Mẹ tôi

MẸ VỢ

Tác giả : Chu Thị Hồng Hạnh

Hôm nay anh thất nghiệp đúng 30 ngày!

Tính anh hiền lành, chỉ biết chúi đầu vào làm việc, ít giao tiếp, khi công ty bắt đầu sa thải nhân viên thì anh càng cố gắng làm việc nhiều hơn.

Cách đây một tháng, vừa đến chỗ làm, đã được sếp mời vào phòng, anh biết kết cuộc cũng không khác gì các đồng nghiệp trước.

Thu dọn đồ đạc, ra khỏi công ty sớm, anh chán chường nhìn lên bầu trời xanh trong rực rỡ. Đã bao lâu nay anh không tận hưởng được cuộc sống thanh bình như vậy! Nhà ở xa, mỗi buổi sáng chụp cái nón bảo hiểm lên đầu, anh cắm đầu, cắm cổ, phi đến cơ quan cho kịp giờ, chiều muộn ra khỏi công ty thì đã tối mịt. 10 năm rồi anh cần mẫn cuốc cày để tạo dựng gia đình mình. Ôi chao! vậy mà đã 10 năm!

Một tháng nay điều mà anh ngại nhất không phải là ánh mắt mong chờ của vợ, mỗi chiều muộn anh lê bước về nhà, ánh mắt nhìn anh như muốn hỏi “Anh đã tìm được việc làm chưa”, mà là vẻ trầm mặc của mẹ vợ. Bà đi ra, đi vào, làm việc luôn chân, luôn tay, chỉ gật đầu chào khi anh về, chứ không hỏi gì hết. Vậy mà anh cảm thấy rất khó chịu.

Ngày còn yêu nhau, đứng bên hàng rào anh vô tình nghe cuộc nói chuyện giữa vợ (khi đó là người yêu) và mẹ cô ấy. Bà nói khẽ nhưng vang mồn một trong đêm hôm khuya khoắt:

– Mẹ chỉ duy nhất có mình con. Ba mày mất sớm, mẹ dồn hết tình thương cho mày. Lo cho mày không thua kém ai. Mày vừa học giỏi vừa là hoa khôi của trường đại học, biết bao nhiêu người có điều kiện mày không chịu mà lại chịu thằng Hưng. Mẹ không chê tư cách nó, nhà mình với nó là hàng xóm lâu năm. Bố mẹ nó bỏ nhau, thẩy nó cho bà nội nuôi rồi mỗi người đều đi bước nữa. Nó vừa thi đậu đại học thì bà nội nó mất. Năm năm nay nó vừa phải làm đủ việc để kiếm tiền đóng học phí, tiền ăn, nhà cửa rách nát. Mày lấy nó biết bao giờ ngóc đầu lên nổi hả con?

– Nhưng con yêu anh ấy!

– Mấy chục năm nay mẹ thức khuya dậy sớm, miệt mài bên gánh hủ tiếu, cũng mong con mình lớn lên lấy được tấm chồng khá giả, thấy cảnh mày sắp bước chân vào, mẹ lo lắng, thương xót lắm. Mẹ nói cho con thấy trước tương lai mà tự tính.

– Mẹ ơi chúng con đều sắp đi làm, sẽ có lương tốt. Mẹ đừng lo, con chỉ thương anh Hưng thôi.

Sau đó mấy tháng, một đám cưới hết sức đơn giản diễn ra rồi chị về nhà anh sống. Hàng rào giữa hai nhà chỉ việc đập đi một góc là qua lại thoải mái.

