Thôi ta về với lũy tre xanh, với ngôi nhà thân thương của ta.
Sau khi cúng 50 ngày cho ông xong, khách khứa đôi bên nội ngoại về hết. Các con bà hôm sau mới đi. Thế là từ nay chỉ còn lại một mình ở cái tuổi gần 60.
Các con đi rồi, căn nhà như rộng thênh thang. Vắng lặng! Hai cậu con trai sau khi học xong lấy vợ có con đều sống ở xa, đứa Hà Nội đứa Sài Gòn. Hôm nay bà dọn dẹp nhà cửa gọn gàng xong, sang mấy nhà hàng xóm cảm ơn bà con đã giúp đỡ mình khi có công việc. Vừa về đến nhà nghe có tiếng chuông điện thoại reo vang, nhấc ống nghe bên kia là tiếng con trai bà ở Hà Nội:
– Mẹ ơi! Mẹ đang làm gì thế? Đêm qua mẹ có ngủ được không? Cậu cả chỉ thương mẹ mất ngủ.
– Ừ con à, có ngủ ít thôi con! Con ở đâu mà có tiếng trẻ con thế?
– Mẹ ơi, hôm nay cô giúp việc nhà con xin nghỉ, về nhà chú ấy ốm đi viện sáng nay con vừa đưa cô ấy ra bến xe. Chúng con chưa tìm được ai, nên con phải nghỉ ở nhà trông cháu, mà công việc nhiều quá.
Lưỡng lự một lúc, bà thương con thương cháu nghĩ: Không ai chăm sóc cháu bằng bà.Ở nhà cũng buồn… Công việc xong xuôi rồi mình lên đỡ con nó khỏi phải đi thuê người vừa tốn tiền vừa không an tâm. Bà nói:
– Thôi để mai mẹ lên mẹ trông Cún cho!
Nghe tiếng con trai bà như reo lên trong máy:
– Vâng mẹ ơi! Thế thì hay quá. Mẹ giúp chúng con nhá, sáng mai mẹ lên sớm cho kịp giờ con đi làm mẹ ạ. Mẹ không phải mua gì xách cho nặng.
Thế là sáng hôm sau bà ra chợ mua các thứ gà vịt thịt bò vì ở nhà toàn chỗ quen biết nên mua yên tâm hơn, mua cả đồ ăn sáng. Lên đến Hà Nội các con còn chưa ngủ dậy. Từ đó bà ở hẳn với các con để trông cháu gái gần hai tuổi.
Trước khi đi, bà chỉ nghĩ lên đỡ đần con cái. Bà cũng đọc và nghe nhiều về việc mẹ chồng nàng dâu. Có những nhà “kinh nghiệm học” họ đã rút ra là người già chỉ thăm con cháu chứ không nên ở trông cháu… Nhưng bà nghĩ: Mình cứ yêu thương chăm sóc con cháu tận tình để giúp các con. Cứ coi con dâu như con gái thì chẳng có gì mà ngại.
Bà vốn tính tình hiền hậu nhẹ nhàng nên bà rất tự tin.
Ngày xưa bà cũng ở cùng với mẹ chồng 16 năm đấy thôi, những lúc con nhỏ,không có mẹ thì bí lắm chứ làm gì có người giúp việc như bây giờ. Làm gì có tiền mà thuê ai, Thời ấy mình nghèo quá, chạy ăn bữa đói bữa no, thương mẹ chồng phải chịu cực với mình. Biết mẹ ở nhà trông cháu một mình buồn nên những lúc đi về bà chuyện trò cởi mở với mẹ. Bà sưu tầm những mẩu chuyện hay và vui về đọc cho cụ nghe, nhiều buổi tối bà đọc truyện cho mẹ và các con cùng nghe.
Nhiều tối còn đánh tam cúc với mẹ, vì mẹ chồng bà rất thích chơi tam cúc mà cụ đánh rất giỏi nên bà toàn thua…Tuy vậy bà vẫn chơi để cụ vui. Rồi bà còn xin việc cho hai người em chồng về làm việc cho gần mẹ gần vợ chồng bà. Thấm thoát bây giờ bà đã lên chức bà nội nhanh thật!
Đêm cháu bé ngủ với bà, gần sáng bà nhẹ nhàng lừa cháu ngủ. Dậy sớm, thay vì đi tập thể dục cùng các bạn thì bà ra chợ mua thực phẩm về nấu ăn sáng nóng sốt cho con cháu để các con không phải đi ăn hàng, vừa vội lại không đảm bảo vệ sinh. Cả nhà ăn sáng xong các con đi làm và đưa cháu lớn đến lớp, cháu bé ở nhà bà dọn dẹp gọn gàng giặt phơi quần áo và trông cháu. Chiều về các con chỉ việc ăn cơm và nghỉ. Công việc cứ như thế lặp đi lặp lại. Bà cháu có nhau thật là ấm áp.
Có một điều bà thấy con dâu rất ít nói chuyện với bà. Thường một ngày được đúng ba câu: Sáng con đi thì “con chào mẹ!” Chiều về “Con chào mẹ” Và tối ăn cơm “con mời mẹ” Chấm hết. Có lúc bà gợi chuyện ra nói con cũng im.
Nhưng nó nói chuyện với chồng thì vừa nói vừa cười rất to. Bà cũng buồn mà không biết nói cùng ai. Mấy lần định hỏi con trai nhưng bà lại thôi. Bà nấu ăn, không thấy con dâu khen hay chê bà bao giờ, chỉ để ý nếu món gì con có vẻ ăn ngon thì cách một ngày bà lại mua về nấu. Bà nghĩ con bận rộn áp lực công việc, nghe nói làm việc với các công ty nước ngoài khổ lắm.
Lương thì cao thật đấy nhưng cạnh tranh khốc liệt lắm chứ không như ông bà ngày xưa đâu. Bà thấy nhiều đêm rất khuya con dâu bà vẫn phải trả lời với ông bà Tây nào đó bằng tiếng của họ vì múi giờ của họ khác mình. Nhiều lúc thương con thật sự, bạn con đến nhà nói con dâu bà ngày xưa học giỏi lắm, tốt nghiệp loại ưu của trường đại học Bà rất mừng vì nghĩ cháu mình cũng sẽ giỏi như mẹ nó. Con trai bà là kỹ sư xây dựng nên rất hay phải đi theo những công trình đọc miền đất nước.
Biết các con vất vả nên bà rất chăm chỉ. Các cháu lớn dần,đi học và ăn bán trú tại trường,nhàn rỗi bà đi kiếm đất trồng rau sạch về cho các con ăn.Bà tưởng các con sẽ rất vui khi được ăn những bó rau sạch của bà… Nhưng không, con dâu bà gọi điện cho mẹ cháu hàng tuần gửi rau ở quê lên. Mùa đông thì đỡ mùa hè rau bỏ vào thùng xe héo quắt mà vẫn phải ăn.
Một hôm bà dọn cơm ra bàn, con trai còn ở nhà tắm, con dâu bà bê đĩa thịt luộc ở mâm ra thái lại thật mỏng… bà không nói gì. Hôm sau ăn tối bà rửa bát xong thì con dâu lấy hết xuống rửa lại với nét mặt cau có… Bà tự nghĩ: Khôn ngoan ra thì ăn xong nó bảo mẹ để con rửa, mẹ nghỉ đi mà đi tập có phải tốt bao nhiêu không? Bà nghĩ rồi: thôi bà cũng đi về chứ nói cho con trai biết các con cãi nhau lại bảo tại bà. Có lẽ mình già rồi “nấu cơm không chín quét nhà không nên” đây…
Nhưng rồi đỉnh điểm là hôm đó sáng sớm bà đi tưới rau con dâu nấu một nồi cơm nếp vì nó nhão như cháo. Bà thấy còn nguyên đĩa to bà xúc cho cháu gái nó không ăn bà thử thì thấy nhạt không có muối bà nhỏ nhẹ: “Con ơi, nấu cơm nếp thì cho vài hạt muối cho đậm đà con ạ” con dâu bà bê cả đĩa đổ ụp vào thùng rác. Bà vẫn nhỏ nhẹ: “Ô, mẹ đã ăn đâu mà con đổ đi ? “Không ngờ con dâu bà quát to:
– Không đậm đà thì ăn làm gì!
Bà vẫn không nói gì. Sáng mai bà gọi hai vợ chồng ra và nói:
– Các con ạ giờ các cháu lớn rồi, không cần mẹ nữa, mẹ đi về đây! Khi nào cần mẹ lên giúp đỡ thì vợ chồng bàn nhau cho kỹ. Chia tay các cháu ra về, bà ôm hai cháu mà cố nén những giọt nước mắt đang rưng rưng…
Thế là bà về quê. Bà không muốn nói chuyện này cho con trai bà biết, sợ các con cãi nhau. Bà thấy buồn… Làm mẹ chồng bây giờ cũng khó thật đấy nhưng bà lại nghĩ: Không sao!
Nó đã h;ỗn l;áo gì với mình đâu, chẳng qua do mình cố chấp mà. Thôi ta về với lũy tre xanh, với ngôi nhà thân thương của ta. Về với những người bạn cùng phố, cùng nhau đi tập dưỡng sinh ở nhà văn hóa vào những buổi chiều. Ồ có lẽ cái nhà “kinh nghiệm học” nào đó họ nói có lý thật.
TG Nguyễn Thị Kim Chi