Ý nghĩ cuối cùng – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Ông ốm nặng hơn 1 tháng nay. Từ hôm vào viện đến giờ, mỗi ngày ông phải truyền 2 chai nước. Bác sĩ nói ông không bị bệnh gì cả, chỉ là bệnh già. Mọi cơ quan trong cơ thể ông nó rệu rã, nó kiệt quệ rồi, nó như ngọn đèn sắp hết dầu.

Ông muốn về nhà, nhưng 2 anh con trai thấy ông đau nhiều quá, nên thuyết phục ông ở lại viện. Các con trai và con dâu thay phiên đến chăm sóc ông, chúng còn mượn một chị giúp việc, hỗ trợ và túc trực bên ông khi các con bận việc.

Ông ở một mình, các con ông đều là công chức, có địa vị xã hội, cuộc sống khấm khá, lấy vợ và ra ở riêng. Anh con cả khi xây nhà mới đã muốn rước ông về ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng ông không muốn.

 

 

Anh̉ cũng muốn sửa sang lại ngôi nhà cũ cho khang trang hơn, để ông sống tiện nghi hơn, ông cũng không đồng ý. Ông ở căn nhà cũ quen rồi. Căn nhà nhỏ này gắn bó với ông hơn nửa thế kỷ, với bao kỷ niệm.

Và cũng giống ông, nó không thay đổi gì trong nhiều năm qua, nó chỉ già đi theo ông. Các vết ố trên tường ngày càng rõ hơn, giống như các nếp nhăn trên khóe mắt ông ngày càng sâu hơn.

Vợ ông mất sớm, ông một mình nuôi dạy, chăm sóc 2 con trai, biết bao nhọc nhằn, vất vả. Bù lại, 2 con ông ngoan ngoãn, học giỏi. Ông định chờ chúng vào Đại học rồi tính chuyện đi bước nữa.

Cũng có vài đám người quen giới thiệu, nhưng ông cứ lần lữa. Không phải ông không thấy cô đơn, không thấy khát khao, không phải ông thấy không cần sự chia sẻ, nhưng ông sợ các con ông khổ. Cũng có người đến với ông, và ông cũng thấy cảm mến, rồi vì ông chần chừ, người ta cũng đành ra đi.

Năm này qua năm khác, chẳng mấy, ông đã già. Chứng kiến các con ông trưởng thành, lấy vợ, sinh con, ông cảm thấy tự hào về thành quả của mình, thấy sự hy sinh của mình cho các con là không uổng phí. Ông thấy mình như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Cách đây vài năm, trong tổ hưu trí, ông quen bà Nhung, cùng cảnh ngộ. Ông bà quý mến nhau bởi sự đồng cảm. Bà Nhung có 3 cô con gái, cả 3 đều đã đi lấy chồng. Những buổi tập thể dục sáng, ông bà đi bộ cùng nhau trên con đường nhỏ ven hồ, trò chuyện, tâm sự về chuyện đời, chuyện nhà.

Ông thích mùi bồ kết thoang thoảng tỏa ra từ tóc bà. Những lúc như vậy thật thanh thản, nó làm ông thấy như trẻ ra. Những hôm mưa gió không đi tập được, ông thấy bứt rứt, khó chịu.

Thỉnh thoảng ông sang thay giúp bà cái bóng đèn bị cháy, hay đóng hộ bà cái móc treo khăn mặt. Khi trái gió trở trời, bà lại sang pha cho ông cốc nước cam, hay mua cho ông bát phở. Ông thấy ấm lòng khi nhận được những chăm sóc nho nhỏ ấy.

Năm ngoái, cũng có lúc, ông bà bàn nhau, hay là bà sẽ chuyển đến ở với ông cho tiện chăm sóc lẫn nhau?. Nhưng một lần nữa, ông lại chần chừ. Ông sợ sẽ làm ảnh hưởng đến các con, dù sao chúng cũng là những người có địa vị trong xã hội.

Rồi ông ngại điều tiếng với mọi người, với hàng xóm, bạn bè. Ông đã từng vô tình nghe thấy câu chuyện của ông bà được người ta bình phẩm một cách dè bỉu. Bà cũng buồn, rồi vì cô con gái út sống trong Sài Gòn sinh con, bà vào đó để đỡ đần con gái, chăm sóc cháu ngoại…

Cả tháng nay ông ốm nặng, ông cũng không báo cho bà Nhung biết. Trước đây ông nghĩ ông có thể thanh thản chia tay cõi đời này, vậy mà không phải. Nằm trên giường bệnh, ông nghĩ, lẽ ra ông nên dành một phần cuộc đời để sống cho bản thân ông. Lẽ ra, ông phải dũng cảm để vượt qua những định kiến của bản thân.

Lẽ ra, ông không nên quá quan tâm đến sự phán xét của mọi người. Họ có sống cuộc sống của ông đâu? họ có phải trải qua, phải chịu đựng những gì ông đã phải trải qua, ông đã phải chịu đựng đâu?

Làm sao họ hiểu được? Giờ đây ông không cảm thấy thiếu sự chăm sóc, mà ông thấy thiếu sự chia sẻ của một người tri kỷ. Nhưng mọi thứ đã quá muộn. Ông biết quỹ thời gian của ông không còn nhiều.

Thấy chai nước truyền treo trên cái móc cạnh giường còn hơn một nửa, ông đoán khoảng một tiếng nữa mới thay chai mới. Sau khi được tiêm thuốc giảm đau, đếm những giọt nước đều đặn rơi xuống trong bầu ống truyền, ông thiếp đi….

Chợt có mùi hương bồ kết thoang thoảng, không thể nhầm được! Ông choàng tỉnh. Trước mặt ông là bà Nhung. Ông thấy bàn tay mình ấm, không biết bà đã nắm tay ông từ lúc nào?. Sau lưng bà Nhung là anh con trai cả của ông. Thấy ông tỉnh giấc, anh nói:

– Ông dậy rồi ạ. Ông ơi, bà Nhung ra thăm ông. Thôi, con phải đến cơ quan, bà ở lại nói chuyện với ông nhé.

Còn lại bà và ông, sau vài phút im lặng, bà nói:

– Anh Cả bay vào Sài Gòn đón tôi ra, nó nói ông ốm, nó biết ông muốn có tôi bên cạnh. Tôi sẽ ở lại đây với ông.

Ông mỉm cười, ừ một tiếng sâu trong họng như thói quen. Rồi ông nói một cách khó nhọc:

– Lần này tôi ốm nặng lắm, chắc không qua khỏi !

Bà vội nói át đi, rằng ông phải cố gắng tẩm bổ để bình phục, rằng ông phải chịu khó thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ… . Rồi vừa xoa bóp đôi chân đã phù nề của ông, bà vừa kể cho ông nghe những câu chuyện vui vẻ về đứa cháu ngoại của bà, về mảnh đất Sài Gòn nơi bà đang sống cùng con gái. …

Chợt ông giữ tay bà lại, nắm chặt bàn tay bà, mắt long lanh, giọng yếu ớt:

– Em biết không, chưa bao giờ anh cảm thấy được như thế này.

Bà mỉm cười, cố ngăn nước mắt trào ra. Bà thấy thương ông vô cùng, bà cảm nhận được là ông đang hạnh phúc, dù thời gian của ông chả còn bao nhiêu.

Và bà biết, cái ý nghĩ cuối cùng trong cuộc đời con người ta quan trọng biết nhường nào, nó giống như câu kết của một câu chuyện cổ tích vậy.

Sưu tầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *