Người anh nuôi – Chuyện cảm động đầy thiêng liêng về tình cảm mẫu tử

Người anh nuôi – Chuyện cảm động đầy thiêng liêng về tình cảm mẫu tử

Đêm đã khuya, đường im vắng không còn dáng người nào, chỉ còn lại tiếng bước vội vã rơi xuống lòng đường trong tĩnh lặng. Ánh trăng soi sáng dẫn lối Thiện trở về nhà bên bước chân mỏi mệt, mồ hôi ướt đẫm tấm áo.

Đêm nào cũng thế, phải gần 0 giờ anh mới tới được nhà. Công việc bốc vác ở bến lúa khá cực nhọc đối với Thiện. Tuy còn trẻ nhưng sức khỏe đã suy yếu trước tuổi. Người ta xong việc về nhà nghỉ ngơi từ rất sớm, riêng anh cứ mệt rồi ngưng việc nên muộn hơn bất cứ ai.

Anh về ăn vội chén cơm, tắm rửa vào mùng ngủ đã qua hết 1 ngày. Cha mẹ mất khi Thiện mới chín tuổi. Ông Năm nhà bên cạnh thấy tội nghiệp mang về nuôi cho tới ngày hôm nay. Mang tiếng con nuôi nhưng chẳng khác nào như máu mủ trong nhà. Vợ chồng ông Năm thương yêu như chính ba đứa con ruột của mình.

 

 

Nhà ông Năm có ba người con, một trai hai gái, thêm Thiện là bốn người. Hai người con đi lấy chồng trên huyện, con trai út vừa lập gia đình sống cùng ông Năm, riêng Thiện đã hơn ba mươi tuổi vẫn chưa vợ con gì.

Họ yêu thương nhau sống hòa thuận như anh em một nhà chưa bao giờ họ phân biệt giữa con ruột với con ghẻ. Bà Năm lúc sinh thời đã dạy bảo như thế, đến khi mất họ luôn giữ mối hòa thuận đùm bọc với nhau.

Đó là điều ông Năm rất vui lẫn hạnh phúc bên bốn người con của mình. Có thể nói ông là người có phước. Tuy hai người con gái đã có gia đình sống riêng biệt nhưng họ vẫn thường cho tiền hoặc mua những thứ ngon nhất dành cho ông.

Tất cả đều học thành tài, có nghề nghiệp ổn định với đồng lương kha khá. Cả ba người đều làm chuyên ngành cho cơ quan nhà nước. Riêng Thiện chỉ học tới lớp 6, chán rồi nghỉ, chẳng có trình độ giờ đành phải đi bốc vác kiếm từng đồng rồi trở về rất khuya.

Không vì lý do ấy mà quý ba người con, ngược lại ông thương anh nhiều hơn so với mấy đứa con ruột. Những lần họ đưa tiền xài, ông đều giấu lại một ít để cho riêng Thiện nhưng chưa lần nào anh ngửa tay nhận. Thừa hiểu cha đã già không còn sức lao động, chẳng làm gì ra tiền.

Vì lẽ đó mà anh không nhận tiền từ cha nuôi dù bất cứ đồng nào. Đôi khi Thiện cho tiền, ông cứ chần chừ không muốn lấy, cũng chẳng thể từ chối để anh có thể vui lòng như ba đứa con ruột.

Một buổi sáng tiếng gà gáy vang sau nhà, ông Năm thức dậy uống trà như thường nhật. Ông có một thói quen khi đi rửa mặt ngang qua chỗ Thiện nằm, hay ghé lại kiểm tra xem tối qua ngủ đậy mùng kỹ không? Chiếc đèn pin nhỏ thường pha vào, có con muỗi nào trong ấy không?

Yên tâm, mới trở lên nhà trên uống trà đọc báo. Thói quen này hình như không dành cho ba người con ruột thuở còn đầy đủ trong nhà. Thiện thức dậy với cơ thể uể oải sau một đêm mệt nhọc ở bến lúa.

Anh bước xuống giường đi lên nhà trên, thấy cha ngồi với vẻ mặt trầm ngâm như đang nghĩ ngợi điều gì đó bên vạt khói trắng. Tay ông ôm khư khư chiếc hộp, đôi mắt cứ nhìn lên bàn thờ nơi có di ảnh vợ. Thiện chưa từng thấy cái hộp này bao giờ. Anh bước lại gần ông rồi nói.

“Tía đang nghĩ gì mà đốt điếu thuốc để đó sắp tàn tới hết luôn rồi?”. – Thiện hỏi.

“Sao mày không ngủ thêm lát nữa đi hai, trời còn sớm mà?”. – Ông Năm nói.

“Con dậy giờ này quen rồi, cứ tới giờ là tự nhiên thức, với lại dậy để Tía có gì sai bảo không?”. – Thiện nói.

“Tía dặn đừng đi bốc vác, sao mày không nghe vậy hai?”. –

“Ủa sao Tía biết con đi bốc vác?”. – Thiện hỏi lại với vẻ mặt ngạc nhiên.

“Mày đừng nói dối Tía nữa. Cứ nói là đi làm việc nhẹ một lát rồi về, mà thật ra là đang vất vả ở bến lúa. Hồi sáng Tía đi rửa mặt thấy cái áo treo trên móc, phía vai áo có dính màu đỏ của vỏ bao vừa mới nhuộm”. – Ông Năm nói.

“Tía yên tâm, con làm từ từ rồi nghỉ mệt, chứ đâu có liên tục như mấy anh chuyên nghiệp đâu”. – Thiện nói

“Mày có biết sức khỏe đang yếu, hạn chế làm việc nặng không hai. Không có tiền thì cứ nói tía cho”. – Ông Năm khuyên bảo.

“Dạ con biết, nhưng ở nhà không có gì làm cũng buồn chán. Tía đang ôm cái hộp gì vậy?”. – Thiện hỏi.

“Đây là cái hộp có đựng tờ di chúc của má bây trước khi mất, sau này có chia tài sản thì cứ theo nguyện vọng của người đã khuất. Định kêu vợ chồng con Thu, con Kiều, chiều về đây, sẵn đó Tía tuyên bố tài sản trong di chúc. Cũng gần tới ngày giỗ rồi. Ôi! Lại một năm nữa trôi qua”. – Ông Năm thở dài như đếm thời gian.

“Dạ, ngày mai là giỗ Má rồi đó Tía”. – Thiện lẩm nhẩm chợt nhớ ra rồi reo lên.

“Đúng vậy, vì lẽ đó Tía muốn các con nhận tài sản rồi vui vẻ trong ngày giỗ. Để bà thấy an lòng nơi chín suối khi tâm nguyện đã đâu vào đó”.

“Vợ chồng thằng út Tâm dậy chưa. Nếu dậy rồi thì kêu ra đây Tía biểu. Hoặc nhắn nó báo cho con Thu với con Kiều biết chiều nay về! Tía họp gia đình”.

“Dạ, chắc vợ chồng đã dậy. Cũng sắp tới giờ chú Út đi làm, để con vào gọi rồi lên chợ mua đồ ăn sáng cho Tía”.

“Ừa, đi đi con”.

Thiện vào gọi, một lát tiếng xe của chú Út rồ máy đi khuất cuối hàng ba. Họ là dân làm việc thường ăn sáng ở gần cơ quan, chỉ có anh với ông là thường hay ăn ở nhà. Cũng là người gần gũi nhiều nhất so với ba người con ruột.

Đến chiều tất cả các thành viên trong gia đình đều có mặt. Ông lặng lẽ thắp nén hương cho người vợ quá cố, mở hộc tủ lấy chiếc hộp mà lúc sáng đã ôm giữ trong lòng. Nhìn từng người con của mình rồi nói.

“Hôm nay có mặt đông đủ các con, tía muốn đọc tờ di chúc của má để lại. Đó là nguyện vọng của bà trước khi nhắm mắt xuôi tay”.
Họ im lặng chú tâm lắng nghe những gì trong tờ di chúc.

“Thằng hai vốn dĩ là con nuôi trong nhà, nhưng chưa bao giờ ba má xem là người ngoài. Nay chia cho nó 30% tài sản đang có. Thu với con Kiều là phận đàn bà, rồi cũng đi lấy chồng làm dâu nhà người ta, không có gánh vác gì nhiều về cái gia đình này, nên chia cho mỗi đứa 20%. Thằng Tâm là con út, sau này thờ phụng, gánh vác tất cả má sẽ chia cho 30% kèm với căn nhà hương hỏa”.

Họ nhìn nhau không nói được lời nào. Cuối cùng ông Năm phải lên tiếng.

“Các con có ý kiến gì không? Đó là nguyện vọng của má khi còn sống”.

Tâm nói trong sự ngỡ ngàng.

“Nguyện vọng gì kỳ vậy Tía, sao con chỉ có 30% bằng anh hai, trong khi đó con gánh muốn sụm cái vai. Còn anh Thiện có làm gì đâu mà ngang ngửa với con”.

Ông nhìn sang người con gái thứ ba rồi nói.

“Còn con Thu! Mày có ý kiến gì không? Nói Tía nghe?”.

Thu nói ngay không cần suy nghĩ.

“Con không đồng ý với cách chia của má?”.

“Tại sao?”.- Ông Năm hỏi lại.

“Là con ruột mà chia có 20% thua cả đứa con ghẻ. Trên đời này có ai chia tài sản mà lạ lùng như má bao giờ”.

Ông nhìn sang người con thứ tư.

“Còn Kiều. Ý con sao? Nói cho Tía biết”. – Ông Năm nghiêm túc hỏi con.

“Con cũng như ý chị ba, không tán thành cách chia này của má”.

Ông nhìn sang Thiện rồi nói.

“Rồi thằng hai, ý mày như thế nào nói rõ ràng cho Tía biết?”.

“Dạ con chỉ lấy 10%, phần còn lại…”. – Thiện bỏ ngang câu nói.

Thu nghe vậy lên tiếng.

“Tôi nói thật, riêng anh 1% cũng không có chứ đừng nói gì là 10%. Đòi hỏi gì mà quá đáng vậy”.

Kiều cũng xen vào.

“Anh nên biết điều. Đâu phải máu mủ, ruột rà gì với cái nhà này, không có phần là đúng. Anh nghĩ thử coi, nếu không có ba má cưu mang thì bây giờ anh ra sao? Cái nào cho ra cái đó.”
Tâm cũng ý kiến vào.

“10% kìa nói nghe mắc cười không? Ba má đã nuôi từ nhỏ cho tới lớn, nhưng không phải là máu mủ ruột rà, dù biết anh luôn nhường nhịn không tranh giành hơn thua với các em, nhưng việc nào ra việc nấy, tài sản là của nhà này do cha mẹ và các con làm ra gây dựng nên mới có.

Nó phải thuộc về các thành viên chính thức. Tôi cho anh ở trong căn nhà này là may phước lắm rồi, còn chia với chác gì nữa. Anh lớn rồi phải biết tự lập. Tự ra ngoài làm ăn với người ta, chẳng lẽ suốt đời nằm vạ bắt đền ông già mãi như thế này sao. Ăn nhờ ở đậu trong nhà này bấy lâu bộ không thấy nhục hay sao mà còn giành phần chia tài sản”.

“Anh có giành bao giờ đâu! Xin 10% là để lo cho Tía”.

“Thôi thôi khỏi, bớt lo lại, không ai nhờ! Đây đây có giấy trắng mực đen. Nhà này là của tôi, Tía tôi lo, không liên quan gì đến anh. Đã quá rõ ràng như thế mà”

“Nếu chú Út lo được thì cứ lo. Vì anh thấy vợ chồng chú suốt ngày vắng nhà, chỉ có Tía thui thủi một mình. Lỡ Tía đau ốm thì sao đây?”

“Nói nghe mắc cười thật, vắng hay ở là chuyện riêng. Miễn sao tôi lo đầy đủ cho Tía thì được rồi. Không cần anh phải lo xa bận tâm. Tôi là con út kia mà.

Thiện buồn bã, chưa bao giờ anh nhận những lời như thế từ các em. Lúc nào cũng hòa thuận, vui vẻ, thương yêu. Vậy mà hôm nay chỉ vì tờ di chúc, nỡ lòng tặng cho anh những lời nghiệt ngã cay cú. Anh im lặng. Ông Năm nói thật lớn như trút đi cơn giận.

“Mày vừa nói cái gì? Nhà nào là của mày? Bỏ tiền ra từ khi nào? Giấy tờ ai đứng tên?. Thằng Thiện có quyền ở đây, tới khi nào có vợ thì nó ra riêng. Cái nhà này, tất cả của cải tài sản đều là của tao. Nó cũng là thành viên trong gia đình! Tao cho phép ở. Đây là tao nói, cấm tuyệt đối đứa nào trái ý, nghe chưa”.

Ông hét lớn rồi lắc đầu rồi thở dài! Thiện đến an ủi. Biết trước chuyện này không bao lâu sẽ xảy ra vì hiểu rõ bản chất trong mỗi đứa con! Nhưng không công bố cũng chẳng được, vì sau này các con sẽ trách cha mẹ thiếu công bằng.

Hàng đêm ông ôm cái hộp với mong muốn khi chia tài sản các thành viên đừng gây bất hòa, chiến tranh nội bộ làm mích lòng nhau sinh ra thù ghét. Thu lên tiếng để trấn an.

“Thôi thì cái chuyện chia tài sản để tính sau. Tía bớt nóng giận. Hồi đó chắc má nhầm lẫn điều gì đó, cũng có thể lúc bệnh sắp lâm chung nên chưa kịp suy nghĩ kỹ.

Thôi thì sau này Tía xét lại cho tụi con cũng được”.

“Ý của Tía cũng nhất trí với nguyện vọng ấy”.

Kiều nói nhanh vội vàng.

“Vậy sao được, tính tới tính lui gì thì anh hai cũng được 30%. Chắc có lẽ anh hai luôn gần Tía còn tụi con thì không nên chia cho anh hai nhiều hơn phải không Tía?”.
Út Tâm cũng nói vào.

“Tía chia như vậy là không công bằng. Người ngoài mà chia tài sản hơn người nhà coi sao được. Chúng con luôn hiếu thảo với ba má, đâu phải chỉ có anh Thiện con ghẻ mới sống hiếu đạo đâu”.

Ông đứng nhìn út Tâm rồi nghiêm giọng.

“Mày cứ mở miệng ra là người ngoài với người trong. Tao cấm tuyệt đối từ nay về sau đứa nào còn phân biệt ruột với ghẻ. Nguyện vọng của người mang nặng đẻ đau mà bây còn không tôn kính. Tao chết đi rồi thì việc anh em tranh giành giết hại lẫn nhau là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Tụi bây có ăn học dạy dỗ đàng hoàng, mà sao cái đạo lý làm người lại không thông suốt. Tao cứ chia như trong tờ di chúc, đứa nào lấy thì lấy, không lấy thì để nguyên đó”.

Họ giận bỏ ra về! Ông Năm và Thiện đứng đó nhìn nhau thở dài trong căn nhà vốn dĩ từ trước cho tới giờ chưa từng xảy ra chuyện giận hờn to tiếng. Anh nhìn Tía rồi thì thầm.

“Thưa Tía! Thấy các em nói đúng. Tía nên chia lại cho mọi người được mãn nguyện, con không cần tài sản này đâu. Sống với Tía, Má từ nhỏ cho tới lớn là quá hạnh phúc rồi. Còn về phần tài sản tía cứ chia hết cho các em. Con một thân một mình không có cũng không sao. Các em đã có gia đình nên cần đến số ấy để lo cho mọi chuyện về sau.

“Mày ăn nói gì kỳ vậy hai. Riết rồi cái nhà này muốn loạn lên hết. Con cái cãi lại lời cha mẹ. Nhìn di ảnh bàn thờ đi rồi hãy nói. Tao lặp lại một lần nữa, Má bây chia, đó cũng là nguyện vọng lúc sinh thời, chứ Tía có chia chác gì đâu! Nếu tao mà chia là không cho bất cứ đứa nào hết, vậy cho êm chuyện. Được rồi, không bàn tới việc này nữa?”.

Biết khó có thể thuyết phục được Tía nên anh chỉ biết im lặng xuôi theo chỉ đạo của ông. Sáng đó là ngày giỗ của má nuôi, Thu với Kiều không về vì còn giận việc chia tài sản thiếu công bằng của má trong tờ di chúc. Tâm cũng chở vợ đi chứ nhất quyết không chịu ở nhà cúng kiến giỗ chạp như mọi năm.

Từ đó họ từ mặt không nói chuyện với Thiện vì cho rằng anh đã dụ dỗ ông Năm để làm tờ di chúc nhằm chiếm đoạt của cải tài sản. Tờ di chúc ấy chắc chắn không phải của Má viết lúc còn sống mà chỉ mới sau này. Đám giỗ lần này chỉ có hai cha con.

Ông Năm mặt buồn hiu nhìn xung quanh căn nhà đầy vắng lặng rồi thở dài ngao ngán. Năm nào cũng đầy đủ con cháu, chỉ vì chuyện chia tài sản mà không đứa nào chịu về thắp nén nhang. Ông cũng cảm thấy hối hận về chuyện sớm công bố tờ di chúc.

Cứ đinh ninh rằng ngày giỗ ba các con sẽ nể mặt khi nghĩ tới công ơn sinh thành dưỡng nuôi mà chấp nhận theo ý nguyện. Hóa ra đã quá sai lầm! Chúng xem tài sản hơn tình cảm thiêng liêng. Ông đốt nhang cho vợ hai hàng nước mắt chảy dài.

Tối đó anh trăn trở nằm suy nghĩ về chuyện chia tài sản. Lại nghe những câu nói đau lòng từ các em mà vốn dĩ trước giờ chưa từng có. Anh nghĩ tất cả đều do mình nên anh em mới mất hòa khí, hờn cha giận mẹ, từ thương yêu trở thành căm ghét.

Tài sản ấy vốn dĩ không thuộc về anh, chỉ là con nuôi nên chẳng được quyền thừa hưởng nó! Đúng hơn là của các em, không thể nào ở đây tranh giành như thế cho được. Anh sẽ khăn gói bỏ nhà ra đi trong khuya nay, chỉ có thế các em mới được vui lòng, trở lại hiếu thuận như lúc mới ban đầu chưa chia tài sản.

Lục đục xếp quần áo bỏ vào chiếc ba lô, đợi Tía ngủ sẽ rời khỏi đây ngay. Buồn nhất là phải xa căn nhà anh đã sống từ lúc nhỏ cho tới nay. Xa người cha già sức khỏe suy yếu luôn cần anh chăm sóc như thời gian vừa qua vì Tâm thường xuyên đi vắng nhà.

Tuy chỉ là con nuôi nhưng hết mực thương yêu như chính ruột thịt. Anh không thể nào vô ơn lựa chọn ra đi từ bỏ trách nhiệm nếu không có chuyện chia tài sản thì việc đau buồn này sẽ hoàn toàn không xảy ra như hôm nay.

Anh lên nhà trên thấy Tía đã ngủ say. Lấy trong túi một xấp tiền bỏ lên đầu gối nơi ông đang nằm rồi lặng lẽ mở cửa bước chân ra đi. Đến đầu ngõ đứng nhìn căn nhà một lát thay cho lời từ biệt. Anh không biết mình phải đi về đâu?

Làm gì? Tóm lại cứ đi, càng xa càng tốt, đi khỏi căn nhà này trả lại thoải mái cho các em. Sáng sớm ông Năm thức dậy, vẫn như thói quen cũ đi ngang qua nơi Thiện ngủ không thấy anh đâu. Nhìn cái sào đồ trống trơn biết anh đã bỏ nhà đi nhằm tránh việc thừa hưởng tài sản như trong tờ di chúc. Ông buồn bã ngồi tần ngần, trở lại nhà trên uống trà, mắt nhìn ra đầu ngõ xa xăm.

Tâm thức dậy cái miệng ngáp ngắn ngáp dài chưa tỉnh ngủ hẳn, ông gọi to.

“Thằng Út, lại đây cho tía biểu”.

Tâm lấy tay che miệng trong cơn ngáp rồi trả lời.

“Dạ, có gì không Tía”.

“Thằng hai đã bỏ nhà ra đi vì sao gì mày biết không?

Tâm chưa kịp nói ông đã vội vàng trả lời thay.

“Vì nó không muốn anh em trong nhà mất lòng nhau chỉ vì vấn đề chia tài sản”.

“Hả. Thật hả tía”.

Tâm như tỉnh ngủ hẳn ra, tâm trạng phơi phới, gương mặt tươi rói. Ông Năm nói tiếp.

“Mày nói với hai đứa chị, kêu chiều về đây Tía có chuyện muốn nói gấp. Nếu tụi nó không về thì từ nay về sau đừng bao giờ nhìn mặt ông già này thêm bất cứ lần nào nữa”.

Nói xong ông bỏ đi ra sau với tâm trạng nặng nề. Chiều đó, hai người con gái cũng trở về, vì hiểu tính khí của cha mình. Ông lấy ra một tờ giấy cũ kỹ đã xếp lại, ngồi xuống ghế nhìn thẳng ba người con rồi nói.

“Thằng hai đã bỏ nhà đi từ tối qua! Giờ thì các con thấy vui chưa? Có ai sợ mất phần chê ít nữa không? Thằng Út đọc lá thư của má mày viết khi còn sống cho hai đứa chị nghe”. – Ông nói như ra lệnh.

Tâm cầm tờ giấy ông trao lòng đầy hồi hộp, không biết má đã viết gì trong đó. Mở ra coi đúng thật là nét chữ của bà. Những dòng đã lem màu mực theo thời gian, vẫn đọc ra được đầy đủ ý nghĩa của nội dung trong thư.

“Các con thân yêu của má, khi đọc được lá thư này thì má đã ra người thiên cổ. Đang nằm trong bệnh viện viết vài dòng với những cơn đau cứ hành hạ thân xác. Mừng vì cả ba đứa đều học hành tới nơi tới chốn, có công việc ổn định đúng với ngành nghề các con đã chọn!

Má không còn lo nữa. Riêng về phần anh hai thì không được như ba đứa còn lại! Nó mồ côi hồi còn bé tí. Từ nhỏ đã đi chăn trâu chăn bò thuê, lớn lên thì nghỉ học để nhường lại cho các em.

Nếu tiếp tục học sẽ tốn thêm nhiều tiền, đành đi bán hàng rong mà lo cho ba đứa được ngồi ghế nhà trường, học hành như người ta. Trong thời gian các con êm ấm đủ đầy thì anh hai bên ngoài dầm mưa dãi nắng, kiếm từng đồng để gia đình trang trải.

Hồi đó nhà mình rất nghèo anh hai kiên quyết nghỉ học, để trở thành lao động chính, mặc dù Tía, Má đã hết sức phản đối nhưng chẳng thay đổi được ý định. Có lẽ anh hai quá thương các em, biết gia cảnh nghèo túng khó khăn, nên quyết hy sinh tương lai mình cho đàn em no ấm có tương lai rạng rỡ.

Nghĩ tới điều này Tía, Má thấy cắn rứt, bởi quá nghèo nên chẳng lo cho anh hai đầy đủ như các con mặc dù biết nó sẽ chấp nhận hy sinh vì tất cả cái nhà này. Anh hai nhịn đói, nhịn khát, nhường đồ ăn ngon cho các em.

Tía bị bệnh không làm được gì một tay anh hai lo chu toàn hết tất cả. Út Tâm hay chê anh hai yếu không làm được việc gì nặng nhọc, nhưng không biết rằng, Út đang mang trong người quả thận của anh hai! Chính anh đã hiến để cứu nó sống cho tới ngày hôm nay. Kể từ thời gian ấy, anh hai đã suy yếu, không làm được việc nặng.

Con Thu thường nói, anh hai có cái chân đi cà nhắc trông xấu xí vô cùng! Nhưng con nhớ lại xem, lúc nhỏ ham thả diều, diều bị đứt dây vướng lên ngọn cây! Khóc lóc cả buổi chiều đòi lấy xuống cho bằng được nhất quyết không chịu con ăn cơm! Vì quá thương em anh hai phải leo lên lấy rồi té xuống bị gãy chân. Anh đi cà nhắc kể từ ấy

Con Kiều ngày đó hay chê anh hai cái tay lồi lõm trông thật đáng sợ. Nhưng chắc lúc nhỏ không biết, vết sẹo ấy là do bảo vệ con khỏi bầy chó dữ tấn công. Anh hai đã lấy thân ra để che chở cho em được an toàn. Lớn thêm tí, đứa nào cũng chê anh ốm như cò ma, nhưng chẳng đứa nào hiểu anh hai đã nhường hết thức ăn cho các em.

Tía bệnh nằm liệt giường suốt mấy năm, anh hai một mình lao động nuôi ba đứa em. Khi lớn lên anh chưa bao giờ có bộ đồ lành lặn, trông được như người ta, cái nào cũng đầy mảnh chắp vá. Cho tiền mua đồ thì anh cho ngược lại các em.

Có thể nói các con được ăn học như hôm nay cũng nhờ vào một phần nuôi dưỡng từ anh hai. Chính vì vậy sau này ăn học thành tài, làm ông này bà kia thì đừng bao giờ quên công ơn cao cả ấy. Anh hai đã hy sinh cho các con quá nhiều! Chính vì lẽ đó Tía, Má, muốn bù đắp lại những gì mất mát mà anh đã chịu thiệt thòi trong suốt thời gian qua.

Chia 30% là quá ít so với những gì mà anh hai đã hy sinh thời gian dài đằng đẵng. Của cải tài sản được như bây giờ có mồ hôi công sức của anh chiếm rất nhiều trong đó, riêng các con chỉ có việc đi học nên chẳng có gây dựng gì. Mong muốn các con hiểu rồi chấp nhận nguyện vọng này. Má không còn sống được bao lâu nữa, các con hãy hòa thuận yêu thương và đùm bọc lẫn nhau”.

Tâm làm rơi lá thư, rưng rưng nước mắt, đôi tay run run với gương mặt thất thần. Tâm nói như hỏi chính mình.

“Trái thận…thận của anh hai… Đúng rồi ngày xưa mình từng bị bệnh về thận. Tía, Má có xoa đầu rồi nói lúc ở trong bệnh viện “Không sao rồi con, mình sắp được về nhà. Anh hai đã cứu con một mạng, lớn lên hãy sống sao cho tử tế”

Út Tâm nói xong rồi lấy 2 bàn tay tự tát vào mặt liên tục, kèm với câu trách mình “Mày khốn nạn….mày khốn nạn…” được ông Năm giữ tay lại ngăn không cho tiếp tục. Tâm khóc! Hai người chị cũng khóc, những giọt nước mắt hối hận về cách đối xử chưa chuẩn mực với anh hai. Ông Năm nhìn từng người rồi nói.

“Tụi bây còn đứa nào nói thằng hai là người ngoài, không là phải con ruột của nhà này nữa không? Còn ai tranh giành tài sản với nó nữa không? Từ xưa tới giờ có cái gì mà nó không nhường cho tụi bây đâu? Nó xin 10% là để lo cho Tía sau này.

Biết rằng đó là trách nhiệm của Út Tâm, nhưng dù sao vẫn có gia đình riêng để lo lắng mọi thứ, chưa nói đến bận rộn tối ngày lỡ Tía ở nhà có chuyện gì thì ai lo đây, nếu không có thằng hai? Như lần đột quỵ vừa rồi.

Tụi bây ai cũng có cuộc sống sung sướng đầy đủ viên mãn! Nhìn lại thằng hai xem, cho tới bây giờ nó còn chưa lấy vợ, cứ lo vất vả kiếm tiền. Người thì yếu vì hiến thận cho thằng Út từ dạo ấy, nhưng phải đi làm nặng nhọc đến tận khuya mới về nhằm lo cho Tía… lo cho Tía… là lo cho Tía đó! Tụi bây có nghe rõ không”???

“Nhìn đi, đây là những đồng tiền của nó đi làm vất vả. Để lại cho tao trước khi bỏ nhà ra đi! Đó là tiền mồ hôi nước mắt, nhìn lại tụi bây có đứa nào thiếu thốn cái gì chưa”?
Ông khóc thành tiếng, đó cũng là lần đầu tiên ba người nhìn thấy cha khóc đến dữ dội. Thu với Kiều đau buồn ôm nhau trong sự ăn năn đầy cắn rứt đau đớn.

Tâm nhìn lá thư trên bàn vừa mới đọc và một xấp tiền của anh hai để lại mà bầm gan tím ruột. Cả ba người họ ôm ông và nói lời xin lỗi. Ông nói trong những giọt nước mắt nghẹn ngào.

“Nếu tụi bây còn là con người thì hãy mau đi tìm thằng hai về đây, phải kiếm cho bằng được. Không thì đừng đứa nào vác mặt về căn nhà này và gọi tao là Tía”? Tao đã biết hết tất cả, chính tụi bây đã nói nặng nói nhẹ nhằm đuổi nó đi càng sớm càng tốt. Đúng là một đám vô ơn thật chẳng ra thể thống gì.

Cả ba người họ tay lau nước mắt, lập tức ra xe chia nhau đi tìm. Họ hỏi hết người này đến người khác. Cuối cùng cũng có người nhìn thấy Thiện đang ở bến xe, chuẩn bị mua vé đi Sài Gòn.

Họ vội vàng đến thấy Thiện đang ở đó trong tà áo phai màu. Cả ba người họ chạy đến ôm người anh nuôi khóc nức nở giữa bến xe đông người. Thu vừa nói vừa lau nước mắt.
“Anh hai về nhà liền đi. Tía đang rất buồn về chuyện anh hai bỏ nhà ra đi”.

Tuy là con nuôi nhưng anh rất thương Tía, khi nghe ông buồn anh chẳng thiết tha đi nữa. Chỉ muốn quay về gặp Tía để nói lời xin lỗi, đã làm ông buồn về cái chuyện vừa qua.

“Thôi mình về đi các em. Anh không đi nữa! Từ nay anh sẽ luôn ở gần tía”.

Thấy anh trở về ông Năm vui mừng lắm! Nói chẳng nên lời cho trọn vẹn. Chiều đó họ cùng ăn cơm với niềm vui ngập tràn. Căn nhà từ ngày chia tài sản im ắng nay bỗng rộn ràng như xưa. Giây phút hạnh phúc nhất là đây, từng đôi mắt chan chứa, của gia đình yêu thương khi nhìn nhau đầy ấm áp hơi thở hòa một nhà. Ba người em gắp đầy thức ăn vào cái chén của Thiện. Kiều nói với anh.

“Anh hai ăn đi”.

“Thôi các em ăn đi, anh ăn rau được rồi”.

Thu nói với nụ cười tươi chưa khép lại.

“Anh hai không cần phải nhường cho tụi em đâu, cứ ăn thoải mái. Chúng em đã lớn hết rồi kia mà”.

Tâm nói trong niềm vui rộn ràng.

“Phải rồi đó anh hai. Anh đã hy sinh cho chúng em quá nhiều rồi. Giờ đã đến lúc chúng em hy sinh lại cho anh hai. Quá hợp lý còn gì”

Ông Năm bỏ đôi đũa xuống rồi nhắc lại.

“Còn chuyện chia tài sản theo nguyện vọng của má. Bây tính thế nào?”.

“Dạ, tụi con đồng ý”.

“Tụi em xin lỗi anh hai nhiều”

“Anh hai không trách các em đâu! Nhà chỉ có mấy anh em, chúng ta phải yêu thương đùm bọc gắn kết với nhau! Anh rất vui mừng”.

“Tía, má, luôn tin tưởng anh hai của các con, thấy các con đoàn kết thương yêu như thế này! Tía thấy mừng lắm. Chắc bà cũng vậy thôi”

Ông Năm xúc động niềm hạnh phúc dâng trào. Chưa bao giờ thấy các con đáng yêu như giờ này, nhìn gắp thức ăn cho nhau mà lòng ông rộn rã tựa xuân về.

Tiền bạc vật chất là thứ hay chia rẽ con người, nhưng đôi khi nhờ nó làm đáp án mà biết và nhận ra, kết quả của lòng dạ ra sao. Người quay lưng đi, người quay đầu lại. Cuộc đời luôn có hai mặt song hành đi kề nhau.

Mặt nào là trái và mặt nào là phải, chính thời gian lẫn tiền bạc sẽ giải đáp mọi câu hỏi của hiện tại đặt ra. Gia đình chẳng những là nơi tìm về, mà còn từng trái tim ấm áp gắn kết hòa nhịp đập cùng nhau.

Những trái tim ấy sẽ hóa thành ngọn lửa, thắp sáng cháy rực để sưởi ấm xua tan sự lạnh lùng trong mỗi tâm hồn riêng. Tình yêu thương của gia đình chính là những cây củi chụm lại giữ ngọn lửa không bao giờ vụt tắt, ngược lại cháy thiên thu. Ngọn lửa ấy quá tha thiết với hai tiếng “gia đình” đầy thiêng liêng.

Từ đó, căn nhà của ông Năm lúc nào cũng ngập tràn tiếng nói cười hạnh phúc. Cụm từ “Anh nuôi” hay “người ngoài, người dưng nước lã” đã biến mất từ lúc nào chẳng ai còn nhớ. Chỉ biết ba đứa con ông Năm cứ luôn miệng gọi Thiện là anh hai như một cha, một mẹ sinh ra. Như minh chứng, ở đâu có yêu thương, đó chính là gia đình.

Truyện ngắn của Quang Nguyễn

Bài viết khác

Tình yêu của bố – Đọc câu chuyện mà khoé mắt cay cay nhớ về kỉ niệm ngày thơ ấu

Nhìn trên tay bố còn mấy chục ngàn tiền lẻ, con không lấy trả lại cho bố, bố cũng không lấy. Bố nhét lại vào tay con “lấy đi, bố còn tiền”. Lần này mắt con cũng cay cay! Bố…!!! Nội kể, ngày sinh con ra nhà mình nghèo lắm, người ta bảo với bố […]

Đời người có vαγ có trả, luật nhân quả không chừα một αi – Ngẫm đời một câu chuγện ý nghĩα, sâu sắc

Tôi có một điểm γếu là quá lo lắng cho tuổi già, từ khi vừα trưởng thành tôi đã lo xα cho tuổi già rồi. Chỉ sợ sαu nàγ thành gánh nặng cho con cái. Mà tôi lại khái tính đến lậρ dị, ko bαo giờ muốn nhận tiền bạc giúρ đỡ củα bất cứ […]

Tự mình đa tình – Câu chuyện tình yêu đơn giản nhưng có những bài học sâu sắc trong đó

Ngày mai có hội thảo khoa học rất lớn ở thành phố Huế. Chị chờ ngày này lâu lắm rồi. Chỉ bởi vì đến đó chị sẽ gặp lại anh, mối tình đầu của những năm tháng đại học. Ngày ấy chỉ đơn giản là thích, rất thích nhau. Tình trong như đã… thì gia […]