Xế chiều – Chương 1
TG : Cao Nguyen
Trong dãy nhà trọ ở sâu hun hút trong ngõ của khu phố , ngoài những người lao động ngoại tỉnh còn có một đôi người già tầm ngoài sáu mươi tuổi . Khi họ ngồi chuyện trò với nhau , người ta cứ nghĩ đó là một đôi vợ chồng . Nhưng không phải . Họ ở mỗi người một phòng , hai phòng cách nhau một bức tường . Người phụ nữ tên Bình , dáng cao gầy , khắc khổ , hàng ngày bà vẫn bán rau cỏ và những hàng lặt văt ngoài đầu ngõ . Người đàn ông tên Yên có dáng lòng khòng , vẻ mặt luôn trầm tư , ông chạy xe ôm ngoài bến xe .
Bà Bình đến ở trong khu trọ một tháng thì ông Yên mới dọn đến . Dù ở gần nhau nhưng họ chưa nói chuyện với nhau bao giờ , thi thoảng giáp mặt họ mới chào nhau một tiếng . Hôm ấy, không thấy ông Yên mở cửa đi làm như mọi khi , lấy làm lạ nhưng bà Bình tặc lưỡi , chuyện của người ta mình để ý làm gì . Đến trưa , bà Bình tranh thủ về ăn cơm , đang trệu trạo nhai miếng cơm , bà nghe hình như có tiếng rên . Bà lắng tai nghe thì thấy tiếng rên khe khẽ bên phòng hàng xóm . Bà hắng giọng hỏi :
– Ông gì ơi ông có làm sao không ?
Không thấy tiếng trả lời , bà hỏi to hơn :
-Ông gì hàng xóm cạnh nhà ơi ? Ông bị sao đấy ?
Có tiếng nói khe khẽ :
-Cám ơn bà đã quan tâm . Tôi hình như bị cảm cúm hay sao ấy . Người đau nhức ê ẩm , ngây ngấy sốt . Bà làm ơn đi mua hộ tôi liều thuốc . Tôi mệt quá không nhấc mình dậy được .
Bà Bình vội vàng buông bát đũa chạy sang . Cửa nhà ông hàng xóm không chốt trong , ông ta đang đắp chăn nằm trên giường . Bà Bình tiến lại gần , sờ tay lên trán ông thì giật nảy mình :
-Ông sốt cao quá .
Bà vội vàng lấy chiếc khăn mặt , dấp nước , đắp lên trán ông . Bà bảo :
-Rõ khổ ! Một thân một mình khi ốm đau không có ai bên cạnh . Mà ông sốt cao như thế này sao không bảo tôi từ sáng . Ông nằm đây , tôi chạy ù đi mua thuốc cho ông .
Lát sau bà về trên tay là cặp lồng cháo và gói thuốc . Bà bảo :
-Ông phải ăn chút cháo rồi mới uống thuốc được .
Miệng nói , tay bà đỡ ông ngồi dậy , lưng dựa vào tường . Bà bón từng thìa cháo cho ông . Xong bà rót nước vào cốc , lấy thuốc cho ông uống . Không hiểu do tình người hay do uống thuốc mà một thời gian sau , ông Yên thấy đỡ nhiều , không còn sốt , đầu không còn đau nhức , người nhẹ nhõm hơn , tuy vẫn còn ê ẩm .
Sau khi cho ông Yên uống thuốc xong , bà Bình dọn hàng , nghỉ bán buổi chiều . Khi bà sang xem ông Yên có đỡ không thì đã thấy ông ấy ngồi trên giường , lưng dựa vào tường . Bà sờ trán thấy đã hết sốt . Ông Yên cảm động nói :
-May quá có bà không thì chắc tôi chết mất . Tôi cảm ơn bà nhiều lắm .
Bà Bình nhẹ nhàng :
-Ơn huệ gì . Hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau là chuyện thường tình mà .
Rồi bà lại tiếp lời :
-Đấy . Hàng xóm láng giềng với nhau hơn tháng nay mà vẫn chưa biết tên nhau . Em tên Bình , quê ở xã X huyện Y tỉnh Z ạ . Em cũng chỉ có một thân một mình. Em đến ở đây trước anh khoảng một tháng .
Ông Yên mỉm cười :
-Tôi có lỗi quá . Đến đây hơn tháng rồi mà chẳng biết ai với ai . Tôi tên Yên , quê ở xã A huyện B cùng tỉnh Z với chị .
Bà Bình reo lên :
-Ô ! Thế thì em với anh là đồng hương rồi.
Sau này, khi đã quen thân rồi , ông Yên mới biết về hoàn cảnh của bà Bình qua lời tâm sự của bà .
Bà Bình vốn là người phụ nữ làng quê hiền lành, chất phác.
Bà là giáo viên dạy tiểu học ở xã nhà đã về hưu . Chồng bà chạy theo cuộc tình mới khi đứa con gái của bà mới mấy tháng tuổi , bỏ mặc bà với vết thương lòng khó phai. Tuổi trẻ của bà dànhtất cả tình thương yêu tới người con gái bé bỏng “chưa cai sữa” tới nay đã tròn 30 năm.
Nhờ sự tần tảo của mẹ, con gái bà Bình là Thảo học hết đại học, lập gia đình và làm một công ty ở Hà Nội. Không muốn vợ chồng con gái đi thuê nhà, bà Bình đã dốc hết tiền bạc qua những ngày chắt chiu nuôi lợn, chăm gà và bán nhà cùng mảnh vườn rộng của mình để mua nhà cho Thảo .
Có nhà mới, vợ chồng Thảo không còn phải đi thuê. Bà Bình lại lên thành phố ở cùng con gái mong vui vầy tuổi già. Dù mẹ tần tảo nuôi nấng và bán nhà cửa ở quê cho tiền mua nhà lại chăm con cho mình, Thảo không những không cảm ơn mà còn coi mẹ như… ô sin trong nhà. Cậy thế phải kiêng cữ, Thảo không bao giờ mó tay vào việc gì kể cả việc chăm sóc bé.
Tất tần tật, công việc nấu nướng, chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, thay tã lót, tắm rửa, ẵm bế con, Thảo đều “đùn đẩy” cho mẹ. Cả ngày Thảo chỉ biết mỗi việc cho con bú rồi … đi ngủ. Vậy mà, Thảo luôn miêng kêu mệt mỏi, kể lể vất vả với tất cả những người cô quen. Buổi đêm, con quấy khóc, Thảo cũng bắt chồng và mẹ trông bé vì cô “sợ thâm quầng mắt, ảnh hưởng tới nhan sắc”.
Không muốn mẹ có thời gian rỗi để nghỉ ngơi. Thảo nghĩ các việc không tên để “sai” mẹ: khi thì giặt cái chiếu, lúc lại phơi cái chăn. Mỗi lần bà Bình cưng nựng, nói chuyện với cháu là Thảo lại giật phắt con bé sang phía mình vì sợ… “nó nhiễm giọng nhà quê!”. Mỗi lần như vậy, nước mắt bà chảy vào trong, gạt nỗi buồn tủi, chăm cháu sớm khôn lớn.
Đang ở quê, nhà cửa rộng rãi, thoáng mát nay lên thành phố ở được ba tháng mà bà rộc cả người. Nhà ở thành phố chật chội, nóng nực, bức bí, ra chợ phải băng qua đường xe đông đúc. Sợ cảnh đường phố, bà chỉ dám đi chợ rồi về nhà chôn chân trong bốn bức tường. Người thành phố hình như bận rộn quá nên chẳng có thời gian trò chuyện. Nhiều lúc bà muốn sang hàng xóm giải khuây, chia sẻ nỗi nhớ quê đều gặp những cánh cửa sắt đóng im lìm.
Việc “cháu mọn” không tên lại suốt ngày giam trong bốn bức tường khiến bà ngày càng héo mòn. Bà muốn nghỉ ngơi một buổi mà Thảo nào có cho. Lúc Thảo viện cớ phải đi có việc gấp, lúc lại bảo rằng phải đi sinh nhật, tiệc tùng. Con cái Thảo giao phó cho bà. Nhiều lúc bà muốn về quê ở nhưng chợt nhớ ra, mình chẳng còn nhà để về .
Biết “thóp” mẹ thương con, xót cháu lại vào thế “trắng tay”, Thảo ngày càng quá quắt. Thảo cố tình phới lờ mình đang là phận con mà tự cho mình cái quyền như …“mẹ”. Trong mắt cô, mẹ đẻ của mình chỉ là người… để sai vặt không hơn không kém. Cô chẳng coi mẹ ra gì. Có lần bà Bình sơ ý để cháu chơi bẩn ở nền nhà, Thảo hét toáng lên rồi quát mẹ: “Giời ơi, mỗi việc trông cháu bà trông không xong thì còn làm việc gì nữa”.
Lương hưu gần bốn triệu đồng bà đưa cho Thảo thêm thắt vào chi tiêu gia đình . Nhưng Thảo đâu có biết điều .
Bà Bình nhiều lần góp ý với Thảo cách ăn nói và đối xử với bà nhưng Thảo bỏ ngoài tai còn nói: “Mẹ có tuổi rồi, lẩm cẩm, khó tính vừa chứ!”. Hôm bà ốm, không thiết ăn cơm, Thảo chẳng những không hỏi thăm sức khỏe, chăm sóc bà mà còn móc máy: “lại giả nghèo, giả khổ rồi”. Nhiều lúc muốn tâm sự với con rể nhưng bà Bình lại thôi. Bởi con rể bà đi công tác hàng tháng mới về một lần. Bà đành nuốt nước mắt nghĩ tới tương lai mịt mờ.
Nhưng vất vả thể xác không thấm vào đâu, điều làm bà đau nhói chính là thái độ, cử chỉ của con gái với người mẹ như bà. Nước mắt bà rơi đẫm đôi gò má nhăn nheo…
( Còn nữa )