Lan – Câu chuyện xúc động ý nghĩa sâu sắc

TG: Loan Ngẫn

Ngày Lan bỏ nhà chồng ra đi là một ngày thu đầy nắng. Chồng Lan chạy theo Lan ra tận ngoài cổng làng, nhìn tướng ngũ đoản, thấp bé và khuôn mặt đần độn của chồng Lan không nỡ ghét dơ hay bực tức gì cả. Lan chỉ buồn bã móc túi dúi vào tay chồng mấy đồng bạc lẻ rồi nói: Thôi anh quay về mà bồng bế các em anh.

Lan dứt khoát bước đi mà không một lần ngoái đầu quay lại. Ba đứa trẻ, hai gái một trai do Lan dứt ruột đẻ ra. Nó là con Lan, dưới con mắt người đời chúng gọi anh chồng vừa chạy theo Lan bằng bố, nhưng tất tật chúng lại là con của ông bố chồng Lan. Oan nghiệt! Lan ghê tởm cái gia đình danh gia vọng tộc ấy. Ghê tởm cái người mà hàng ngày trước mặt mọi người ông ấy vẫn bố bố con con với Lan. Ghê tởm ngôi nhà gỗ năm gian kín bưng ấy, và bao lâu nay rất nhiều lúc Lan ghê tởm chính bản thân mình.

Nhà Lan nghèo, rất nghèo, cha Lan chết sớm vì bạo bệnh, để lại cha mẹ già và ba đứa con còn nhỏ dại cho mẹ Lan. Bà đắp đổi nuôi cha mẹ chồng và nuôi con, đến khi con cái trưởng thành, cha mẹ qua đời thì cái nghèo vẫn cố kiết bám riết lấy cuộc đời bà. Ba chị em Lan đều thương mẹ lắm, nhưng nghèo là nghèo dù tình thương dư thừa thì chẳng ai đem tình thương ấy đánh đổi được cơm áo gạo tiền. Thế rồi năm Lan mười tám tuổi. Bà mối đánh tiếng ướm hỏi Lan cho cậu cả con ông Lang T ở mạn Hải phòng. Nghe bà mối đánh tiếng Lan không hiểu lắm về cậu cả con ông Lang T. Nhưng Lan biết nếu cô đồng ý lấy cậu ta thì mẹ cô sẽ được một khoản tiền sính lễ kha khá và được họ dựng cho một căn nhà.

Lan xinh đẹp và nhuần nhị lắm, tuổi mười tám thanh nữ, cho dù nhà nghèo nhưng thanh xuân của Lan vẫn cứ sáng rỡ ràng. Nhan sắc và tuổi trẻ chẳng thể nào che giấu được, nó cứ hiển nhiên rạng rỡ và toả sáng như ánh sáng trăng rằm mà chả thể giấu che.

Ngày cưới Lan mới chính thức biết mặt chồng nàng. Biết đến nhà ông Lang T giàu sang và uy quyền nơi mạn Hải phòng gần giáp với Hải dương này.

Đêm động phòng hoa chúc Lan buồn đờ đẫn cả người. Chú rể bé tý bé tẹo, cao cỡ được một thước bốn mươi lăm. Bàn chân, bàn tay đều ngắn ngắn tròn tròn dầy ri rít như nảo chuối mắn năm quả. Khuôn mặt của kẻ trí tuệ kém phát triển nên Lan chẳng thể đoán ra chồng mình trẻ hay già. Lan chỉ biết lúc trước bà mối nói rằng chồng Lan tuổi Dần. Gái hơn hai, trai hơn một, Lan tuổi Mão lấy chồng Lan chỉ có là nhất.

Những ngày sau đám đưa dâu, Lan cũng chỉ quanh quẩn trong nhà và loanh quanh tập tành nấu cơm, phơi dăm ba nong thuốc bắc theo hướng dẫn của các bác người làm. Chồng Lan bé thấp chỉ đến chạm vai Lan, cậu ta cứ thấy Lan là ngại ngần lẩn bóng đèn, len bóng cột né tránh, nửa tháng trời mà Lan vẫn còn con gái bởi đêm nào người nhà đẩy cậu vào phòng rồi khép cửa lại, nhưng thấy Lan quay mặt vào tường là cậu ta lại nem nép mở cửa chạy ra.

Hai tháng qua nhanh như một cơn gió thoảng. Sau ngày Lan về thăm mẹ thì ông bố chồng gọi Lan lên căn nhà lớn. Căn nhà gỗ năm gian, cửa bức bàn gỗ lim lúc nào cũng đóng im ỉm. Lan chỉ nghe người làm nói ông Lang T bố chồng Lan thường pha chế hoặc sao tẩm những vị thuốc đặc biệt quí hiếm trên ấy chứ Lan chưa được đặt chân lên căn nhà ấy lần nào.

Chính tay bố chồng Lan dẫn cô lên căm nhà lớn, một cánh cửa được mở ra và lại khép lại ngay sau khi Lan bước qua ngưỡng cửa. Lan choáng ngợp trước vẻ đẹp và cách trang trí trong nhà. Bộ hoành phi và hai câu đối sơn son thếp vàng khá lớn. Tất cả đồ gỗ trong nhà đều đẹp và tinh xảo. Giữa cái nắng oi ả đầu hè mà trong nhà cứ mát rượi như có quạt hầu.

Lan sợ sệt và nhút nhát khi ông bố chồng cô nói rằng do chồng Lan thiểu năng trí tuệ. Ông lại chỉ có duy nhất một mình chồng Lan là người nối dõi. Sản nghiệp và nghề thuốc bắc không thể thất truyền nhưng cũng không thể giao vào tay chồng Lan được, nên từ nay hàng ngày Lan sẽ lên ngôi nhà lớn để ông truyền nghề thuốc bắc cho Lan.

Hàng ngày Lan lên ngôi nhà lớn vào tầm ba bốn giờ chiều. Lần nào Lan cũng giật thót mình khi cảnh cửa gỗ lim đóng lại sau lưng. Lần nào Lan cũng sợ hãi đến ghẹt thở khi vạt áo lụa màu mỡ gà của người cha chồng chạm vào nàng khi ông đóng cửa bước đi trước Lan giữa những sập gụ tủ chè và đồ gỗ quí. Lan cứ mường tượng đôi mắt sắc như dao của ông bố chồng mọc ngay đằng sau gáy, giữa những cộng tóc bạc lơ thơ cum cúp như những cái lông đuôi của con gà trống choai trên đầu ông. Đôi mắt sau gáy nhìn như thọc vào người cô, lần lục và đầy uy lực khiến Lan lạnh toát cả người.

Ông bố chồng Lan quả là người đáng sợ, tiếng ông nhẹ nhàng, một câu con hai câu cha nhưng Lan nghe như tiếng vọng, nó âm âm, u u, hoang vắng và ghê rợn đến kinh người.

Nhà chồng Lan buổi sáng người ra người vào cắt thuốc tấp nập. Lan nghe nói ông Lang T bố chồng Lan là một ông Lang bốc thuốc có tiếng. Ông giỏi về y thuật nhưng lại chả thể chữa bệnh cho mình. Ông lấy tới ba đời vợ, hai bà vợ đầu không có con và họ tự bỏ đi. Bà thứ ba thì mãi mới sinh được chồng Lan nhưng cũng chỉ được một đứa trẻ không trí tuệ, rồi bà bạo bệnh qua đời.

Cả tháng ông bố chồng đóng cửa buổi chiều trên căn nhà lớn truyền nghề cho Lan nhưng cô hầu như vẫn chưa nhập tâm được mấy. Nhớ vị nọ thì quên tên vị kia. Cô sợ đến run rẩy, lắp bắp khi ông bố chồng đứng áp sau lưng cô. Cô cảm thấy cái miệng móm mém, chòm râu bàng bạc của ông ta chạm vào tóc mình. Cô sợ toát mồ hôi, đôi lúc cô phải nhắm chặt mắt lại vì sợ hãi. Cô nem nép nem nép cố gắng xê dịch hoặc sển nhè nhẹ để thoát ra khỏi sự va chạm phần lưng cô với phần bụng ông bố chồng già. Thế rồi một buổi chiều mưa, mưa mùa hạ ầm ầm nước đổ. Người làm được nghỉ từ sau bữa cơm trưa. Căn nhà vắng lặng chả còn ai đi lại ngoài sân. Lan vẫn phải lên ngôi nhà lớn để được truyền nghề bốc thuốc. Và rồi sự sợ hãi của cô bấy lâu nay đã xảy ra. Người cha chồng ôm chặt lấy lưng cô, ông ta ghì chặt đầu cô và người cô xuống cái sập. Lan cố gắng vùng vẫy, cố gắng gọi tên chồng. Mưa ngoài trời lớn quá, sấm chớp gió giật tơi bời. Bên trên cái sập gụ cả trăm năm tuổi, một ông bố chồng ngót nghét tuổi bảy mươi cũng làm mưa làm gió với cô con dâu vừa mới bước sang tuổi mười chín. Sự vùng vẫy, giãy giụa trong sợ hãi của cô gái mới lớn không thể thắng nỗi bản năng mạnh mẽ của một con đực tà dâm đầy kinh nghiệm. Và rồi cứ thế, cứ thế, mười hai năm cứ thế trôi qua. Lan vừa bị mua chuộc bằng tiền gửi về cho mẹ, vừa bị doạ dẫm, cả đánh đập mà chỉ mình cô biết khi đứa con đầu lòng rồi đứa thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời.

Hơn mười năm sống trong ngôi nhà lớn với kẻ ra người vào, người làm tấp nập hàng ngày nhưng nàng luôn buồn bã đơn côi. Mỗi lần đưa các con về quê thăm mẹ, nàng cứ giật thót mình khi người làng hoặc họ mạc hỏi han đến người cha bọn trẻ. Rồi thì mọi người nhắc đứa lớn có đôi mắt giống nàng còn cái miệng giống cha… Mỗi lần về quê nhìn ngắm dòng sông quê hương, ngắm dòng nước đẩy đưa những cánh bèo trôi dạt, ngắm nhìn bầu trời quê mình, nàng cứ thầm nghĩ phận nàng chẳng bằng bèo dạt, mây trôi. Cả tuổi trẻ của nàng bị tiền và uy quyền cưỡng đoạt. Nàng nhục nhã mà chẳng thể bước chân đi.

Những ngày tháng sau đó bọn trẻ đã lớn hơn nhiều. Đứa lớn nhất sắp vào lớp bảy, đứa bé cũng vào tới lớp hai. Mỗi lần nhìn các con nàng đều thấy tủi hổ, thấy nỗi xấu hổ và bất lực cứ lớn dần lên. Nàng sợ bọn trẻ sau này lớn lên sẽ phát hiện ra bí mật khủng khiếp này, bởi vì ông bố chồng nàng càng già ông ta càng đổ đốn. Ông ta hơn tám mươi nhưng vẫn đầy dục vọng, dục vọng bản năng trong cái thân hình già nua và bộ não già nua chẳng còn phân biệt được lòng tự trọng và xấu xa. Lắm lúc nàng lên nhà lớn có vài việc gì đó, bất kể bên ngoài có người đi lại, cửa lớn mở nhưng ông ta vẫn cứ sờ soạng, kéo tay hoặc cấu véo nàng. Nàng ngày càng ghê tởm sự đụng chạm, ngày càng ghê sợ con quái vật đầy dục vọng ấy. Nàng thấy mình sẽ chết dần chết mòn nếu cứ tiếp tục sống thế này.

Bao năm trong ngôi nhà lớn này, người thực sự có lòng trắc ẩn, có trí tuệ và tử tế chắc chỉ có mỗi bà giúp việc nhà nàng. Người làm thuê cho ông lang thì có mấy người, nhưng lâu năm và ăn ở trong nhà chỉ duy nhất bà Túc, bà không chồng, không con và ở nhà này đã mấy mươi năm. Mọi việc của ông bố chồng nàng chẳng thể qua được mắt bà Túc. Bữa ấy nàng cự tuyệt ông ta, nàng bị ông già mắc dịch ấy phang tới tấp mấy cái hèo tre vào mặt vào lưng. Bà Túc đã lấy thuốc xoa bóp cho nàng, nàng gục mặt vào vai bà mà khóc.

Nàng quyết định ra đi vào một chiều mưa. Nàng căn dặn bà Túc chăm sóc cho bọn trẻ, từng đứa con nàng được bà chăm và hiểu từng thói quen của chúng tự rất lâu rồi. Nàng có ý định bỏ lại những đứa con, bỏ tất cả để đi từ lâu lắm rồi nhưng nàng vẫn nấn ná vì ngày trước mẹ nàng còn sống. Nàng sợ nếu nàng đi, mọi tai tiếng sẽ dồn lên đầu lên vai mẹ nàng. Nhưng giờ bà đã mất được mấy năm, anh chị em đều đi làm xa quê cả. Nàng sẽ đi, nàng sẽ vào Nam để bắt đầu một cuộc đời đàn bà sạch sẽ lại từ đầu.

Những đứa trẻ tầm này đều đến trường học cả. Nàng ôm bà Túc thật chặt rồi lặng lẽ rời tay bà kiên quyết bước đi. Cửa căn nhà lớn vẫn đóng im, ông bố già nua của người chồng hờ tầm này chắc còn chửa dậy. Nàng chẳng có gì phải hối tiếc, nàng kiên quyết bước đi bởi nàng biết ông bố chồng nàng tiền bạc còn đầy. Thằng con lớn của nàng khá nhanh nhẹn, mới sắp vào lớp bảy nhưng mấy hè rồi nó đều được dạy bốc thuốc. Như là di truyền, nó học tên các vị rất nhanh. Nàng chắc rồi nó sẽ là một đứa trẻ thông minh và lanh lợi có thể cùng bố cùng ông mà thực là cha nó nối nghiệp thuốc thang.

Nàng bước đi rất thoải mái, nàng bắt đầu có thể ngẩng cao đầu bước ra ngoài cổng làng, nắng rạng rỡ trên đầu, trên vai, trên cổ. Hết tầm che của bóng cây đa cổ thụ, nàng bỗng thấy nắng vàng và gió mát rượi trên đầu. Lần đầu tiên sau mười mấy năm, nàng mới thấy cảm giác thoải mái khi ngẩng đầu lên đón ánh nắng thu vàng mà không còn cảm giác sợ hãi và tủi nhục.

Bài viết khác

Cαnh bạc cuộc đời – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩα nhân văn sâu sắc

Một buổi chiều mưα tầm tã, chị đến tái khám xin thêm Ϯhυốc ngủ và Ϯhυốc chữα đαu ngực trái liên tục. Mình nhìn chị lại nhớ đến bài hát Vết Thù trên lưng ngựα hoαng.     Đôi mắt sαo mà buồn. Vài thậρ niên trước Ϯhυốc tιм mạch, tiểu đường bán chạy nhất […]

Góc khuất đời tu sĩ – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Ngày hăm hở vào dòng tu, hẳn các thầy không nghĩ tới cảnh hấp tấp chở bà bầu đi đẻ, toát mồ hôi moi băng vệ sinh kẹt dưới bồn cầu hay bò xuống sàn lau phân của con lỡ rơi ra nền trung tâm thương mại sáng loáng… Camillo là dòng tu có tôn […]

Thầy và Tɾò, một Ьài học nhân văn ý nghĩα giáo dục sâu sắc

Năm nọ, cậu học tɾò dốt nhất lớρ ᵭến chúc Tết thầy… Ông ᵭồ quá ngạc nhiên vì tɾò này luôn chậm chạρ nhất lớρ lại ᵭến chúc Tết thầy sớm nhất. Thầy hỏi: – Sαo con không ᵭi cùng các Ьạn mà ᵭến một mình? Cậu học tɾò khoαnh tαy thưα: – Tại vì […]