Đánh tráo số phận kỳ 1

Mọi bi kịch của cuộc đời tôi từ khi người chồng đầu tiên của mẹ tôi là một chiến sỹ cách mạng không trở về. Ông tham gia cách mạng từ năm 1930-1931, bị lưu đày ở Côn Đảo rồi tham gia vượt ngục và hy sinh giữa trùng khơi. Lúc đó mẹ mới có mỗi chị gái tôi, bà sống rất cực bởi những hiềm khích của chính quyền sở tại lúc bấy giờ vì bà là vợ của một Cộng sản, bản thân mẹ tôi cũng tham gia hoạt động cách mạng.

Chồng mất, mẹ tôi khủng hoảng tinh thần, lại thêm chuyện suốt ngày bị theo dõi, mẹ bỏ tổ chức, nản lòng nhắm mắt đi bước nữa với cha tôi, ông là một người thuộc con dòng cháu giống đã thi đỗ Tam trường. Trước khi lấy mẹ tôi, ông đã có 2 vợ và 8 con. Mẹ tôi là người phụ nữ nhan sắc, ông đã để mắt từ lâu. Mẹ về làm vợ cha tôi, sinh thêm 2 anh em. Tôi là con út ít của bà.

Mẹ tôi chấp nhận làm lẽ ông Hội đồng tỉnh, chỉ mong tìm được cuộc sống bình yên, để được bảo lãnh khỏi bị Tây trả thù. Cuộc sống đầm ấm không được bao lâu thì cha tôi bị một tai nạn chết bất đắc kỳ tử khi tôi mới tròn 5 tuổi. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cả đất nước đổi đời. Nhưng do những điều kiện riêng tư và rất đặc thù, cuộc sống của mấy mẹ con tôi lại thêm một lần nữa rơi vào cảnh khốn đốn. Bố mất, gánh nặng gia đình dồn đổ lên vai, mẹ quang gánh chạy chợ buôn bán lặt vặt: “Đòn triêng cán cổ chợ Lường, chợ Gay/ Bán buôn dăm mớ trầu cay/ Cau dăm ba chục, vỏ chay mấy vòng”.

Một thanh niên cường tráng, có nghị lực, có học hành không được thỏa chí tung hoành khi đất nước lâm nguy, khi mà câu cửa miệng: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” làm cho tôi rất buồn nản, bất đắc chí. Người yêu tôi cũng mệt mỏi vì số phận long đong của tôi nên đã sang ngang đi lấy chồng. Buồn tủi và uất chí, tôi phó mặc sống chết, không bao giờ xuống hầm mặc cho bom rơi đạn nổ.

Có một lần tôi suýt chết vì một quả bom sát thương 5 tạ thuốc nổ rơi cách chỗ tôi 15 mét, làm cho kho thóc hợp tác xã và ngôi nhà của mẹ con tôi cạnh đó chỉ còn là một đống nát vụn. Tôi bị sức ép, thổ huyết mũi, mồm, hậu môn. Mẹ tôi ôm tôi khóc, van xin tôi phải sống cho tử tế, cho nên người, bởi nếu tôi có bề gì mẹ sống không nổi.

Sau ba tháng hoàn hồn, tôi xin mẹ 100 đồng và quyết ra đi. Mẹ tôi không hỏi tôi đi đâu, làm gì, bà lần ruột tượng đưa tiền cho tôi và khóc. Mẹ nói: “Ra đi tìm đường ráng sống cho đàng hoàng nghe con. Mẹ chờ con trở về”.

Đó là một đêm tối trời, lạnh lùng, mưa dầm gió bấc cuối năm 1966. Tôi cuốc bộ theo quốc lộ số 7 về điểm Okm trong tiếng bom ầm vang và pháo sáng Mỹ rọi đường. Tôi đi được 42km, mệt quá ngã mình trong căn nhà vô chủ cạnh đường 1A, gần cầu Bùng, bấy giờ vào khoảng 4h sáng. Nằm bắc tay qua trán trằn trọc không biết đi đâu về đâu thì một tốp dân quân khoác súng đi tuần tra vào kiểm tra giấy tờ.

Tôi không có giấy tờ tùy thân nên họ buộc tôi phải trở về nơi xuất phát nếu không muốn bị bắt vì tôi không chứng minh được mục đích đi đâu, thân nhân thế nào nên không thể biết chắc tôi là thường dân, hay biệt kích, gián điệp của Mỹ – quân đội Sài Gòn”.

Sau một tiếng đồng hồ giải thích, khuyên bảo tôi, gần sáng, họ đưa tôi ra đường và bảo tôi cứ ngược Lường theo hành lang đường 7 mà trở về nhà. Tôi vâng dạ, đi được một lúc rồi nép mình suy nghĩ. “Quay 180 độ vào Nam, nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Nếu không được cống hiến mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước, thân làm trai như tôi cảm thấy nhục và buồn lắm. Nghĩ thế, tôi càng quyết tâm ra đi. Đường dưới chân, bạ đâu là nhà, ngã đâu là giường, cứ thế tôi đi mải miết.

Thế rồi số phận đã đẩy tôi đến một quyết định táo bạo thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi đi đến bờ sông Gianh, trong một đêm tranh tối tranh sáng cùng bộ đội và thanh niên xung phong bị máy bay và tàu chiến từ ngoài biển của giặc oanh kích cấp tập, tôi bị thương khá nặng trong đám hỗn quân đó. Trước khi mê man bất tỉnh, tôi còn đủ tỉnh táo để thực hiện một kế hoạch kinh khủng nhất.

Bên cạnh tôi, có một đồng chí bộ đội bị thương rất nặng, chỉ còn thoi thóp thở, tôi đã lạy đồng chí ấy mấy lạy và bảo: “Đồng chí ơi, đằng nào đồng chí cũng không sống được, trường hợp đồng chí mất tích trong chiến tranh gia đình vẫn được hưởng chế độ liệt sỹ, còn tôi, tôi không có cơ hội nào cả nếu đồng chí không cho tôi xin bộ quần áo bộ đội mà đồng chí đang mặc, tôi sẽ không có cơ hội đi đánh giặc. Tôi muốn vào quân đội, muốn được phục vụ Cách mạng, đồng chí ơi”.

Tôi nói vậy rồi cởi bộ quân phục trên người của đồng chí bộ đội ấy và đổi quần áo của tôi cho anh ta. Làm xong việc ấy tôi mê man luôn. Không biết bao lâu sau nữa thì tôi tỉnh lại. Tôi thấy mình đang nằm trong một lán trại rất nhiều thương binh đang điều trị. Hỏi ra mới biết tôi đang được điều trị tại trại an dưỡng thương binh T V- D T- Hà Nam.

Khi tỉnh lại, các đồng chí ở trại an dưỡng đã đề nghị tôi khai lại lý lịch quân nhân vì trong lúc bị thương, tôi mất hết ba lô giấy tờ. Trong chiến tranh bom đạn hỗn loạn, việc một người lính đi lạc đơn vị, hay mất hết giấy tờ là chuyện có thể hiểu được, thông cảm được. Vì vậy cơ hội ngàn vàng đã đến với tôi.

Tôi khai lại lý lịch quân nhân và được cấp thẻ thương binh tạm thời. Sức khỏe hồi phục tôi xin được khoác ba lô trở về đơn vị cũ. Tôi kịp ghi lại số thẻ quân nhân, đơn vị của người lính kia nên khi khai, tôi khai đúng đơn vị đó và bịa ra là đơn vị tôi đang chiến đấu ở Quảng Trị.

Lần này, tôi trở lại sông Gianh với tư cách là một người lính thực thụ. Trong lòng tôi vừa sung sướng vừa tự hào, lại vừa day dứt khi nghĩ đến số phận của người lính đã bị tôi đánh tráo bộ quân phục. Song niềm tin rằng đồng chí ấy nếu sống thì sẽ tìm lại được đơn vị cũ, nếu chết thì chắc chắn trường hợp mất tích trong chiến tranh thể nào cũng được chế độ là liệt sỹ cho nên tôi cũng an lòng. Với lại, thẻ quân nhân của đồng chí, tôi vẫn để trên túi áo ngực, không thể nào có chuyện gì xấu xảy ra với đồng chí ấy.

Đến Thanh Hóa, tôi gặp một đơn vị bộ đội đang hành quân vào phía Nam, tôi xin gia nhập đoàn quân. Tôi báo cáo với các anh Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng ở đó rằng đơn vị tôi đang trên đường hành quân vào phía Nam thì tôi bị thương, được đưa ra Bắc chữa trị. Bây giờ tôi bị lạc đơn vị không biết đâu nữa mà tìm. Các anh vui vẻ nói với tôi: “Người lính cầm súng chiến đấu thì đơn vị nào cũng có thể trở thành ngôi nhà của mình. Đồng chí cứ ở đây, để tôi báo cáo lên cấp trên cho phép đồng chí được gia nhập quân số vào đây”.

Vậy là tôi gia nhập vào đoàn quân tiến vào chiến trường Tây Nguyên tháng 4/1967 và đến tháng 8/1967 thì tôi đã có mặt ở chiến trường Tây Nguyên. Vốn sẵn thông minh, nhanh nhẹn, với lòng dũng cảm tôi làm quen với súng đạn rất nhanh và trở thành một người lính chuyên nghiệp thực thụ chiến đấu trên khắp chiến trường Tây Nguyên.

Cứ thế tôi tiến sâu vào chiến trường miền Nam, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tôi được đề bạt lên Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tôi tiếp tục xung phong theo đơn vị tình nguyện đi chiến đấu ở Campuchia. Tôi tiếp tục lăn lộn trên khắp chiến trường lập nhiều chiến công xuất sắc. Năm 1980, tôi bị thương nặng lần thứ hai và được trực thăng đưa về bệnh viên quân đội ở TP Hồ Chí Minh chữa trị.

Ra viện, tôi xin chuyển ngành và được phân công công tác ở phòng tổ chức nhân sự của nhà máy Dệt ở TP Hồ Chí Minh. Trước khi vào làm việc, tôi khoác ba lô ngược đường ra Bắc về thăm nhà.

Vậy là sau 15 năm, kể từ ngày tôi lầm lũi ra đi trong sự bế tắc khủng hoảng, bây giờ tôi mới có dịp trở về nhà, đàng hoàng và ngẩng cao đầu. Suốt 15 năm ấy, nén nỗi nhớ thương mẹ, thương anh, không dám viết thư về nhà, không một dòng tin tức vì ám ảnh trong tôi là một nỗi sợ mơ hồ, sợ chính quyền địa phương ở nhà sẽ lật tẩy lý lịch của tôi. Thật ra tôi cũng đã quá ấu trĩ trong suy nghĩ non nớt vụng dại ấy.

Lẽ ra tôi phải viết thư về cho mẹ, báo cáo với chính quyền tôi đã gia nhập theo những người lính hành quân vào chiến trường rồi, thì không có vấn đề gì cả. Tất cả chỉ là do tâm lý lo sợ của tôi. Chính sự bưng bít giấu giếm của tôi khiến ở nhà mọi người nảy sinh nghi ngờ tôi đi theo địch. Điều đau đớn hơn cả, mẹ tôi không chịu nổi lời thị phi, đời bà cũng đã đau khổ quá nhiều rồi, sống lay lắt được mấy năm mỏi mòn chờ đợi tin của tôi, bà đã sinh bệnh rồi mất.

Khi tôi trở về, mẹ đã mất được 5 năm, quê hương làng xóm đã thay đổi. Xã đứng ra tổ chức một cuộc liên hoan bánh kẹo rất to ở ngay trụ sở UBND xã để đón tôi, ăn mừng tôi, một người con của xã đã vượt lên số phận trở thành một dũng sỹ diệt Mỹ mang lại niềm tự hào cho quê hương, làng xóm nay đã trở về.

Tôi ở lại thăm mộ mẹ, thắp hương cho bố, cho gia tộc, thăm thú họ hàng đúng 1 tháng rồi mới khăn gói trở vào Nam. Tôi làm việc tốt trở thành phó giám đốc, rồi lên giám đốc nhà máy. Tôi luôn ưu ái tất cả những ai là con em thương binh liệt sỹ, hay những quân nhân rời quân ngũ tôi đều nhận vào nhà máy và tạo cho họ một công ăn việc làm. Và cũng là để trả ơn một người lính mà tôi không nhìn rõ mặt đã cho tôi một cơ hội đổi đời.

Một năm sau, tôi lấy vợ sinh con. Vợ tôi là một thợ dệt trong nhà máy. Chúng tôi có hai con, một trai một gái. Khi đã ổn định cuộc sống, chỉ sau đó 3 năm, năm 1983 tôi bắt đầu hành trình tìm lại người lính năm xưa đã cứu cả cuộc đời tôi, người lính mà tôi đã tước đoạt của anh ta một phần sự thật.

Những năm tháng vào sinh ra tử, tôi hiểu một điều rằng, người lính sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, sẵn sàng chết trong vinh quang chứ không bao giờ chịu đầu hàng địch, không chết nhục và sẽ đau khổ bao nhiêu nếu bị hiểu lầm. Trong thẳm sâu mơ hồ, tôi sợ việc tôi xin bộ quân phục năm xưa của người lính bị thương nặng, rất có thể vì một lý do nào đó, ví như tôi để thẻ quân nhân của anh không cẩn thận trong túi áo ngực, hoặc lỡ ra loạn lạc như vậy anh thì bị thương nặng, rơi mất thì sao, hoặc ti tỉ những lý do nào đó mà người lính ấy mất đi tất cả thì cuộc đời tôi làm sao có thể thanh thản và hạnh phúc được. Vì thế tôi đã quyết tâm lần theo trí nhớ, đi tìm lại người lính ấy, cho dù anh ta có thể đã hy sinh trong khoảnh khắc đó rồi. Nếu vậy, bằng mọi giá tôi cũng sẽ tìm về đến nhà anh, cúi đầu lạy anh trước bàn thờ.

Kính thư N.L.Đ
Theo : Dũng Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *