Bà đã ngoài 60, dáng người đậm, khuôn mặt phúc hậu, đầu để tóc ngắn với hơn nửa đã chuyển sang màu bạc, đôi mắt bà lúc nào cũng ngấn nước mặc dù bà không khóc. Bà sống với ông đã quá nửa cuộc đời, có với nhau một anh con trai sinh năm 1982. Con trai ông bà vẫn chưa lập gia đình, đang chạy taxi trên Sài Gòn.
Bà không khi nào bước chân ra khỏi nhà để xuống sân chung cư đi dạo, thể dục hay tám chuyện giết thời gian như các ông bà khác.
Ngoại trừ đi chợ buổi sáng mỗi ngày và chở ông đi viện khám bệnh 2 lần mỗi tháng, thỉnh thoảng ông bà cũng đưa nhau lên Sài Gòn khám tổng quát bằng xe limousine của hãng Hoa Mai. Thời gian còn lại là bà ở trong căn hộ 58m2 bị khóa chặt bằng 6 ổ khóa lớp trong lớp ngoài.
Mấy tháng trước, cả tầng xôn xao vụ bà bị đánh ghen. Bà cả và mấy người con cả trai lẫn gái kéo tới căn hộ của ông bà đập phá, chửi bới, họ đòi đuổi bà đi. Bà khóc, bà ngồi im, bà không đáp lại lời nào cũng không chống đỡ hay ngăn cản.
Bà để yên cho họ xả cơn tức giận lên đầu bà. Bà đã quen rồi… suốt 30 năm. Đó là cái giá bà phải chấp nhận khi quyết định sống chung không giá thú với một người đàn ông đã có gia đình. Bà không thể từ bỏ.
Khi quen ông, bà không hề biết ông đã có vợ con. Bà mồ côi cha mẹ, tự bươn trải nuôi sống bản thân từ khi còn nhỏ. Bà thấy mình may mắn khi gặp ông và được ông quan tâm, che chở. Sau này dù biết ông đã có vợ, dù bị đánh ghen nhiều lần, bà vẫn không thể rời xa ông.
– Đó là số phận của bà rồi, con ah. – Bà nói với tôi qua song cửa sắt đang bị khóa.
Tôi với bà chỉ có thể hỏi han nhau qua song cửa như thế, trong lén lút, khi ông không có nhà. Ông không cho phép bà ra ngoài, không cho phép bà giao tiếp với ai. Mỗi ngày ông đưa bà tiền để đi chợ. Khi về, bà phải báo cáo thu chi từng khoản nhỏ nhất cho ông. Bà không được phép cầm tiền.
– Tối qua, tụi nó gọi điện cho ông dặn trưa nay sẽ tới nhà ăn cơm. Có tổng cộng 11 người. Bà phải lục đục dậy từ 4h sáng đi chợ, nấu nướng cho kịp giờ. Thế mà con biết không, 11h bà nấu xong xuôi 2 mâm đầy thức ăn rồi thì tụi nó mới gọi báo không qua nữa. Chỗ đồ ăn này chắc 2 ông bà ăn cả tuần không hết. – Bà kể với tôi.
– Bà suy nghĩ về những gì con nói với bà hôm ở quán ăn chưa ạh? – Tôi không bình luận gì về câu chuyện bà vừa kể mà hỏi ngược lại bà.
Tôi nhớ lại, có lần giữa trưa mà trời nổi giông đen xì, mưa gió bật cả gốc cây trên đường, ai cũng đóng cửa nhà kín mít trừ khi có việc gấp lắm mới phải ra đường; vậy mà từ trên ban công nhìn xuống, tôi lại thấy dáng bà mặc áo mưa đi lang thang dọc đường ra hướng biển. Đoán có chuyện chẳng lành, tôi liền xuống hầm lấy xe đuổi theo bà.
Trời đang mưa như trút nước. Mặc dù có áo mưa nhưng tóc bà vẫn ướt nhẹp, nước mưa tạt tới tấp lên mặt bà.
– Bà nấu cơm xong rồi, mấy đứa con của ông từ Sài Gòn xuống ghé sang ăn nên bà phải ra ngoài tránh mặt. Khi nào họ ăn xong thì bà về. – Bà nói với tôi một cách bình thản như đây vốn là một chuyện rất bình thường với bà.
Tôi cũng không biết nên nói sao với bà nữa vì nếu bà là một đứa bạn của tôi thì đã bị tôi chửi cho không trượt phát nào.
– Con đưa bà đi ăn. – Tôi chỉ biết giúp bà tới đó.
– Bà ơi, con nói điều này bà đừng giận con nha. – Tôi ngập ngừng nhìn bà với ánh mắt đầy xót xa.
Bà im lặng như biết tôi muốn nói gì, điều mà tôi kìm nén bao lâu kể từ khi biết câu chuyện của bà.
– Bà hãy đi đi bà, bà đi lên Sài Gòn sống với con trai đi ah. Bà đã tự giam mình trong nhà tù do chính bà tạo ra suốt 30 năm rồi mà. – Tôi nói từng từ rành mạch với giọng điệu gấp gáp, hối thúc, giọt nước mắt của tôi lăn trên má nhưng ánh mắt vô cùng quả quyết.
– Bà phải ở với ông mới có tiền mua thuốc rồi khám bệnh con ah.
– Bà ơi, đành rằng bệnh phải dùng thuốc nhưng thuốc nào mà trị được tâm bệnh hả bà? Bà phải sống cho thanh thản, cho tự do. Bà phải đi ra ngoài hít thở khí trời, phải có bạn bè trò chuyện thì bà mới hết bệnh được. Mà ở tuổi này của bà rồi, sống nay chết mai, thà bà sống chỉ thêm 1 ngày nhưng phải cho ra sống chứ bà.
Bà im lặng.
– Bà đi đi, khi nào bà quyết định đi, con sẽ gửi bà một chút tiền để bà đi đường. Bà đừng lo về tiền. Bà hãy tự giải thoát mình đi. Bà trông chờ gì ở ông nữa?
– Tôi liên tiếp nói không ngừng như cơn lũ trào khỏi bờ đê. – Bà đi lên thành phố sống với con trai, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau còn thoải mải hơn bà ở đây thế này.
Đến đây, bà khóc. Bà ôm mặt khóc nức nở, bà nói trong cơn nấc nghẹn ngào:
– Hơn 30 năm qua, bà chỉ chờ một bữa cơm nhà hạnh phúc trọn vẹn, mà sao không có nổi con ơi…
Con tim chỉ đánh sai có một nhịp mà chân bước đi lạc cả đời. “Chọn con tim hay là nghe lý trí…” lời bài hát vang vọng mãi trong đầu tôi.
Sưu tầm.