10 năm vợ chồng, anh làm quần quật vì luôn biết ơn vợ đã chọn lấy mình. Chị cũng cố gắng hết sức, nhưng vì sanh liên tiếp 3 đứa, nên cả nhà trông chờ chủ yếu vào lương của anh. Anh đã nhảy việc 4 công ty. Đã đập đi cái chòi cũ hai bà cháu, xây lên được căn nhà một trệt, một lầu cho vợ con ở. Bà ngoại sáng sớm tinh mơ dậy đi chợ, rồi sang chuẩn bị bữa sáng cho các con nhà anh, sau đó chở đứa lớn đi học, 2 đứa bé gửi nhà trẻ, trưa hai giờ bà đã chuẩn bị cơm nước để 4 giờ đi rước các cháu về, tắm rửa cho chúng, đút ăn cho chúng. Vợ anh đi làm 6 giờ mới về đến nhà. Còn anh thường xuyên tăng ca đến 8, 9 giờ tối. Lúc vợ chồng anh mới có đứa con đầu, bà vẫn bán hủ tiếu và phụ trông cháu. Đến đứa thứ hai, bà nghỉ bán để giúp con cái toàn phần.

10 năm qua bà đã làm bao nhiêu việc cho gia đình anh, nhưng chỉ khi thất nghiệp ở nhà, anh mới nhận thấy, buổi sáng cầm cặp lồng cơm bà đưa là anh ra khỏi nhà sớm nhất, chiều về nhà muộn nhất. Ám ảnh vì cuộc nói chuyện ngày xưa nên anh rất ngại tiếp xúc với bà. Mặc dù bà nói đúng, nhưng anh rất buồn vì hoàn cảnh mình có đủ cha mẹ, mà không khác gì trẻ mồ côi.

Hôm nay cũng vậy. Buồn quá nên anh tắt điện thoại nguyên ngày, ngồi ở công viên. Đến chiều về gần tới nhà, xe chết máy anh dẫn bộ, đến sát cửa nghe tiếng mẹ vợ:

– Sao đến giờ thằng Hưng vẫn chưa về? Mày gọi điện thoại cho nó chưa?

– Con gọi muốn nát máy rồi mà có được đâu. Thôi để ông ấy đi kiếm việc chứ cả một đống tiền tiêu hàng tháng con chịu gì nổi. Nội tiền học của ba đứa đóng muốn phát khùng lên.

– Nó mới thất nghiệp có một tháng mày đừng làm quá. Năm nay ở Sài Gòn thất nghiệp đầy đường, có phố toàn treo bảng cho thuê nhà. Sông có khúc người có lúc. Nó về mày đừng có làm áp lực cho nó.

Nghe đến đây anh lại lủi thủi dắt xe đi. Khuya thật khuya, anh để xe cho thợ sửa ở đầu ngõ rồi đi bộ về. Mở cổng vào thấy bên nhà mẹ vợ có tiếng lầm bầm. Anh lách rào bước qua ngửi thấy mùi nhang thơm và tiếng mẹ vợ anh:

– Ông ơi! ông phù hộ cho thằng Hưng nhanh chóng có công việc nhé! Tội nghiệp thằng bé, tôi thương nó như con trai vậy.

Anh bước nhanh về nhà, một giọt nước mắt âm thầm rớt xuống. Vậy mà bao nhiêu lâu nay anh cứ nghĩ bà coi thường, chê bai anh. Nghĩ lại mới thấy 10 năm qua không có bà một tay lo cho 3 đứa cháu, lo cơm nước cho vợ chồng anh chu đáo, thì anh có thể toàn tâm, toàn ý kiếm tiền không? Anh nhớ bà chả có mơ ước gì, chỉ thỉnh thoảng vừa ôm cháu xem phim bộ vừa tặc lưỡi:

– Trời ơi tuyết rơi sao mà đẹp quá! Ước gì ngoại được một lần thấy tuyết!

Sáng sớm hôm sau, lần đầu tiên anh chủ động chào mẹ vợ rõ to, chứ không lí nhí như mọi ngày:

– Con chào mẹ, mẹ mới sang ạ!

Bà cười tươi tắn:

– Ờ! hôm nay mẹ nấu bún riêu mà con thích nhất đó.

Hai tuần sau anh có việc làm mới, lương cao hơn chỗ cũ. Một năm sau vợ chồng anh mua vé cho mẹ vợ đi Trung Quốc ngắm tuyết rơi, cả nhà vui vẻ, nghe tiếng mẹ vợ lanh lảnh trong điện thoại:

– Tuyết rơi đẹp lắm các con ơi! Cảm ơn các con nhiều nhé!

Ảnh st.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *