Đua giọng ngập ngừng, xét nét.

Vân mỉm cười:

– Bấy lâu nay cháu… cháu đã không phải với bác, mong bác bỏ quá cho. Anh em cháu đều ở trên phố cả. Mình mẹ cháu ở đây cũng cần có người bầu bạn. Mong bác thường xuyên sang trò chuyện cho mẹ cháu đỡ buồn…

Ông Đua nghe mấy câu con gái bà Tím nói, lòng bỗng nhiên cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng khác lạ.

Hôm nay, con cháu của ông Đua, bà Tím tụ họp làm mấy mâm cơm đạm bạc mừng hai ông bà về chung một nhà. Cái Vy cứ mải ngắm bà ngoại nó rồi khen lấy khen để:

– Hôm nay, bà ngoại đẹp lắm ạ!

– Vì nay là ngày vui của bà mà! Chị Vân xoa đầu con gái rồi lặng thầm nhìn mẹ với ánh mắt bao dung, rưng rưng hạnh phúc.

Bài viết khác

Ai là người giữ tiền trong gia đình – Ngẫm đời

AI LÀ NGƯỜI GIỮ TIỀN TRONG GIA ĐÌNH? Mọi người nghĩ sao về việc “ Kết hôn vợ là người giữ tiền”. Tôi và người yêu dự định tháng 11 sẽ kết hôn, hai gia đình cũng gặp nhau nói chuyện của 2 đứa. Tôi đi làm được 8 năm nay, thu nhập mỗi tháng […]

Sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc – Câu chuyện đầy tính nhân văn và giáo dục

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn Quốc quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và […]

Phận làm con, không để bố mẹ lo lắng đó chính là sự hiếu thảo – Chuyện thú vị nhân văn

Thế nào mới thực sự là người con có hiếu? Ai cũng nghĩ rằng, người con có hiếu phải học hành đạt điểm cao, thăng tiến trong công việc, là bạn áo gấm về làng, cho bố mẹ cuộc sống tốt nhất về vật chất.Thật ra thì những điều này đều không đúng.Sau khi có […]