Hai chị em gái – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc
– Chị cả ! Chị cả ! Em đây.
Cô cả ngừng khóc. Vén mái tóc rối bù xù che nửa khuôn mặt gầy xanh xao , khẽ hỏi:
– Dì Út đấy à ? Dì Minh đấy à?
Cô Cả kéo cô Út ra đầu hồi nhà :
– Bố mẹ đã nói thế thì em đừng vào , để bố ra đi cho thanh thản em ạ.
– Em biết rồi. Em không vào đâu. Em mang tiền về để chị lo việc cho bố. Đừng tằn tiện quá , làng xóm chê cười chị ạ. Chị Hạnh…
Đặt gói tiền vào tay chị, cô Út gạt nước mắt ,ra xe đi ngay.
Đêm đã khuya, phường kèn đã đi nghỉ. Trong rạp chỉ còn hơn chục con cháu và vài hàng xóm thân thiết, họ đánh bài, chờ giờ chuyển cữu cho ông Thơm. Bà Thơm ngồi bất động, khuôn mặt vàng võ, đau khổ. Cả cuộc đời bà chả mấy khi gặp chuyện vui .
Sinh ra hai cô con gái , tuy không xinh đẹp nhưng cũng ưa nhìn, khỏe mạnh. Gọi cô Cả, cô Út là theo ý ông Thơm. Ông đã từng tự hào vì nhà có hai cô giáo, ngoan ngoãn, luôn nghe lời bố mẹ. Hai rể đều do ông chọn rất kĩ lưỡng.
Cô Cả lấy chồng cùng xã , là bộ đội phục viên. Gia đình cũng nền nếp, khá giả nhờ mấy mẫu vườn , bà mẹ chồng buôn bán hàng chuyến , mỗi năm cũng thu được khá tiền. Nhà chỉ có chồng là trai, nên cô Cả phải làm cô dâu hiền thảo.
Tiền lương tháng , nộp hết cho mẹ chồng để bà chi tiêu. Bà bảo, sau này tao chết thì vườn bãi là của chúng mày hết. Thương con gái, nhưng nể thông gia , ông bà Thơm ngậm bồ hòn làm ngọt, thỉnh thoảng lại dúi cho con gái chút tiền tiêu vặt. Thấy gia đình thông gia không chê bai gì, chỉ khen cô Cả ngoan hiền, ông bà Thơm mãn nguyện lắm.
Cô Út lấy chồng tận xã bên, cách nhà đẻ gần chục cây số. Chồng cô là nhân viên kế toán trường học, hình thức cũng được ,nói năng dễ nghe. Vợ chồng cô Út ở riêng , kinh tế độc lập. Cô Út cũng khéo ăn ở nên được lòng gia đình bên chồng.
– Mẹ ơi! Mẹ ơi! Tiếng cô Cả thì thào cắt ngang dòng suy nghĩ của bà Thơm.
– Con lo được tiền đây rồi mẹ ạ . Chi tiêu gì thêm mẹ cứ bảo con.
Nghe cô Cả nói, khuôn mặt bà Thơm giãn ra một chút. Nhưng bà biết cô Cả đã vay lãi , chứ lấy đâu ra tiền . Nhìn con gái già xọm , gầy còm , bất giác nước mắt bà Thơm lại chảy dài trên gò má nhăn nheo.
Vợ chồng cô Cả làm ra tiền mà lại hóa thành phụ thuộc . Sinh liền hai đứa con trứng gà trứng vịt , cô Cả hay ốm đau. Đồng tiền thuốc men, bồi dưỡng sức khỏe phải về xin bố mẹ đẻ. Mẹ chồng cay nghiệt.
Chồng sinh nhiều thói hư tật xấu. Cô Cả nhiều lần khuyên nhủ, đáp lại là những trận đòn tàn ác của người chồng bội bạc. Cô ôm con về ngoại, xin phép bố mẹ để được ly hôn . Ông Thơm khuyên con :
– Đàn bà, nết nhẫn nhịn đứng hàng đầu con ạ. Con phải thương hai đứa trẻ, đừng để chúng chịu cảnh tan đàn xẻ nghé. Cũng đừng để bố mẹ xấu hổ với làng xóm là con gái bỏ chồng . Con là cô giáo đấy, biết không hả ?
Cô Cả nuốt nước mắt, cam chịu đắng cay.
Cô Út thì sướng hơn chị. Tuy chả có ai giúp nhưng hai vợ chồng đều biết vun vén nên kinh tế cũng ổn , nhà cửa đã đàng hoàng . Đánh đùng một cái, mọi chuyện thay đổi. Anh chồng đua đòi học theo một số cán bộ biến chất, cờ bạc đề đóm, thua tha nhiều .
Hai vợ chồng vay mượn để trả vào quĩ nhà trường, giữ lại được cái nghề . Xong chứng nào tật ấy , anh chồng không thay đổi. Cô Út đâm đơn ra tòa ly hôn. Ông Thơm khuyên nhủ thế nào cũng không lay chuyển được, cô Út đã quyết.
– Từ hôm nay, tôi không có đúa con gái này. Tôi sống, chị không được lui tới. Tôi chết , chị không được trở tang.
Ông Thơm cảm thấy xấu hổ với làng xóm vì có đứa con gái bỏ chồng . Ông ít đi ra ngoài, ăn kém, ngủ kém. Tháng trước ông trở bệnh, cô Út về thăm, ông đuổi. Giờ ông mất, bà Thơm theo lời chồng dặn , không cho cô Út về chịu tang . Bà cũng thấy day dứt lắm.
Bên bà lúc này chỉ còn có cô Cả, mới 45 tuổi mà thân thể gầy gò, thần sắc bạc nhược. Do phải suy nghĩ nhiều , kinh tế lại thiếu trước hụt sau nên hai mắt trũng hoáy thâm quầng .
Thằng con trai lớn học hết cấp 3 trường huyện , thấy mẹ vất vả quá, xin đi làm thuê đỡ đần mẹ thêm. Tiền nó đưa về, chả đủ cho bố nó cờ bạc . Cô Cả thương con nhưng sợ chồng, không dám nói. Vừa rồi gia đình xô xát, con trai dám cãi lại bố, nó bảo :
– Ông không phải là bố tôi. Ông nhìn mẹ tôi xem , có ra hồn người nữa không ? Ông tàn nhẫn, ích kỷ, tham lam, ông là một con quỷ.
Rồi, chả chờ bố nó đuổi đánh, nó bỏ đi luôn .
– Đấy , mày dạy con mày như thế phải không ? Con khốn nạn này , con mất dạy này…
Mỗi câu chửi là một cái tát, một cái đạp. Cô Cả ngã lăn ra đất, chả đủ sức để kêu. Đứa con gái vừa đi làm vườn về, vừa khóc vừa xin bố tha cho mẹ , tiếng khóc của nó vừa uất ức, vừa giận hờn, rất tội nghiệp. Bố nó e hèm, giọng ráo hoảnh:
– Khóc gì? Bố mày chết à ? Đưa tao tiền đi ăn cỗ. Đưa năm trăm, thừa về tao trả.
– Mẹ làm gì còn tiền. Sao bố không tự kiếm mà tiêu.
– Câm mồm. Nhà này rặt một lũ mất dạy.Từ giờ đến chiều mà không có tiền, chúng mày cứ liệu , ông tống cổ hết.
Nghe con gái vừa khóc vừa kể , bà Thơm cũng nước mắt hai hàng. Ông Thơm ôm ngực ho rũ rượi, gọi cô Cả lại gần :
– Tính bố nó nóng nảy, con chấp nhất làm gì . Nhịn được thì cửa nhà mới yên ấm con ạ. Đàn bà , nhịn chồng có xấu đâu. Bố mẹ vừa bán con lợn gần ba triệu đấy, bố cho một triệu , chi tiêu tạm. Thôi về đi, cho bố nó còn đi cỗ.
Bà ngồi bên linh cữu của ông mà chuyện của con, lời của chồng vẫn còn đây! Bà thương chồng, xót con mà không biết tính sao cho chu toàn. Sáng sớm, phường kèn đã khua làng xóm thức dậy. Họ hàng , bà con kéo đến đông dần. Bà Thơm giục người chuẩn bị bữa sáng dâng cho người đã khuất.
Thế rồi, cô Cả tìm thấy một tờ giấy gấp tư trên bàn , nơi ông Thơm hay ngồi đọc sách . Cô đọc xong, òa khóc nức nở.
Cô Cả chờ mọi người đông đủ , đứng trước bàn thờ bố , xin phép đọc di thư . ” Hai con gái của bố ! Là bố mẹ đã sai rồi. Bố nhu nhược, cổ hủ nên Hạnh phải khổ. Bố sĩ diện hão nên Minh phải hờn tủi . Bố xin lỗi. “…
Mọi người ồ cả lên , khen ông Thơm xử sự thế là phải. Mẹ con cô Út đã ở cổng từ sớm . Bà Thơm ôm lấy hai con gái , thấy lòng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Nhìn cô Út khỏe mạnh, rắn rỏi , nước mắt bà cứ giàn dụa. Thì ra cô Út không vì bố đuổi mà tự ái. Tiền nong cô Cả đưa cho mẹ lo việc nhà đều là tiền của cô Út.
Sau này , khi hai chị em gái ngồi tâm tình , cô Út nói với chị :
– Chỉ có bố mẹ sinh ra ta, và đứa con ta sinh ra , mới đáng để ta mắc nợ thôi chị ạ.
Nguyễn Thanh Trà