Chuyện về thằng Côi – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Tên nó trong giấy khai sinh là Trần Anh Dũng. Ngày nó ra đời, bố mẹ đã chọn một cái tên thật đẹp để dành cho nó. Nhưng rồi, cái tên ấy nó chỉ được cô giáo gọi khi ở trường và nằm trong sổ sách hồ sơ.

Cả cái làng đất bãi ven sông này, mọi người đều gọi nó là thằng Côi vì nó mồ côi mẹ khi mới được ba tháng tuổi và bố nó thì bỏ đi khi chưa cúng cơm mẹ nó đủ bảy tuần.

Ông bà ngoại chỉ có một mình mẹ nó nên bố nó lấy mẹ thì về ở rể. Ông ngoại nó mất lâu rồi, từ ngày bà ngoại còn trẻ lắm, đâu mới ngoài đôi mươi. Tưởng rằng cuộc sống sẽ ấm áp hơn khi gia đình nhỏ của bà ngoại có thêm thành viên mới. Ai ngờ, một cơn đau đầu dữ dội đã cướp mẹ nó đi khi chưa kịp trăng trối điều gì.

 

 

Ngày đưa mẹ nó ra đồng, trời mưa to lắm, nước ngập cả đường làng. Mọi người dò dẫm đẩy xe tang trong tiếng khóc xé lòng của họ hàng bà con cô bác. Bà ngoại ở nhà, ngất lên ngất xuống. Nó ba tháng tuổi, được người lớn đội lên đầu vành khăn trắng, ngơ ngác nhìn , có biết gì đâu?

Nó được gọi là thằng Côi từ đấy. Và rồi theo dần năm tháng, Côi lớn lên bằng nước cơm, nước cháo và những hộp sữa mà bà ngoại nó dành dụm chắt chiu, trong đó có cả tấm lòng của những người đời tốt bụng. Cứ như vậy, nó lên một, lên hai, rồi đi nhà trẻ, mẫu giáo cho bà đi làm và lên sáu tuổi nó vào lớp một.

Trường tiểu học của xã cách nhà gần một km. Nhữnng ngày đầu, hai bà cháu lững thững dắt nhau đi bộ. Sau này, nó tự đi một mình. Có người thương, dừng lại cho đi nhờ, nó nhẹ nhàng từ chối:

– Da. Cháu cảm ơn bác ( cô ). Cháu tự đi được ạ!

Nhìn cái dáng nhỏ bé khuôn mặt hiền lành dễ thương, giọng nói nhẹ nhàng lễ phép, ai cũng khen bà nó mát tay.

Ở trường, ban đầu nó nhút nhát lắm. Khi ra chơi, các bạn nô đùa, nó đứng trong lớp nhìn ra, lặng lẽ.

Cô giáo đến bên nó, nhẹ nhàng :

-Sao con không ra chơi cùng các bạn ?

– Dạ… Thưa cô.con …con… Nó ngập ngừng không nói hết câu.

Cô giáo như hiểu được nỗi ngại ngùng của đứa trẻ mồ côi, nó chưa thể hoà đồng mạnh dạn như các bạn cùng lớp. Cô cầm lấy tay nó, dắt đến bên các bạn:

– Nào , các con cho bạn chơi cùng với nào !

Các bạn nắm tay cùng nó vui đùa. Dần dần, nó đã cởi mở , chan hòa hơn . Các bạn cũng bắt đầu yêu quý và gần gũi nó.

Cứ như vậy, khuôn mặt của nó dần bớt đi vẻ lặng lẽ, ánh mắt bớt dần vẻ đăm chiêu, nụ cười trên môi dần nở nhiều hơn trước. Và bây giờ thì khẩu hiệu treo ở trường ” mỗi ngày đến trường là một niềm vui ” đã thực sự hiện hành trong nó.

Đến năm Côi học lớp ba, một hôm đi học về, nó hớn hở khoe với bà về vết bầm dập trên đầu gối.

– Bà ơi, con biết đi xe đạp rồi. Bạn Ngọc Anh cho con mượn xe và tập cho con đấy !

– Thế sao chân lại tím thế ?

– Tại bạn bỏ tay ra cho con tự đi. Thế là con ngã, nhưng mà không sao ! Con biết đi rồi !

Nó vui lắm, nó biết đi xe đạp. Điều đó có nghĩa là nó sẽ được tự chở bạn trên con đường tới trường khi khuôn mặt bạn mướt mát mồ hôi, sẽ cảm thấy đỡ áy náy hơn khi bạn vừa cho đi nhờ xe vừa lại phải mất công đèo nó.

Bạn Ngọc Anh mà nó nói tới là một bạn gái, ở gần nhà, làm lớp trưởng, thường quan tâm và giúp đỡ nó rất nhiều. Ở bên Ngoc Anh, nó cảm nhận được tình cảm thân thương mà các bạn giành cho nó, một đứa trẻ thiếu vắng đi tình cảm của mẹ, của cha.

Mới học lớp ba thôi mà nó đã biết giúp bà bao nhiêu là viêc. Bà ra đồng,nó ở nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Bà ra bãi, nó theo bà làm cỏ, bỏ phân cho ngô, cho lạc. Bà làm việc gì nó cũng làm theo, tỉ mỉ, cần mẫn và chỉn chu như người lớn.

Ở gần nhà, có anh hay đi quăng chái, thả lưới bắt cá, tôm, cua. Mỗi lần đi, anh đều gọi nó đi cùng. Nó lũi cũi theo anh, mắt chăm chú dõi nhìn, nhặt những con cá, con tôm, con cua bỏ vào trong giỏ. Và lúc về, anh lại chia cho nó ” chiến lợi phẩm ” thu được để bà cháu cải thiện những bữa ăn.

Thời gian cứ thế dần trôi, một đứa bé mồ côi như nó đã có suy nghĩ già hơn trước tuổi.

– Bà ơi ! Sau này cháu lớn, cháu làm nuôi bà, bà không phải vất vả nữa!

– Đợi đến lúc ấy thì chắc tôi cũng xuống lỗ rồi anh ạ?

– Không, bà phải sống thật lâu, hơn một trăm tuổi ấy.

– Cha bố nhà anh, tôi làm sao mà sống được như vậy?

Bà mắng yêu nó và trên khuôn mặt đầy nếp nhăn đã giãn ra vì hạnh phúc.

Năm học lớp năm, nó tham gia cuộc thi giải toán qua mạng. Nhà không có máy tính, bạn lớp trưởng nhân hậu lại chung sức đồng hành. Nó sang nhà bạn, cùng nhau trao đổi, hỏi nhau những gì chưa hiểu.

Thế rồi, được cô chủ nhiệm bồi dưỡng, chỉ bảo, dìu dắt, nó đã lần lượt vượt qua các đối thủ, vào vòng chung kết. Kết quả là nó đã được huy chương vàng của giải quốc gia.

Khỏi phải nói là mọi người vui đến mức độ nào, nhất là các bạn cùng lớp và cô chủ nhiệm . Ai cũng đều đến chúc mừng. Cô hiệu trưởng đến gần bế bổng nó lên, ( vì nó gần như bé nhỏ, còi nhất lớp) hôn lên vầng trán thông minh của nó, nghẹn ngào, xúc động

– Chúc mừng con, một cậu bé mồ côi đầy nghị lực.

Tổng kết cuối năm học, bà nó cũng được mời đến dự. Khi nghe tên cô tổng phụ trách đội đọc tên Trần Anh Dũng, bà nó ngơ ngác, có biết là nó đâu? Đến khi nhìn nó chững chạc trong bộ đồng phục bước lên khán đài, bà mới giật mình: thì ra là nó, thằng Côi của bà.

Bà xúc động, mắt ầng ậc nước, miệng lẩm bẩm: tên cháu bà, thằng Côi bé nhỏ của bà là Trần Anh Dũng.

Nó được lĩnh nhiều giải thưởng lắm : của nhà trường, của hội phụ huynh, của ban khuyến học, của quỹ học sinh nghèo vượt khó… Đặc biệt là nó được một doanh nghiệp tại địa phương tặng chiếc xe đạp mi ni Nhật. Nó vui lắm. Từ đây nó không phải đi nhờ bạn nữa. Nó đã có chiếc xe đạp của riêng mình để thong dong đến trường cùng các bạn.

Hôm nay , nó được thay mặt các bạn phát biểu cảm tưởng trong buổi lễ. Trong bài phát biểu,nó nói lời cảm ơn tới tất cả các đoàn thể, nhà trường, cô giáo và các bạn luôn đồng hành cùng nó trên một chặng đường dài để nó có được thành công như ngày hôm nay.

Và đặc biệt là bà ngoại, người đã chắt chiu từng giọt nước cơm, nước cháo, xin từng giọt sữa để cho nó đụoc nên vóc, nên hình. “Bà ngoại ơi, con cảm ơn bà nhiều lắm lắm. Con yêu bà!”.

Mọi người lặng đi, có cả những âm thanh thổn thức và những giọt nước mắt lăn dài trên má người dự lễ theo từng lời nhỏ nhẹ, nghẹn ngào của nó.

Dư âm của buổi lễ tổng kết năm học vẫn còn đọng mãi ở cái ngôi làng nhỏ bé yên bình thân thương của nó. Đến chỗ nào người ta cũng hỏi han bàn tán.

-Thằng Côi đấy, vừa ngoan, vừa giỏi. Trời thương, bõ công bà nó lặn lội chắt chiu nuôi nấng bao ngày.

-À, mà này tên nó không phải là thằng Côi, tên nó là Trần Anh Dũng đấy!.

Tác giả: Trần Thị Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *