Bí ẩn “nhà thờ Đức Bà” (Vương cung thánh đường): Kiệt tác kiến trúc 138 năm tuổi giữa Sài Gòn _ Xưa

Bí ẩn "nhà thờ Đức Bà" (Vương cung thánh đường): Kiệt tác kiến trúc 138 năm tuổi giữa Sài Gòn _ Xưa

Nhà thờ này có tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và thường được biết đến với cái tên ngắn gọn hơn là nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn. Địa điểm này nằm ở ngay trung tâm quận 1, thuộc số 1, Công Xã Paris, Phường Bến Nghé. Đây là nhà thờ thứ hai được Pháp xây dựng bên bờ kinh Charner từ những ngày đầu đóng chiếm tại Sài Gòn.

Trong đó, ngôi nhà thờ đầu tiên nằm ở đường số 5 (nay là Ngô Đức Kế, thuộc Quận 1) và trước đó vốn là một ngôi chùa của người Việt. Sau khi người Việt bỏ chạy khỏi đây, cố đạo Lefebvre đã biến ngôi chùa này thành một nhà thờ Công giáo.

Tuy nhiên, do nhà thờ này quá nhỏ nên Pháp đã xây dựng thêm nhà thờ thứ hai, chính là nhà thờ Đức Bà ngày nay.Nhiều người ngỡ ngàng và cảm phục khi ngắm ngôi thánh đường nhà thờ Đức Bà với kiến trúc đặc biệt ấn tượng do các vị mục tử và các nghệ nhân ngày xưa đã đem hết tâm huyết xây dựng.

Nhà thờ Đức Bà nhìn chính diện từ trên cao và quảng trường Pigneau de Béhaine vào năm 1955

Nhà thờ Đức Bà nhìn chính diện từ trên cao và quảng trường Công xã Paris vào năm 2005

Nhà thờ Đức Bà phía sau lưng, nhìn từ trên cao vào năm 1955

Nhà thờ Đức Bà phía sau lưng, nhìn từ trên cao vào năm 2005

Tiền thân của nhà thờ Đức Bà:

Nhà thờ Đức Bà nay là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn – TP.HCM. Trước đó, trong giai đoạn đầu của giáo phận Tây Đàng Trong (nay là Tổng giáo phận Sài Gòn – TP.HCM) từng có một ngôi nhà thờ đầu tiên, gọi là nhà thờ Sài Gòn ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế, Q.1) và tiếp đó là nhà thờ Sài Gòn (thứ 2) bằng gỗ được xây dựng bên bờ Kênh Lớn. Kênh Lớn trước đây còn gọi là Kênh Chợ Vải hay

Kênh Charner, nằm ngay giữa đường Nguyễn Huệ, bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước Dinh Xã Tây, nay là trụ sở HĐND, UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, Q.1). Ngày 11.4.1861, theo quyết định của đô đốc Léonard Victor Joseph Charner, Kênh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner.

Hai bên bờ kênh là hai con đường chạy song song: đường Rigault de Genouilly (phía thương xá Tax) và đường Charner (phía khách sạn Palace). Năm 1887, kênh Charner được san lấp. Hai đường phía hai bên dòng kênh được sáp nhập thành đại lộ Charner. Năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ, và ngày nay là quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ

Lễ khánh thành nhà thờ Sài Gòn – nhà thờ chính tòa của của giáo phận Tây Đàng Trong được chính quyền Pháp xây dựng bên dòng Kênh Lớn vào năm 1863

Hành trình dựng xây kiệt tác kiến trúc cổ điển:

Để chuẩn bị cho một ngôi nhà thờ kiên cố, bền vững theo dòng thời gian, xứng tầm là nhà thờ trung tâm của vùng đất phương Nam – Sài Gòn đang phát triển mạnh mẽ, tháng 8.1876, Thống đốc Nam Kỳ Guy Victor Auguste Duperré đã tổ chức thi tuyển thiết kế nhà thờ mới – nhà thờ Sài Gòn thứ 3 (nhà thờ Đức Bà hiện nay).

Vượt qua nhiều đồ án tham gia cuộc thi, đồ án của kiến trúc sư J.Bourad (ảnh) đã được chọn. Bản thiết kế của ông rất độc đáo, đã phối hợp hài hòa hai trường phái kiến trúc cổ điển lừng danh Roman và Gotich

Thống đốc Nam Kỳ Guy Victor Auguste Duperré (ảnh) cũng cho tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thi công nhà thờ mới. Cuối cùng, kiến trúc sư J.Bourad trúng thầu công trình xây dựng đặc biệt này

Sau khi bản vẽ chính thức được tuyển chọn, vấn đề vị trí của ngôi nhà thờ mới cũng từng bước được đặt ra và lựa chọn. Trước hết, vị trí Trường Thi cũ, nằm ở góc đường Lê Duẩn – Hai Bà Trưng, hiện nay là Tòa lãnh sự Pháp.

Nơi thứ 2 là vị trí nhà thờ cũ ở bên dòng Kênh Lớn (nay là quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ). Nhưng cuối cùng, vị trí hiện tại được chọn và nhà thờ Đức Bà hiện diện sống động giữa trung tâm Sài Gòn – TP.HCM suốt 138 năm qua

Ngày 7.10.1877, Đức cha Isidore Colombert, tên Việt là Đức cha Mỹ, giám mục đại diện tổng tòa giáo phận Tây Đàng Trong lúc bấy giờ, đã cử hành nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Sài Gòn (nay là nhà thờ Đức Bà).

Công trình được thi công khá nhanh, khoảng hai năm rưỡi, vào đúng vào dịp lễ Phục sinh, ngày 11.4.1880, thánh lễ làm phép và khánh thành nhà thờ Sài Gòn cũng do chính Đức cha Isidore Colombert cử hành trọng thể với sự tham dự của Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Villes.

Các vật tư chính để xây dựng nhà thờ như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều được mang từ Pháp sang. Thời kỳ đầu, nhà thờ có tên gọi là nhà thờ Nước, bởi vì tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp thời ấy cung cấp với số tiền 2,5 triệu francs Pháp theo thời giá lúc bấy giờ

Phần cao nhất của nhà thờ là hai tháp chuông. Khi mới hoàn thành công trình vào năm 1880, hai tháp chuông cao khoảng 37m. Năm 1895, theo thiết kế bổ túc của kiến trúc sư Fernand Gardes, hai tháp thép dạng chóp nhọn được lắp dựng thêm bên trên tháp chuông, làm cho tháp chuông nhà thờ vươn cao trên bầu trời với chiều cao mỗi tháp khoảng 60m. Để đỡ bộ chuông nặng gần 30 tấn với 6 quả chuông, tường nhà thờ được xây rất dày, khoảng 1,4m

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *