Người ta nói vợ chồng lấy được nhau là phải có duyên có nợ. Duyên còn – nợ hết, thì ắt phải chia ly. Nếu còn duyên – còn nợ, thì có buông rồi cũng lại tìm về với nhau.
Chị sinh ra ở một xóm nghèo thành phố. Khi chị 10 tuổi thì ba má bị tai nạn qua đời. Bà ngoại nấu xôi, lọ mọ ra đầu đường bán, nuôi đứa cháu côi cút ăn học. Tốt nghiệp Đại học, chị xin vào làm trong Thư viện của thành phố.
Lương ít, bổng lộc chẳng có, hai bà cháu sống nhín nhút cho qua ngày đoạn tháng. Niềm vui duy nhất của cả hai là những cuốn sách, tờ báo chị mượn về mỗi ngày. Tính chị vốn trầm lặng, ít nói nên cũng chả quen biết ai. Ngoảnh đi ngoảnh lại chị đã 32 tuổi.
Năm ngoái bà ngoại bệnh nặng, không qua khỏi. Trước khi nhắm mắt, nước mắt bà cứ chảy dài, vì thương cháu còn có một mình.
Anh thì cao to, đen cháy. 35 tuổi chưa vợ, không phải vì anh không tốt, mà vì mẹ anh nổi tiếng khó tính ở quê.
Bữa đó anh lên Sài Gòn đi dự đám cưới nhà bà con. Mượn xe máy người quen chạy không rành đường nên bị công an phạt. Nộp phạt xong thì hỡi ôi, xe bị cán đinh.
Trời nắng chang chang, anh thất thểu dắt xe đi tìm chỗ vá, thì gặp chị đi chợ về. Anh thích chị ngay từ cái nhìn đầu tiên, chị nhiệt tình chỉ chỗ vá xe ở ngay đầu hẻm, rồi về nhà pha lấy ca trà đá mang ra mời anh uống.
Ở dưới quê quen ăn to, nói lớn, anh nghe giọng nói ngọt ngào, dịu dàng của chị giống như được uống nguyên trái dừa xiêm ngọt lịm vậy. Ông thợ vừa vá xe, vừa nhẩn nha kể cho anh nghe hoàn cảnh của chị. Anh lấy cớ vô nhà chị trả ca nước, và xin số điện thoại của chị.
Chị tính ở vậy, không lấy chồng, hàng ngày thắp nhang thờ cúng cho ông bà, ba má. Nhưng trước sự nhiệt tình của anh, qua một khoảng thời gian ngắn, rốt cuộc chị cũng nhận lời lấy anh, và theo chồng về quê. Nhà ở thành phố chị cho thuê mỗi tháng cũng được vài triệu.
Mẹ anh ngán ngẩm nhìn cô con dâu gầy gò, trắng xanh rồi nhìn sang chuồng bò và chuồng heo. Bao nhiêu năm nay bà chỉ mơ ước cưới được nàng dâu khỏe mạnh, mắn đẻ, xốc vác để phụ việc nhà và sanh cho bà đàn cháu mập mạp.
Giờ thì hay rồi. Nhìn là biết trói gà không chặt, lại còn đem về mấy bao tải sách báo giăng đầy nhà. Bà gắt gỏng suốt ngày nhưng chị vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng nên bà cũng không giận lâu được.
Anh trước khi cưới chị về đã nói hết hoàn cảnh của chị và năn nỉ bà, thương anh thì thương luôn chị, cho chị một mái ấm gia đình. Tính chị hiền lành, thương người nên dần dần mẹ anh và bà con hàng xóm ai ai cũng quý mến.
Anh sợ chị vất vả nên xây thêm cái kệ trong bếp, mua cái bếp ga về cho vợ nấu cơm mặc dù anh chỉ thích ăn cơm cháy nồi gang với cá kho tộ. Thương chồng, ngày nào chị cũng nhóm lửa nấu cơm, chị nhớ có lần anh nói anh thích nhất là nhìn thấy khói bếp bay lên, nó ấm cúng làm sao.
Cưới về một năm thì chị sinh thằng Cò. Chị sinh khó rồi lại bị băng huyết, nên sinh xong người rũ xuống như tàu lá chuối. Anh luôn tay luôn chân vừa lo bò, heo, mấy công vườn, vừa cơm cháo cho chị, cho thằng Cò… Thằng Cò lớn dần chị cũng khỏe trở lại. Anh thương vợ nên kiêng cữ cho chị rất lâu.
Mẹ anh cứ làu bàu đàn bà ai chẳng đẻ, tao ngày xưa 10 ngày là đã ra sông giặt đồ rồi.
Đến khi thằng Cò lên 3 tuổi chị bị bệnh phụ nữ, cứ gần chồng là đau đớn, khó chịu. Ở quê chuyện tế nhị chả biết hỏi ai, chị âm thầm chịu đựng rồi trở nên lãnh cảm, tìm mọi cách tránh chồng. Anh thương vợ, nhưng là người đàn ông khỏe mạnh anh chỉ biết tìm niềm vui bằng những bữa rượu.
Rồi anh đi nhậu qua đêm không về. Sau đó là thường xuyên đi qua đêm. Chị thiếu vắng hơi chồng cũng trở nên mất ngủ. Chị cứ nghĩ đơn giản vợ chồng chỉ cần nằm bên nhau hủ hỉ, chuyện trò là được rồi, nên mỗi khi thấy anh lầm lì trở về, chị không biết mở lời ra sao.
Rồi hàng xóm đồn đến tai chị, anh cặp bồ với gái bia ôm. Tiền bán heo, bán bò lúc trước anh đưa chị giữ, giờ anh lấy sạch. Cho đến một ngày anh về thông báo
– Con Thắm (bồ anh) nó sanh con trai rồi, giờ tôi sẽ phải ở hai nơi.
Chị trân trối nhìn anh, nước mắt từng giọt thi nhau chảy xuống.
Sau bữa đầy tháng của con trai anh, chị lẳng lặng đưa anh tờ đơn ly hôn. Anh dứt khoát không kí
– Cứ sống như thế này tốt mà!
Chị bảo
– Khi em theo anh về quê, em đã nghĩ sẽ sống với anh trọn đời, nhưng giờ em không thể chung chồng được. Anh kí vào rồi em đưa thằng Cò đi, anh đưa mẹ con cô ta về đây cho thằng bé có cả ba và mẹ.
– Anh khóc! Em thừa biết là tôi chỉ thương mình em nhưng tôi là người đàn ông bình thường mà, tôi có phải sư trên chùa đâu?
Cha, Mẹ chồng cũng xúm vào khuyên can hết lời nhưng chị vẫn nhất quyết bồng con ra đi.
Thật may cho hai mẹ con là căn nhà trong hẻm giờ mở đường thành nhà mặt tiền, nên cho thuê được giá. Chị đi thuê phòng trọ nhỏ, còn tiền dư ra hai mẹ con sống cũng ổn. Anh thường xuyên gửi thịt, rau, gạo lên cho hai mẹ con. Vài tháng anh lại lên thăm con một lần và đưa tiền phụ chị nuôi con.
Nhờ người quen giới thiệu chị đi khám bác sĩ đông y cắt thuốc bồi bổ sức khỏe, đi bác sĩ Tây y chữa bệnh phụ nữ nên dạo này chị có da, có thịt ưa nhìn lắm. Mỗi lần lên thăm con anh cứ nhìn chị đăm đắm.
Đầu xóm có ông Việt kiều goá vợ, rất mến chị, đã nhờ người đánh tiếng mấy lần. Chị chỉ cần đồng ý là ông làm đám cưới, rồi lo thủ tục cho hai mẹ con đi sang Mỹ.
Không hiểu có chuyện gì mà hơn nửa năm rồi anh không lên thăm con.
Chị nghĩ là thôi thì anh có gia đình riêng, anh cũng phải chăm lo cho nó chứ. Sáng hôm nay chị đi khám ở bệnh viện, run rủi thế nào gặp dì Ba hàng xóm gần nhà của anh cũng đi bệnh viện. Dì mau miệng:
– Mày về Sài Gòn mấy năm rồi mà ai cũng vẫn nhớ. Cái con bia ôm thằng Thành đưa về chỉ có ăn với phá, lại còn cặp bồ nữa. Mấy tháng trước thằng con trai bị bệnh gì mang đi khám, bác sĩ bảo cần lấy máu của người thân để truyền.
Xét nghiệm ra mới biết thằng nhỏ không phải con của nó. Nó điên lên đuổi con kia đi, rồi uống rượu say mèm hết ngày nọ đến ngày kia, hai tháng trước nó bị xe tông gãy một chân rồi.
Mẹ nó buồn quá bị tai biến nằm một chỗ. Nhà nó giờ như cái nhà hoang vậy. Chòm xóm bảo nhau từ ngày mày ôm con đi là nhà cửa nó sa sút liền.
Chị nghe như sét đánh ngang tai. Cả đêm chị không ngủ được. Anh là người đàn ông duy nhất trong cuộc đời chị. Sẽ mãi mãi không có ai cưng chiều chị như anh. Vì không muốn chị bị mẹ soi mói, mà anh xây riêng một căn nhà cho hai vợ chồng ở góc vườn.
Mọi việc trong nhà một tay anh làm, chỉ khi nghe tiếng dép của mẹ, anh mới buông ra để cho chị làm lấy điểm với mẹ chồng. Những ngày chị đến tháng là anh kiêng cho chị từng chút một. Có miếng gì ngon anh cũng nhường hai mẹ con.
Sau này, nhiều lúc chị rất buồn vì sự dốt nát của mình mà đã để mất anh. Giá như lúc trước chị đi bệnh viện khám, được nghe bác sĩ tư vấn và chữa trị thì vợ chồng chị đâu có đến mức như vậy.
Anh ngồi trên xe lăn. Trước mặt là chai rượu đế, chẳng cần biết là mấy giờ rồi. Anh cứ say triền miên như vậy. Mọi việc nhà bây giờ đổ hết lên đầu người Cha già hơn 70 tuổi. Trong cơn say anh thấy thấp thoáng khuôn mặt chị. Anh gào lên:
– Cô về đây cười nhạo tôi phải không? Tôi cấm cô nói cho thằng Cò biết!…
Ơ! rõ ràng là chị thật rồi! Chị cười rõ tươi, giọng ngọt ngào.
– Thằng Cò nó nhớ ba! em cho nó về thăm Ông Bà và Anh.
Chiều hôm đó khói bếp lại vương vấn bay lên trên nóc nhà của anh chị.
Tác giả: Chu Thị Hồng Hạnh