Biến hoạ thành phước – Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

Vừa bước vào phòng công chứng tôi đã nhận ra ngay hai ông bà ấy. Họ đang đứng chờ tôi đến để làm thủ tục sang tên nhà. Mặc dù đã tròn hai mươi lăm năm tôi chưa gặp lại, tôi không thể nào quên được nét mặt của hai ông bà này mặc dù bây giờ họ tiều tụy và không còn vẻ kiêu hảnh của những người nhà giàu của ngày xưa.

Ngày đó tôi là một thằng bé con mười tuổi nghèo đói, nhưng bây giờ nó đã là một doanh nhân tạm gọi là thành đạt, nên hai ông bà kia không thể nhận ra nó.

Xong phần thủ tục ở phòng công chứng, chúng tôi đưa nhau ra ngân hàng để làm thủ tục chuyển tiền. Điều làm tôi ngạc nhiên là người nhận tiền không phải là hai ông bà đứng tên nhà, mà là một người thứ ba… hình như không phải là họ hàng thân thích của họ.

Sau đó, chúng tôi đi thẳng đến khu dân cư sang trọng của quận bảy để làm thủ tục cuối cùng là giao nhận nhà.

Với vẻ mặt u sầu, ông chậm rãi nói:
“Anh cho phép chúng tôi gửi lại toàn bộ đồ trang trí nội thất, vì chỗ chúng tôi thuê chỉ là một phòng trọ nhỏ, giá ba triệu một tháng, nên không có chỗ chứa. Bán đi thì tiếc quá, giá rẻ như cho. Nếu mai này chúng tôi may mắn làm ăn được thì tôi đến xin lại, còn như…thì chúng tôi xin tặng toàn bộ lại cho anh.”

Không kềm được xúc động, ông vừa khóc vừa nói
“Phải chi tôi có thằng con như anh thì đỡ khổ. Thằng con của tôi nó ham mê cờ bạc. Bao nhiêu tiền bạc vốn liếng chúng tôi chắt chiu cả đời, nó đem nướng vào những sòng bạc ở Kam Pu Chia. Hết tiền nó lén lấy sổ hồng nhà đi thế chấp cho bọn cho vay nặng lãi. Anh xem, tụi tôi bán nhà chứ có được đồng xu nào đâu.”

Tôi quay sang hỏi ông
“Thưa bác, bác chỉ có một người con trai sao?”
Bà nhanh nhẩu trả lời
“Vâng, chúng tôi chỉ có mỗi mình nó.”

Cay đắng tôi ngồi lặng thinh, nhưng hình ảnh hai mươi lăm năm trước vẫn còn đậm nét trong trí nhớ của tôi…
… Vâng, chính ông ấy là ba của tôi. Ông đã ra đi, bỏ lại mẹ già và một thằng con trai năm tuổi cho người vợ chăm nom để theo người đàn bà giàu có này. Mẹ tôi vất vả làm đủ thứ nghề để nuôi mẹ chồng và đứa con nhỏ. Năm tôi lên mười tuổi, bà nội tôi bị thương nặng trong một tai nạn xe cộ trên một chuyến xe đò về quê phải phẩu thuật, mẹ tôi đã đưa tôi đến xin tiền của ông để trang trãi. Đứng trước mặt người vợ mới, hình như để làm vừa lòng bà ấy, mặt ba tôi lạnh lùng, lớn tiếng nói:

“Bà muốn xin tiền ư? Hai mẹ con bà tự lo lấy. Một xu cũng không. Cái thân bà lo cho ba miệng ăn mà cũng không xong nữa làm sao mà làm giàu cho được nói chi đến làm giàu. Bà dẫn thằng nhỏ về đi. Đừng đến đây phá hoại hạnh phúc gia đình tôi? Bà không biết xấu hổ sao mà còn đến đây?
Vợ tôi không như bà. Cô ấy vừa giỏi giang biết làm ăn biết lo toan mọi thứ”.
Bà ấy tiếp lời chồng
“Bà đã nghe rõ chưa mà còn đứng đó. Nhìn lại bà xem có gì để có thể so sánh với tôi không mà nhận ông ấy là chồng.”

Tuy còn bé nhưng tôi không thể nào im được nên cố cãi lại
“Thưa ba, hai mẹ con của con đến đây để xin tiền viện phí cho mẹ của ba, chứ không phải để tranh giành con người của ba.”
“Bốp”, ba tôi đã cho tôi một cái tát như trời giáng vào mặt . Bà ấy chu chéo
“Bà đem cái thứ mất dạy đó đi ra khỏi nhà tôi ngay.”
“Dạ tôi xin lỗi ông bà. Tôi hứa sẽ dạy dỗ nó lại.”
Nói xong mẹ tôi kéo tôi đi..

Lời nói như dao cắt vào ruột gan tôi cùng vẻ mặt lạnh như tiền của ông ngày ấy, dù tôi cố gắng quên, nhưng không thể nào quên được.

Tôi ngước lên nhìn thấy ông đang khóc. Bỗng dưng tôi nhớ đến những lời mẹ thường dạy tôi trong cách đối nhân xử thế. “Hãy biến họa thành phúc, đừng biến phúc thành họa”.
Tôi đứng lên nắm chặt tay ông, nói:
“Thưa hai bác, hai bác cứ ở lại ngôi nhà này. Cháu và mẹ cháu đã có hai căn nhà mặt phố rồi. Mẹ cháu ở đó đã quen. Chắc mẹ cũng không muốn dời đổi chỗ”.
Hai ông bà cùng lên tiếng
“Cậu, cậu nói thật à?”
“Dạ, cháu nói thật. Cháu cũng cho hai bác thuê với giá ba triệu một tháng.”
Tôi từ giả ông bà, lái xe thẳng về nhà.

Mẹ tôi ra mở cổng. Bà cười hỏi

“Sao? Nhận nhà chưa? Mẹ con mình đến dọn dẹp cúng kiến cho phải đạo.”

Tôi im lặng đi thẳng vào nhà. Tôi nhìn mẹ, không biết bắt đầu câu chuyện ra sao. Tôi có nên nói toàn bộ sự thật cho mẹ biết hay giấu kín? Và bà sẽ phản ứng ra sao với quyết định của tôi..?

“Mẹ ơi, hôm nay mẹ cho con ăn gì nè?”
“Con có gì giấu mẹ phải không?

Biết mẹ nhân hậu và tinh tế nên sau vài phút ngập ngừng tôi quyết định kể cho mẹ nghe toàn bộ sự việc. Nghe xong, mẹ cười thật tươi nói

“Con xử lý đúng ý của mẹ. Ông ấy không còn nhớ gì về mẹ con mình thì hãy để ông ấy quên. Nếu ông biết được người mua nhà là con, ông sẽ xấu hổ mà bỏ đi thì tội cho ông ấy. Con hãy xem đây là cơ hội để mình “làm phước”. Mẹ luôn dạy con

“ Biến họa thành phước, chứ đừng biến phước ra họa.” con hiểu chứ. Dù sao thì ông ấy vẫn là ba của con, nếu con ruồng rẫy ba của mình thì con là một đứa con bất hiếu. Họa sẽ ập đến. Trái lại, con giúp ông ấy là một việc làm phước đức.”

“Mẹ ơi, bây giờ con muốn chính mẹ “ biến họa ra phước nè. Ba bỏ mẹ là họa phải không?

Nhưng ông chồng không tốt bỏ mình là tạo cơ hội cho mình lấy một ông chồng tốt hơn. Mẹ chỉ có năm mươi bảy tuổi thôi, vẫn còn xinh tươi sung sức lắm, mẹ bước thêm bước nữa với Bác Tiến ở cạnh nhà mình đi.”

“Cái thằng quỷ này, mày không lo cưới vợ để mẹ mày có cháu nội ẳm bồng mà còn đi chọc ghẹo má mày hả?”.
Hai mẹ con tôi cùng phá ra cười thật to…

“BIẾN HỌA THÀNH PHƯỚC”

Bài & ảnh sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *