Người mẹ và 15 tấm ảnh – Câu chuyện cảm động về người mẹ có tấm lòng bồ tát

Trong khi đó hình ảnh thùng hàng từ nước ngoài của những người con bác hàng xóm mỗi tháng gởi về, được đổi thành gạo, thành xe, thành những bữa cơm no đủ thừa mứa… lúc nào cũng ám ảnh, thôi thúc tôi.

Bấy giờ tôi có một đứa bạn thân nhà rất giàu có. Mẹ nó rất thương và nhận tôi làm con nuôi. Bà định lo cho hai đứa tôi vượt biên. Lúc đầu tôi từ chối vì tuy khổ cực nhưng gia đình tôi rất gắn bó, quây quần, quấn quít nhau. Nhưng sau thì….

Chuyến đi đó đến giờ vẫn là một ám ảnh trong ký ức tôi…

Sau hai ngày chui nhủi trong ngôi nhà rách nát, hoang phế rất sâu trong một cánh rừng ngập mặn ở Rạch Giá, chúng tôi mới được người dẫn đường đưa xuống một chiếc xuồng con. Chiếc xuồng tơi tả nhưng đã chất hơn 15 người.

 

 

Ì ạch, tròng trành mãi rồi đùng một cái đường dây động, không biết tin báo từ đâu mà cả xuồng nhốn nháo và cuối cùng cả hai chục người nhào xuống nước bơi lấy bơi để, mạnh ai nấy chạy. Tôi và cô bạn lạc nhau. Vừa lạnh, vừa sợ, tôi không biết chạy đi đâu, thế là chịu trận ngồi trong mấy bụi ô rô đến mờ sáng.

Đến lúc tôi sắp ngất đi vì quá lạnh thì có bàn tay ai đó kéo tôi lên một chiếc xuồng và đưa đến một cái chòi. Ở đó, tôi được đắp chiếu ủ ấm và ngủ mê mệt . Đến lúc tỉnh dậy thì trời sụp tối.

Đang ngơ ngác không biết mình ở đâu thì một bà lão từ ngoài đi vào đưa cho tôi tô cơm đầy ụ, trên có mấy miếng tàu hũ và ít giá xào. Cha mẹ ơi, hình như đã lâu lắm rồi tôi mới được ăn một bữa cơm không độn ngon và thỏa thích như thế.

Suốt trong lúc tôi ăn, bà cụ vẫn chẳng nói tiếng nào, chỉ lẳng lặng ngồi dựa bậu cửa dưới đất, vấn thuốc hút hết điếu này đến điếu khác.

Ăn hết tô cơm, uống một hơi hết ca nước đầy, tôi mới tỉnh trí dòm xung quanh nhà và giật bắn người khi nhìn lên bàn thờ trong góc nhà.

Bên trên bàn thờ là hình Bác Hồ cạnh lá cờ đỏ sao vàng, bên dưới là 15 tấm ảnh nhỏ lít nhít .

Tôi sợ hãi thầm nhủ:

“Chết cha, lạc vô gia đình cách mạng rồi ! Bà cụ cho mình ăn bữa cơm cuối trước khi đi tù đây mà…”. Thế là một cảm giác lạnh ngắt chạy dọc xuống sống lưng. Tôi đang bối rối tính đường trốn thì bà cụ lên tiếng, giọng trầm đục:

” Bây no chưa? Có bộ đồ dưới ván, đi tắm đi, nước bà dộng đầy lu rồi”.

Thấy tôi còn ngần ngừ chưa đi, bà hỏi tiếp :

“Bây đi vượt biên phải không? Trời ơi, chút xíu mà bỏ cha mẹ đi làm chi con? Mà cha mẹ bây cũng kỳ, quê kiểng mình không ở, cho con đi làm chi”.

Nghe bà hỏi đến đó, tôi đã nghĩ:

Mình đâu còn gì để mất, bất quá thì cũng đi tù… Thế là tôi ấm ức tuôn ra hàng tràng những “bất mãn chế độ”, rồi kể luôn lý do vì sao tôi phải đi vượt biên. Bà cụ vẫn tỉnh bơ ngồi nghe, đến lúc tôi ngưng lại thì bà dụi thuốc, gọi tôi đến gần. Xoa tóc tôi, bà chỉ tay lên bàn thờ, chổ có 15 tấm ảnh nhỏ, với giọng rất nhẹ, nghe rất lạ, bà nói:

“Đó là chồng – các con – ba người em của chồng – và một người em của bà đã chết trong những trận chống càn với Mỹ…”

Bà nói giọng rất tỉnh nhưng nói đến đâu là tôi lạnh toát người đến đó:

“15 kiểu chết à con. Có lần chết 3 người một lúc. Bà khóc riết rồi cũng không còn nước mắt mà khóc. Chiếu lấy ra đắp chôn đến độ cũng chẳng còn chiếc nào.

Vậy mà bây giờ bà cũng đâu có sướng hơn hồi đó bao nhiêu. Chỉ sướng có một cái là đêm nằm không còn giật mình sợ pháo bắn bậy, hỏa châu thả bạ cháy nhà, chết người nữa thôi.

Tụi cán bộ xã cứ đòi cất nhà trên lộ, đưa bà ra đó ở. Nhưng bà không chịu, bà nói chỉ cần tụi bây lo cho bà con sống đúng như tụi bây hứa: Độc lập rồi phơi cái nong giữa trời mà ngủ, no cái bụng, ấm cái áo là má ưng rồi.

Ai mà không qua cảnh khổ con à, nhưng bây bỏ đi như vầy ba má bây cũng cầm bằng mất một đứa con – mà mất cũng giống như bà – chờ đợi phập phồng mà mất. Nếu bây hỏi ý chắc ông bà già bây không cho bây đi đâu. Không có ai đẩy con mình vô chổ chết để có đồng tiền, con à!

Có chắc bây nuôi má hông hay là bây nuôi cá…

Thôi bây vô tắm đi rồi đi ngủ. Mai hồi rồi bà tìm cách đưa bây ra lộ về trển…”

Ba ngày sau tôi về đến nhà. Bố mẹ, ông bà, các anh chị nhìn thấy tôi ai nấy đều khóc. Tôi được bà cụ cho môt ít gạo, đậu để – như bà nói:

” Cho bây lận lưng tìm đường về nhà”.

Trong túi nóp đựng gạo tôi thấy bà nhét một cái khăn nhỏ, mở khăn ra tôi thấy có tờ 5 đồng mới tinh, chắc bà để dành lâu lắm rồi…

Bố mẹ tôi sau đó cứ trách mãi chuyện tôi không hỏi tên bà cụ, không ghi lại địa chỉ để ông bà tìm xuống tận nơi cảm ơn.

Cô bạn tôi cũng được một người tốt bụng ở vùng ấy giúp về nhà, rồi sau cũng ra đi.

Còn tôi, tôi ở lại…

Trong suốt chiều dài chạy nhảy hơn 25 năm qua, dù không một lần trở lại, không một lần tôi nói cho bất kỳ ai về chuyến đi vượt biên ám ảnh đó, nhưng cứ mỗi lần nản lòng và bức bối một điều gì đó làm tôi muốn rũ bỏ tất cả, thì hình ảnh bà cụ nơi làng quê ấy, cái chòi sát mép sông có bàn thờ 15 liệt sĩ ấy, bát cơm, túi gạo đậu và tờ giấy bạc 5 đồng của bà lại hiện lên trong tôi và lòng tôi lắng xuống, BÌNH YÊN LẠ THƯỜNG…..

Tác giả : Minh Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *