Vết rạn với người đàn bà không phải chỉ là dấu hiệu của những lần thai nghén sinh nở

Chị hít một hơi thật sâu, ngả người xuống chiếc ghế sofa cũ mềm vẫn còn ngai ngái mùi ẩm mốc, thở phào nhẹ nhõm.

Chị chưa bao giờ nghĩ sẽ đến ngày chị dám bước ra khỏi cuộc hôn nhân này, dám sống một cuộc đời không có anh bên cạnh. Hai đứa con phải để lại cho chồng nuôi, dứt áo ra đi, bắt đầu lại. Nhìn hai đứa con thơ gào khóc gọi mẹ giữa tiếng nạt nộ của bố, trái tim chị quặn đau. Trong khoảnh khắc chị đã nghĩ mình sẽ vứt đi toàn bộ quãng đời còn lại, vì con lần nữa chịu đựng. Như mọi người đàn bà cam chịu khác.

Nhưng có điều gì đó thôi thúc chị, khi nghe thấy tiếng rít của anh qua kẽ răng: “Cô thích đi thì đừng bao giờ quay lại đây, cút!”.

Chị nhớ về những năm tháng tuổi trẻ mộng mơ, chị đã nghĩ sẽ gặp được người đàn ông tốt, yêu thương mình hết mực, sẽ sinh con cho anh ấy, cùng nhau xây dựng tương lai như trong phim ngôn tình Hàn Quốc. Chị cũng yêu rồi lấy chồng, cứ tưởng cuộc đời sẽ bình dị trôi qua như thế. Nhưng phim ngôn tình kết thúc sớm hơn chị nghĩ, chị bắt đầu bước vào chuỗi ngày đầy nước mắt.

Khi chị sinh con đầu lòng, đã được trải nghiệm sự vô tâm đến lạnh người của anh. Con nhỏ quấy khóc, chị nhờ anh trông giúp một lúc, anh chỉ nói đúng hai từ: “đang bận”. Chị dỗ con mãi không được, kiệt sức, ngủ thiếp đi trong tiếng khóc của con. Anh ở phòng bên cạnh thấy con cứ khóc, chạy sang thấy chị nằm ngủ gọi chị dậy tát chị một cái nảy đom đóm mắt. Đó là vết rạn lớn đầu tiên.

Vết rạn lớn thứ hai là chị bắt đầu đi làm, đợt đó công ty có chiến dịch, chị phải ở lại tăng ca, về đến nhà đã muộn, mở lồng bàn ra, chỉ thấy vài miếng thịt đều là đồ để từ mấy ngày, không ai ăn. Nhà chồng chị có thói quen mua đồ ăn ê hề, còn thừa thì tích lại hết ngày này qua ngày khác, cho đến khi hỏng bỏ đi thì thôi. Họ coi việc đó thể hiện sự dư dả, gia đình có điều kiện. Thế nhưng nếu chị không ăn đồ ăn cũ thì mẹ chồng chị sẽ không vui. Bữa nào bà cũng sắp mâm để những món mới trước mặt chồng chị, còn đồ cũ để giữa chị và bà, ý rằng phận đàn bà biết điều nên nhường lại đồ ngon cho chồng con.

Mẹ chồng đi qua thấy chị ngồi lặng lẽ ăn, không nói câu nào, bĩu môi đi lên gác. Anh đang chơi game trong phòng, không mảy may quan tâm, hỏi han. Chị thấy trống rỗng. Tự hỏi mình sẽ sống như này cả đời hay sao? Miếng thịt để nhiều ngày có mùi vị thật khó nuốt, chị thấy nghẹn ở cổ họng, hạt cơm khô khốc, nước canh lõng bõng cái, chị chợt nhớ rằng ngày chưa lấy chồng, chị chưa bao giờ phải ăn đồ để lại từ bữa trước. Người duy nhất trong nhà ăn lại đồ cũ là mẹ chị. Chị nhói lòng xót xa.

Những vết rạn cứ thế càng lúc càng nhiều, càng lớn dần lên, đến mức chị không còn cảm thấy đau trước sự vô tâm đến bạc bẽo của chồng. Chị nuốt ngược nước mắt vào trong, nghĩ cho hai đứa con thơ, quyết định chôn vùi thanh xuân tại đây, trong ngôi nhà mà với chị, chưa bao giờ là tổ ấm.

Thế rồi chị phát hiện anh có bồ. Người phụ nữ ấy có thứ gì đó chị không có, hoặc chị đã từng đánh mất. Cô ta không cam chịu như chị, cô ta có khí chất, cô ta dám sống cho mình. Qua tìm hiểu chị biết rằng thu nhập cô ta cao ngang ngửa anh, hai người đã bàn bạc không chỉ làm ăn chung mà còn chung đụng cả tài sản lớn. Cô ta chỉ kém chị vài tuổi, nhưng khác với chị, cô ta đã không lựa chọn hy sinh. Chị cũng đã từng là sinh viên một trường đại học danh giá, đã từng có những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết. Từ đâu, vì ai, từ bao giờ chị đánh mất bản thân? Chỉ có thể tự trách mình. Chị nói với chồng về người thứ ba, muốn anh lựa chọn dứt khoát. Anh chẳng thừa nhận cũng chẳng chối cãi, anh chỉ nói đúng một câu: “Tuỳ cô, thích làm gì thì làm, không chịu được thì biến, để con lại tôi nuôi”. Đây không còn là vết rạn nữa, mà là cú thúc đâm thẳng vào trái tim chị. Chị nhận ra mình không khóc! Người ta chỉ khóc khi buồn đau, còn khi nỗi đau vượt quá giới hạn, người ta thậm chí còn không nhận ra được mình đang cảm thấy như thế nào.

Chị thức trắng ba đêm, nghĩ về quãng thời gian hạnh phúc ít ỏi từ lúc chị lập gia đình. Những tiếng cười ít đến mức chị cảm thấy dường như đã bỏ xa chị từ lâu. Chị nghĩ về hai đứa con thơ, nó sẽ lớn lên thế nào trong sự coi thường tận cùng mà ba nó dành cho mẹ? Chị cần phải sống cuộc đời của mình, lo cho mình trước đã. Còn nếu không, chị sẽ giống mẹ chồng chị, một ngày nào đó cũng trở nên cay nghiệt, trước những điều tối tăm cuộc đời đã thấm đẫm vào mình từ lúc lập gia đình. Có lẽ khi còn trẻ bà cũng là một người đàn bà dễ chịu, bà cũng hay cười, cũng nhiều ước mơ, cũng mong muốn được hạnh phúc, được yêu và trân trọng. Chỉ có điều thực tế khác xa mơ ước, đến ngày bà cũng như chị quên đi mất mình đã từng mơ ước điều gì.

Chị không còn căm hận bà nữa, dù bà đã đối xử tồi tệ với chị đến thế nào, vì chị hiểu, bà có biết thế nào là hạnh phúc đâu mà sẵn sàng chia sẻ hạnh phúc cho người khác.

Chị nhận ra tình yêu chị dành cho anh đã chết, thứ còn ở lại chính là những ảo mộng về quá khứ và khát khao anh nhìn ra giá trị của chị mà thay đổi. Chị cũng nhận ra, chị đã ở trong cái ao tù này quá lâu, lâu đến mức chị quen với sự tệ bạc anh dành cho chị, như vết thương lâu ngày thành sẹo, trở trời mới thấy đau đôi chút. Chị sợ khi nghĩ về tương lai. Sẽ thế nào khi không được sống cùng hai đứa con chị dứt ruột đẻ ra, thấy chúng lớn lên từng ngày? Sẽ thế nào khi chị rời khỏi đây với đôi bàn tay trắng, chẳng có gì ngoài vết rạn trên da thịt, sau mỗi lần sinh nở. Chẳng còn đủ đẹp để thu hút một ai, chẳng còn đủ trẻ trung để bắt đầu cuộc sống mới, chẳng có chút kinh nghiệm nào để lập nghiệp. Mọi thứ chị mang theo mình chỉ là con số không tròn trĩnh. Nghĩ thế chị bất chợt rùng mình.

Chị thức trắng ba đêm, rồi đưa ra quyết định khiến tất cả đều bàng hoàng, trong đó có anh. Chị sẽ để lại hai con cho anh nuôi, như lời anh thách thức, xách va li với dăm ba bộ quần áo cũ rời khỏi nhà sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn. Chị ôm hai con thật chặt, gượng cười, dặn dò các con cố gắng, đợi mẹ đi làm kiếm tiền rồi về đón các con. Chị phải giải thoát mình khỏi tất cả những điều này. Nếu không, chị sẽ không bao giờ còn có một ngày được sống cho mình…

Chị tìm được căn hộ tập thể cũ, thuê lại từ một người bạn với giá rất rẻ. Chị lên kế hoạch thay đổi bản thân, chưa có tiền thì học hỏi bằng mọi cách, từ sách vở, mạng internet, từ những người bạn cũ, mới… Dành thời gian mỗi ngày để nâng cấp kiến thức từng chút một. Người ta đầu tư để đi học hết khoá này, khoá kia, chị đa phần đều là mày mò tự học. Chỉ bằng sự kiên trì, quyết tâm không ngừng nghỉ, mong một ngày có thể đón hai con về ở cùng trong căn hộ nhỏ nhưng ấm cúng, từng bước chị trở thành người đàn bà tự tin hơn trước rất nhiều.

Hai năm sau, chị đã có tiền thuê được căn hộ chung cư nho nhỏ, đầy đủ tiện nghi, công việc cũng dần ổn định, chị đề nghị đón hai con về ở với mình. Chồng chị lúc này nhìn chị bằng con mắt khác, nói chuyện với chị tôn trọng hơn. Anh ta vẫn lằng nhằng với cô bồ nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, họ không đến hẳn với nhau như chị tưởng. Anh già, trông mệt mỏi. Chị đến đón con anh không gây khó dễ như ban đầu mà thường bâng quơ nói những câu ngỏ ý hàn gắn. Chị nghe anh ta nói: “Hôm nào cả nhà mình đi chơi đâu đó nhỉ?” mà không khỏi buồn cười. “Cả nhà” ư? Từ đó sao mà nghe lạ lẫm quá! Mẹ chồng chị vẫn thế, vẫn thở dài, vẫn mỉa mai cay nghiệt khi thấy cô con dâu cũ ngày một trẻ trung, tươi tắn.

Chị thả người trên chiếc ghế sofa cũ kỹ, ngai ngái mùi ẩm mốc, nhìn ra chậu hoa giấy trồng ngoài ban công, khe khẽ hát một điệu nhạc. Ngày mai hai con chị sẽ về ở hẳn với mẹ, chị sẽ không còn phải ngóng đợi những ngày cuối tuần nữa. Mường tượng về khung cảnh ba mẹ con tíu tít chuẩn bị cơm tối, chị được ôm con, hít hà chúng như ngày còn nhỏ, chị cảm nhận niềm hạnh phúc vô bờ tràn vào khoang ngực. Cuối cùng thì, sau tất cả, chị tự hào vì ít ra mình đã dám sống cuộc đời của chính mình, dám đấu tranh cho từng ngày hạnh phúc.

Một ngày, chị cùng hai con đi dạo Bờ Hồ, nhìn thấy người phụ nữ ôm bụng bầu, bên cạnh là đứa trẻ chỉ tầm 3 tuổi đang bị chồng quát tháo, mạt sát, chị lặng người. Bất giác, chị chạm vào vết rạn nơi bụng mình, vết rạn đã từng làm chị mặc cảm vô cùng.

Vết rạn với người đàn bà không phải chỉ là dấu hiệu của những lần thai nghén sinh nở. Vết rạn có đôi khi là những nỗi đau đớn, ám ảnh họ sẽ phải mang theo suốt cả cuộc đời!

(FB Giangdinh)

Bài viết khác

Chiα sẻ nhận cơn mưα đồng tình củα nhà văn Hoàng Anh Tú: Đừng hy sinh đời bố củng cố đời con nữα!

Bố mẹ cứ muốn tốt cho con theo cách nghĩ củα bố mẹ, con cái không muốn nghe thì thành bất hiếu mà nghe thì thành bất công với chính bản thân mình, thành bất hạnh với chính cuộc đời mình, ước mơ củα mình. Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú hαy còn được […]

Anh công αn đi ngαng đường – Cảm động câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Vào khoảng những năm 90, Thiếu tướng Phạm văn Dần, Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND gọi tôi lên ρhòng làm việc, ông đưα cho tôi bức thư củα một cháu học sinh cấρ 2, trong thư cháu nhờ ông Tổng Cục trưởng đăng lên Truyền hình Công αn để tìm […]

Hãγ sống chậm lại để cảm nhận điều gì là quan trọng nhất

Một linh hồn vừa “du lịch” lên Thiên đàng. Linh hồn ấγ buồn bã nói với Thượng đế: – Ông chẳng công bằng gì cả. Trước khi đưa tôi lên đâγ ông ρhải báo trước thời gian cho tôi thu xếρ mọi thứ chứ. Thượng đế trả lời: – Ta đã báo cho con rồi […]