Trăng đổ – Câu chuyện thật xúc động về hậu quả tàn nhẫn, xót xa của chiến tranh

Tùng, Thông và Lam học chung lớp. Bộ ba hiếm khi rời nhau dù Lam là nữ và ngày ấy trai gái thân thiết quá khó tránh được dèm pha. Hai chàng trai như bị mái tóc dày, dài quá thắt lưng và đen óng của Lam hút vía, lần lượt đứa nọ rủ đứa kia qua mượn vở, hỏi bài.

Thật lòng mà nói, con trai học thua con gái cũng tự ái lắm, nhưng bù lại Tùng và Thông được ngửi đã đời hương hoa nhài thơm ngát nơi ngõ nhà Lam mỗi khi thụt thò đợi cô ở đó. Chưa kể đến củ khoai lang nướng nóng sực cả đêm đông hoặc chùm ổi căng bóng giữa trưa hè Lam thường dúi vào tay hai đứa.

 

 

Lũ bạn hay trêu đùa: “Ba đứa mày khéo chọn tên thật, cùng xanh lè lè như nhau”. Thông lại được dịp hênh hếch mũi lên trời, nghêu ngao:

“Kiếp sau xin chớ làm Tùng

Làm cây Thông đứng giữa vườn nhà Lam”

Lệnh tổng động viên nhằm chi viện quân cho chiến trường miền Nam ban ra đúng lúc họ chuẩn bị kết thúc năm học cuối cùng. Thông được nhận ngay vì đủ chuẩn cân đo và sức khỏe.

Tùng ních đầy một bụng ngô luộc và lén bỏ mấy viên gạch đập vỡ vào trong ống quần, bụng áo rộng rinh “tém thùng” – mượn của bố – nên cũng “qua mắt” được mấy chú bộ đội về tuyển quân. Cả hai có giấy gọi nhập ngũ cùng lượt.

Tiễn bạn lên đường, Lam miệng cười tươi mà hai mắt đỏ hoe. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, cô dúi vào tay Thông và Tùng hai gói nhỏ.

Những vòng lá ngụy trang rung rinh xa dần. Lam chạy theo, vẫy tay cuống quýt. Mái tóc cô xổ ra, bung vào gió hương nhài quen thuộc quyện theo những người trai trẻ…

Lam cũng vào thanh niên xung phong sau đó không lâu.

Thông và Tùng chia tay nhau, theo hai tuyến quân thẳng tiến vào Nam. Gói quà của Tùng là một quyển sổ nhỏ và chiếc bút máy đã bơm đầy mực.

Thông cũng thế nhưng có thêm một chiếc khăn tay trắng, thêu đôi chim bồ câu màu xanh da trời lồng cánh và dòng chữ đỏ thắm “Mãi nhớ về nhau”. Lời tỏ tình mạnh dạn ấy đã giúp Thông hai lần chiến thắng được thần chết: Một do mảnh bom, một do sốt rét rừng.

Những năm tháng sửa đường Trường Sơn đã lấy dần đi mái tóc của Lam. Cô thường ngồi im lặng một mình thả theo dòng suối những nạm tóc rụng rối, tiếc ngẩn ngơ. Có những lúc khu rừng trở nên yên ắng đến kỳ lạ, không có cả tiếng gió. Ấy là sự báo trước của một trận bom thù sắp tới dữ dội hơn.

Lam nhớ nhà, nhớ bạn bè đến nôn nao. Cô lại mở những lá thư hiếm hoi ra đọc dù đã thuộc làu đến từng dấu chấm phảy. Đôi khi cô để rơi nước mắt vào những con chữ gộc ghệch của Thông. Họ đã nói với nhau về tình yêu và một đám cưới sau ngày toàn thắng.

Một loạt cười bất ngờ váng lên khiến Lam giật mình. Cô lẩm bẩm buồn bã “Lại đến lúc các chị lên cơn nữa rồi”. Bom nổ Lam không sợ, nhưng cô sợ những trận cười dài dại như thế này của đồng đội mình vô cùng.

Phải chăng sự rối loạn thể chất của những nữ thanh niên xung phong rất hiếm khi được tiếp xúc với đàn ông này đã làm nên những cơn cười vô định như vậy?

Cô rùng mình, cảm giác như mình cũng đang muốn lây theo trận bão cười đó, vội đứng vụt dậy. Đúng lúc đó có tiếng máy bay ào tới, tiếng bom rít xé không gian. Cơn cười ngừng phắt, Lam và đồng đội lao ra khỏi lán. Trên trời, một đám mây lạ – màu ềnh ệch – đang bao phủ xuống cánh rừng.

Chiến tranh kết thúc.

Lam trở về quê hương trước tiên. Thật may mắn bom đạn không đụng đến cô, nhưng tuổi trẻ của cô đã để lại nơi những cánh rừng trụi lá kia cùng với quá nửa suối tóc đen huyền.

Thông cũng về sau đó ít lâu, không mang nạng gỗ. Vẫn ôm Lam thật chặt bằng đôi cánh tay đen xạm, chằng chịt sẹo.

Họ cưới nhau trong niềm vui không trọn vẹn vì vắng mặt Tùng – đứa bạn trai thân thiết ngày xưa. Hơn một năm rồi mà ngôi nhà của họ vẫn không có tiếng trẻ khóc.

Nhiều đêm trăng, hàng xóm thấy Thông tha thẩn ngoài vườn, đốm thuốc lập lòe đến gần sáng. Lam để nước mắt âm thầm chảy ướt gối từng đêm, từng đêm và có lúc cô phải cố ghìm cơn cười dài dại cứ muốn bật tung ra khỏi lồng ngực mình.

Một buổi chiều, Tùng đột ngột xuất hiện. Thông ào ra ôm chầm lấy bạn, đụng phải một tay áo rỗng. Mắt Lam đỏ hoe nhưng miệng thì tươi như đóa nhài mới nở. Bộ ba ngày nào đã thực sự đoàn viên.

Họ lại quanh quẩn với nhau không rời. Mâm cơm nhà Lam luôn có ba chiếc bát và ba đôi đũa, dù Tùng có sang hay không. Mãi mà Tùng cũng chưa lập gia đình.

Anh ngày càng uống rượu nhiều hơn và thở dài cũng nhiều hơn. Nhiều lần Thông bắt gặp ánh mắt Tùng đuổi theo lưng áo Lam đi ra vườn hoặc vào bếp.

Đêm ấy trăng sáng lắm, có thể nhìn rõ từng cánh hoa nhài ngậm sương lóng lánh ngoài vườn. Lam trải chiếu ngoài hiên, bày ra đĩa lạc rang và một chai rượu gạo nút lá chuối khô rồi đi ra sau giếng giặt giũ. Hai người lính phục viên rót cho nhau từng chén rượu bỏng cuống họng, đẩy qua đẩy lại đĩa lạc đang vơi dần.

– Sao chúng mày chưa có con? Tùng bất ngờ hỏi.

Thông cạn thêm chén nữa, khà lên một tiếng rồi gục gặc đầu:

– Hôm nay tao đang muốn nói hết cho mày nghe đây. Mày nghĩ tao cũng là thương binh chỉ nhờ vào mấy vết sẹo này thôi sao? Tao ích kỷ quá Tùng ạ. Lẽ ra tao phải đợi mày về, trao Lam cho mày vì tao biết mày đã yêu cô ấy từ khi còn đi học.

– Mày đang nói gì vậy? Tùng thẫn mặt.

– Là đàn ông với nhau lại là bạn thân của nhau mà sao tao hèn quá, giấu mãi sự thật. Tùng ơi! Cái lần bị thương ấy, một mảnh bom đã phạt đứt của tao mất rồi.

Thông nấc khan lên mấy tiếng – Lam biết nhưng vẫn đồng ý làm đám cưới. Nhưng tao biết cô ấy khao khát làm mẹ đến thế nào. Trời ơi! Khổ thân Lam của chúng mình. Lẽ nào cả đời cô ấy không được làm đàn bà dù chỉ một lần hả Tùng?

Tao cũng mấy lần đề nghị chia tay, giải thoát cho Lam mà cô ấy không chịu…

Thông gục vào hai đầu gối, vai rung bần bật. Tùng run run đánh đổ cốc rượu vừa rót vào đĩa lạc, đuôi lông mày giựt giựt liên hồi.

– Mấy hôm nữa tao vào miền Nam ít bữa – Thông ngẩng lên – đi tìm mộ liệt sĩ vì tay chân tao còn đầy đủ, tiện đi lại. Tùng, mày có tin tao không?

Tao nhờ mày ở nhà qua lại với Lam. Mày vẫn còn tay trái, đúng không? Mà mày vẫn thuận tay trái, đúng không?

Tao tin là mày giúp tao chăm sóc Lam được, đúng không? Có khi còn tốt hơn tao đấy, đúng không?

Trăng đổ lênh láng khắp nơi.

Thông để lại cho Lam một bức thư dài và bặt tin hơn hai năm.

Đêm trở lại, Thông run rẩy đứng thật lâu ngoài hàng rào bông bụt nhà mình, nửa muốn chạy ào vào nửa muốn quay ngoắt đi.

– Ai đó? – Tiếng Lam yếu ớt vọng ra – Ai đứng làm gì ngoài đó?

Thông bước vào.

Trong vùng sáng ềnh ệch màu da cam của ngọn đèn dầu – Lam – đầu trọc lốc, ngồi héo hắt bên cạnh một đứa trẻ dị dạng. Nó thao láo nhìn anh với đôi mắt không lẫn vào đâu được.

Đôi mắt của Tùng.

 

Bài viết khác

Người thầy và những tờ tiền cũ, ҳúc ᵭộпg câu chuyện ᵭầy ý nghĩα nhân văn

Cuối cùng nó cũng ᵭậu ᵭại học. Người ᵭầu tiên nó muốn thông Ьáo tin quαn tɾọng ấy không ρhải là Ьα hαy mẹ nó mà là người thầy kính yêu củα nó… Nhà nó nghèo, lại ᵭông αnh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy αi dám nghĩ ᵭến chuyện […]

Để có được khuông mặt đẹρ ở tuổi tɾung niên – Câu chuyện ý nghĩα sâu sắc

Mỗi người đều do chα mẹ sinh ɾα, nhưng khi lớn lên khuôn mặt sẽ thαy đổi dần theo tâm tính củα mình. Vậy nên văn hóα ρhương Đông vẫn cho ɾằng “tướng do tâm sinh” là vậy. Một lần, Tổng thống Mỹ, Abɾαhαm Lincoln ρhỏng vấn một ứng viên nαm đến làm nhân viên […]

Thành công từ việc nhỏ, cảm nhận một câu chuyện ý nghĩα và thật nhân văn

Một sinh viên sαu khi tốt nghiệρ đại học đến thành ρhố lớn tìm việc làm. Ròng ɾã cả tuần, hết nơi này đến nơi khác mà chẳng có kết quả gì. Lại không mαy khi đi xe Ьuý,t Ьị kẻ tɾộm móc ví, mất hết cả tiền lẫn giấy tờ tuỳ thân. Sαu 2 […]