Hạnh phúc muộn màng – Câu chuyện ý nhĩa nhân văn sâu sắc
Chiều nay chả biết có vụ gì mà nhà bà Lỡ nhộn nhịp thế nhỉ? Té ra là cô Làn con gái bà đau đẻ. Chuyện đó cũng bình thường với mọi nhà. Nhưng với nhà bà Lỡ thì đó là một sự kiện lớn.
Ông Đoành với bà Lỡ lấy nhau khi cả hai đã qua cái thời thanh niên. Hai ông bà làm nghề giết mổ gia súc nên kinh tế khá giả, có bát ăn bát để. Hơi buồn là ông bà được mỗi mụn con gái, đã thế trí tuệ cô bé không bình thường, không được khôn ngoan như con người ta.
Được cái mau mồm mau miệng. Gặp ai cũng cười nói, cái chả nên nói cũng nói.
Tuy vậy được mẹ kèm cặp từ nhỏ nên cô Làn cũng chăm chỉ làm ăn. Công việc đồng áng chăm lo chu đáo, việc nhà cũng biết thu vén. Mỗi tội càng lớn cái tính dở hơi càng nặng.
Ở quê người ta thường cũng chỉ cần người biết làm ăn, thế nên cũng khá nhiều người muốn đến tìm hiểu cô. Một số cũng nhắm vào gia tài kếch xù của ông bà nhạc. Khổ nỗi cô Làn tính tình chả giống người ta. Cứ ai đến lăm le tìm hiểu là hôm sau cô đi khoe om cả làng lên, ai cũng biết. Một số cũng ngại không dám đến nữa. Thành thử tuổi xuân cô trôi qua lúc nào không biết.
Đến khi ở ngưỡng gần đầu bốn rồi, ông Đoành và bà Lỡ cảm thấy sốt ruột chuyện tình duyên của con. Mấy lần đón thầy cắt duyên âm vẫn không ăn thua, ông mới bắn tin ai làm rể ông sau này sẽ được thừa hưởng toàn bộ gia sản. Tin đó làm cho bao trai làng mắt sáng như đèn ô tô, nhưng cứ đến lúc gặp cô con gái họ lại nhụt chí luôn.
Ngày qua tháng lại, khi tuổi băm đã qua từ lâu, dân làng tự nhiên thấy bụng cô Làn lùm lùm sau làn áo mỏng. Một số người lân la hỏi chuyện về em bé. Nay thì cô bảo đó là con ông T ở xóm Chài. Mai cô lại kể con ông K ở xóm Vạn. Vài hôm sau cô lại nói là con của ông Đ ở xóm Giữa. Thế là cả làng cứ loạn cả lên mà cô ta vẫn tiếp tục tung hỏa mù.
Tội cho vô khối ông chồng về nhà bị vợ từ lườm nguýt đến tra hỏi. Dĩ nhiên là câu chuyện vẫn chả đi đến đâu khi mà quả bom chưa nổ? Chả lẽ cô Làn đi làm đồng rồi giẫm vào dấu chân lạ như bà mẹ Thánh Gióng chăng?
Đó là lý do vì sao sự kiện cô Làn đau đẻ lại trở nên được mọi người chú ý như vậy. Phen này ối nhà phải bán thóc lấy tiền đi xét nghiệm ADN là cái chắc. Còn các cụ cao niên thì bảo: Cứ đẻ ra là biết ngay vì “giỏ nhà ai quai nhà ấy” mà là con trai hẳn hoi nhé. Cả nhà xôn xao chuẩn bị cho cô Làn đi đẻ. Còn bé là con ai cũng không thấy mọi người xì xào mấy nữa.
* * *
Cái vụ cô Làn đi đẻ cũng chả giống ai. Ở đây thì chỉ vào đến bệnh viện tuyến huyện là hết nước chấm. Cô kêu khóc ông ổng từ cổng bệnh viện vào. Hôm đó là chủ nhật, chỉ có người trực ca.
Hơn 7 giờ tối nhập viện, xác định mổ từ lúc khám thai định kỳ vì sản phụ nhiều tuổi mới sinh con lần đầu. Nhưng chờ gọi đủ kíp mổ phải đến hai tiếng sau. Trong thời gian đó Làn la khóc chửi bới náo loạn cả bệnh viện.
Ừ thì biết làm sao? Người khôn ngoan người ta có ý thức còn cắn răng chịu đau. Đằng này cô cứ theo bản năng chả ai ngăn được. Gần nửa đêm ca mổ cũng thành công. Là bé trai, nặng 2,8kg. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Hết một tuần nằm viện, cô về nhà được sự giúp đỡ của mẹ và bà cô họ nên mọi việc chăm sóc mẹ và bé sau sinh không gặp trở ngại gì.
Lại nói về vụ xét nghiệm ADN. Nói là nói cho vui vậy thôi, ai đời bán thóc đi làm xét nghiệm? Dân quê lại ở miền núi nói đến xét nghiệm ADN nghe quá xa vời.
Cuối cùng cũng chả ai nhận làm cha đứa nhỏ. Mà nhà bà Lỡ cũng không yêu cầu truy cứu nữa.
Nhìn thằng cu Bi lớn lên mỗi ngày mũm mĩm dễ thương như niềm hạnh phúc trời ban lúc tuổi già. Ông bà còn mơ gì hơn nữa mà truy cứu?
Thời gian trôi nhanh tựa bóng câu qua cửa sổ. Mọi việc trong làng ngoài xóm vẫn bình yên. Ông bà Lỡ vẫn làm nghề truyền thống, cung cấp thực phẩm tươi sống cho dân làng. Còn cô Làn từ ngày có đứa con hủ hỉ nom cô trẻ ra đến vài tuổi. Lại gái một con, cơ thể đường cong rõ ràng nhìn hút con mắt.
Bất chợt một hôm có một sự việc xảy ra dẫn đến bước ngoặt trong cuộc đời cô Làn. Đó là chuyện ông Chẩn tự nhiên đến nhà chơi, mua rất nhiều đồ cho cu Bi. Khi đó thằng bé đã gần một tuổi. Nói về ông Chẩn là thương binh chống Tàu năm 1979. Nhà ông ở ngay đầu làng, cách nhà bé Bi vài trăm mét.
Tất cả mọi chuyện ông đều biết và chỉ đợi đến ngày hôm nay. Ông bị đạn pháo găm vào chỗ hiểm, khiến ông cả đời không thể làm cha. Bởi vậy ông không lấy vợ mà sống cùng cha mẹ già. Cha mẹ ông cũng về chầu tiên tổ đã gần chục năm. Kể từ đấy ông sống cô đơn vò võ một mình trong căn nhà gỗ của mẹ cha để lại.
Cuộc sống đạm bạc với đồng phụ cấp và chăn nuôi trồng trọt thêm trên mảnh vườn nhà. Ông đã nghĩ rất nhiều đêm. Ông thèm tiếng gọi cha, mà thằng bé dễ thương như thế lại không có ba để gọi. Ông Chẩn chỉ kém ông Đoành gần chục tuổi. Lúc này cả hai người gọi nhau bằng ông.
Sau khi nghe trình bày bà Lỡ thở dài, còn ông Đoành trầm ngâm suy nghĩ. Trong thâm tâm ông Đoành có phần nể phục ông Chẩn về con người và nhân cách sống. Bà Lỡ thì chỉ sợ mất con cháu. Khi nghe ông Chẩn nói rõ: Nếu ông bà đồng ý thì vẫn để cô Làn ở bên này, ông sẽ đi lại cả hai nhà. Vì bên ông còn bàn thờ hương khói cho các cụ.
Làm người ai chẳng muốn có đôi có lứa trọn vẹn. Hỏi ý kiến Làn thì cô chỉ cười tủm tỉm. Hai ngày sau bà Lỡ gọi ông Chẩn sang nói chuyện. Cuối cùng ông bà đồng ý tác thành cho con gái có đủ đôi.
Hai bên đi đến thống nhất chỉ làm đám cưới đơn giản thôi. Nhưng phần thủ tục lễ nghi vẫn phải đảm bảo, vẫn đón dâu về lễ bàn thờ cha mẹ. Vì nhà ông Chẩn cũng chỉ có một mình, còn ít bà con họ hàng ở xa ông cũng không báo tin.
Ông Chẩn về thắp hương kính cáo lên bàn thờ cha mẹ, rằng từ nay con đã có vợ con, có một mái ấm gia đình rồi, cha mẹ yên tâm nhé! Ông cũng ngăn phòng làm buồng cô dâu, trang trí thật đẹp.
Rồi một ngày đẹp trời, người ta thấy cô Làn rạng rỡ trong bộ áo cô dâu đi bên cạnh là người thương binh chất phác giản dị luôn được mọi người kính trọng, dắt theo thằng cu con kháu khỉnh.
Thế là từ nay Làn đã có chồng, cu Bi đã có cha. Cuộc đời bước sang một trang mới, còn mơ gì hơn nữa? Nhiều khi đời cứ tưởng không đẹp mà cuối cùng đẹp không tưởng. Hạnh phúc dẫu muộn màng nhưng rất đáng trân trọng. Mời các độc giả cùng nâng ly chúc mừng hạnh phúc cho họ nhé!
HẠNH PHÚC MUỘN MÀNG
Tác giả : Phạm Thành
Bài và ảnh sưu tầm