Quả báo – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Khi về làm dâu nhà anh, chị mới mười tám tuổi. Con gái quê thời đó có chồng tuổi này chẳng ai bảo là sớm. Anh là con trai một, là cháu đích tôn. Ai cũng bảo họ nhà anh có phước lắm, vì ba anh đi kháng chiến hy sinh, kịp để lại giọt máu của mình, là anh.

Chị về làm dâu, ngoài mẹ chồng còn có bà nội. Ông nội vừa mất trước đó không lâu. Mẹ chồng kể, ông nội hiền, dễ tính chứ bà nội khó khăn lắm. Về làm dâu lúc mới 14 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà mẹ chồng chị phải quần quật suốt ngày, còn bị đối xử chẳng khác người ăn, kẻ ở trong nhà… Thấy chị tròn mắt , mẹ chồng nói liền:

– Con ngạc nhiên phải không? Cũng đúng thôi, vì về già bà đổi tính rồi đấy, chứ ngày xưa thì khiếp lắm…

 

 

Mẹ chồng chị cứ bảo người già khó tính, làm dâu phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói, nhưng thực ra chị không ngại bà nội. Bà hiền hậu, thương con, thương cháu, có gì không phải bà chỉ dạy hết lòng. Chị chỉ ngán mẹ chồng, tuy chưa già nhưng hay để ý, bắt bẻ đủ thứ.

Về nhà chồng không lâu, việc ngoài ruộng đến việc trong nhà từ từ mẹ chồng giao hết cho chị. Thời gian đó, chồng chị vừa xuất ngũ, mải lo tìm việc nên chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến chuyện vợ mình làm dâu tâm tư thế nào.

Gia đình chị cũng làm nông nên chị rành mọi việc, cứ nghĩ “làm dâu dễ ẹc chứ gì!”. Nhưng thực ra không đơn giản như chị nghĩ. Chuyện đồng áng, chuyện trong nhà, ngoài ngõ, nội trợ bếp núc cho đến chăm sóc người già… phải hiểu và chiều ý mẹ chồng mới mong yên thân.

Hồi mới về, chị nghĩ chỉ cần cố gắng làm tốt mọi chuyện là được, nhưng không phải, chỉ riêng chuyện chăm sóc bà nội, nếu chu đáo quá mẹ chồng cũng chẳng vừa ý. Tỷ như, đến bữa chưa thấy bà nội, chị vội đi tìm, nắm tay dắt bà ngồi xuống tận ghế, bới cơm, gắp thức ăn mời bà.

Kế đó mới gắp cho mẹ chồng và yên tâm mình chu toàn. Nhưng mẹ chồng bực bội gạt tay, lạnh lùng “khỏi gắp cho tui, tui có tay mà!”, khiến chị giật mình, hoang mang không biết mình làm gì sai.

Những lúc như thế, chị tưởng như mình đang bị thiêu trong ánh mắt rừng rực của mẹ chồng. Rồi cái nhìn xiên xéo, xóc tới xóc lui của bà như muốn nói, khôn hồn thì đừng có quan tâm quá đến người già ấy!

Vậy là, chị cứ phải dòm trước ngó sau, kín đáo, lén lút như kẻ trộm khi muốn chăm sóc bà nội. Rồi cũng đến ngày bà nội ra đi, như một sự giải thoát. Chị thấy nét mặt mẹ chồng giãn ra, tựa như trút được một gánh nặng.

Đó là chuyện của nhiều năm trước. Bây giờ chị đã trung niên, lứa tuổi mẹ chồng hồi đó. Chồng chị đã có một vị trí đáng kể trong xã hội, anh thường đi công tác, chắng mấy lúc ở nhà. Mọi chuyện trong nhà anh tin tưởng giao hết cho vợ, tùy nghi xử lý.

Mẹ chồng vẫn ở với vợ chồng chị. Bà không còn khỏe mạnh như trước và hiểu đã đến lúc phải phụ thuộc vào con cháu. Không biết có phải vì thế mà bà đổi tính, chẳng còn khắt khe, khó chịu, bắt bẻ chị từng tí như hồi xưa mà trở nên dễ dãi hẳn.

Chị cũng đổi tính. Ngẫm cho cùng thì tuổi tác, sự trải nghiệm và vị trí quan trọng trong nhà của chị đã khiến “mối tương quan” mẹ chồng-nàng dâu từ từ thay đổi theo cục diện mới. Cái sự ghét mẹ chồng ngày xưa đã phải giấu kín trong lòng giờ cứ thoải mái, vô tư bộc lộ.

Những hôm con trai đi vắng, đến bữa cơm nếu còn “sĩ diện” đợi con dâu mời, bà cụ chỉ có nước… đói! Mấy lần như thế, bà biết phải “tự thân vận động”.

Bà canh chừng lúc cơm canh vừa xong, thấy không có ai dưới bếp vội vàng xúc một tô cả cơm lẫn đồ ăn, bưng ra góc nhà sau, ăn trước cho chắc bụng. Chị phát hiện, dằn mâm xán chén rầm rầm, nhưng khi có anh ở nhà bảo mời mẹ ăn cơm, chị thẽ thọt:

– Anh về trễ, sợ mẹ chờ lâu đói bụng nên em nói bà ăn trước rồi!

Mẹ chồng đem chuyện bị con dâu hắt hủi kể lể với hàng xóm, có người cảm thông, thương hại, cũng có người rành chuyện nhà chồng chị trước đây, lén buông một câu gọn lỏn: “Đúng là quả báo!”. Chị nghe được, càng tin chắc mình làm đúng, mình chỉ là người có “sứ mệnh” biến luật nhân-quả ở đời thành sự thật mà thôi!

Chẳng biết mẹ chồng chị có còn nhớ những gì đã làm ở cái “thời của bà” hay không. Chỉ thấy, bình thường bà lầm lũi ra vào như một sự cam chịu.

Nhưng thỉnh thoảng bà bỗng tỏ ra thiếu kiềm chế, bóng gió chửi loại người sống thất đức, không cho bà ăn uống tử tế, đối xử tệ bạc với bà chẳng khác người ở, rồi khóc lóc kể với con trai. Nể vợ, con trai bà chỉ biết vò đầu bứt tai, thốt lên vài câu chẳng rõ chính kiến gì, kiểu như: “ Tôi đi làm kiếm tiền đã áp lực lắm rồi… để tôi yên”!

Công việc của chồng chị đang lúc thuận lợi. Sắp tới anh sẽ được thăng chức. Cứ cái đà này, có lẽ mẹ con chị chỉ cần ở không hưởng phước. Lâu nay làm phu nhân của sếp, chị đã thấy mình hơn hẳn nhiều người đàn bà khác trong xóm.

Chị tự thay đồi mình về hình thức đến cử chỉ, lời nói sao cho phù hợp với vị thế của chồng. Chị cho xây thêm một căn nhà be bé, đơn sơ ở sau vườn, tách hẳn căn nhà bốn tầng vợ chồng con cái chị đang ở, bảo để mẹ chồng ở riêng cho tiện vì người già thích yên tĩnh.

Thực ra, chị không thể chịu nổi mỗi lần có khách, bà cụ cứ rà rà tìm cách nói xấu con dâu; rồi tò mò khách là ai, đến làm gì, biếu gì… Đến bữa ăn, chị sai con đem cơm rau, cá vụn tới cho bà. Chị bảo người già không nên ăn đồ bổ vì bộ máy tiêu hóa đã yếu rồi, khó hấp thu, ăn vào chỉ tổ làm hỏng ruột, lại khổ thêm cho bà.

Mọi chuyện đang thuận buồm xuôi gió thì có chuyện động trời xảy ra. Bác sĩ phát hiện ra chồng chị bị ung thư giai đoạn cuối, cố gắng lắm cũng chỉ được vài ba tháng. Cả nhà chìm trong buồn bã, nặng nề và nuối tiếc.

Mọi chuyện đang tốt đẹp thế kia mà! Lo lắng, buồn đau nhất chính là mẹ chồng chị. Vừa nghe tin dữ của con trai bà đổ bệnh rồi đột nhiên qua đời. Nhiều người bất ngờ, thắc mắc bà cụ chỉ sốt, húng hắng ho, sao lại chết được?

Bà không đành lòng đưa tiễn con trai mình, hay bà sợ những gì đang đợi mình nên phải tự lo trước?… Thôi thì đủ kiểu đoán non đoán già, chả biết thế nào là đúng.

Tiễn chồng về thế giới bên kia, chỉ sau đám tang mẹ chồng hơn một tháng, chị cảm thấy nhà mình trống vắng quá chừng. Không hiểu sao cái nhà con con ở góc vườn bỗng trở nên u ám, làm chị chờn chợn mỗi khi vô tình chạm mắt về phía đó.

Con trai lớn ra trường, làm bác sĩ đã được hai năm trên thành phố, lâu lâu mới về vì rất bận. Nó yêu đứa con gái dân thành phố chính hiệu, đã đưa về nhà ra mắt mà chị chẳng mấy cảm tình, vì có nhiều điều không hợp ý một bà mẹ quê như chị.

Con gái nhỏ vừa học xong đại học, đang chờ xin việc, cũng đi suốt. Nó yêu một cậu trai cách nhà chưa đến hai chục cây số, gia đình khá giả, cũng đang rục rịch tính chuyện cưới xin thì phải ngưng lại. Người chết cũng đã chết rồi, nghĩ thế nên chị tính cho xả tang sớm, để không lỡ chuyện tụi nhỏ. Mà chị cũng mong có thêm người, nhà hiu quạnh quá.

Từ hôm ba mất, cuối tuần con trai chị lại về thăm mẹ. Tuần này nó cũng về, chị đi chợ sớm, định làm vài món nó thích. Trong nhà, chị hợp nhất với nó nên chiều lắm.

Đi chợ về, lặng lẽ xách giỏ xuống nhà sau, chị chợt khựng lại khi nghe hai con trò chuyện trên nhà.

– Út phải thông cảm cho anh chứ. Công việc của anh ở thành phố đang thuận lợi, lại có ba vợ tương lai đỡ đầu, không về được đâu. Mà… nếu có về, tụi anh cũng không ở chung với má được, má khó lắm, lại chẳng ưa cô ấy. Ở giữa, anh biết phải làm sao?

– Nhưng em là con gái, lại có anh trai, hổng lẽ để chồng em ở rể. Bên đó người ta giàu có, dễ gì chịu… Mà anh Hai tưởng em không ớn má sao? Bà nội già rồi còn bị bắt lỗi, bắt phải đủ kiểu, nói chi con rể! Ở chung trước sau thế nào cũng đụng chạm.

– Thôi để từ từ tính! Má còn khỏe ở một mình cũng được. Nếu cần kiếm ô sin cho má, khó gì đâu. Lâu lâu anh em mình ghé thăm chút, có khi lại… tình cảm hơn là sống chung.

Nghe hai con “chốt” lại như thế, chị như hóa đá. Không dưng, văng vẳng bên tai câu nói năm nào: “Đúng là quả báo…”.

Sưu tầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *