Cái nghĩa cái tình – Xúc động câu chuyện về tình đồng đội cao cả và sâu sắc

Vợ Thoan đang sắp xếp ba lô cho chồng thì mẹ của Cường sang , bà ngập ngừng :

-Anh Thoan này ,anh là bạn chiến đấu với Cường lại biết nơi em nó hy sinh , nhưng để anh đi một mình tôi áy náy quá . Phải cái nhà tôi neo người , lại đang giữa ngày mùa ngày màng thế này ….

– Bác cứ yên tâm , cháu sẽ cố gắng tìm ra nơi Cường nằm . Đi tháng này thuận lợi nhiều vì trong ấy đang là mùa khô bác ạ !

Thế là ba lô lộn ngược ,Thoan trở lại chiến trường xưa .

 

Xuống xe lửa ở ga Huế , Thoan đi ô tô khách ngược lên miền Tây . Cái thung lũng xưa bạt ngàn lau lách , loang lổ đạn bom đã xanh mướt mát .

Con đường rải nhựa phẳng phiu rộng rãi nằm vắt lên hai con đèo trấn giữ hai đầu thung lũng nhìn thật đẹp . Hai bên đường những dãy nhà mới dựng khang trang , một thị trấn đã hình thành đông vui nhộn nhịp .

Làm việc với huyện đội Thoan được biết khu vực Cường hy sinh bây giờ thuộc địa phận nước bạn Lào . Để công việc thuận lợi các anh ấy giới thiệu Thoan tìm gặp Lai là xã đội trưởng hiện đang ở bản Tà – Rụt .

Huyện đội trưởng còn cho ô tô đưa Thoan hết đường cái lớn , lội suối , leo dốc hai tiếng đồng hồ đi bộ nữa mới tới bản . Cứ như lời anh ấy thì Lai là thổ công của vùng này , bản Tà – rụt cũng là khu dân cư gần biên giới nhất .

Bản người Pa- cô đã khác nhiều , nhà cửa được làm chắc chắn vì dân đã bỏ tập quán du canh du cư . Nhà xã đội trưởng vắng ngắt , Thoan tháo ba- lô sà vào bếp lửa . Nhà của người Pa – Cô nào cũng thế , bếp lửa âm ỉ suốt ngày .

– Chào đồng chí , tôi đang đánh cá ngoài suối , dân bản bảo có người vào nhà , có phải đồng chí tìm tôi không ?

– Vâng tôi được huyện giới thiệu…Thoan bỗng kêu lên : Có phải mày không , Lai ! Đen đi nhiều nhưng tao vẫn nhớ .

– Anh là Thoan à ? Hai người ôm nhau cười nói oang oang nhưng mắt người nào cũng ầng ậc nước .

– Anh lặn lội vào tận đây tìm tôi chắc là có việc gì quan trọng lắm phải không ?

– Việc gì cũng để sau , mày phải cho biết tại sao mày lại là xã đội trưởng ở cái xã Tà- Rụt heo hút này !

Đấy là mùa mưa năm 1971 , đơn vị vận tải bộ của binh trạm vắng hẳn vì sốt rét nhiều quá . Huyện đội cho du kích bổ sung .

Lai là trung độ trưởng được cử sang phụ trách hơn bốn chục du kích cả nam cả nữ . Kan Luông là cô gái trẻ đẹp nhất , là người Pa Cô nhưng cô không cưa răng , căng tai , không hút thuốc rê khét lẹt .

Thật lạ là sống giữa một dân tộc đen đúa , chắc nịch như cây lim , cây gụ mà Kan Luông lại trắng trẻo mảnh mai như người thành phố . Lúc đầu là tình thương , Lai thương Kan Luông như em gái của mình .

Anh buộc gùi giúp cô , dắt cô qua những đoạn đường cheo leo , thỉnh thoảng còn gùi đỡ hàng cho cô nữa . Những ngày mưa tầm tã , anh lấy quần áo của mình cho cô mặc tạm khi mà quần áo của cô còn hong trên bếp lửa .

Sau hai tháng vất vả , nhiệm vụ vận chuyển hàng hoàn thành cũng là lúc tình yêu đến với họ . Cái lý lẽ của tình yêu thật khó hiểu nhưng với Kan Luông thì đơn giản :

– Mình thương Lai nhiều lắm , nhưng không cho anh được đâu , cho một lần nó quen đi không giữ được nữa , nó làm tổ trong bụng mình thì xấu hổ lắm , đoàn thể kỷ luật biết làm sao được.

Nói là vậy nhưng lại không phải vậy , cái gì đến vẫn cứ đến , họ đã cho nhau và đã quen không dứt ra được . Rồi đến một ngày Kan Luông nói với Lai là nó đã làm tổ trong bụng của mình.

Kỷ luật ngày ấy với chuyện này là nặng lắm. Lẽ ra phải tước quân tịch trả về địa phương , nhưng đang ở chiến trường nên Lai bị hạ cấp , cách chức và phân công làm chiến sỹ giữ kho .

Giọng Lai trầm xuống :

– Tôi không buồn vì kỷ luật , mình làm mình chịu , nhưng không lẽ cứ để Kan Luông như vậy . Tôi đánh bạo xin đơn vị cho cưới cô ấy làm vợ . Cũng không hình dung nổi cuộc sống sau này sẽ ra sao , chỉ vì thương quá mà cưới thôi .

Bàn bạc mãi đơn vị cũng đồng ý . Thế là tôi với Kan Luông về sống cạnh kho vũ khí vừa trông kho vừa làm rẫy nuôi nhau . Tôi nói thế vì Kan Luông chẳng có tiêu chuẩn gì , tôi lại giữ kho vũ khí nên không có cái gì cho vào bụng được .

Anh cũng biết đấy , vũ khí là rất quan trọng nhưng chả ai lấy cắp làm gì , chỉ có gạo , muối , lương khô , thịt hộp mới cần trông coi cẩn thận .

Đầu năm 1972 họ sinh được bé trai kháu khỉnh đặt tên là Lâm . Mặt trận chuyển dần xuống đồng bằng , kho vũ khí lại ở xa heo hút nên rất ít người qua lại . Thỉnh thoảng mới có đoàn vận tải đến nhận hàng ồn ào một lúc rồi lại biến đi , thành thử cả một khoảng rừng chỉ có ba con người cặm cụi bên nhau .

– Đơn vị đến nhận hàng cuối cùng là ngày 28/12/1972 .

– Sao cậu nhớ rõ thế !

– Tôi quên sao được . Hôm ấy cả đại đội vận tải bộ , chính là đại đội cũ của tôi mang lệnh của binh trạm trưởng đến nhận bộc phá cho công binh mở đường .

Vừa dừng chân thì bị một loạt bom tọa độ hy sinh tại chỗ năm người . Đại đội tổ chức mai táng ngay cạnh kho , thế là từ đấy tôi vừa trông kho vừa chăm sóc phần mộ năm người bạn cũ .
– Sau đó đơn vị không quay lại nữa sao ?

– Có , có nhưng mãi cuối năm 1975 không hiểu vì sao người ta nhớ ra ở đây còn kho vũ khí và cho người khuân ra đường tuyến ‘ chất lên ô tô chở về tỉnh đội . Cũng phải gần một tháng mới xong .

Một tháng trời đấu tranh dai dẳng với bao ý nghĩ giằng xé khiến Lai rộc hẳn đi . Thương chồng , Kan Luông không muốn chồng trở lại đơn vị , cô sợ anh đi mất . Lai hiểu và thương vợ nhưng hoà bình rồi không lẽ cứ sống lang thang mãi .

Thuyết phục mãi anh mới được vợ đồng ý cho theo chuyến xe cuối cùng về đơn vị cũ . Nhận được quyết định ra quân , anh lại ngược lên rừng đưa hai mẹ con về Bắc . Được một thời gian vì quê hương đất chật người đông nhân một đợt phát động đi xây dựng vùng kinh tế mới , anh xin với xã đưa cả nhà trở lại mảnh đất đã nuôi dưỡng tình yêu của họ .

– Nói là như vậy thôi , nhưng có hai lý do khiến tôi quay lại mà tôi chưa thổ lộ với ai , hôm nay gặp anh tôi cho anh biết luôn – Lai bỗng trở lên hóm hỉnh : Thứ nhất là tôi thương Kan Luông quá , cô ấy không hợp với quê mình , làm cái gì cũng lóng ngóng cũng sợ hỏng , lúc nào cũng tỏ vẻ sợ sệt không dám nhìn thẳng vào ai .

Tuy không đòi về nhưng nhiều lần tôi bắt gặp cô ấy khóc một mình . Khi biết tôi có ý định quay lại chiến trường xưa Kan Luông vui vẻ hẳn lên . Điều thứ hai khiến tôi không yên tâm phải quay lại chính là năm ngôi mộ liệt sỹ .

Trước khi đi tôi cũng đã báo cáo đơn vị nhưng không biết đã tìm thấy chưa ? Khi đi vội quá , tấm sơ đồ mộ chí vẫn còn ở đáy ba lô , anh tính núi rừng thay đổi như thế không có sơ đồ chắc gì đã tìm được !

Lai trở lại chiến trường xưa , việc đầu tiên là ngược dốc , lội suối tìm ra cái nền nhà kho cũ . Từ đây anh ước lượng để tìm mấy ngôi mộ . Anh không tin vào mắt mình nữa , năm ngôi mộ vẫn còn nguyên , vậy là chưa có ai tìm đến đây .

Việc ổn định nhà cửa , nương rẫy anh giao cả cho hai mẹ con . Lai mang tấm sơ đồ cùng tên tuổi các liệt sỹ đến sở LĐTBXH tỉnh , anh chờ bằng được để dẫn đường đoàn công tác đến bốc và đưa hài cốt về nghĩa trang dưới đồng bằng .

Giọng Lai trở lên nhẹ nhõm :

– Xong cái việc lớn đó tôi bắt tay vào lo cuộc sống lâu dài .

– Tối rồi sao không thấy vợ con cậu đâu ?

– Anh không gặp may rồi . Vợ tôi xuống Huế với vợ chồng thằng Lâm để chăm sóc cháu nội . Chả là thằng Lâm học xong ra làm việc rồi lấy vợ luôn dưới đó , chúng nó vừa sinh con trai .
– Thế còn những đứa khác chả lẽ …..

– Có đứa nào nữa đâu , chỉ mỗi thằng Lâm thôi . Nghĩ cũng lạ thật , ngày ấy cứ dấm da dấm dúi mà lại dễ có con , sau này sao mà khó thế , mong mãi chả được , cứ nhắc đến chuyện này là Kan Luông lại buồn .

– Thế sao vợ chồng không về cả dưới xuôi mà ở

– Nếu thích ở dưới xuôi thì việc gì vợ chồng tôi phải vào đây ! Tôi là người Pa Cô rồi , mà người Pa Cô thì không xa núi rừng được . Với lại tôi ở đây vẫn còn có ích cho đồng đội ngày xưa , biết đâu lại có những người cần tìm đến như anh chẳng hạn .

– Tôi chịu ông ! Bây giờ là việc của tôi . Chả là cái hôm đơn vị quay lại kho nhận bộc phá mình bị ốm nên cử đông chí đại đội phó đi thay . Trong số anh em hy sinh có cậu Cường người làng mình . Hoà bình rồi , Cường đã có giấy báo tử nhưng hiện mai táng ở đâu thì vẫn chưa biết . Mẹ Cường có ý nhờ mình , thu xếp mãi bây giờ mới đi được .

– Thế là anh yên tâm rồi . Cường đã được đưa về dưới xuôi , anh cứ ở đây chơi với tôi vài tuần , sau đó về sở LĐTBXH gặp ban chính sách các anh ấy sẽ cho biết nghĩa trang Cường nằm , khi nào thuận tiện thì chuyển về quê ngoài đó .

Nói là ở chơi cả tuần , nhưng chỉ sau vài ngày theo Lai lên rẫy , ra suối bắt cá Thoan đã thấy nóng ruột . Ngày mai anh quyết định quay về thành phố . Đêm chia tay sao mà dài đến thế , chuyện vãn một lúc Lai đã ngáy vang nhà .

Thoan thì không sao chợp mắt được , chả biết đến khi nào anh mới trở lại nơi đây , nơi những đồng đội của anh đã chia tay chiến tranh về xây dựng cuộc sống ở mọi miền đất nước .

Những người hy sinh đã được yên nghỉ dưới đài TỔ QUỐC GHI CÔNG hết cả chưa hay vẫn còn ai đó nằm dưới ngàn lau (!) Bất giác ý nghĩ của anh lại quay về bên Lai , một người bạn lính bình thường , giản dị đã trụ lại với đất đai chiến trường cũ vì tình yêu , vì những người còn nằm lại hay còn vì những điều gì khác nữa…?

Tác giả : Nguyễn Phú Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *