Giải oan muộn màng – Thương một mảnh đời bất hạnh, xót xa cho thân phận người dân Việt Nam xưa

Đã bốn; năm năm rồi người dân làng Dương Khê không ai còn lạ gì với hình ảnh bà Diễm- người đàn bà điên người mảnh khảnh còm cõi , lúc nào cũng ôm khư khư con búp bê, bên hông đeo cái giỏ tre khi thì lần mò quanh bốn ngôi mộ ngoài nghĩa địa cuối làng, lúc thì la hét om xòm đòi con, lúc thì hát ru con , hay khóc lóc thảm thiết..

Người dân trong làng đều biết rằng bà Diễm bị điên sau khi đứa con thứ tư của bà được chôn cất bên cạnh theo ba đứa anh chị nó khi nó chưa tròn ba tháng tuổi. Rồi bốn tháng sau chồng của bà cũng chết do bị bệnh xơ gan cổ chướng.

 

 

Tang trùng tang,một cú sốc cực lớn bảo sao bà Diễm không bị điên loạn!? Họ cũng chẳng hiểu sao tai hoạ khủng khiếp mà ông trời lại giáng xuống gia đình bà- gần chục năm trời mà bốn đứa con rồi chồng bà bỏ bà ra đi.

Họ chỉ biết lý giải bằng sự suy nghĩ nặng đầu óc phong kiến mê tín dị đoan – chắc gia tộc bên nội hay bên ngoại nhà bà kiếp trước ăn ở không ra gì giờ bị quả báo!?

Cũng có những lời bàn tán thêu dệt là ngôi nhà của vợ chồng bà làm trên nền đất nghịch! Ôi thôi thì đủ thứ…Rồi họ cũng cảm thông, giúp đỡ một phần nào khó khăn cho gia đình bà cho đến khi bà mất vào năm 1983.

Ngày ấy, năm 1967 làng Dương Khê được chứng kiến một đám cưới nếp sống mới rất vui nhộn tại cái sân kho HTX ở đầu làng vào một đêm trăng rằm tháng sáu. Chú dể là anh Phạm quang Trúc kết duyên cùng chị Trần thị Diễm ( người cùng xã ở làng bên).

Trai tài gái đẹp thật xứng đôi vừa lứa. Đặc biệt chị Diễm hát rất hay ( chị là cây văn nghệ của đoàn thanh niên xã nhà). Dân làng còn nhớ trong đám cưới chị Diễm hát tặng mọi người bài hát: Đường cày đảm đang- rất hay và ý nghĩa.

Thế rồi sau đám cưới ít ngày đôi vợ chồng trẻ Trúc- Diễm đã phải chia tay nhau. Anh Trúc lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu để lại cha già, mẹ yếu , ba em nhỏ và người vợ chưa ấm duyên.

Và từ đấy nỗi nhớ nhung da diết vợ chồng họ chỉ qua lại theo từng con chữ trong những bức thư gửi cho nhau. Rồi nỗi buồn, nỗi nhớ nhung ấy lâu cũng thành chai sạn, chị Diễm ở quê chăm lo ruộng đồng, phụng dưỡng cha mẹ chồng già yếu , anh Trúc biền biệt nơi chiến trường hòm tên mũi đạn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Đã có những lần Diễm sợ khóc khi nghĩ Trúc …vì ở làng có đám lễ truy điệu anh hùng liệt sĩ. Cứ thế chị sống trong cảnh cô đơn trong căn buồng nhỏ hẹp với nỗi buồn xen lẫn nỗi sợ vô thức…

Thế rồi vào một ngày cuối đông năm 1972 anh Trúc khoác ba lô xuất ngũ trở về nhà. Cả gia đình, họ hàng, bà con dân làng Dương Khê đến chúc mừng gia đình. Chị Diễm như đồng khô hạn gặp mưa rào vui khôn tả.

Người ta thấy chị ngày một như trẻ ra. Nét thanh xuân hoạt bát ngày nào nay lại trở về trên gương mặt chị…Và rồi cuối năm sau chị sinh hạ một bé trai. Thằng bé

sinh ra nặng không được nửa cân, yếu ớt, da tím tái và hơn một tuần sau thì nó mất. Chị đau buồn khóc mướt. Người ta bảo chị tuổi cao sinh nở đứa con đầu thường thế, khó sanh. Thế nhưng từ đó trở đi năm sáu năm sau chị sanh đứa con nào cũng vậy.

Đứa thứ hai vừa sanh ra đã mất, đứa thứ ba thì lại có ba cái tay ( một cái ở mông) nhìn đứa trẻ rất tội và sợ. Gia đình và vợ chồng chị Diễm rất hy vọng để hai ba năm con lớn lên rồi đi viện cắt bỏ cái tay thừa đó. Nhưng thằng bé cũng chỉ sống được sáu tháng rồi bỏ đi

theo anh chị nó. Thật là bi kịch. Thời gian này anh Trúc sức khỏe ngày một yếu đi. Gia đình hai bên cố gắng tìm mọi cách chạy chữa thuốc men cho cả anh và chị. Thậm trí còn đưa cả ông thầy về cúng bái giải hạn, yểm bùa chấn trạch…thôi thì đủ thứ ai nói gì thì làm theo. Vậy mà chị Diễm sanh nở đứa thứ tư này cũng vậy.

Đứa bé sanh ra lại thiếu hai cái chân, đầu thì to như cái giành tích và cũng chỉ được hơn tháng là nó mất. Nỗi đau khổ tột cùng, chị Diễm nằm khóc suốt mấy ngày trời chẳng thèm ăn uống. Mọi lời động viên an ủi đều vô ích.

Chị Diễm xinh đẹp ngày nào giờ đây tiều tụy ốm yếu như bà già sáu mươi. Gia đình hai bên đã đưa chị đi mấy bệnh viện để điều trị mà sức khỏe của chị vẫn không khá hơn chút nào. Đúng thời gian này thì anh Trúc lại lâm bệnh trọng. Bệnh viện đã trả anh về với căn bệnh xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối.

Và chỉ năm tháng sau là anh Trúc mất. Hôm an táng người chồng xong thì cũng là hôm chị Diễm phát điên. La hét, nhảy múa, vừa cười vừa khóc, múa may suốt cả ngày. Đặc biệt trên tay chị không lúc nào là không có con búp bê.

Chị bế bồng, hát ru, có lúc còn vạch bầu vú ấn đầu con búp bê vừa nựng vừa nói: con ngoan ăn no rồi ngủ nhé! Rồi chị ra nghĩa địa nơi có bốn đứa con của chị nằm đó mà khóc, cười, hát ru , la hét kể cả đêm hôm mưa nắng, giá rét. Mọi người nhìn thấy chị vừa thương vừa sợ.

Chị Diễm- người đàn bà điên suốt ngày như bóng ma làm cũng sống được bốn năm rồi mất, mặc dù được gia đình chữa chạy và chính quyền địa phương, người dân làng Dương Khê quan tâm giúp đỡ. Chị mất vào tháng ba âm lịch năm 1983 sau gần ba năm đứa con út và chồng chị mất.

Ngày ấy, trình độ dân trí dân mình còn thấp, đầu óc còn nặng nề mê tín dị đoan ( nhất là ở làng quê hẻo lánh) nên chỉ cho rằng gia đình chị Diễm, anh Trúc kiếp trước ăn ở không tốt nên quả báo, hay gia đình làm nhà trên đất nghịch…

Mãi sau này ( có lẽ) đến chục năm sau , khi giới y học phát triển mọi người mới biết được: Bốn đứa con của chị Diễm không ra hình người, không sống được là do bội nhiễm chất độc dioxin mà anh Trúc chồng chị nhiễm phải trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Và anh Trúc chồng chị chết khi tuổi đời mới ngoài năm mươi cũng vì chất độc đó.

Chiến tranh thật tàn khốc! Bao nhiêu mất mát đau thương mà nó đã để lại kể cả khi đã hòa bình . Cả những người không tham gia chiến đấu cũng phải gánh chịu.
Mà ở đó phụ nữ là người gánh chịu nỗi đau tâm hồn và thể xác là nặng nhất!

( hình ảnh ngôi nhà dột nát lấy trên mạng để diễn tả cảnh nghèo nàn gia đình chị Diễm, và để chống trôi). Bài viết nhằm khơi lại nỗi đau, mất mát do chiến tranh và nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7

Sưu tầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *