Thời bây giờ chữ hiếu của người con còn nhẹ hơn cả sợi “lông hồng”
Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện.
Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng:
– Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc Ba .
Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối:
– Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi!
Một cậu con trai khác cau lông mày, nói:
– Nói chung là ai cũng bận hết, với lại Ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu Ba rồi lỡ bị lây thì làm sao ?
Cô con dâu trưởng phán một câu:
-Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện.
Sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn.
Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người (ông cụ đã mất hết cảm giác vệ sinh), nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.
Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ.
Tiếc thay, sự chăm sóc của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ. Ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang?…
Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời:
– Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền ?
Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…
Trí tuệ cổ nhân, kỹ năng sống, suy ngẫm, bài học thành công hạnh phúc
st.