Người chị của tôi – Câu chuyện nhẹ nhàng mà ấm áp đong đầy tình người
-Mẹ ơi! Mẹ dậy chưa đấy?
Sáng nào cũng vậy. Cứ sáu giờ sáng nhiều người lại thấy chị đạp xe vào nhà bố mẹ chồng, tay xách theo một nồi cháo.
Nghe tiếng con dâu gọi, mẹ chồng chị trả lời vọng ra :
-Ừ dậy rồi!
Bước vào giường của mẹ chồng, chị thấy bà đang ngồi đó. Chắc mẹ chị cũng vừa mới dậy thôi. Chị tìm cái lược chải đầu cho mẹ. Quét vội cho bà cái nhà xong lại vội vàng ra về.
Quay ra, chị nhìn thấy bố chồng đang lúi húi cho một dúm lá và hoa đu đủ đực vào cái tích. Ông không quên lát thêm vào đó một củ sả để hãm nước uống cho bà. Vừa bước chân ra, chị vừa dặn bố chồng:
-Bố ơi! Con mang cháo vào rồi! Một lát nữa bố múc cho mẹ ăn hộ con bố nhé! Vì mẹ chưa uống thuốc, con phải về nấu đồ ăn cho nhà con còn đi làm bố ạ!
-Ừ! Con cứ về đi, để đấy bố!
Mẹ chồng chị bị ung thư là một cú sốc cho gia đình người thân và hàng xóm. Chẳng ai ngờ được, một người to cao như mẹ chồng chị lại bị bệnh trong khi mới ngoài sáu mươi tuổi.
Mấy tháng đầu, mọi việc từ giặt giũ cho đến cơm nước hoàn toàn do một tay bố chồng chị làm. Vợ chồng chị vốn ở riêng nên cứ tối đến mới vào thăm mẹ. Một tối, ngồi đằng sau xoa lưng cho mẹ. Chị ghé mặt về đằng trước nhìn bà rồi thủ thỉ:
-Lâu nay mẹ có đi đồng được không ạ?
-Không! Mấy hôm rồi chẳng đi được! Sáng nay còn phải thò tay vào móc ngươi ạ!
-Thế mai con nấu chè cho mẹ ăn xem có dễ đi hơn không, mẹ nhé!
-Ừ! Nhưng đừng cho đường.
-Mẹ ơi! Con bảo mẹ này! Mẹ không cần phải kiêng kỹ thế đâu! Con nghe nói, cơ thể con người nếu thiếu đường cũng không được đâu mẹ ạ!
-Ừ! Thế cho ít thôi nhé!
-Vầng!
Vậy là hôm sau, chị nấu chè mang vào cho mẹ. Nhận bát chè từ tay con dâu bà cũng cố ăn cốt sao cho nhàn cái việc tiêu hoá. Ngồi nhìn mẹ chị lại tỉ tê hỏi chuyện:
-Trưa nay mẹ ăn cơm với gì đấy ạ?
-Cơm với cá kho và su hào luộc, mà sao bố ngươi luộc nó mặn lắm ngươi ạ!
-Mẹ nói sao ý chứ! Hay tại miệng mẹ lâu nay thế nào chứ sao su hào luộc lại mặn được!
Mẹ chị ngồi im không nói gì.
Thấy bố chồng cũng bận nên thi thoảng chị lại nấu cháo mang vào cho ông đỡ vất vả. Vừa bưng bát cháo con dâu đưa cho, bà vừa nói:
-Sao cháo ngươi nấu ngon thế chẳng như cháo bố ngươi nấu, ăn chán lắm cơ!
-Hí hí mẹ! Cháo bố nấu bằng bếp ga thì không ngon là phải. Cháo con nấu bằng nồi điện nó mới rền mẹ ạ! Mẹ thông cảm cho bố đi!
Thứ nhất bố là đàn ông thì bao giờ cũng vụng về! Thứ hai là bố đi công tác bao năm toàn một tay mẹ làm hết nên giờ bố chưa làm quen. Với lại có bố chúng con cũng đỡ được nhiều lắm chứ! Nếu không có bố thì chúng con còn vất vả hơn mẹ ạ! Thôi thì từ mai con sẽ lo đỡ bố bữa sáng mẹ nhé!
Chị đang nói với bà thì ông đi vào. Vì chưa nghe rõ hai mẹ con nói gì nên ông hỏi:
-Cái gì thế con?
-Dạ! Con vừa bảo với mẹ từ mai con sẽ bữa sáng cho mẹ để bố đỡ vất vả bố nhé!
Bố chồng nhìn chị rồi mau mải khước từ:
-Này con ơi! Bố bảo này, giờ bố vẫn còn làm được thì cứ để bố làm. Khi nào quá ra thì bố bảo anh em, vợ chồng các con. Kiểu gì rồi cũng có ngày phải đến tay các con đấy thôi. Giờ đứa nào cũng còn phải nuôi con nên cứ tranh thủ mà làm đi con ạ!
-Dạ thôi bố ơi! Một mình bố nhiều việc quá. Bố kiệt sức ốm ra đấy thì anh em chúng con lại vất vả thêm. Vì vậy con muốn đỡ bố, bố ạ! Thôi bố con mình cứ quyết định như vậy bố nhé!
Từ đó, ngày nào cũng vậy, sáng một mình chị mang cháo. Bữa trưa và bữa tối thì bố chồng chị lo. Hai vợ chồng chị cứ ăn tối xong mới đưa nhau vào thăm mẹ. Nhiều lần chị nghe bố chồng than phiền về cái sự khó tính của mẹ chồng. Những lúc như thế chị lại nói với ông bằng những câu xoa dịu:
-Dạ thôi bố ơi! Bố cũng nên thông cảm cho mẹ! Mẹ là người bệnh nên lúc nào cũng cảm thấy khó chịu vì vậy tính tình có khác bố ạ!
Thấy chị nói đúng nên ông không nói gì.
Chị là vậy đó. Chị luôn biết nói lời hài hoà cho vừa lòng mọi người. Chị vốn là một người nay ốm mai đau nên chị rất hiểu điều đó. Không chỉ với những người trong gia đình mà đối với người ngoài chị cũng không bao giờ nói lời bỗ bã.
Chẳng vậy mà những người “đi sau” biết chị là người đã từng tiếp xúc với cảnh viện nên hay đến hỏi. Gặp chị, nghe trấn an tư tưởng, họ thường ra về với tâm trạng bớt lo. Chị luôn động viên họ xem nhẹ bệnh đi một chút bởi chị biết tư tưởng cực kỳ quan trọng đối với sức khoẻ của con người.
Đó là một phần rất nhỏ trong cuộc sống của chị. Rốt cuộc chị là người luôn cho đi mà ít khi được nhận lại. Thương chị.
Sưu tầm.