Hạnh phúc – Câu chuyện cảm động đầy sâu sắc, hạnh phúc là điều chân quý nhất

Thằng bé nhà tôi là một đứa bé có thể trạng yếu ớt từ nhỏ. Nó có tính cách hướng nội, không thích giao tiếp với người ngoài. Có lẽ một phần là do hoàn cảnh lúc nhỏ tạo ra.

Ngày nó còn bé, tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Mọi việc chăm sóc cho con lúc ban ngày là do một tay bà ngoại. Nhà chẳng có ai ngoài bà và cháu. Nó đứng ngồi trong cũi cả ngày cho bà nấu cơm. Nó không bao giờ quấy khóc hay đòi theo mẹ. Nó chỉ khảnh ăn.

Bố mẹ chia tay khi nó 3 tuổi. Tôi luôn thấy cần bù đắp cho nó vì tuổi thơ thiếu vắng một gia đình trọn vẹn, chứ chưa dám nghĩ đến điều to tát hơn là làm cho nó “hạnh phúc”.

 

 

Mỗi năm, chỉ chờ khi nó được nghỉ hè, tôi lại đăng ký cho nó học các lớp học ngoại khoá để nó có thể thay đổi không khí, giao tiếp với mọi người nhiều hơn, tự tin hơn và cũng để thử xem nó thích gì và có khả năng gì. Năm thì học bơi, học vẽ, học võ. Năm thì học đàn, học dance…

Nhưng học bơi thì nó kêu khó thở. Học võ thì nó sợ người ta đá gãy tay. Học dance thì nó giống như 1 cành cây biết đi….

Năm cuối cấp 1, tôi cho nó học Toán Soroban (môn toán tính nhanh) ở nhà văn hoá thiếu nhi. Mặc dù môn toán ở trường nó học không hề xuất sắc, nhưng môn Soroban thì nó học khá nhanh.

Cô giáo dạy Soroban thường động viên khích lệ và khen ngợi mỗi khi nó có chút cố gắng. Cuối khoá học ở Level 3, nó và vài bạn cùng lớp được chọn đi thi quốc gia. Thực ra đó chỉ là một cuộc thi của chuỗi trung tâm đó tổ chức, nhưng cả hai mẹ con đều rất hồi hộp.

Cuộc thi tổ chức ở Hà nội, hai mẹ con đi nhờ xe của một gia đình bạn cùng lớp. Sau một đêm nghỉ lại và được các cô giáo động viên căn dặn, sáng sớm hôm sau cả đoàn đến địa điểm tập trung để thi.

Hôm đó thằng bé bị tái phát bệnh viêm mũi dị ứng, mũi dãi chảy lòng thòng. Nhìn nó mà thương, tôi đành chỉ biết dặn con cố gắng khắc phục và tập trung bình tĩnh làm bài, rồi nhét cho tập giấy lụa để vào phòng thi còn hỷ mũi.

Trong khi các con làm bài, mấy bố mẹ đứng dưới chờ mà hồi hộp không khác gì mình đi thi. Và rồi thời gian cũng kết thúc, đến lúc đọc kết quả điểm thi, tim tôi bật tung, nước mắt trào ra khi người ta đọc tên nó được giải nhất (ở Level 3).

Tôi hạnh phúc vì nó đoạt giải thì ít, mà hạnh phúc vì sự cố gắng của nó thì nhiều hơn, vì nó ốm yếu thế nhưng đã nỗ lực hết sức để hoàn thành bài nhanh nhất.

Những năm học cấp 2, nó giống như một đứa vô hình, không chơi với bạn nào. Cô giáo chủ nhiệm thương vì nó hiền mà bé nhỏ nhất lớp. Các môn học ở lớp không giỏi nhưng cũng không kém. Chỉ có môn Tiếng Anh là nổi trội.

Vì vậy tôi cho nó học thêm ở trung tâm bên ngoài, mong rằng khi giỏi một môn nào đó, nó sẽ tự tin hơn vào giá trị bản thân. Nó được đi thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp trường và cấp quận trong mấy năm cấp 2. Vì lý do đó, nó cũng được cô giáo Tiếng Anh quý mến.

Ấy vậy mà đến năm lớp 9, nó đã rất chật vật với môn Văn. Mặc dù tối nào cũng ngồi vào bàn học đến khuya, nó vẫn kém môn Văn và bị cô giáo phê bình nhiều lần trong vở. Đỉnh điểm là một hôm cô giáo dạy Văn của nó gọi điện cho tôi.

Cô nói :”Chị ơi, con chị thái độ học môn của em rất có vấn đề. Nếu các môn khác nó đều học kém thì em không nói. Đằng này, các môn khác nó học được, Tiếng Anh nó học tốt, vậy mà môn Văn chỉ yêu cầu nó học thuộc văn mẫu thôi mà nó không học.

Thái độ học của nó rất kém, chị xem nhắc nhở nó, nếu không thì thi tốt nghiệp cũng không chắc đạt điểm 5 đâu.” Tôi tự hiểu là điểm trung bình 7.0 ở trường của nó là do cô tăng lên để không ảnh hưởng đến thành tích của lớp, chứ không phải là điểm thực sự của nó.

Giọng cô giáo dạy Văn rất bất mãn.. Còn tôi thì bất mãn về cô. Thời đi học của tôi, tôi chưa bao giờ cần học văn mẫu. Ít nhất thì tôi đã từng hạnh phúc khi đi học.

Hai mẹ con tôi đã thảo luận và đi đến quyết định: Tôi sẽ cho nó học cấp 3 nội trú ở một trường tư, một ngôi trường có phương pháp học tập mở và tạo động lực, nơi mà nó được phát triển cá nhân và kỹ năng nhiều hơn.

Năm lớp 10, lần đầu tiên nó có điểm 7, điểm 8 văn –điểm thực lực, không phải điểm sửa, điểm chiếu cố.

Nó đăng ký tham gia câu lạc bộ Yosakoi của trường. Đó là điệu nhảy múa truyền thống của Nhật- với những chuyển động mạnh mẽ trên nền nhạc tươi sáng, tràn đầy năng lượng tích cực và lạc quan ở cuộc sống.

Ngày 8/3, trường tổ chức cuộc thi viết về Mẹ. Bài viết của nó được chọn treo trong phòng trưng bày của trường. Trường cũng gửi bài thi qua email cho phụ huynh. Đó là một bức thư viết về Mẹ và cho Mẹ. Đọc thư của nó, tôi đã khóc-nước mắt của hạnh phúc.

Và tôi biết: nó đã tìm được hạnh phúc khi đến trường !

Sưu tầm.

Bài viết khác

Rổ giá gặp nhau tuổi xế chiều – Câu chuyện đầy ý nghĩa sâu sắc

Dì là em gái của mẹ bạn tôi. Chúng tôi thỉnh thoáng ghé thăm Dì Dượng mới nghe bạn kể về Dì của mình. Cuộc sống công chức nhà nước khá vất vả khi chồng Dì bị ung thư gan, mặc dù chồng Dì sống rất điềm đạm không rượu không thuốc lá, sau sáu […]

Lạ! Người Việt ra nước ngoài khác hẳn, về Việt Nam lại là người Việt

Ra nước ngoài, người Việt không ông ổng gọi nhau ở sân baγ, không hút Ϯhυốc bừa bãi, không nhổ toẹt ra đường, biết bỏ rác vào thùng… Hình minh họa Một anh bạn làm hướng dẫn viên du lịch, thường dẫn tour đưa khách Việt Nam tham quan các nước Đông Nam Á, kể: […]

Phúc đức ở mẹ – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩα nhân văn sâu sắc

Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sαo trên đất nước này cái gì cũng mαng dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở ρhíα Bắc đất nước tα quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ […]