Đời cha ăn mặn, đời con… – Câu chuyên cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Tôi biết một cô rất xinh đẹp, chăm ngoan nổi tiếng mà nguyện “ở giá” tới già. Một lần cô kể ngày xưa đã từng yêu tha thiết một người, đã ăn hỏi rồi, còn vài tháng nữa cưới thì bố chú ấy bị tố cáo hi.ế.p d.â.m.

Bố cô ngay lập tức đòi chấm dứt, “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” mà. Chú ấy đi đâu cũng cúi mặt. Chú nói với cô: “Sống ở đây còn đau đớn hơn cả chết!”. Rồi chú ấy bỏ trốn khỏi làng.

Con của hiệu trường S.Đ.Xương đang theo dở ĐH cũng phải bỏ học giữa chừng. Chính ông Xương nghe tin cũng “chết điếng vì cứ nghĩ đơn giản “ai làm người đó chịu”, nào ngờ…

Hai con của phạm nhân trong vụ án nổi tiếng vợ gi.ế.t chồng cũng phải bỏ học. Hình ảnh giăng đầy các báo, người đời chỉ mặt xầm xì: “Nó kìa, mẹ nó gi.ế.t chết cha”. Hai bạn phải chuyển tới một trường ở một thành phố khác học nội trú.

 

 

L.V.L, em trai Lê Văn Luyện cũng phải bỏ nhà lang thang.

Một teen có ba vừa bị bắt đã tâm sự với tôi: “Ba bị giữ trong trại, hai anh em mình thì bị bỏ lại ngoài đời để trả lời những câu hỏi về ba, cho dù mình cũng chẳng hiểu tại sao ba lại làm thế.

Có lúc mình còn mong thà rằng bị tù, ngày 24 tiếng đồng hồ sau song sắt, còn hơn là bị vứt lại giữa đời để chịu những ánh nhìn ghê gớm của người làng”.

Quá quan tâm, giờ trở thành quá tò mò, chốc lát đã trở thành độc ác. Chỉ trỏ, thầm thì, kỳ thị… Rồi chúng ta vô tư đánh giá người khác theo những chuẩn mực riêng của mình.

Vì lạc hậu, chúng ta chỉ biết đánh giá một chiều. Vì thiển cận, chúng ta hay quy kết, dán nhãn, chụp mũ. Tất cả càng làm tăng thêm nỗi đau cho những người vốn đã đau lắm rồi. Có người không chịu nổi phải tự vẫn.

Khi làm bài viết này tôi đã gặp hai bác thẩm phán, nhưng các bác ấy đều không biết là phía sau vụ án gia đình người thân ly tán thế nào: “Tôi lo phân tích hồ sơ, xử đúng người đúng tội đã là mệt lắm rồi. Xong vụ này chúng tôi lại bắt tay vào ngay vụ khác, không còn thời gian”.

“Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Sau khi người đó lĩnh án, những người thân vô tội bị bỏ lại giữa thị phi, giữa dư luận độc ác. Dù có chạy trốn khỏi làng, thì với một bí mật đau đớn trong tim, họ cũng chẳng được bình yên.

Đâu phải lời nói nào gió cũng thổi bay? Những cái nhìn hiếu kỳ và phán xét của người đời nhiều khi còn sát thương hơn dao chém. Sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ án, quanh gia đình thủ phạm, theo kiểu sợi tóc chẻ tư, đôi khi độc ác và tàn nhẫn.

Nhớ vụ án ở nước Áo chấn động cả thế giới, người cha loạn luân Fritzl 73 tuổi nhốt con gái dưới hầm 24 năm để lạm dụng tình dục. Phóng viên tập trung dày đặc quanh nhà, với đầy đủ máy quay phim, chụp hình, truyền hình trực tiếp, nhưng chúng ta không hề nhìn thấy một bức hình nào của nạn nhân và 6 đứa con của cô ấy. Các bé đã được lập tức thay tên đổi họ, bí mật chuyển đi nơi khác để lớn lên không bị kỳ thị.

Tôi được biết, ở nhiều nước phát triển, báo chí chỉ đưa tin về người phạm tội, tuyệt đối không đả động gì tới người nhà, còn nếu có trích lời người thân hay bạn bè thì giấu tên. Người đọc văn minh thường không biết và cũng không có nhu cầu biết tới người nhà của họ.

Khi bất hạnh đột ngột đổ xuống, chính quyền chủ động tạo điều kiện để họ tạm lánh hoặc chuyển đi nơi khác. Thậm chí còn được đổi tên họ và giấy tờ tùy thân nếu yêu cầu.

Các quỹ phúc lợi cuả nhà nước sẽ trợ cấp chỗ ở, người bảo trợ, đảm bảo có thể bắt đầu cuộc sống lại từ đầu một cách không quá bi kịch. Thậm chí, họ còn có những “lối thoát an toàn”, ví dụ như home school, chỉ cần đi thi 1 lần để được lên lớp, tới cuối cấp bạn toàn quyền thi đại học!

Ở mình, sự quản lý lạc hậu, quyền riêng tư của mỗi người chưa đươc tôn trọng cũng góp phần làm chúng ta thêm nhẫn tâm. Nhiều vụ án, nhiều vụ tai nạn, hình ảnh người thân bị báo chí đăng quá chi tiết.

Ở mình, bản lý lịch, vốn đã rất chi tiết về bố mẹ, anh chị em, người thân, làm gì ở đâu… lại quá công khai, đi đâu cũng phải nộp, ai cũng có thể xem, nên cuộc sống của của mỗi người đều bị ảnh hưởng vì thân thế của họ.

Mỗi năm học, ngồi phụ cô làm sổ chủ nhiệm, hoặc đi ngang liếc qua sổ chủ nhiệm, là bạn nào, con ai, làm gì, mình đều có thể biết hết.

Thậm chí, khi ba mẹ ly hôn, nhiều người còn chỉ trỏ vào bọn trẻ rồi thì thầm ra vẻ rất giàu thương cảm, ái ngại “bố mẹ nó bỏ nhau”, “khổ thân chúng nó”, “tại sao bố mẹ cháu lại thế? Phải có lý do gì chứ?”. Hic hic… Tụi nó chả cần những tình thương đó đâu, món quà lớn nhất có thể cho nó lúc này là để nó được yên!

Và tôi cũng rất dị ứng với những hình chụp cận cảnh người nhà. Thậm chí sau những vụ tai nạn thương tâm, sẽ rất nhiều báo đăng hình các em bé con nạn nhân đội khăn tăng đứng khóc. Mất mát có thể sẽ nguôi ngoai, còn hình đã lưu vào google thì bao giờ xóa được?

Bản năng làm chúng ta tò mò, bản năng làm ta muốn biết tại sao có những cuộc đời chịu nhiều bất hạnh, ta cũng nóng lòng muốn biết cụ thể họ làm gì và như thế nào. Nhưng hãy nhẹ tay, “tránh động vào cây mùa lá rụng”.

Bạn ấy vừa qua một cơn bão lớn, hãy để bạn ấy được Bình Yên! Đừng chỉ trỏ, đừng thầm thì. Cũng đừng mua những tờ báo, đừng click vào những trang mạng khai thác quá mức nỗi đau của họ.
Trong rất nhiều trường hợp, im lặng đã là một món quà rồi.

Bởi vì, với những tâm hồn đang bầm dập, sự tôn trọng còn cần thiết hơn cả oxy để thở nữa, bạn ha!

Sưu tầm.

Theo Trần Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *